Thứ trưởng Bộ TT&TT: Kiên quyết xử lý ấn phẩm có nội dung sai trái
Đời sống xã hội - Ngày đăng : 22:20, 03/11/2015
Thứ trưởng Trương Minh Tuấn phát biểu tại buổi học.
Trên đây là phát biểu của Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) – Trương Minh Tuấn tại Lớp “bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ biên tập” cho cán bộ biên tập viên các nhà xuất bản khu vực phía Nam, được tổ chức ngày 29/9, tại TP.HCM. Lớp học do Cục xuất bản, in và phát hành phối hợp với Trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý thông tin và truyền thông tổ chức.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi học đầu tiên, Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn khẳng định thời gian qua ngành xuất bản đã đạt được những thành tựu quan trọng. Đặc biệt các sản phẩm của ngành in không hề thua kém thế giới, trong khi lĩnh vực phát hành cũng ngày càng mở rộng với khoảng 14.000 trung tâm phát hành, nhà sách trên phạm vi toàn quốc.
Theo Thứ trưởng Trương Minh Tuấn, thành quả này có được là nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước với nhiều chính sách hợp lý. Bên cạnh đó bản thân các nhà xuất bản cũng có những bước đi năng động, sáng tạo để kịp thời thích nghi với yêu cầu trong tình hình mới.
Tuy nhiên bên cạnh đó Thứ trưởng cũng nêu ra nhiều hạn chế, yếu kém mà ngành xuất bản đang vướng phải. Ông khẳng định một trong những hạn chế lớn nhất hiện nay là việc nhiều nhà xuất bản không thực hiện nghiêm quy trình đọc, duyệt nội dung, từ đó đã dẫn đến việc nhiều tác phẩm không có giá trị, thậm chí gây hại cho xã hội xuất hiện trên thị trường.
“Nhiều nhà biên tập quá dễ dãi, thậm chí buông lỏng khâu đọc biên tập. Trong khi nhiều biên tập viên hổng kiến thức, non kém về trình độ chính trị…đã dẫn đến không ít sai sót trong những tác phẩm xuất bản” – Thứ trưởng Trương Minh Tuấn nói.
Liên quan đến số lượng sách xuất bản, Thứ trưởng cho rằn, tuy lượng sách rất nhiều nhưng những tác phẩm thật sự có giá trị chỉ chiếm một phần nhỏ. Trong khi đó số bản in trên mỗi đầu sách lại ở mức thấp, chính điều này đã đẩy chi phí xuất bản lên cao, gây lãng phí cho xã hội.
Ông cũng cho biết thời gian qua vẫn còn tình trạng đăng ký kế hoạch xuất bản sai nhiệm vụ, đăng ký nhiều nhưng tỉ lệ thực hiện thấp. Hoặc một số đơn vị chậm thực hiện nộp lưu chiểu, thậm chí là không nộp nhưng vẫn phát hành tác phẩm ra thị trường. “Trong đó đặc biệt là những tác phẩm liên kết” – Thứ trưởng Tuấn nhấn mạnh.
Theo ông, để xảy ra việc này là do một số nhà xuất bản chưa xây dựng được đề tài mà phụ thuộc vào đơn vị liên kết, hoặc chạy theo thị hiếu. Ông cũng cho rằng hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý sai phạm chưa kiên quyết và “còn nể nang”.
Trước những vấn đề này Thứ trưởng cho rằng cơ quan chủ quản cũng có trách nhiệm khi đã buông lỏng quản lý, không chú trọng đến hoạt động xuất bản. Điều này khiến một số nhà xuất bản phải tự bươn trải trong một môi trường cạnh tranh ngày càng khó khăn. Bên cạnh đó các sai phạm xuất hiện nhiều cũng một phần do cơ quan quản lý chưa thực sự kiên quyết với các đề tài sai chức năng của nhà xuất bản.
Đề cập đến cách giải pháp chấn chỉnh hoạt động xuất bản trong thời gian tới, Thứ trưởng Trương Minh Tuấn cho rằng, vấn đề quan trọng nhất là phải thực hiện triệt để Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản.
Bên cạnh đó cơ quan quản lý, cơ quan chủ quản và các bộ, ngành liên quan cần tăng cường phối hợp để giải quyết các vấn đề phát sinh trong hoạt động này. Các cơ quan chủ quản cũng phải xác định rõ trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của mình để quản lý một các toàn diện.
Về phần các đơn vị xuất bản, thứ trưởng Tuấn yêu cầu phải nâng cao trình độ, thường xuyên cập nhật kiến thức mới cho các biên tập viên. Ông cũng khẳng định thời gian tới công tác thanh tra, kiểm tra sẽ được đẩy mạnh, việc xử lý các sản phẩm có nội dụng sai trái sẽ được xử lý kiên quyết.