CÔNG NGHỆ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG VIỆT NAM NĂM 2011

Đời sống xã hội - Ngày đăng : 07:44, 04/11/2015

Công nghệ Thông tin và Truyền thông (CNTT & TT) Việt Nam đã những bước phát triển nhanh chóng và là một trong những ngành có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất và tác động sâu rộng đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Năm 2011, mặc dù nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn do tiếp tục chịu những ảnh hưởng tiêu cực của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, lĩnh vực CNTT&TT vẫn tiếp tục phát triển và đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) đã công bố phát hành Sách Trắng về CNTT&TT Việt Nam năm 2012. Cuốn sách được Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông xuất bản, là tài liệu chính thức của Ban Chỉ đạo Quốc gia về CNTT và Bộ TT&TT, cung cấp thông tin và số liệu về hiện trạng ngành CNTT&TT Việt Nam năm 2011. Trong đó một số thành tựu nổi bật chủ yếu của ngành CNTT-TT năm 2011 bao gồm:

Đẩy mạnh tiêu dùng sản phẩm và dịch vụ CNTT thương hiệu Việt được chú trọng

Từ năm 2011, Chương trình Phát triển sản phẩm và dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) thương hiệu Việt bắt đầu được Bộ TT&TT triển khai nhằm phát huy lòng yêu nước thông qua việc xây dựng văn hoá tiêu dùng sản phẩm CNTT Việt Nam và tạo thị trường cho các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm và dịch vụ CNTT chất lượng, đủ sức cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Đây là một trong những nội dung quan trọng hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Bộ Chính trị và thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/02/2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, đồng thời thúc đẩy phát triển công nghiệp CNTT nhằm triển khai Đề án Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT&TT.

Theo nhận định trong Sách trắng, chương trình đã là cầu nối để gắn kết và chia sẻ lợi ích giữa các cơ quan quản lý nhà nước với các doanh nghiệp CNTT Việt Nam cũng như doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài và cộng đồng người tiêu dùng Việt Nam, cụ thể:

- Đối với các cơ quan quản lý nhà nước: Chương trình đã khái quát bức tranh toàn cảnh về tình hình thị trường sản phẩm và dịch vụ CNTT tại Việt Nam, đề xuất những giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhằm tạo điều kiện thuận lợi và nâng cao lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp CNTT Việt Nam. Những thông tin bổ ích này sẽ đóng vai trò quan trọng để các cơ quan quản lý xây dựng các chương trình hỗ trợ phù hợp trong những năm tiếp theo.

- Đối với các doanh nghiệp CNTT Việt Nam: Chương trình là cơ hội giúp doanh nghiệp đề đạt yêu cầu, nguyện vọng với cơ quan quản lý nhà nước; tạo điều kiện để doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm phát triển, quảng bá hình ảnh và tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh.

- Đối với người tiêu dùng: Thông qua Chương trình, nhiều sản phẩm và dịch vụ CNTT thương hiệu Việt tiêu biểu, chất lượng đã được giới thiệu tới người tiêu dùng Việt Nam. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp CNTT cung cấp các thông tin đầy đủ, chính xác về doanh nghiệp và sản phẩm của mình tới cộng đồng người tiêu dùng Việt Nam, để vận động, khuyến khích mua và sử dụng các sản phẩm và dịch vụ CNTT thương hiệu Việt.

- Đối với nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài: Chương trình đã phân tích tiềm năng phát triển của thị trường CNTT Việt Nam đặc biệt là thị trường cho các sản phẩm đặc thù, phục vụ cho các chuyên ngành riêng biệt còn khá dồi dào. Chương trình chính là cơ hội lý tưởng cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp nước ngoài tham gia đầu tư, liên doanh với doanh nghiệp CNTT Việt Nam trong hoạt động sản xuất kinh doanh sản phẩm và dịch vụ CNTT tại Việt Nam.

Có thể thấy, các triển lãm về sản phẩm và hàng tiêu dùng CNTT trên cả nước đã diễn ra thường xuyên trong năm. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên có một chương trình xúc tiến sản phẩm và dịch vụ thương hiệu Việt trong lĩnh vực CNTT-TT. Việc đẩy mạnh các chương trình kích tiêu dùng và quảng sản phẩm, dịch vụ CNTT trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế đồng thời tìm kiếm, khai thác tiềm năng dồi dào của thị trường CNTT trong nước.

Công nghiệp CNTT vẫn trên đà tăng trưởng mạnh

Theo số liệu trong Sách trắng, thành tựu nổi bật của ngành CNTT-TT chính là sự tăng trưởng mạnh mẽ của lĩnh vực công nghiệp CNTT. Lĩnh vực tiếp tục khẳng định là ngành kinh tế quan trọng, đã và đang tạo ra nhiều việc làm cho xã hội, đóng góp ngày càng tăng vào tăng trưởng GDP của cả nước.

Tỷ lệ tăng trưởng doanh thu công nghiệp CNTT Việt Nam (Nguồn: Sách trắng 2012)

Tổng doanh thu công nghiệp CNTT năm 2011 đạt 13,7 tỷ USD, tăng 79% so với năm 2010. Trong đó, doanh thu từ công nghiệp phần cứng đạt 11,3 tỷ USD chiếm tới 82 % tổng doanh thu của ngành công nghiệp CNTT, tăng 101% so với năm 2010.

Sự tăng trưởng này cũng phản ánh rõ khi tổng kim ngạch xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện và thiết bị viễn thông đạt trên 10,89 tỷ USD tăng hơn 92,2% so với năm 2010, và đặc biệt tổng kim ngạch xuất khẩu đã cao hơn nhập khẩu 428 triệu USD. Doanh thu xuất khẩu cao nhất thuộc nhóm mặt hàng điện thoại di động đóng góp tới chiếm 60% tổng kim ngạch.

Hình 1: Doanh thu công nghiệp phần cúng và Kim ngạch xuất nhập khẩu CNTT-TT

(Nguồn: Sách trắng 2012)

Mặc dù tốc độ tăng trưởng công nghiệp phần mềm và công nghiệp nội dung số không cao hơn những năm trước nhưng vẫn đạt doanh thu lần lượt là 1,17 tỷ USD và 1,16 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng tương ứng là 10 % và 25%. Sự tăng trưởng này phần nhiều là do doanh thu phần mềm và dịch vụ trên mạng di động và games online vẫn tăng trưởng ổn định.

Xét về thị trường tiêu dùng, mặc dù gặp khó khăn, trong giai đoạn 5 năm qua, tiêu dùng CNTT đạt mức 2,9 tỷ USD năm 2011 gấp hơn 2 lần so với năm 2006 với giá trị 1,4 tỷ USD, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 16,7%/năm. Thị trường sản phẩm phần cứng vẫn chiếm chủ yếu tỷ trọng trong cơ cấu chi tiêu tại Việt Nam với tỷ trọng cao nhất năm 2006 đạt 88% so với 12% của 2 lĩnh vực còn lại. Tuy nhiên, tỷ trọng này ngày càng giảm do tiêu dùng phần mềm và dịch vụ CNTT ngày càng tăng lên. Tỷ trọng tiêu dùng phần cứng đến năm 2011 chỉ còn chiếm khoảng 84% đạt 2,4 tỷ USD. Đáng chú ý nhất, thị trường smartphone Việt Nam đạt mức tăng trưởng 44% và dự đoán trong năm 2012 sẽ vượt lên mức 51%.

Hình 2: Thị trường CNTT trong những năm qua (Nguồn: IDC)

Tại Việt Nam, hai đối tượng chủ yếu đóng góp tỷ trọng lớn cho thị trường CNTT là doanh nghiệp và người dân chiếm trên 90% đầu tư mua sắm cho các sản phẩm và dịch vụ CNTT, trong khi khối cơ quan Chính phủ chỉ khiêm tốn dưới 10%. Tuy nhiên, cơ cấu chi tiêu có sự thay đổi rõ rệt. Cụ thể, năm 2007, tiêu dùng CNTT trong doanh nghiệp đạt 970 triệu USD chiếm 67,2% trong khi tiêu dùng CNTT của người dân và Chính phủ tương ứng là 335 triệu USD chiếm 23,2%139 USD chiếm 9,6%. Đến năm 2011, tiêu dùng của khối doanh nghiệp đạt 1,4 tỷ USD chỉ chiếm 49,6% trong khi tiêu dùng của người dân là 1,2 tỷ USD (chiếm 41%) còn Chính phủ chỉ là 246 triệuUSD (chiếm 8,5%). Xét về cơ cấu chi tiêu các ngành kinh tế, ngành truyền thông tiêu dùng cao nhất chiếm 32,47% sau đó là ngành ngân hàng với 18,24%.

Hình 3: Cơ cấu chi tiêu ngành CNTT (Nguồn: IDC)

Phát triển các dịch vụ di động và Internet tại Việt Nam vẫn còn rất nhiều tiềm năng

Số lượng thuê bao điện thoại di động và số người sử dụng Internet không ngừng tăng nhanh với mức tăng trưởng bình quân trong vòng 05 năm trở lại đây tương ứng là 31,3%/năm và 14,64%/năm. Đến cuối năm 2011, sự tăng trưởng số thuê bao điện thoại di động và người sử dụng Internet có chững lại do sự bão hòa về thị trường, đạt tốc độ 14% và 14,2%. Đặc biệt, số lượng thuê bao truy nhập Internet qua mạng di động 3G đã đạt được con số khá ấn tượng với hơn 16 triệu thuê bao vào cuối năm 2011, chiếm trên 80% tổng số thuê bao Internet băng rộng.

Hình 4: Số thuê bao di động Việt Nam (Nguồn: Sách trắng 2012)

Việt Nam luôn được đánh giá là quốc gia có tăng trưởng mạnh về số người dùng Internet. Năm 2009 Việt Nam xếp thứ 6 về số lượng người sử dụng Internet, sang năm 2010 và đầu năm 2011 xếp thứ 7 xếp sau Phillipines với 27,9 triệu người dùng. Đến cuối năm 2011, Việt Nam trở lại vị trí số 6 với 30,5 triệu người sử dụng. Việt Nam cũng xếp thứ 11 châu Á về số người sử dụng mạng xã hội facebook với 3,1 triệu người sử dụng.

Hình 5: Số người sử dụng Internet (Nguồn: Sách trắng 2012)

Phát thanh - truyền hình Việt Nam phát huy vai trò thúc đẩy ngành CNTT-TT

Theo số liệu thống kê trong Sách trắng, hệ thống phát thanh, truyền hình đã phát triển mạnh, phủ sóng khắp lãnh thổ và cung cấp dịch vụ đa dạng, phong phú đến người dân trên khắp đất nước với 67 đài phát thanh - truyền hình. Dịch vụ truyền hình trả tiền cũng đang phát triển khá nhanh. Truyền hình cáp vẫn là dịch vụ có số lượng nhà cung cấp đông nhất (47) và số thuê bao nhiều nhất (2,5 triệu). Truyền hình số mặt đất với 5 nhà cung cấp và 2 triệu thuê bao trong khi truyền hình số vệ tinh mới chỉ có 3 nhà cung cấp với 500.000 thuê bao. Công ty TNHH Truyền hình Số vệ tinh (VSTV) vẫn chiếm áp đảo thị phần thuê bao dịch vụ hình truyền hình số vệ tinh (60%) trong khi thị phần lớn nhất về dịch vụ truyền hình cáp thuộc về SCTV (48%).

Đặc biệt, xu hướng hội tụ của ngành CNTT&TT kết hợp với lợi thế Việt Nam đã phóng thành công vệ tinh VINASAT-2 sẽ tạo điều kiện đưa thông tin, chính sách của Đảng và Nhà nước tới đông đảo người dân vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, sự phát triển của phát thanh truyền hình cũng dẫn tới sự nở rộ các dịch vụ nội dung số và viễn thông hỗ trợ thúc đẩy các lĩnh vực khác để phát triển ngành.

Ứng dụng CNTT tiếp tục được đẩy mạnh

Ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước ngày càng được đẩy mạnh, đóng góp tích cực vào công cuộc cải cách hành chính. Tính đến tháng 12/2011, hầu hết các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ và tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã có trang/cổng thông tin điện tử cho phép người dân có thể truy cập, khai thác thông tin mọi lúc, mọi nơi. Tổng có 98.439 dịch vụ công trực tuyến mức 1 và mức 2, 860 dịch vụ công trực tuyến mức 3 và 11 dịch vụ công trực tuyến mức 4 đã sẵn sàng để cung cấp cho người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các bộ, ngành cũng đang tích cực đẩy mạnh đầu tư và triển khai các dự án dịch vụ công trực tuyến có giá trị như Dự án hộ chiếu điện tử, Dự án hiện đại hóa hành chính thuế… Những dự án này sẽ tạo đà thúc đẩy ứng dụng CNTT&TT đồng bộ vào các lĩnh vực trọng yếu khác như giáo dục, ngân hàng, giao thông vận tải, an ninh công cộng, v.v..Việt Nam cũng là một trong số nước được Liên Hợp Quốc đánh giá cao về ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước.

CNTT&TT vẫn là ngành thu hút đông đảo sinh viên theo học

Trong nhiều năm trở lại đây, hệ thống đào tạo nguồn nhân lực CNTT&TT tiếp tục mở rộng về quy mô và hình thức đào tạo với 290 trường đại học và cao đẳng có đào tạo về CNTT&TT năm 2011 (tăng 13 đơn vị so với năm 2010) trên tổng số hơn 400 trường trên toàn quốc. Trong khi đó, tổng số chỉ tiêu tuyển sinh CNTT&TT là 64.796 người (tăng trên 4000 chỉ tiêu so với năm 2010). Cả nước đã có 41.908 sinh viên CNTT&TT tốt nghiệp, 173.107 sinh viên đang tiếp tục theo học và 55.197 sinh viên được tuyển chọn.

Năm 2011 đánh dấu sự khó khăn của nền kinh tế nhưng cũng thể hiện sự nỗ lực của ngành CNTT&TT trong bối cảnh đó. Để vượt qua khủng hoảng, thoát khỏi suy thái kinh tế, ngành CNTT&TT Việt Nam CNTT cần phải cần phải tiếp tục tận dụng triệt để những tiềm năng và lợi thế sẵn có của mình trong đó phải kể đến đội ngũ nhân lực dồi dào, trẻ và năng động. Quan trọng hơn, Chính phủ Việt Nam cần sát cánh và chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp thông qua những hỗ trợ kịp thời, tìm những giải pháp, hướng đi phù hợp, tạo cho ngành phát triển ổn định, phục vụ đắc lực sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.