Thách thức nào của quản lý khi tiến vào nền kinh tế tri thức?

Diễn đàn - Ngày đăng : 21:45, 03/11/2015

Trong thế kỷ XX, sự đóng góp quan trọng nhất và sự độc đáo của lĩnh vực quản lý là việc tăng năng suất lao động chân tay trong sản xuất lên 50 lần. Cũng như thế, sự đóng góp của lĩnh vực quản lý là được làm đối với bất kỳ quốc gia nào muốn tiến vào kinh tế tri thức trong thế kỷ XXI, sẽ là việc nâng cao năng suất lao động các công việc tri thức và năng suất lao động của người lao động tri thức.

Trong thời đại mới - thời đại thông tin - các mô thức về quản lý của kỷ nguyên công nghiệp đang lung lay, tuy nhiên không nhiều người nhận thấy điều này. Do đó, trên thực tế, bất cứ ai công kích quá sớm một mô hình đang thịnh hành tất sẽ bị bộ máy trí thức và kinh viện đang ngự trị nhìn bằng cặp mắt nghi ngờ. Nhưng đã đến lúc cần nhìn nhận lại các mô hình, kể cả mô hình về quản lý.

Đây có thể là những vấn đề lớn, thậm chí có nhiều ý kiến cho rằng chúng quá xa rời với thực tiễn Việt Nam. Nhưng với nhiệm vụ “đi tắt, đón đầu”, người quản lý cần chuẩn bị cho mình nhãn quan lớn hơn về những gì đang diễn ra trong một môi trường toàn cầu và để quan sát những ai đang đi trước mình. Phần đông, con người thường ngại khi đứng trước những thách thức. Tuy nhiên, đi đôi với thách thức là những cơ hội, và đó chính là biện chứng của cuộc sống.

1.Không thể cưỡng lại sự thay đổi

Sự hấp dẫn nhất của tương lai có lẽ là nó không giống hôm nay. Để có cái “không giống” ấy, thay đổi là điều tất yếu. Rất rừ ràng rằng: không ai có thể điều khiển được sự thay đổi, người ta chỉ có thể đi trước nó. Cũng như thế, sự thay đổi là điều không thể tránh khỏi. Trong thời đại thông tin, mọi sự thay đổi có lẽ là điều bình thường, nhưng chắc chắn sẽ đầy rủi ro, và đòi hỏi mỗi người phải làm việc nhiều hơn. Theo Peter Drucker, “các tổ chức, bất kể là doanh nghiệp, trường đại học hay bệnh viện, nếu không đặt cho mình nhiệm vụ đi trước sự thay đổi, thì sẽ không thể nào tồn tại được”. Do đó một thách thức trọng tâm của thế kỷ XXI đối với nhà quản lý là làm thế nào để tổ chức của mình đi trước sự thay đổi. Người đi trước sự thay đổi xem sự thay đổi là cơ hội của họ.

Đã có nhiều thành công, nhưng đó là thành công của ngày hôm qua, còn nếu lấy đó là mục tiêu của ngày mai thì hoàn toàn sai lầm - đó là một bước thụt lùi. Chúng tôi cần thay đổi những cái vừa đạt được. Nhìn lại những cái đã đạt được chúng tôi chưa thấy hài lòng, và vì thế, chúng tôi cần phải thay đổi”. Đó là lời phát biểu của giám đốc một công ty luật.   

Bill Gate cho rằng thập niên 80, việc cải thiện chất lượng được chú trọng nhất, thập niên 90 dành cho tái thiết phát triển công ty, thì những năm 2000 giành cho tốc độ. Mọi người dễ nhất trí rằng, hiện nay chúng ta đang làm những gì chúng ta đã từng làm trước kia, chỉ khác ở tốc độ. Trong trường hợp này, sự “thay đổi” thể hiện ở tốc độ, vì khi tốc độ tăng đến một mức độ nhất định, bản chất của hoạt động có thể cũng thay đổi theo. Ví dụ, phản ứng với những thay đổi trong việc bán hàng theo từng giờ thay vì từng tuần sẽ biến chức năng chính của một tổ chức là sản xuất trở thành một tổ chức dịch vụ cung ứng sản phẩm. Phải chăng, nó tương ứng quy luật lượng đổi – chất đổi trong triết học.

2.Lao động tri thức và năng suất của lao động tri thức

Tài sản có giá trị nhất của một công ty ở xã hội công nghiệp là thiết bị sản xuất. Trong khi đó, sang xã hội tri thức, mọi việc đã thay đổi. Đối với bất kỳ tổ chức nào – kinh doanh hay phi kinh doanh - người lao động tri thứcnăng suất lao động của họ mới là thứ giá trị nhất.

Cách tiếp cận của Taylor xuất phát từ lao động chân tay trong sản xuất công nghiệp và chỉ áp dụng trong phạm vi đó mà thôi. Điều này vẫn sẽ là nguyên tắc tổ chức tại các nước thuộc “thế giới thứ 3”, khi mà ở đó lao động chân tay, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất, vẫn là khu vực tăng trưởng chủ yếu trong nền kinh tế. Ở những nước này, lực lượng lao động trẻ với trình độ văn hoá thấp và không có tay nghề vẫn tiếp tục tăng.

Tuy nhiên, tại các nước phát triển thì thách thức chủ yếu không còn là vấn đề tăng năng suất lao động chân tay nữa, mà là vấn đề tăng năng suất của lao động tri thức. Lao động tri thức đang nhanh chóng trở thành bộ phận lớn nhất của lực lượng lao động tại các nước này. Hiện nay, gần 30% dân số ở trong “những dịch vụ dữ liệu”, thu thập, xử lý, khôi phục hay phân tích thông tin. Bộ lao động Anh, ngay từ những năm 1990 của thế kỷ trước chỉ tuyển không đến 20% lực lượng lao động, và con số này tiếp tục giảm. Khoảng 2/3 lao động Mỹ ngày nay làm việc trong bộ phận dịch vụ. Các nước khác tỉ lệ này đang tăng dần lên nhanh chóng. Năng suất lao động của lực lượng lao động tri thức sẽ ngày càng trở thành yếu tố quyết định sự phồn vinh và tồn tại của nền kinh tế các nước phát triển trong tương lai.

3.Tính đa dạng của tổ chức mới - tổ chức của các lao động tri thức.

Các tổ chức theo mô hình cũ (có thể gọi là tổ chức cổ điển) được thiết kế theo hướng tồn tại lâu dài. Do vậy mà tất cả các tổ chức đang tồn tại bất luận là doanh nghiệp hay trường đại học, nhà dưỡng lão, bệnh viện...đều cần hết sức nỗ lực mới có thể tiếp thu sự thay đổi và có khả năng thay đổi. Vì thế các tổ chức hiện tại luôn gặp phải việc chống lại sự thay đổi. Nhưng rõ ràng, những lao động tri thức cần có một mô hình tổ chức mới, phù hợp với đặc điểm rất riêng của họ. Nhiều nhà nghiên cứu về lý thuyết tổ chức và quản lý hiện đại phương tây cho rằng, tổ chức trong thời đại thông tin sẽ xuất hiện với tất cả những hình dạng, kích cỡ – lớn hay nhỏ, nhiều hay ít. Cơ cấu tổ chức là cần thiết. Cũng như các tổ chức sinh học đa dạng về cấu trúc, các tổ chức xã hội cũng có nhiều cơ cấu tổ chức khác nhau. Thay vì đi tìm một mô hình tổ chức chức duy nhất đúng trước đây, cấp quản lý cần phải xem xét, phát triển và thử nghiệm.   

Tuổi thọ của một tổ chức thường không dài bằng cuộc sống của lao động tri thức. Thật vậy, một người tuổi thọ trung bình là 75, họ bắt đầu làm việc ở tuổi 30 (kéo dài thời gian ở trường đại học để lấy bằng tiến sĩ chẳng hạn), như thế họ có 45 năm làm việc. Trong khi đó, tuổi thọ trung bình của các tổ chức là 30 năm (đối với doanh nghiệp thành công), thời đại có những biến động lớn và nhanh như hiện nay có thể còn ít hơn. Ngay cả đối với những tổ chức mà thông thường có thời gian tồn tại lâu, nếu không nói là vĩnh cửu – các trường phổ thông, trường đại học, bệnh viện, cơ quan chính phủ – thì cũng không tránh khỏi những thay đổi nhanh chóng trong thời đại hiện nay. Các tổ chức này vẫn kéo dài sự tồn tại, nhưng không chỉ ở hình thái đang có mà nó buộc phải có những thay đổi về cấu trúc, chức năng nhiệm vụ, yêu cầu đối với kiến thức, tiêu chuẩn tuyển dụng v.v... Do đó, những người lao động, đặc biệt là lao động tri thức, sẽ ngày càng sống lâu hơn bất kỳ một tổ chức nào sử dụng họ. Điều này giải thích lý do vì sao ngày nay lao động tri thức phải chuẩn bị sẵn sàng cho nhiều loại công việc, nhiệm vụ và nhiều nghề nghiệp như thế.

4. Công nghệ kỹ thuật số song hành với các chức năng của nhà quản lý

Tuy cuộc cách mạng về thông tin không đơn thuần là cuộc cách mạng về công nghệ: máy móc, kỹ thuật, tốc độ hay phần mềm, mà là cuộc cách mạng về Quan niệm và Đổi mới tư duy, song tầm quan trọng của công nghệ thông tin và truyền thông đối với sự phát triển của các tổ chức, doanh nghiệp với hệ quả là sự thịnh vượng của các quốc gia không còn là vấn đề tranh cãi. Ứng dụng công nghệ thông tin do vậy trở thành một phần không thể thiếu trong các chiến lược cạnh tranh của các tổ chức, các doanh nghiệp và quốc gia.

Trong tương lai, nhà quản lý bị ràng buộc hoàn toàn bởi các phương tiện CNTT hiện đại. Chỉ có sự trợ giúp của các thiết bị này mới đảm bảo cho họ có phản ứng kịp thời với mọi thay đổi của môi trường xung quanh, giúp họ có những quyết định đúng đắn trong điều hành hoạt động của tổ chức. Vì thế, ngoài sự linh hoạt trước những thay đổi, nhà quản lý còn phải không hoảng hốt trước công nghệ mới, tiếp cận, làm chủ nó như là một nhiệm vụ đương nhiên. Có lẽ nhà quản lý những năm 2000 sẽ là người khai thác dữ liệu, chuyển chúng sang thông tin – vì đó là cơ sở để ra quyết định.     

Tài liệu tham khảo

  1. NGUYỄN TRUNG ĐỨC, Hệ thống thông tin, NXB KHKT, 1996.
  2. Chỉ thị 58-CT/TW ngày 17/10/2000 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
  3. PETER DRUCKER, Những thách thức của quản lý trong thế kỷ 21, NXB Trẻ, 2001.
  4. ALVIN TOFFLER, Tư duy lại tương lai, NXB Tri thức, 2005.
  5. Luật Giao dịch điện tử (2005), Luật Công nghệ thụng tin (2006).