Mỹ cân nhắc dự luật quản lý các ứng dụng hỗ trợ giao thông
Chính phủ số - Ngày đăng : 22:09, 03/11/2015
Hai năm trước, ông Steven R. Spriggs, Giám đốc chiến lược tại Đại học bang California, đã phải nhận vé phạt 165 USD vì sử dụng iPhone để xem bản đồ khi lái xe. Cảnh sát giao thông đã yêu cầu ông dừng xe khi thấy khuôn mặt ông sáng lên bởi màn hình điện thoại, dù cố gắng thanh minh nhưng việc cấm sử dụng điện thoại có quy định trong luật. Điều này đã gây bức xúc cho ông và vô số người khác.
Bộ Giao thông Mỹ muốn giải quyết triệt để vấn đề này. Họ đang nỗ lực thuyết phục Quốc hội quy định rõ ràng về các phương tiện chỉ đường, bao gồm cả những ứng dụng trên điện thoại thông minh để tránh việc lái xe bị phân tâm.
Dự luật sẽ cho phép Cục Quản lý an toàn giao thông đường bộ (NHTSA) có quyền điều chỉnh, đưa ra các giới hạn trong những ứng dụng chỉ đường trên cả điện thoại di động và bảng điều khiển của xe; có thể yêu cầu thay đổi nếu nhận thấy chúng gây nguy hiểm, đồng nghĩa với việc các tính năng hiện tại trong những chiếc xe cần phải điều chỉnh lại.
Theo đó, Bộ Giao thông sẽ ban hành hướng dẫn tới các hãng sản xuất xe hơi xây dựng hệ thống chỉ đường không quá 2 giây cho mỗi lần tương tác, tổng cộng thời gian không vượt quá 12 giây. Với tốc độ 60 dặm/giờ, thì cứ mỗi 2 giây tương đương với việc di chuyển được 176 feet (khoảng 54m) tài xế không tập trung tuyệt đối lái xe.
Việc xây dựng đồng bộ cần có sự ủng hộ từ các nhà sản xuất xe hơi cũng như người dân. Vậy ý kiến của họ ra sao?
Một số công ty công nghệ đã lên tiếng phản đối dự thảo luật này. Lý do là điều luật không có tính thực tế trong thị trường thay đổi nhanh chóng với hàng chục ngàn ứng dụng chỉ đường như hiện nay.
Catherine McCullough, giám đốc điều hành của Liên minh các hãng sản xuất xe thông minh cho biết thêm: "Chính quyền không thể có đủ số kỹ sư phần mềm, ngân sách cũng như cơ sở hạ tầng để giám sát toàn bộ thung lũng Silicon và ngành công nghiệp xe hơi".
Trong khi hầu hết người dùng điện thoại thông minh đã quen thuộc với các ứng dụng chỉ đường đơn giản như Google Maps, Waze, việc xây dựng phương tiện hỗ trợ mới cần có ưu thế hơn hẳn mới mong được người dân đón nhận. Ví dụ, Waze có thể kết nối cộng đồng, chia sẻ các địa điểm nguy hiểm, điều kiện đường xá tại thời gian thực để người khác biết và có lộ trình phù hợp. Tuy nhiên, việc sử dụng điện thoại khi lái xe bị cấm gây trở ngại cho những ứng dụng trên di động.
Thực ra, các ứng dụng chỉ đường vốn không nguy hiểm, mọi người có thể nhập địa điểm đến và thiết bị liên tục đưa ra chỉ dẫn. Ngoài ra, chúng còn khả năng cho phép ra lệnh bằng giọng nói. Mọi thứ đều hoạt động khá tốt.
Các công ty có tầm ảnh hưởng là Google và Apple. Với việc Google Maps hay Apple Maps đang được cài đặt trên hầu hết điện thoại thông minh tại Mỹ, liệu họ có thay đổi thói quen khi lái xe? Làm thế nào để kiểm soát việc này?
Nhiều hãng công nghệ cũng đã lên tiếng lo ngại rằng, cơ quan thẩm quyền có thể thay đổi ứng dụng của họ trước khi đưa ra thị trường nhưng các quan chức cam kết sẽ không làm việc đó. Họ chỉ xem xét khi nó gây nguy hiểm, giống như cách họ quản lý điều hòa và đèn pha.
Cơ quan chức năng đang theo đuổi kế hoạch xây dựng thiết bị trên bảng điều khiển xe hơi cũng như có thể ứng dụng trên điện thoại thông minh và máy tính bảng. Họ sẽ tổ chức thăm dò ý kiến từ cộng đồng trước khi tạo ra dự luật mới. Nếu không có một tiêu chuẩn thống nhất trên tất cả phương tiện chỉ đường, các nhà sản xuất ô tô và nhiều người sẽ ủng hộ việc chuyển sang sử dụng thiết bị cầm tay. Dĩ nhiên là việc tìm kiếm trên một màn hình nhỏ sẽ không hiệu quả và an toàn bằng việc nhìn vào màn hình lớn hơn trên bảng điều khiển của chiếc xe.
Mặc dù vậy, dự luật cũng đón nhận khá nhiều sự ủng hộ. Không ai muốn tính mạng của mình bị đe dọa bởi những tài xế vừa lái xe vừa sử dụng điện thoại di động.
Chính phủ không có kế hoạch áp dụng nghiêm ngặt các quy tắc ngay lập tức. Trong vài tháng tới, họ còn phải cân nhắc rất nhiều trước khi thông qua dự luật để đạt được hiệu quả tốt nhất.
(Theo The New York Times)