Ngành công nghiệp báo chí Nhật bản: Bình yên hiện tại, mờ mịt tương lai !
Diễn đàn - Ngày đăng : 21:52, 03/11/2015
(Kỳ 1). Bình yên hiện tại: Số lượng phát hành ổn định
Hình 1 cho thấy tổng doanh thu báo chí ở Nhật suy giảm trong 15 năm qua nhưng tốc độ giảm chậm hơn so với ở châu Âu và Mỹ. Năm 2011, doanh thu giảm hơn 20% so với thời kỳ đỉnh cao năm 1997 (2,53 nghìn tỷ Yên). Trong sự sụt giảm này, doanh thu quảng cáo chiếm tỷ lệ khoảng 1/3, chủ yếu vì suy giảm kinh tế toàn cầu. Doanh thu phát hành chiếm khoảng 60% tổng doanh thu thì không suy giảm đáng kể: năm 2011 giảm 10% so với năm 1997. (Ngược lại, theo Hiệp hội báo chí Mỹ, doanh thu phát hành chỉ chiếm 27% tổng doanh thu báo chí ở Mỹ).
Số lượng phát hành báo chí ở Nhật vẫn khá cao: tờ báo lớn nhất Yomiuri Shimbun có số lượng phát hành gần 10 triệu bản/số; tờ báo lớn thứ hai là Asahi Shimbun có số lượng phát hành khoảng 8 triệu bản/số. Trung bình, báo địa phương “phủ” tới 50% số lượng hộ gia đình Nhật. Một số tờ báo phủ tới trên 60% số lượng hộ gia đình Nhật.
Tóm lại, dù doanh thu quảng cáo giảm do suy thoái kinh tế nhưng doanh thu báo chí Nhật vẫn tương đối khả quan chỉ bởi một lý do đơn giản là độc giả không hủy các hợp đồng đăng ký mua báo định kỳ.
Nguyên nhân gì khiến độc giả trung thành như vậy? Lý do chủ yếu là: đối với hầu hết độc giả lứa tuổi trưởng thành ở Nhật, báo chí không chỉ đơn thuần mang lại thông tin mà nó đã trở thành một phần không thể tách rời trong lối sống. Nếu bạn là một người trưởng thành ở Nhật, điều đầu tiên bạn làm mỗi sáng sớm là kiểm tra hòm thư và đọc báo buổi sáng. Vào buổi tối, bạn sẽ lướt qua tiêu đề tin tức báo tối để nắm được tình hình sự kiện trong ngày (mặc dù khá nhiều báo địa phương đã đình bản tờ báo buổi tối).
Mạng phát hành báo đến mọi hộ gia đình
Ở một khía cạnh nào đó, sở thích đọc báo giấy có thể giải thích cho thói quen này của người Nhật. Tuy nhiên, từ góc độ thực tế thì nguyên nhân hình thành thói quen này là nhờ mạng lưới phân phối báo in bao gồm gần 20.000 nhà phân phối địa phương đã khiến mạng lưới phát triển rất sâu, rộng đến mọi ngóc ngách của nước Nhật. Hầu hết các nhà phân phối báo đều có hợp đồng lâu dài với một nhà phát hành báo nhất định và gắn kết rất chặt chẽ với phòng kinh doanh của nhà phát hành để bán hàng và phân phối hiệu quả nhất có thể. Nhà phân phối rất tích cực, kiên trì mở rộng độ “phủ” và giữ độc giả tối đa. Họ tranh thủ kiếm tiền bằng cách kẹp thêm tờ rơi quảng cáo vào báo trước khi phân phối. 95% số lượng báo chí đến tay độc giả Nhật thông qua mạng lưới phân phối này. Nếu so sánh với Đức, quốc gia có cùng quy mô thị trường báo chí Nhật và hệ thống phân phối rất phát triển thì tỷ lệ báo chí phân phối trực tiếp đến nhà độc giả cũng chỉ đạt 70%.
Độc giả trung thành vì cá nhân gắn kết cộng đồng
Ở Nhật, mối quan hệ giữa cá nhân với cộng đồng là yếu tố chính quyết định sự trung thành của độc giả. Một người Nhật có thể trung thành với 1 tờ báo này hay tờ báo kia chỉ đơn giản vì gia đình họ thường xuyên đăng ký mua tờ báo đó hoặc thậm chí chỉ vì họ ngẫu nhiên biết hàng xóm của mình là một nhà phân phối báo chí.
Báo chí ở Nhật luôn có vai trò lớn hơn là chỉ cung cấp tin tức. Ví dụ, vào thời kỳ phát triển kinh tế thần tốc những năm sau thế chiến II, các cậu bé đưa báo (paperboy) tràn ngập các đô thị ở Nhật. Nhiều người trong số thanh thiếu niên đó đổ xô về các thành phố để theo đuổi học vấn cao đẳng, đại học. Họ đến các điểm phân phối báo gần nơi học để kiếm tiền sinh sống nhờ vào việc đưa báo, thậm chí kể cả nhiều cậu bé có học bổng cũng tham gia đưa báo. Bởi vậy, vai trò của báo chí như hình ảnh của “nhà hảo tâm” trong tâm trí hàng ngàn, hàng vạn thanh thiếu niên thuở trước. Đó cũng là lý do báo chí rất phổ biến trong những người Nhật lứa tuổi trên 50, đặc biệt là những người di cư từ vùng nông thôn ra thành phố khi trẻ.
Ngày nay, việc đưa báo không còn là lựa chọn phổ biến của sinh viên nhằm trang trải học phí và sinh hoạt phí. Thực tế, số lượng người làm việc ở các trạm phân phối báo đã giảm tới 75% trong 20 năm qua. Tuy vậy, nhà phân phối báo tìm được cách khác để duy trì việc kinh doanh của mình. Với tốc độ già hóa dân số nhanh chóng ở các vùng nông thôn hiện nay, nhiều nhà phân phối báo điều chỉnh mô hình kinh doanh phục vụ độc giả lớn tuổi bằng các dịch vụ như cho thuê xe lăn, thăm nom tại nhà đối với người lớn tuổi neo đơn. Sự trung thành của độc giả vốn đã hình thành ngay từ những năm sau thế chiến II. Khi đó nhà phân phối báo chí địa phương đã tạo được những “độc giả thủy chung son sắt” nhờ cung cấp các dịch vụ hỗ trợ mà chính quyền địa phương cũng như trung ương chưa làm được.
Đó là một số nguyên nhân khiến ngành báo chí Nhật đã gắn chặt vào cuộc sống và văn hóa của người Nhật.
Nguồn: Nippon.com
(Đón đọc kỳ II: Mờ mịt tương lai !)