Cần xây dựng Chiến lược truyền thông KHCN quốc gia
Diễn đàn - Ngày đăng : 22:05, 03/11/2015
(Chinhphu.vn) – Việt Nam cần xây dựng Chiến lược truyền thông KHCN quốc gia và Chương trình hành động với mục tiêu phát huy tối đa tổng thể các nguồn lực đưa hoạt động truyền thông KHCN của Việt Nam lên một tầm cao mới.
Đó là nội dung của Hội nghị quốc tế về "Truyền thông KHCN - Chiến lược và hành động" được tổ chức tại TP. Đà Nẵng trong 2 ngày 9-10/5 với sự tham gia của gần 200 đại biểu là các chuyên gia truyền thông, nhà khoa học, lãnh đạo các cơ quan truyền thông các nước Nhật Bản, Indonesia, Philippines, Nhật Bản, Australia…
Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ KHCN, khẳng định Bộ đã xác định truyền thông KHCN là một trong 6 giải pháp chủ yếu để thực hiện thành công sự nghiệp phát triển KHCN, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Với vai trò đó, các cơ quan truyền thông của Bộ KHCN và các cơ quan thông tấn, báo chí, thời gian qua đã nỗ lực đẩy mạnh hoạt động truyền thông KHCN, cung cấp thông tin tương đối đầy đủ, đa chiều, góp phần tạo nên sự đồng thuận của xã hội với hoạt động KHCN.
Tuy nhiên, Việt Nam cần có một Chiến lược hay một kế hoạch xuyên suốt, làm kim chỉ nam để các đơn vị căn cứ vào đó triển khai, ông Trần Quốc Khánh cho biết.
Tại Hội nghị, các chuyên gia đã chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng Chiến lược truyền thông KHCN quốc gia và Chương trình hành động của Chính phủ.
Ông Brenton Honeyman, Giám đốc chiến dịch truyền cảm Australia và quan hệ đối tác của Questacon (Trung tâm Khoa học và Công nghệ, Cục Công nghiệp Australia), cho rằng để truyền thông KHCN tại Việt Nam phát triển, cần có những khung chương trình cấp quốc gia - hành động cấp địa phương, gắn kết cộng đồng, đưa ra những sáng kiến mới, phát huy nhân tố con người trong sáng tạo KHCN, nhất là học sinh, sinh viên.
Ông Hendro Sadoso, Kỹ sư cao cấp Cục Đánh giá và Ứng dụng công nghệ Indonesia, chia sẻ thành công của Indonesia về truyền thông KHCN thông qua công nghệ thông tin và viễn thông (ICT). Từ đó, ông Hendro Sadoso cho rằng Việt Nam cần đẩy mạnh truyền thông KHCN dựa vào việc phát triển các phương tiện đại chúng ICT: Thiết kế, sáng tạo các chương trình tiên tiến trên các thiết bị di động, trang web, blog, phương tiện đại chúng xã hội khác… để tiếp cận rộng rãi hơn với công chúng.
Trao đổi về vấn đề phát triển nguồn nhân lực truyền thông KHCN tại Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Đức Dũng, Viện trưởng Viện nghiên cứu báo chí và truyền thông (Học viện Báo chí và Tuyên truyền), cho rằng công tác đào tạo bồi dưỡng và nghiên cứu lý luận truyền thông chuyên về lĩnh vực KHCN chưa tương xứng với thực trạng của hệ thống báo chí hiện nay.
Theo ông Nguyễn Đức Dũng, cần xây dựng một Chiến lược đào tạo, bồi dưỡng nghiên cứu lý luận truyền thông chuyên về lĩnh vực này và được cụ thể hóa bằng các chương trình đào tạo chuyên sâu ở cấp độ đại học và sau đại học, xây dựng chuyên đề về KHCN trong chương trình học với lượng thời gian và kiến thức sâu hơn để đáp ứng được yêu cầu.
Ngoài ra, các đại biểu cũng đóng góp ý kiến về việc phổ biến các phương thức triển lãm, bảo tàng, diễn đàn… để tiếp cận giới trẻ từ cấp tiểu học, phục vụ mọi đối tượng; quan tâm đúng mức hơn đến công tác nghiên cứu, đào tạo và hợp tác trong và ngoài nước; đầu tư hạ tầng truyền thông KHCN như bảo tàng khoa học, công viên khoa học, trang thiết bị phục vụ các phương thức truyền thông.