Một số thói quen gây hại cho laptop
Sách và cuộc sống - Ngày đăng : 22:21, 03/11/2015
Để laptop trên đùi
Hầu hết máy tính đều tỏa nhiệt ra từ mặt dưới nên khi đặt laptop trên đùi sẽ làm giảm diện tích thoát nhiệt, máy sẽ nhanh bị nóng. Hơn nữa, đặt laptop lên đùi để sử dụng trong nhiều giờ, kết hợp với tư thế ngồi gập người, cổ cúi… sẽ gây tổn thương tới hệ thần kinh, tăng nguy cơ mắc bệnh viêm khớp và các bệnh khác như: khô da, thay đổi màu sắc da, giảm lượng tinh trùng ở nam giới, thậm chí gây ung thư.
Để laptop trong môi trường nhiều bụi bẩn
Ở những nơi có nhiều bụi, quạt tản nhiệt sẽ hút bụi vào bên trong làm hệ thống tản nhiệt không thể hoạt động tốt và máy tính sẽ nhanh chóng nóng lên, làm giảm tuổi thọ các linh kiện.
Để sách vở trên laptop
Màn hình LCD của laptop chỉ mỏng vài mm, hơn nữa, màn hình được thiết kế không có khả năng chịu lực cao nên khi đặt sách, vở hay các vật nặng lên trên sẽ rất dễ bị hỏng.
Để đồ ăn, thức uống bên cạnh laptop
Với laptop không được trang bị bàn phím chống tràn nước thì thói quen này rất “nguy hiểm” cho máy tính, bởi chỉ một sơ xuất nhỏ, đồ uống có thể đổ tràn ra máy gây hỏng các mạch điện, đặc biệt khi trong nhà có con trẻ hoặc nuôi các động vật như mèo thì nguy cơ này là khá cao. Ngoài ra, việc để đồ ăn bên cạnh laptop, các mẩu vụn dễ bị rơi vào bên trong gây hiện tượng kẹt phím, khó bấm.
Lau chùi màn hình không đúng cách
Một số thói quen vệ sinh sau dễ gây hại cho màn hình laptop:
- Dùng nước lau cửa kính, xà phòng... để lau laptop, hóa chất trong các chất tẩy rửa này sẽ gây phản ứng hóa học với màn hình, đặc biệt là những chất như ammonia, acetone, toluene hay cồn.
- Dùng khăn cứng, giấy báo... để lau chùi rất dễ gây trầy xước màn hình laptop.
- Phun dung dịch lau chùi thẳng vào màn hình, dung dịch sẽ bám vào các linh kiện điện tử gây cháy linh kiện khi có điện. Do vậy, bạn nên mua một bộ vệ sinh laptop chuyên dụng và làm theo các hướng dẫn sử dụng, như phun dung dịch lên khăn vải mềm sau đó mới tiến hành lau chùi, và lau màn hình theo một chiều dọc hoặc ngang nhất định, bởi lau theo hình tròn sẽ làm màn hình cọ xát với bụi bẩn nhiều hơn, dễ gây xước.
Không chú trọng tản nhiệt
Laptop rất dễ bị nóng trong quá trình sử dụng. Hơn nữa, theo thời gian, bụi bẩn từ bên ngoài sẽ bám vào bên trong các linh kiện, che khuất phần không gian thoát nhiệt, đặc biệt là quạt tản nhiệt cho chip, làm máy nhanh nóng hơn.Để giúp laptop thoát nhiệt tốt, bạn cần vệ sinh bụi ở các khe, quạt tản nhiệt, tra dầu mới cho quạt nếu thấy có hiện tượng quạt phát ra tiếng kêu to. Nếu có điều kiện, bạn nên sắm thêm một chiếc đế tản nhiệt chuyên dụng cho laptop.
Không dùng túi chống shock khi di chuyển
Công việc đòi hỏi bạn phải mang theo laptop khi di chuyển và nhiều trường hợp không tránh khỏi việc va đập. Túi đựng bằng nilon hay bằng da chỉ có khả năng bảo vệ laptop khỏi những va chạm nhẹ. Chỉ có túi đựng nhiều lớp mới có khả năng bảo vệ an toàn cho laptop trong nhiều sự cố ngoài ý muốn.
Để đĩa CD/DVD trong ổ quang khi di chuyển
Mặc dù laptop là một thiết bị di động, tuy nhiên, bạn nên lấy đĩa ra khỏi ổ đĩa trước khi di chuyển để tránh lực tác động có thể khiến đĩa bị kẹt trong ổ và bạn sẽ khó có thể lấy đĩa ra theo cách thông thường.
Để laptop trong xe hơi
Cho dù là vào mùa đông hay mùa hè cũng không nên để laptop trong xe hơi bởi theo các nghiên cứu, nhiệt độ môi trường mà các linh kiện laptop được đảm bảo an toàn là từ 10oC – 35oC. Trong khi đó, nhiệt độ bên trong xe hơi thường cao hơn mức này.
Tự sửa laptop
Trong máy tính xách tay có rất nhiều linh kiện nhỏ, rất dễ bị vỡ hay hư hỏng. Nếu không có kinh nghiệm, bạn không nên tự tìm cách sửa chữa laptop để tránh tình trạng lắp nhầm vị trí các linh kiện, gây hỏng hóc thêm cho máy tính. Hãy đem laptop đến các cửa hàng sửa chữa có uy tín hoặc mang ra trung tâm bảo hành chính hãng nếu máy vẫn đang trong thời gian được bảo hành.