Liệu Facebook có “vung tay quá trán” khi mua WhatsApp?
Xu hướng - Dự báo - Ngày đăng : 22:00, 03/11/2015
Với 19 tỷ USD, Facebook thừa tiền mua được Sony hoặc 4 tàu sân bay hiện đại. Vậy mà, Facebook lại mua WhatsApp - một công ty khởi nghiệp nhỏ bé, gần đây mới chỉ gọi được 60 triệu USD vốn đầu tư, chủ yếu từ Sequoia. Bạn có thể cho rằng thương vụ này là điên rồ nhưng thực ra thì thế giới nhắn tin di động có thể kiếm được rất nhiều tiền.
Hãy nghĩ lại về những gì mà Facebook đã mua:
Những khách hàng trẻ: Chỉ trong vòng 5 năm, WhatsApp đã thu hút được 450 triệu khách hàng tích cực sử dụng hàng tháng, 70% trong số đó tích cực sử dụng hàng ngày. So với Facebook trong cùng thời gian, con số này gấp 3 lần. Còn nếu so với Twitter hay Skype thì gấp gần 10 lần. Tất nhiên, nếu chỉ quy đổi con số hiện nay thành doanh thu thì vẫn còn nhỏ và hầu hết họ đều đang sử dụng Facebook nhưng đó chính là những khách hàng mà Facebook lo sợ bị mất nhất.
So sánh tốc độ tăng trưởng của WhatsApp với Facebook, Gmail, Twitter, Skype
(Nguồn: ComScore Media)
Mô hình kinh doanh mới: Khác với Facebook và hầu hết công ty Internet lớn hiện nay, WhatsApp áp dụng mô hình thu phí thuê bao hàng năm là 0,99 USD sau 1 năm sử dụng. Hơn nữa, nó khác hẳn với Facebook là cam kết không có quảng cáo và có lẽ WhatsApp không khai thác dữ liệu cá nhân của người dùng. Vụ sát nhập sẽ giúp Facebook hiểu được cách vận hành thành công mô hình kinh doanh mới có khả năng thay được mô hình kinh doanh hiện nay.
Tăng cường cho mô hình kinh doanh hiện tại: Lưu lượng nhắn tin hàng ngày của WhatsApp đã xấp xỉ lưu lượng nhắn tin SMS của toàn bộ ngành công nghiệp viễn thông toàn cầu trong khi Facebook đang là môi trường truyền tin về các sự kiện lớn trong cuộc sống. Do đó, khi được sử dụng dữ liệu đặc tả (metadata) từ các ứng dụng nhắn tin, Facebook sẽ gia tăng hiệu quả các kết nối hàng ngày (capture). Không nghi ngờ gì nữa, dữ liệu này có thể giúp Facebook rất nhiều trong việc tăng mức độ am hiểu các mối quan hệ bạn bè trên mạng và nhờ vậy tăng cường hiệu quả quảng cáo.
Vươn ra toàn cầu: Ứng dụng nhắn tin Facebook Messenger tuy phổ biến ở Mỹ nhưng còn ít được dùng ở nước ngoài. Ở những thị trường lớn như Ấn Độ, Nam Mỹ, WhatsApp phổ biến hơn Facebook Messenger rất nhiều. Khi xu thế di động phổ cập toàn cầu đã rõ ràng thì Facebook muốn gia nhập thị trường này càng nhanh càng tốt.
Nếu bạn liệt kê tất cả các lý do nêu trên cho thương vụ sát nhập cùng với sức ép cạnh tranh từ các đối thủ như Google thì bạn sẽ thấy cái giá phải trả cũng không phải là hớ. Thời gian sẽ trả lời nhưng kẻ thua cuộc rõ ràng chính là các nhà mạng viễn thông – những công ty đang có doanh thu khoảng 100 tỷ USD/năm trên toàn cầu từ dịch vụ nhắn tin SMS.
Bài học từ câu chuyện này: Nếu bạn không tự thay đổi chính mình, người khác sẽ xóa sổ mô hình kinh doanh của bạn
(Theo Harvard Business Review)