Năm 2017: Hơn một nửa dân số thế giới sẽ trực tuyến.

Chính phủ số - Ngày đăng : 22:22, 03/11/2015

Theo báo cáo mới đây của Ủy ban băng rộng Liên Hợp Quốc, đến năm 2017, hơn 50% dân số toàn cầu sẽ truy cập Internet, trong đó truy cập băng rộng di động trên điện thoại smartphone và máy tính bảng là hai phân khúc có tốc độ tăng trưởng lớn nhất.

Cũng theo báo cáo này, hiện nay hơn 40% dân số thế giới đã kết nối trực tuyến (online), tuy nhiên theo dự báo số người dùng Internet sẽ tiếp tục tăng từ 2,3 tỷ năm 2013 lên 2,9 tỷ vào cuối năm 2014. Đặc biệt,số lượng người dùng truy cập băng rộng di động tính đến cuối năm 2014 sẽ đạt 2,3 tỷ và tăng lên 7,6 tỷ người trong vòng 5 năm tới. Hiện các kết nối băng rộng di động  tăng gấp 3 lần so với thuê bao băng rộng cố định thông thường.

Số người dùng Internet giai đoạn 2005-2014


Hàn Quốc là quốc gia có tỷ lệ thâm nhập băng rộng hộ gia đình cao nhất thế giới đạt trên 98%. Monaco năm nay đã vượt qua Thụy Sỹ và trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về mức thâm nhập băng rộng cố định, chiếm 44% dân số. Hiện toàn thế giới có 4 quốc gia (Monaca, Thụy Sỹ, Đan Mạch, Hà Lan) có mức thâm nhập trên 40%, trong khi con số này vào năm 2013 chỉ là 1 quốc gia (Thụy Sỹ).

Mỹ đứng thứ 19 trên thế giới về số lượng người trực tuyến, tiếp theo là các nước thuộc tổ chức Hợp tác Kinh tế châu Âu (OECD) như Đức (đứng thứ 20), Úc (thứ 21), Anh (thứ 12), Nhật Bản (thứ 15) và Canada (thứ 16)…

Hiện có 77 quốc gia đạt trên 50% dân số có kết nối mạng, nhóm 10 quốc gia đứng đầu thế giới về sử dụng Internet là thuộc khu vực châu Âu, trong đó Iceland dẫn đầu với 96,5% người dân trực tuyến.

Khu vực có tỷ lệ truy cập Internet thấp nhất chủ yếu là ở khu vực châu Phi cận Sahara như Ethiopia (1,9%), Niger (1,7%), Guinea (1,6% ), Somalia (1,5%), Burundi (1,3%)... Bên cạnh đó, 10 quốc gia có kết nối ít nhất bao gồm Myanmar (1,2%) và Đông Timor (1,1%).

Mặc dù Internet đang tăng trưởng mạnh mẽ nhưng hiện vẫn có đến 90% người dân ở 48 quốc gia kém phát triển nhất thế giới vẫn không được kết nối Internet. Với những lợi ích mà Internet băng rộng mang lại thì vai trò của nó sự phát triển kinh tế và xã hội của mỗi quốc gia ngày càng trở nên quan trọng, vì vậy cần ưu tiên phát triển băng rộng ở các quốc gia nghèo trên thế giới, nhằm xóa bỏ khoảng cách và thúc đẩy các lĩnh vực như y tế, giáo dục, quản lý môi trường…

TH

(Theo: http://www.itu.int)