Sự cần thiết phải xây dựng hệ thống chuẩn kỹ năng Công nghệ thông tin ở Việt Nam.

Chính phủ số - Ngày đăng : 21:55, 03/11/2015

Bài viết giới thiệu và phân tích vai trò của chuẩn kỹ năng Công nghệ thông tin (CNTT). Trên cơ sở nghiên cứu tình hình áp dụng các chuẩn kỹ năng CNTT trong nước và quốc tế để phân tích sự cần thiết phải xây dựng hệ thống chuẩn kỹ năng CNTT áp dụng tại Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng như hiện nay.

Chuẩn kỹ năng CNTT là gì?

Chuẩn Kỹ năng CNTT là hệ thống mô tả các kiến thức lý thuyết và kỹ năng thao tác, thực hành cần đạt được của nhân lực hoạt động trong lĩnh vực CNTT. Hệ thống chuẩn kỹ năng về CNTT được xây dựng nhằm tạo ra tiếng nói chung trong thị trường đào tạo và sử dụng nhân lực CNTT. Chuẩn kỹ năng giúp trả lời 2 câu hỏi quan trọng: Người lao động cần phải biết gì và có khả năng làm gì để hoàn thành công việc? Bằng cách nào để có thể đánh giá được người lao động có làm việc tốt không? Hệ thống chuẩn kỹ năng này được xây dựng dựa trên các yêu cầu cụ thể của các cơ quan sử dụng nhân lực CNTT. Hệ thống chuẩn kỹ năng CNTT bao gồm nhiều chuẩn tương ứng với các vị trí làm việc cụ thể trong các cơ quan, doanh nghiệp sử dụng nhân lực. Các vị trí này không giống nhau tùy vào đặc thù của mỗi tổ chức, doanh nghiệp nhưng được tổng quát hoá lên. Hệ thống chuẩn kỹ năng CNTT là một hệ thống mở, có thể sửa đổi và bổ sung theo yêu cầu thực tế của cơ quan sử dụng nhân lực. Mỗi chuẩn trong Hệ thống chuẩn kỹ năng CNTT được mô tả bởi 3 yếu tố: tên gọi của chuẩn, các nhiệm vụ cần được thực hiện ở một vị trí cụ thể và và kiến thức, kỹ năng cần có để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ đề ra.

Vai trò của chuẩn kỹ năng CNTT

Các chủ thể tham gia thị trường nhân lực nói chung và thị trường nhân lực CNTT nói riêng, có thể chia ra làm 4 loại gồm: Nhà nước, người sử dụng lao động, người lao động và cơ sở đào tạo. Mỗi chủ thể có một vai trò khác nhau trong việc xây dựng, áp dụng các chuẩn nhân lực. Người sử dụng lao động thường thiết lập và sử dụng chuẩn thực tế (de facto) phù hợp nhất với mô hình hoạt động của họ. Do đó, trong đại đa số trường hợp, người sử dụng lao động mong muốn áp dụng chuẩn thực tế này. Cơ sở đào tạo thường sử dụng các chuẩn hàn lâm để đào tạo nhân lực, có vai trò giúp người lao động nâng cấp trình độ để đáp ứng các chuẩn thực tế. Người lao động phải tự nâng cấp năng lực cá nhân của mình để đáp ứng yêu cầu chuẩn của người sử dụng lao động (chuẩn thực tế) và chuẩn của cơ sở đào tạo (chuẩn hàn lâm). Nhà nước giữ vai trò thiết lập các chuẩn chính thức (de jure), làm khuôn mẫu áp đặt lên các chuẩn thực tế và các chuẩn hàn lâm. Nhà nước vừa đóng vai trò thực hiện chức năng là người điều phối thị trường nhân lực, vừa đóng vai trò của người sử dụng lao động.

Hình 1: Quan hệ giữa Nhà nước, người sử dụng lao động, người lao động và cơ sở đào tạo thông qua các chuẩn

                                                                                                                                (Nguồn: VITEC)

Trong Hình 1, các chuẩn thực tế và chuẩn hàn lâm được vẽ bởi các nét liền, thể hiện ảnh hưởng trực tiếp lẫn nhau giữa người sử dụng lao động (chuẩn thực tế) và cơ sở đào tạo (chuẩn hàn lâm). Các chuẩn chính thức do Nhà nước thiết lập thể hiện bằng các nét đứt bởi vì không phải lúc nào cũng được tuân thủ và áp dụng trong thực tế bởi người sử dụng lao động, cơ sở đào tạo và người lao động. Người lao động thông qua “năng lực cá nhân” đóng vai trò cầu nối hai chiều, tác động trực tiếp tới người sử dụng lao động và cơ sở đào tạo, thể hiện bởi các nét liền. Không có sự phản hồi trực tiếp từ người lao động đến nhà nước nên đường năng lực này được thể hiện bởi nét chấm “. . . .”. Do vậy, nhà nước chỉ có thể ước đoán năng lực cá nhân của người lao động thông qua chủ thể trung gian là cơ sở đào tạo và người sử dụng lao động.

Hệ thống chuẩn kỹ năng CNTT đóng vai trò là tiếng nói chung bảo đảm các bên tham gia thị trường lao động phải điều chỉnh hoạt động của mình để phù hợp với nhau.

Một số thông tin áp dụng các chuẩn kỹ năng CNTT trên thế giới

Tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, Chính phủ các nước đặc biệt quan tâm đến việc tổ chức đào tạo, sát hạch và đối chiếu kết quả giữa các quốc gia thông qua các chuẩn kiến thức, kỹ năng về CNTT. Đồng thời, các tổ chức chuyên trách kiểm định chất lượng nguồn nhân lực đã được thành lập ở các nước này. Cuối năm 2009, Hàn Quốc đã tổ chức một hội nghị quốc tế về đánh giá chất lượng nhân lực CNTT giữa các nước châu Á..

Tại Hàn Quốc, hệ thống kiểm định chất lượng kỹ thuật quốc gia đã được Cơ quan Phát triển nguồn nhân lực triển khai từ năm 1977. Đến 2007, có 564 loại hình sát hạch với xấp xỉ 3 triệu người tham dự. Trung Quốc từ năm 1985 đã tiến hành tổ chức sát hạch CNTT, mỗi năm tổ chức 2 kỳ theo 27 loại hình với hơn 200.000 lượt người tham dự. Tại Ấn Độ, Cơ quan Đảm bảo Chất lượng giáo dục CNTT (DOEACC) - Bộ Thông tin Truyền thông là đơn vị chịu trách nhiệm tổ chức việc sát hạch CNTT, hàng năm đều tổ chức sát hạch theo 4 mức O, A, B, C. Đến nay đã có hơn 150.000 lượt người được kiểm định. Tại Nhật Bản, từ 1969, các kỳ sát hạch thường xuyên được tổ chức, hàng năm có khoảng 1 triệu lượt người tham dự. Đến nay, Nhật Bản đã công nhận tương đương chuẩn kỹ năng với nhiều quốc gia trên thế giới như: Hoa Kỳ, Anh, Đức, Canada, Australia, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Trung Quốc.

Tại Canada, mô hình giản lược kỹ năng nghề nghiệp được phát triển cho công nghiệp phần mềm trong thị trường Canađa.  Ở Châu Âu, nổi bật và được dùng nhiều nhất là khung kiến thức và kỹ năng để thi lấy Chứng chỉ ECDL/ICDL (European/International Computer Driving License), được xây dựng xuất phát từ các nhu cầu chuẩn hóa kiến thức và kỹ năng CNTT cho người sử dụng trong Cộng đồng Châu Âu. Đến nay đã được áp dụng tại nhiều nước khác ở Châu Á và Châu Phi. Theo báo cáo của ICDL, đã có hơn 40 triệu bài thi được thực hiện bởi các cá nhân tại hơn 148 nước trên thế giới với hơn 11 triệu người tham dự. Những bài thi này được triển khai tại 24.000 Trung tâm khảo thí ở khắp nơi trên thế giới.

Có thể thấy, trên thế giới, các chuẩn kiến thức, kỹ năng CNTT đã được phát triển và áp dụng khá rộng rãi. Điều đó cho thấy sự cần thiết, vai trò của chúng trong việc làm động lực phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực CNTT nói riêng và toàn ngành CNTT nói chung.

Tình hình xây dựng và áp dụng một số chuẩn kỹ năng CNTT ở Việt Nam

Theo báo cáo của Trung tâm đào tạo (VITEC), đơn vị trực thuộc Ban quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (Bộ Khoa học và Công nghệ): đến tháng 6/2013, dựa trên mô hình chuẩn kỹ năng công nghệ thông tin của Nhật Bản, VITEC đã thích nghi và phát triển được 03 chuẩn mức từ 1-3 (trong tổng số 7 mức) kỹ năng CNTT dành cho chuyên gia được công nhận tương đương với chuẩn của Nhật Bản:

- Chuẩn Hộ chiếu CNTT (IT Passport), mức thấp nhất, có kiến thức tối thiểu.

- Chuẩn Kỹ sư CNTT cơ bản (FE), mức thứ 2, tương đương trình độ mới tốt nghiệp đại học chuyên ngành CNTT.

- Chuẩn Kỹ sư Ứng dụng CNTT (AP), mức thứ 3, tương đương trình độ thực hiện công việc độc lập, cấp chuyên gia CNTT (trước đây là chuẩn kỹ năng Kỹ sư Thiết kế và Phát triển Phần mềm). Các chuẩn kỹ năng khác đang được nghiên cứu và đánh giá mức độ khả thi khi áp dụng vào điều kiện Việt Nam. Trên thực tế, VITEC chưa từng công bố chính thức về các kết quả này nên có thể nói việc xây dựng các chuẩn CNTT vẫn ở trong giai đoạn nghiên cứu nội bộ, chưa hoàn thiện.

VITEC cũng là đơn vị triển khai hệ thống sát hạch kỹ sư CNTT theo chuẩn Nhật Bản từ năm 2001. Là quốc gia đi sau, Việt Nam đang cố gắng rút ngắn giai đoạn nhằm đưa nguồn nhân lực CNTT Việt Nam hội nhập với thị trường quốc tế. Tính đến tháng 04/2013, VITEC đã tổ chức được 23 kỳ sát hạch theo các chuẩn kỹ năng tương đương với Nhật Bản hoặc chuẩn kỹ năng của Nhật Bản, với số lượng đăng ký là 10.820 thí sinh, đạt yêu cầu là 1.507 thí sinh. Từ năm 2006, các kỳ sát hạch này được tổ chức theo cách “3 chung”: cùng một ngày, cùng một đề thi, cùng hệ thống chấm điểm với 7 nước thành viên ITPEC (IT Professional Examination Council): Nhật Bản, Thái Lan, Philippine, Malaysia, Myanmar, Mông Cổ và Việt Nam. Mặc dù số lượng thí sinh đạt chiếm tỉ lệ ít (>10%) nhưng Việt Nam hiện nay vẫn là một trong những nước tạm thời đang dẫn đầu trong số 6 nước kể trên về tổng số thí sinh tham dự sát hạch, cũng như số thí sinh thi đỗ. Điều này cho thấy rằng yêu cầu đặt ra của các chuẩn Nhật Bản là khá cao, chỉ phù hợp một số ít thí sinh có nhu cầu làm việc cho một số doanh nghiệp của Nhật, không phù hợp với đa số các thí sinh của Việt Nam.

STT

Loại hình

Số kỳ

Số lượng tham dự

Số lượng đạt

1

Kỹ sư Hệ thống mạng (NW) (thử nghiệm)

4

215

4

2

Kỹ sư Cơ sở dữ liệu (DB) (thử nghiệm)

3

105

2

3

Kỹ sư Ứng dụng CNTT (AP)

2

66

5

4

Kỹ sư CNTT Cơ bản (FE)

23

9346

1415

5

Kỹ sư Thiết kế và Phát triển phần mềm (SW)

8

892

54

6

Hộ chiếu CNTT (IP)

5

196

27

Tổng

45

10820

1507

Bảng 1: Số liệu thí sinh tham dự sát hạch tính đến 4/2013

                                                                                                                       (Nguồn: VITEC)

Bên cạnh VITEC, Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm Việt nam (VINASA) cũng đã có kế hoạch xây dựng hệ thống tiêu chuẩn phục vụ đánh giá nhân lực trong ngành công nghiệp phần mềm và nội dung số. Hệ thống của VINASA có tên viết tắt là VRS (VINASA Ranking System). Hệ thống này vẫn đang trong quá trình xây dựng, chưa được triển khai trong thực tế. VRS dự kiến bao gồm 3 hệ thống con: Hệ thống Xếp bậc, Hệ thống Đăng ký năng lực và Hệ thống Kiến thức nền tảng. Trong 3 hệ thống này, Hệ thống Xếp bậc đóng vai trò chủ chốt và có thể hoạt động độc lập, 2 hệ thống còn lại đóng vai trò phụ trợ nhưng có tính chất sống còn cho việc phát triển bền vững của Hệ thống Xếp bậc.

Hệ thống Xếp bậc dự kiến được xây dựng theo mô hình “cử tuyển”, sử dụng khuôn mẫu của Hệ thống chuẩn kỹ năng CNTT do Cơ quan Xúc tiến CNTT (IPA) thuộc Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản chủ trì. Khi hệ thống Xếp bậc được triển khai tại doanh nghiệp, VINASA đóng vai trò “hậu kiểm” đối với kết quả xếp bậc do doanh nghiệp thực hiện. Sau khi được xếp bậc, người lao động của doanh nghiệp có thể duy trì và tham chiếu hồ sơ xếp bậc của mình tại VINASA khi cần thiết (chuyển công tác, nghỉ việc ...). Các ngạch chuyên môn của Hệ thống Xếp bậc được định nghĩa theo nhu cầu của công nghiệp phần mềm nói chung và công nghiệp CNTT nói riêng nhưng tất cả các ngạch đều chỉ được chia thành 7 bậc để đảm bảo tương thích với Hệ thống Chuẩn Kỹ năng CNTT của Nhật Bản. Tương ứng với mỗi bậc của từng ngạch là một hoặc một số văn bằng chứng chỉ có sẵn trên thị trường đào tạo, có thể bao gồm văn bằng chứng chỉ của các trường đại học, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề, các chương trình đào tạo công nghệ của các hãng công nghệ, các kỳ thi/sát hạch trung lập. Việc xếp bậc chỉ được áp dụng đối với người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp. Các cá nhân chưa có lịch sử làm việc, không được bất kỳ pháp nhân nào xác nhận về kỹ năng và hành vi, đều không phải là đối tượng xếp bậc.

Sự cần thiết phải xây dựng chuẩn kỹ năng CNTT của Việt Nam

Hiện nay, thị trường nhân lực CNTT Việt Nam đang đòi hỏi một nguồn cung rất lớn không chỉ từ phía các doanh nghiệp CNTT trong nước mà cả các doanh nghiệp CNTT nước ngoài, đặc biệt khi Việt Nam đã tham gia vào WTO. Phần lớn các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng nhân lực CNTT hiện nay khi tuyển dụng chỉ có thể căn cứ vào hệ thống văn bằng, chứng chỉ do cơ sở đào tạo cấp. Tuy nhiên, có một thực tiễn ở nước ta hiện nay là: mặc dù có nhiều trường khác nhau đào tạo CNTT nhưng nhiều kỹ sư CNTT khi tốt nghiệp không thể làm việc theo chuyên ngành đã được đào tạo. Để tuyển dụng nhân lực theo đúng nhu cầu, hầu hết các cơ quan sử dụng nhân lực đều phải kiểm tra, đào tạo lại.  

Do sự khác nhau về hiện trạng và yêu cầu thị trường nhân lực CNTT nên không thể áp dụng một cách rập khuôn các chuẩn quốc tế vào toàn bộ hệ thống đào tạo và sử dụng nhân lực CNTT ở Việt Nam. Trên cơ sở tham khảo các chuẩn quốc tế, cần phải xây dựng một hệ thống chuẩn CNTT riêng, phù hợp với đặc thù Việt Nam để thống nhất áp dụng. Khi đánh giá chứng chỉ CNTT của tổ chức nước ngoài và chứng chỉ CNTT trong nước, chuẩn kỹ năng về CNTT sẽ đóng vai trò cầu nối, là cơ sở để đối chiếu, công nhận tương đương. Nhân lực Việt Nam đạt chuẩn được thừa nhận trên trường quốc tế, có thể tự tin tham gia vào thị trường lao động quốc tế. Các doanh nghiệp Việt Nam có tỷ lệ nhân lực đạt chuẩn cao dễ dàng hơn trong việc chiếm lĩnh thị trường trong nước và vươn ra mở rộng thị trường ở nước ngoài.

Để đạt mục tiêu tạo ra 1 triệu lao động CNTT vào năm 2020 theo tinh thần của Đề án đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT, chắc chắn sẽ cần một khoản đầu tư lớn cho việc phát triển nguồn nhân lực CNTT trong thời gian tới. Xây dựng và ban hành chuẩn kỹ năng CNTT là cần thiết và cấp bách để các cơ sở đào tạo chủ động định hướng đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng đáp ứng yêu cầu của thị trường. Với việc áp dụng hệ thống chuẩn kỹ năng CNTT, các bên tham gia thị trường lao động CNTT đều chủ động kế hoạch phát triển của mình. Cơ quan quản lý nhà nước về CNTT sẽ nắm được bức tranh tổng thể chính xác để xây dựng và điều chỉnh chiến lược phát triển ngành nhằm đáp ứng được nhu cầu của thị trường nhân lực CNTT. Đồng thời, chuẩn kỹ năng CNTT nêu ra yêu cầu phẩm chất công việc đối với từng lĩnh vực nghề nghiệp đặc thù của CNTT, làm sở cứ trong tuyển dụng, sử dụng và đãi ngộ nhân lực CNTT phù hợp nhất.

Tài liệu tham khảo

[1] Quyết định 1755/QĐ-TTg ngày 22/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ.

[2] Báo cáo tóm tắt một số hoạt động của VITEC, 2013.

[3] www.ecdl.org

[4] http://www.ipa.go.jp/index-e.html

[5] http://vitec.vn/Home/Notify/tabid/155/NewsID/37/Default.aspx.