Quyết tâm đấu tranh với thông tin xấu, độc hại
Diễn đàn - Ngày đăng : 22:36, 03/11/2015
Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn- Ảnh: VGP/Thúy Hà |
Thưa Thứ trưởng, thời gian qua, trên mạng Internet xuất hiện nhiều trang blog cá nhân với những thông tin xuyên tạc, bịa đặt, chống phá Đảng và Nhà nước, nhằm chia rẽ Đảng và nhân dân. Năm 2015, Bộ TT&TT sẽ triển khai những giải pháp gì để tiếp tục ngăn chặn những luồng thông tin xấu độc hại trong không gian mạng?
Thứ trưởng Trương Minh Tuấn: Sự phát triển mạnh mẽ của không gian mạng vừa đem lại những lợi ích thiết thực cho người sử dụng, nhưng cũng gây ra một số tác hại không thể lường trước.
Hiện nay, trên mạng xã hội, nhất là các trang blog cá nhân, có một số blog chống đối quyết liệt Đảng và Nhà nước ta, nói xấu lãnh đạo, ví dụ như gần đây nhất có một số blog như Dân làm báo, Quan làm báo… và hàng loạt blog khác.
Với những thông tin độc hại, nếu chúng ta không kịp thời ngăn chặn giải quyết sẽ gây tác động rất lớn đến tâm tư, nguyện vọng và tình cảm của người dân, gây sự hoài nghi trong xã hội. Chính vì vậy, thời gian qua, Bộ TT&TT đã phối hợp với các cơ quan chức năng đấu tranh ngăn chặn các hoạt động xấu trên các blog cá nhân.
Đối với mạng xã hội, chúng ta không có chủ trương ngăn chặn. Tuy nhiên với những trang blog xấu, ngoài các biện pháp kỹ thuật thì chúng tôi đã khuyến cáo các cơ quan báo chí tăng cường thông tin chính thống để đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc của các blog cá nhân phản động, đặt máy chủ từ bên ngoài. Các thông tin chính thống cần phải đi trước và chính xác thì mới ngăn chặn được những thông tin ngoài lề.
Đồng thời, các cơ quan báo chí cũng cần nâng cao nghiệp vụ cho phóng viên, biên tập viên, nhất là đào tạo những phóng viên giỏi để có thể đấu tranh trực diện trên mạng. Muốn như vậy, phóng viên cần phải giỏi về công nghệ thông tin cùng với "bút sắc, lòng trong" thì đấu tranh mới hiệu quả.
Bên cạnh đó, chính những người tiếp cận thông tin trên mạng cũng cần phải tự trang bị kiến thức để chống lại những thông tin xấu, độc hại trên mạng, không để thông tin xấu lung lạc.
Tới đây, Bộ TT&TT sẽ có những biện pháp toàn diện, tiến tới tạo môi trường mạng phát triển lành mạnh hơn, đáp ứng nhu cầu thông tin của xã hội.
Như Thứ trưởng vừa nói, để ngăn chặn kịp thời các thông tin xấu, độc hại thì các thông tin chính thống cần phải đi trước và chuẩn xác. Vậy, Thứ trưởng đánh giá như thế nào về vấn đề chủ động cung cấp thông tin hiện nay tại một số cơ quan Nhà nước?
Thứ trưởng Trương Minh Tuấn: Đúng là để thông tin kịp thời và chính xác nhất thì trách nhiệm trước hết phải thuộc về các cơ quan, đơn vị, địa phương. Tức là khi có một sự việc ảnh hưởng lớn tới toàn xã hội thì người phát ngôn của những đơn vị liên quan phải kịp thời lên tiếng.
Trong năm 2015, tôi cho rằng, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tiếp tục phát huy vai trò của người phát ngôn; chủ động, kịp thời cung cấp thông tin một cách đầy đủ, toàn diện. Đây là cách làm cho người dân tiếp cận thông tin một cách đầy đủ và chính xác nhất.
Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn một số bộ, ngành, một số địa phương, người phát ngôn còn chậm thông tin, thậm chí không chính xác dẫn tới dễ bị xuyên tạc, lợi dụng.
Do đó, Bộ TT&TT sẽ yêu cầu tất cả các cơ quan đơn vị thực hiện đúng theo Quy chế người phát ngôn đã được Chính phủ quy định.
Thưa Thứ trưởng, sự phát triển bùng nổ của công nghệ thông tin cũng đã tạo ra những loại hình truyền thông, loại hình tin tức mới. Xin Thứ trưởng cho biết, những loại hình đó sẽ tạo ra những thách thức gì trong công tác quản lý ngành của Bộ thời gian tới?
Thứ trưởng Trương Minh Tuấn: Internet và mạng xã hội ngày càng phát triển và đây là xu hướng của thế giới. Việt Nam không nằm ngoài xu hướng đó. Mạng xã hội và internet ở Việt Nam hiện nay phát triển rất mạnh. Đây chính là cơ hội và cũng là thách thức của chúng ta.
Cơ hội là chúng ta được tiếp cận thông tin nhanh nhất và toàn diện nhất. Tuy nhiên, thách thức cũng nhiều. Đó là những vấn đề tiềm ẩn về nguy cơ mất an toàn, an ninh thông tin.
Cụ thể, nhiều nội dung thông tin độc hại, trong một số trường hợp đi ngược lại lợi ích dân tộc, lợi ích quốc gia, vi phạm pháp luật Việt Nam, hoặc trái thuần phong mỹ tục… Vì vậy, các nội dung độc hại đó cần có biện pháp quản lý tổng hợp để hạn chế ảnh hưởng của nó đối với xã hội và cộng đồng.
Bên cạnh đó, các dịch vụ mới phát triển và sử dụng tự do, chưa có quy định quản lý cũng gây phiền phức cho người sử dụng, như việc quảng cáo không đúng quy định, tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo và nguy cơ lộ, lọt thông tin cá nhân. Từ những vấn đề này, phương án quản lý để đảm bảo các dịch vụ mới và truyền thống cùng phát triển cạnh tranh song vẫn bổ trợ cho nhau cũng là thách thức đặt ra cần giải quyết.
Về quan điểm, Bộ TT&TT ủng hộ và tiếp tục có những giải pháp thúc đẩy và phát huy các mặt tích cực mà các công nghệ, dịch vụ mới mang lại.
Chẳng hạn, Bộ TT&TT đang xây dựng văn bản quản lý dịch vụ OTT để đảm bảo hài hòa lợi ích của các nhà cung cấp hạ tầng dịch vụ viễn thông, các công ty cung cấp các dịch vụ OTT, tạo một thị trường cạnh tranh bình đẳng, cùng phát triển và trên hết là quyền lợi của người sử dụng.
Cảm ơn Thứ trưởng!