Thêm một dự án đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin

Diễn đàn - Ngày đăng : 07:52, 04/11/2015

Nhằm nâng cao năng lực về CNTT và kỹ năng khởi nghiệp cho thanh niên Việt Nam, Trung tâm “Đào tạo CNTT và sáng kiến khởi nghiệp cho thanh niên” mang ý nghĩa thiết thực, giúp mở rộng cơ hội việc làm cho giới trẻ hiện nay. Dự án này nằm trong khuôn khổ Thỏa thuận hợp tác giữa Microsoft Việt Nam và Bộ Khoa học Công nghệ.

Dự án “Trung tâm đào tạo CNTT và Sáng kiến khởi nghiệp cho thanh niên" đã chính thức khởi động vào sáng ngày 19/9/2012 tại trường Đại học Bách Khoa Hà Nội.Dự án này nằmtrong khuôn khổ Thỏa thuận hợp tác giữa Microsoft Việt Nam và Bộ Khoa học Công nghệ (Bộ KHCN).

Tham dự lễ ra mắt dự án và thảo luận bàn tròn về chủ đề "Đào tạo CNTT vàsáng kiến khởi nghiệp cho thanh niên” có ông Chu Ngọc Anh - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công Nghệ, Ngài David B. Shear - Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Vũ Minh Trí - Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam, ông Jamie Harper – Tổng Giám đốc Microsoft khu vực Đông Nam Á , ông Nguyễn Trọng Giảng – Hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin Truyền thông và các tổ chức liên quan.

Dự án hướng đến mục tiêu tạo môi trường thuận tiện cho thanh niên thực hành kỹ năng CNTT. Quan trọng hơn, Dự án giúp nâng cao nhận thức của các bên liên quan về vai trò của CNTT trong đào tạo, sáng tạo và khởi nghiệp nhằm tăng cường năng lực cho thanh niên về CNTT cũng như các kỹ năng tìm việc, khởi nghiệp trong tương lai. Thí điểm tại trường Đại học Bách Khoa Hà nôi trong vòng 2 năm từ tháng 4/2012 đến tháng 2/2014, dự án nhận được bảo trợ công nghệ từ hãng Microsoft, hãng Sony và được triển khai bởi Trung tâm Vietnet-ICT và Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông thuộc đại học Bách Khoa Hà nội.

Ông Chu Ngọc Anh, Thứ trưởng Bộ KH&CN phát biểu tại Lễ ra mắt Trung tâm

Theo số liệu của Tổng cục thống kê Việt Nam, tầng lớp thanh niên, nhóm tuổi từ 15 -24 tuổi, luôn là nhóm có tỉ lệ thất nghiệp cao nhất ở Việt Nam. Tỉ lệ này tăng đáng kể từ 5% vào năm 1997 đến thời điểm hiện tại là khoảng 7%.Con số thống kê mới nhất từ Bộ Lao động Thương binh Xã hội và ILO cũng cho thấy nhóm tuổi 15 đến 24 chiếm hơn một nửa, tương đương 50,4 % lượng thất nghiệp toàn quốc. Những thanh niên có hoàn cảnh khó khăn ở vùng nông thôn chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong lượng thất nghiệp. Thiếu kỹ năng để lập nghiệp và môi trường thúc đẩy sáng tạo là một trong những lý do khiến thanh niên khó xâm nhập vào thị trường lao động. Đây chính là cơ sở để Microsoft cùng phối hợp với các đối tác nhằm xây dựng và triển khai dự án này.

Ông Chu Ngọc Anh, Thứ trưởng Bộ KH&CN, cho biết: “Một số chương trình KH&CN quốc gia đã và đang hình thành một cách có hệ thống, theo hướng đột phá vào một số ngành KH&CN mũi nhọn, công nghệ cao, trong đó CNTT&TT là một trong những lĩnh vực ưu tiên hàng đầu. Đây cũng là lĩnh vực quan trọng mà trong đó giới trẻ có thể biến niềm đam mê sáng tạo thành động lực và cơ hội để lập thân, lập nghiệp bằng trí tuệ và sức vóc của mình”.

Dự án được trang bị một phòng lab đặt tại Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông, Đại học Bách Khoa Hà Nội, với 26 máy tính chất lượng cao được Sony và Microsoft tài trợ, cài đặt các phần mềm mới nhất của Microsoft. Các sinh viên được chọn lựa sẽ chia làm 2 nhóm: Nhóm thứ nhất gồm 400 người sẽ được đào tạo về CNTT với 16 tiết đào tạo về CNTT cơ bản, 16 tiết còn lại đào tạo về kỹ năng tìm việc và khởi nghiệp. Các sinh viên này sẽ có cơ hội tham gia một chương trình thực tập từ 4-8 tuần tại các tổ chức, doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực khác nhau. Nhóm thứ hai sẽ được tham gia các hoạt động sau với hai loại hình đào tạo: Kỹ năng công nghệ thông tin nâng cao và Kỹ năng khởi nghiệp và quản trị doanh nghiệp cơ bản.

Phòng lab đặt tại Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Đại học Bách Khoa Hà Nội

Ngoài ra, 50 sinh viên tài năng được chia nhóm, phát triển các ứng dụng dựa trên công nghệ theo sự hướng dẫn của các hướng dẫn viên. Các sản phẩm ứng dụng có tiềm năng sẽ được ưu tiên giới thiệu tới các vườn ươm công nghệ. Cả hai nhóm sẽ tham gia các hoạt động như Ngày hội nghề nghiệp, Hội thảo về Quản trị doanh nghiệp để có cơ hội giao lưu với các doanh nghiệp, tổ chức và các nhà tuyển dụng.

Ngài David B. Shear - Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, đặt nhiều kỳ vọng vào sự thành công của dự án:“Trong giai đoạn CNTT phát triển như vũ bão như hiện nay, không ai có thể đoán trước đượcý tưởng mới sẽ xuất hiện từ đâu. Với dự án vừa được khởi động bởi Microsoft và Đại học Bách khoa Hà Nội, chúng ta hy vọng rằng, những ý tưởng mới sắp tới sẽ xuất hiện từ Việt Nam”.

“Trung tâm Đào tạo CNTT và Sáng kiến khởi nghiệp cho thanh niên”là ví dụ về hợp tác công – tư (PPP) trong đào tạo nguồn nhân lực CNTT, hứa hẹn sẽ mang lại nhiều lợi ích cho những thanh niên Việt Nam được tham gia vào chương trình có thể lập nghiệp thành công.Ông Nguyễn Trọng Giảng, Hiệu trưởng trường đại học Bách Khoa, nhấn mạnh: “Chúng tôi hy vọng các bài học từ dự án sẽ góp phần thúc đẩy tinh thần sáng tạo, đưa ra các mô hình đào tạo phù hợp cho thanh niên và mở rộng khái niệm cũng như tác động dự án ra tới các đơn vị đào tạo khác”.

Ông Nguyễn Trọng Giảng, Hiệu trưởng trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, ông Chu Ngọc Anh, Thứ trưởng Bộ KH&CN và ông Vũ Minh Trí, Tổng Giám Đốc Microsoft Việt Nam cắt băng khai trương Trung tâm

Chia sẻ tại buổi lễ, ông Vũ Minh Trí, Tổng Giám Đốc Microsoft Việt Nam, cho biết: “Chúng tôi thật sự mong muốn hỗ trợ thanh niên Việt Nam, đặc biệt là những bạn có hoàn cảnh khó khăn có cơ hội tiếp cận công nghệ, các kỹ năng cần thiết để có thể khởi nghiệp và tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy sáng tạo để thanh viên có thể thành công trong tương lai. Chúng tôi rất tâm huyết với dự án này và mong muốn hợp lực với các đối tác để đạt được mục tiêu đặt ra là 70% học viên được đào tạo sẽ tìm được việc làm trong các doanh nghiệp hoặc khởi nghiệp trong vòng 6 tháng sau khi tốt nghiệp các trường chuyên môn”.

CNTT không chỉ là một ngành công nghiệp mà còn là một nền tảng giúp nâng tầm các ngành công nghiệp khác của Việt Nam, tạo ra hiệu quả lao động, sự kết nối và sự an toàn cần thiết cho một nền kinh tế tri thức, cạnh tranh và hội nhập. Bên cạnh hiệu quả về số lượng và chất lượng sinh viên được đào tạo tại Trung tâm, Dự án sẽ chỉ ra, những bài học kinh nghiệm, tính hiệu quả về mô hình Trung tâm sáng tạo để Việt Nam có thể hoàn thiện và nhân rộng mô hình trong thời gian tiếp theo.

Mạnh Vỹ