Báo điện tử hay báo in vẫn phải duy trì giá trị then chốt

Xu hướng - Dự báo - Ngày đăng : 22:09, 03/11/2015

Xu hướng "điện tử hóa" báo chí ngày càng mạnh hơn. Có thể các nhà quản lý sẽ tập trung nhiều hơn cho xu hướng này nhưng chắc chắn vẫn phải duy trì những giá trị then chốt của báo chí truyền thống, nhất là tính chính xác, trung thực của thông tin.

Nhà báo Lê Quốc Minh - Tổng Biên tập Báo điện tử VietnamPlus (Thông tấn xã Việt Nam) đã chia sẻ về nghề báo, về thị hiếu của độc giả báo điện tử, về sự phát triển của báo điện tử hiện nay.

Nhà báo Lê Quốc Minh - Tổng Biên tập báo VietnamPlus. 
Ảnh: VGP/Phương Liên

Nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6, ông đánh giá thế nào về vai trò của báo chí trong sự nghiệp phát triển đất nước trong thời gian vừa qua?

Nhà báo Lê Quốc Minh: Báo chí càng ngày càng chứng tỏ tiếng nói của người dân, là phương thức truyền tải những ý kiến của người dân. Trong rất nhiều trường hợp, báo chí góp phần phản biện chính sách rất tốt, góp phần tích cực cho hoạch định chính sách…

Thời gian gần đây báo chí đã làm tốt chức năng tiếng nói của Đảng, Nhà nước, diễn đàn của nhân dân. Trong sự nghiệp đổi mới đất nước, đặc biệt là trong lĩnh vực phát triển kinh tế, báo chí đã thông tin nhanh nhạy, đúng đường lối, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, đồng thời  đã tham gia và làm tốt vai trò diễn đàn của nhân dân, đưa tiếng nói của nhân dân đến với Đảng, Nhà nước và chuyển tải chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với nhân dân.

Tuy nhiên, không tránh khỏi tình trạng do sự đua tranh trên mạng về mặt tốc độ nên đã xảy ra những trường hợp đưa thông tin sai lệch do vội vàng chưa thẩm định thông tin, nguồn tin.  Mặc dù có quan điểm rằng đó là cái giá phải trả cho việc báo chí chạy theo tốc độ. Tuy nhiên, theo tôi, việc báo chí đăng tin sai là không thể bao biện.

Xu hướng chạy đua thông tin, khâu đào tạo, tuyển dụng các phóng viên trẻ chưa kỹ càng, chạy đua theo định mức tin bài, áp lực thông tin, quy trình biên tập bị lơi lỏng đối với báo điện tử… chính là những lý do khiến cho những thông tin sai bị lọt lên báo. Bên cạnh đó, độc giả giờ có xu hướng không muốn nêu sự khó chịu khi đọc được sai sót về chính tả. Đây là điều các cơ quan báo chí phải có những biện pháp để giảm thiểu sai sót, vì một bài báo ít thì có hàng nghìn người đọc, nhiều thì hàng triệu người đọc nên một thông tin đăng sai, kể cả có đính chính cũng đã lan tỏa, chia sẻ không giới hạn rồi.

Nhưng tôi nghĩ rằng vấn đề quan trọng nhất là vấn đề đạo đức nhà báo. Báo chí phải cung cấp kiến thức cho độc giả, nhưng dường như  giờ đây những thông tin này ngày càng ít đi, nhất là trên báo điện tử trong khi những nội dung vô bổ có vẻ lại ngày càng tăng. Đương nhiên nhu cầu của độc giả là muốn có thông tin mới, thậm chí "giật gân" nhưng nhiệm vụ của báo chí vẫn là phải cung cấp thông tin trung thực.Như vậy, đối với một nhà báo, bên cạnh kỹ năng tác nghiệp, đạo đức nghề nghiệp là vấn đề sống còn?

Nhà báo Lê Quốc Minh: Tôi cho rằng đạo đức nghề nghiệp là vấn đề nên được bàn thảo nhiều hơn nữa, cụ thể hơn nữa, để những người làm nghề định hình chính xác hơn hướng đi và giới hạn của mình. Đặt vấn đề đạo đức lên trước là vì kỹ năng có thể rèn luyện theo năm tháng, nhưng đạo đức phải là nền tảng nghề nghiệp, người làm báo phải cố gắng xây đắp ngay từ khi bắt đầu cầm bút.

Một nhà báo chuyên nghiệp trước hết phải là một người có đạo đức. Hay chính xác hơn, đạo đức là một trong những tiêu chuẩn để trở thành một nhà báo chuyên nghiệp.

Có phải xu hướng làm báo hiện đại sẽ khiến các nhà quản lý cơ quan báo chí đau đầu tìm hướng đi mới?

Nhà báo Lê Quốc Minh: Khi Internet mới phát triển thì chúng ta suy nghĩ làm thế nào để báo điện tử đến với công chúng càng rộng rãi càng tốt và cho truy cập miễn phí, nhưng rõ ràng vẫn cần có chi phí để làm ra những sản phẩm báo chí chất lượng tốt.

Đối với báo chí nói chung và báo điện tử nói riêng, mạng xã hội là một trong những đối thủ đáng gờm. Thuật ngữ trên thế giới gọi mạng xã hội là “social media” - truyền thông xã hội, nghĩa là thừa nhận khả năng truyền thông của các mạng xã hội này. Điều đó phù hợp với sự phát triển về mặt công nghệ, cũng như nhu cầu chia sẻ thông tin của mọi người khi điều kiện công nghệ cho phép. Trước đây, quyền đăng tải thông tin thuộc về một nhóm người có công cụ là các tờ báo, các đài truyền hình, phát thanh… nhưng bây giờ bất kỳ ai cũng có thể trở thành... nhà báo nếu họ nắm được thông tin, vì công cụ và nền tảng đã sẵn có, lại hoàn toàn miễn phí.

Báo chí, nhất là báo in có những thế mạnh của mình, song những thế mạnh đó không còn mang tính tuyệt đối trong thế giới phẳng và trong bối cảnh truyền thông xã hội phát triển cực kỳ mạnh mẽ như hiện nay.

Xu hướng “điện tử hóa” báo chí là điều không thể tránh khỏi. Các nhà quản lý báo chí sẽ tập trung nhiều hơn cho xu hướng này trong khi vẫn cố gắng duy trì những giá trị then chốt của báo chí truyền thống, nhất là tính chính xác, trung thực của thông tin. Bên cạnh đó, những tạp chí chuyên ngành vẫn có cơ hội tồn tại, càng tập trung sâu vào một lĩnh vực nhất định thì càng giảm rủi ro, nhưng tất nhiên là phải có cả bản điện tử với khả năng tương tác cao với người đọc.

 Xin trân trọng cảm ơn ông!

Phương Liên(thực hiện)

(www.chinhphu.vn)