Cisco cam kết đầu tư phát triển nguồn nhân lực ICT cho khu vực châu Á Thái Bình Dương

Sách và cuộc sống - Ngày đăng : 21:57, 03/11/2015

Cisco vừa tuyên bố sẽ đầu tư phát triển 400.000 chuyên gia mạng trong vòng 5 năm tới tại khu vực châu Á Thái Bình Dương để góp phần giải quyết tình trạng khan hiếm nhân lực có kỹ năng CNTT trong khu vực này

Cisco khẳng định sẽ đầu tư phát triển 400.000 chuyên gia mạng trong vòng 5 năm tới để góp phần giải quyết tình trạng khan hiếm nhân lực có kỹ năng CNTT tại khu vực châu Á Thái Bình Dương. Cisco đưa ra cam kết này trong khuôn khổ của Hội thảo qua mạng với tiêu đề: Mạng Internet của vạn vật được thiết kế để truyền cảm hứng cho thế hệ tài năng CNTT tiếp theo trong việc theo đuổi sự nghiệp trong ngành công nghiệp này.

Sự khan hiếm nhân lực có kỹ năng CNTT đã được nêu bật trong nghiên cứu của IDC với tiêu đề: Diễn biến của sự khan hiếm nhân lực có kỹ năng mạng tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương.

Nghiên cứu của IDC, được ủy quyền bởi Cisco, cho biết, tới năm 2016, sự thiếu hụt nhân lực có kỹ năng CNTT sẽ tương đương với số lượng khoảng hơn 400.000 chuyên gia mạng trên toàn khu vực, tương ứng với một thị trường hai triệu việc làm trong ngành ICT không tuyển dụng được nhân viên trên toàn cầu trong vòng 10 năm tới. Nếu không có sự đầu tư vào hoạt động phát triển kỹ năng, tiến bộ công nghệ sẽ không được chuyển đổi thành sự tăng trưởng về năng suất làm việc, và khu vực Châu Á Thái Bình Dương sẽ không thể cạnh tranh trong một nền kinh tế toàn cầu có mức độ dựa vào tri thức ngày càng cao.

Ông Nguyễn Trường Sinh - Giám đốc điều hành Cisco Việt Nam - chia sẻ: "Phát triển kinh tế và thành công của một đất nước như Việt Nam phụ thuộc vào việc sử dụng công nghệ như một nền tảng đổi mới đất nước. Khi nền tảng công nghệ được vận hành, câu hỏi mấu chốt được đặt ra là: ai sẽ quản lý những trung tâm dữ liệu, phòng thí nghiệm và các ứng dụng này? Thành công của tương lai được đặt vào tay của nhà lãnh đạo kinh doanh thế hệ trẻ. Thế hệ Thiên niên kỷ mới và con cháu của chúng ta được tiếp xúc với công nghệ ở độ tuổi rất sớm, chúng cảm thấy thoải mái trong việc sử dụng công nghệ tại trường học, tại nhà và ở nơi làm việc. Hãy để chúng tôi khai thác thế mạnh của mình và phát triển nguồn nhân lực trẻ, sẵn sàng cho tương lai, và có trình độ cao. Đội ngũ này sẽ giúp Việt Nam nâng cao lợi thế cạnh tranh trên quy mô toàn cầu. Cisco tự hào đã đóng góp một phần trong việc phát triển thế hệ lãnh đạo kinh doanh trong tương lai qua 19 Học viện mạng Cisco và 62 giảng viên đã đào tạo gần 25.000 học viên từ khi chương trình được bắt đầu."

Trong 10 tháng tới, một loạt chương trình hội thảo qua mạng, dành cho tất cả các học viên của chương trình Học viện Mạng Cisco, sẽ đề cập đến các khía cạnh khác nhau của Mạng Internet của Vạn vật và những cơ hội nghề nghiệp mà nó mang lại. Loạt chương trình hội thảo này là sự kết hợp của cả hoạt động hội thảo trực tiếp và hội thảo qua mạng thông qua sử dụng các công nghệ cộng tác của Cisco như Cisco TelePresence, Cisco WebEx và Cisco TV.

Dựa trên báo cáo dự đoán của Cisco đã chỉ ra rằng 10 tỷ "kết nối" hiện tại sẽ phát triển thành 50 tỷ kết nối vào năm 2020, các cơ hội việc làm dựa trên tri thức sẽ trở nên phổ biến hơn trong một thế giới của Mạng Internet của Vạn vật. Khi Mạng Internet của Vạn vật định hướng quá trình chuyển đổi cùng với một thế hệ nhân viên mới, am tường về công nghệ, các kỹ thuật tạo việc làm cũng sẽ phát triển theo.

Theo một nghiên cứu gần đây của Ngân hàng Thế giới, ngành công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) đang phát triển nhanh chóng, với một thị trường toàn cầu có quy mô tới 800 tỷ đô la.

Nhận biết được xu hướng này, Cisco cam kết đáp ứng nhu cầu quan trọng về nguồn nhân lực có trình độ cao thông qua các chương trình và hoạt động hợp tác chiến lược cho cả thế hệ hiện tại và tương lai.

Để hỗ trợ hoạt động phát triển tài năng trong những lĩnh vực chính và làm giảm sự khan hiếm nhân lực có kỹ năng ngày càng trở nên nghiêm trọng này, Learning@Cisco, cùng với các đối tác của mình, sẽ cung cấp một danh mục mới, bao gồm các chương trình giảng dạy về Mạng Internet của Vạn vật (IoT), các kỳ thi và Chứng chỉ Chuyên gia của Cisco sắp được giới thiệu để tăng cường phát triển các kỹ năng về mạng trong các ngành và lĩnh vực khác nhau. Sáng kiến đào tạo và cấp chứng chỉ được công bố tại Diễn đàn Thế giới về Mạng Internet của Vạn vật này sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về các tài năng chuyên sâu với kiến thức chuyên môn về mạng IP, với sự tập trung ban đầu vào các lĩnh vực tự động hóa, sản xuất và năng lượng và sự mở rộng trong tương lai để bao gồm cả các ngành đang có mức độ đổi mới tương tự.

Minh Thiện