Thực trạng đào tạo nghề CNTT tại các trường Cao đẳng Nghề

Diễn đàn - Ngày đăng : 21:48, 03/11/2015

Hiện nay trên khắp cả nước các trường cao đẳng nghề đều có khoa đào tạo nghề CNTT. Nhưng thực trạng khi các học sinh, sinh viên ra trường thì có đến 70% các em đều trả lời sẽ không tiếp tục theo đuổi ngành nghề mình đã được học. Tại sao các sinh viên lại không còn “hào hứng” để theo đuổi niềm đam mê CNTT của mình ?

Nhu cầu tuyển dụng của các công ty CNTT đã làm niềm đam mê CNTT của các sinh viên nghề bị “giảm mạnh”

Trong mọi thời kỳ kinh tế lúc suy thoái cũng như ổn định và tăng trưởng, nhu cầu về nhân lực CNTT luôn luôn là thiếu. Nhưng các nhà tuyển dụng trong nước, các công ty trong lĩnh vực CNTT đều có xu hướng tuyển dụng các nhân sự có bằng kỹ sư CNTT, cử nhân CNTT hoặc thấp nhất cũng là các nhân sự được đào tạo trong các trường đào tạo có dính đến liên kết với các trường nước ngoài như Aptech, RMIT,…Và hồ sơ của sinh viên “nghề” hầu như là không được các nhà tuyển dụng ngó tới.

Yêu cầu tốt nghiệp Đại học chuyên ngành CNTT luôn là yêu cầu đầu tiên của các nhà tuyển dụng (http://www.vietnamworks.com/lap-trinh-vien-php-tuyen-gap-437746-jv)

Liệu có phải các nhà tuyển dụng và các công ty CNTT trong nước thực sự không thích các “sinh viên nghề CNTT” ?

Thực tế qua quá trình đào tạo nghề, thống kê trong một lớp học tại các cơ sở đào tạo nghề CNTT tại các trường Cao đẳng có khoảng 20-30% là các sinh viên có đủ khả năng tham gia, thích ghi và có thể đảm đương được các công việc tương đương với các sinh viên tốt nghiệp các trường đại học. Nhưng thực tế cùng vị trí tuyển dụng, các nhà tuyển dụng có quá nhiều lựa chọn do đó dẫn đến hồ sơ của sinh viên nghề không được xem xét.

Bên canh đó ý thức học tập của các sinh viên nghề CNTT vẫn còn chưa cao cũng như các phương pháp đào tạo tại các trường cao đẳng nghề cũng chưa thực sự cập nhật với các nhu cầu thực tế từ các doanh nghiệp. Khung chương trình đào tạo nghề CNTT vẫn còn định hướng và bám theo khung chương trình đào tạo của các trường đại học. Dẫn đến việc đào tạo nghề CNTT không có gì khác biệt so với đào tạo CNTT bậc đại học. Vì vậy sinh viên khi tốt nghiệp nghề CNTT đa phần không tìm được hướng đi và chỗ đứng của mình trong môi trường CNTT đầy cạnh tranh khốc liệt.

Hướng đi nào cho các sinh viên nghề CNTT

Để có thể giúp các sinh viên nghề CNTT có thể có lựa chọn vững vàng trong nghề nghiệp, sau đây là một số giải pháp được đề xuất

  1. Tất cả các thay đổi, cũng như các công việc đang được thực hiện tại các doanh nghiệp CNTT lên được đưa vào giảng dạy tại các khoa CNTT thông qua sự phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp và trường: điều này giúp các sinh viên được tiếp cận nhanh nhất tới các công việc thực tế. Để làm được điều này, nhà nước cần hỗ trợ cho các trường cao đẳng nghề được phép chủ động và linh hoạt xây dựng khung chương trình đào tạo nghề.
  2. Kết hợp doanh nghiệp với trường học: các sinh viên nghề CNTT được tham gia làm việc và được giao các công việc từ đơn giản đến phức tạp tương ứng với thời gian học nghề và được hướng dẫn tỉ mỉ. Việc học của sinh viên được kết hợp như sau 2-3 tuần học tập tại trường, 5-6 tuần được thực tế tại doanh nghiệp. Việc học và thực hành giúp sinh viên nuôi dưỡng niềm đam mê nghề nghiệp và nhìn thấy được hướng đi của tương lai.
  3. Lựa chọn doanh nghiệp: các sinh viên nghề CNTT sau khi tốt nghiệp cách tốt nhất là lựa chọn các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Vì nơi đây là các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lớn nhất và họ thực sự có nhu cầu tuyền dụng các sinh viên nghề CNTT vì yếu tố tài chính. Họ sẵn sàng tuyển dụng và đào tạo sinh viên nghề hơn là tuyển dụng các sinh viên tốt nghiệp đại học với chi phí trả lương cao cũng như họ luôn cảm thấy sự gắn bó lâu dài của các sinh viên tốt nghiệp đại học này với quá trình thăng tiến của công ty là một điều gì đó quá “xa xỉ”.