Chuyển đổi IPv6: Kinh nghiệm thực tiễn của Trung Quốc
Diễn đàn - Ngày đăng : 21:44, 03/11/2015
Ông Latif Lakid, Chủ tịch Diễn đàn IPv6 toàn cầu nhấn mạnh trong bài phát biểu tại Hội nghị: Trong 10 năm qua, trên toàn thế giới IPv6 phát triển khá tốt. Hiện nay toàn thế giới có 22,4 % các mạng cao cấp sử dụng IPv6 và có khoảng 18% thuê bao Internet sử dụng IPv6. Trung Quốc đã đóng một vai trò quan trọng không thể phủ nhận, trong 10 mạng cao cấp của thế giới, có 3 mạng là của Trung Quốc. 5% số thuê bao sử dụng IPv6. Điều đó chứng tỏ hiệu suất xây dựng IPv6 của Trung Quốc đang được nâng cao.
Ông Lưu Đông, Chủ tịch liên minh mạng Internet thế hệ mới của Trung quan Thôn (Khu khoa học công nghệ cao của Trung Quốc), Đồng Chủ tịch Hội nghị Diễn đàn Internet toàn cầu thế hệ mới cho rằng: IPv6 đã trở thành con đường phát triển duy nhất và tất yếu cho mạng Internet toàn thế giới thế hệ mới, toàn bộ hệ thống mạng Internet hiện tại sẽ được nâng cấp toàn diện.
Theo các báo cáo của Trung Quốc thì đến cuối tháng 12/2012, toàn Trung Quốc có có 331 triệu địa chỉ IPv4, bình quân đầu người có 0,6 địa chỉ, trong khi đó bình quân đầu người ở Mỹ có 6 địa chỉ. Bộ Công nghiệp Thông tin Trung Quốc dự báo 5 năm tới Trung Quốc cần có 34,5 tỷ địa chỉ IP !!!
Nhận rõ tầm quan trọng của IPv6 và nhu cầu nội tại, Trung Quốc đã sớm triển khai nghiên cứu thử nghiệm IPv6 với sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ. Ngay từ năm 2003, Chương trình Mạng Internet thế hệ mới của Trung Quốc (Viết tắt là CNGI) được 7 Bộ và cơ quan nhà nước bảo trợ đã chính thức công bố. Tại Olympic Bắc Kinh năm 2008, Trung Quốc đã giới thiệu mạng Internet sử dụng IPv6. Tháng 10/2009 Dự án mạng trục CERNET2 (nằm trong chương trình CNGI) ứng dụng IPv6 đã kết nối 25 cổng truy nhập Internet ở 25 thành phố của Trung Quốc. Đầu năm 2012, Chính phủ Trung Quốc công bố “Những ý kiến chỉ đạo về mạng Internet thế hệ mới trong giai đoạn 2012 – 2015”, trong đó xác định đến năm 2015 mức độ phổ cập Internet ở Trung Quốc phải đạt đến 45%. Số thuê bao băng rộng kết nối với IPv6 đạt 25 triệu (trong tổng số 370 triệu cổng kết nối băng rộng). Tốc độ kết nối Internet cho các thuê bao ở thành phố đạt 20Mbit/s, ở nông thôn là 4Mbit/s.
Tính đến tháng 3/2012 số địa chỉ IPv6 đi vào sử dụng ở Trung Quốc đứng thứ 3 thế giới, tăng 23 lần so với đầu năm 2011. Dưới đây là vài nét về kế hoạch và kết quả triển khai chuyển đổi IPv6 của 3 đại gia viễn thông ở Trung Quốc.
China Telecom: đã khai trương dịch vụ IPv6 băng rộng ở 3 thành phố: Nam Kinh, Trường Sa, Vô Tích. Dự kiến đến cuối năm 2013 tiếp tục mở rộng ra 20 thành phố, trong đó có Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Tây An v.v.... Hiện nay ở các khu vực mà China Telecom đang thử nghiệm IPv6, số thuê bao băng rộng kết nối IPv6 đã lên tới 20 vạn. China Telecom đã cùng với Công ty thông tin có dây Comcast của Mỹ trở thành 2 nhà khai thác viễn thông có mạng IPv6 lớn nhất thế giới.
ChinaMobile: Phát triển IPv6 di động chia làm 3 giai đoạn. Ở giai đoạn khởi động, China Mobile đang tiến hành thử nghiệm rộng rãi tại nhiều địa điểm; Giai đoạn 2014-2015 sẽ tiến hành nâng cấp toàn mạng lên IPv6; Trong năm 2016, China Mobile sẽ mở rộng thí điểm sử dụng IPv6 ở 10 thành phố, ước tính số thuê bao IPv6 sẽ đạt khoảng 3 triệu địa chỉ IPv6.
China Unicom: China Unicom phát triển IPv6 theo 3 giai đoạn: từ 2011 đến đầu năm 2013 là giai đoạn tổ chức các thí điểm mang tính thương mại; từ 2013 đến 2015 là giai đoạn nâng cấp xây dựng mạng IPv6 một cách bài bản và quy mô. China Unicom hy vọng trong 2 giai đoạn này đến cuối năm 2013 sẽ có khoảng 3 triệu thuê bao băng rộng kết nối IPv6, đến năm 2015 thực hiện việc kết nối IPv4 và IPv6 cùng sử dụng song song và kết nối với nhau. Từ 2015 đến 2020 là giai đoạn phát triển và phổ cập IPv6.
IPv6 có ưu thế tuyệt đối về địa chỉ IP vô hạn so với IPv4 và các ưu điểm khác như độ an toàn cao, dễ mở rộng, dễ quản lý, kết nối dễ v.v...Tuy nhiên thực tế, việc xây dựng IPv6 trên toàn thế giới là không đồng đều, thậm chí ở một số nơi đạt hiệu quả thấp. Trung Quốc cũng như nhiều nước khác khi quá độ từ IPv4 sang IPv6 sẽ gặp ngay 3 trở ngại lớn sau đây:
Trở ngại lớn thứ nhất: Các thiết bị và mạng thông tin sử dụng IPv4 hiện nay đã đi sâu vào công việc và đời sống xã hội, rất khó có thể chuyển dịch toàn bộ sang IPv6 trong một thời gian ngắn. Hơn nữa, trong giai đoạn phát triển ban đầu của IPv6, các nhà nghiên cứu chưa chú ý đến việc nghiên cứu các giải pháp sử dụng song song IPv4 và IPv6 mà mới tập trung nghiên cứu giải quyết các khuyến nghị để xây dựng mạng Internet thế hệ mới, điều này là một trở ngại lớn để mở rộng IPv6. Tuy nhiên, các nước đều đang tích cực xây dựng kế hoạch để có giải pháp quá độ thuận lợi từ IPv4 sang IPv6. Hiện nay có 3 giải pháp chủ yếu: sử dụng “dual stack”, thiết lập đường hầm và thay đổi địa chỉ.
Trở ngại lớn thứ hai: Thực tiễn cho thấy để chuyển đổi một khối lượng thiết bị, mạng lưới và các ứng dụng từ IPv4 sang IPv6 cần có khoản đầu tư lớn và thời gian khá dài và trong một thời gian ngắn thì khoản đầu tư này chưa cho thấy hiệu quả rõ rệt. Các doanh nghiệp thường phải cân đối thu chi, tính toán lỗ lãi khi đầu tư. Chính vì thế mà phần lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ khá thận trọng và rụt rè khi chuyển đổi sang IPv6. Vì vậy ở Trung Quốc cũng như trên thế giới, thời gian việc nâng cấp lên mạng Internet IPv6 hầu hết tập trung ở các tập đoàn, doanh nghiệp lớn như Google, Facebook, Yahoo v.v....
Trở ngại lớn thứ ba: IPv6 có nhiều ưu điểm so với IPv4, tuy nhiên trước mắt thì những ưu thế về kỹ thuật này chưa thể hiện được nhiều trong các ứng dụng. Hiện nay phần lớn các ưu thế của IPv6 được thể hiện trong việc chế tạo các thiết bị phần cứng của các nhà sản xuất, còn các thành viên khác trong chuỗi sản xuất của mạng Internet thế hệ mới khó cảm nhận được điều này. Đó là chưa kể khi sử dụng mạng IPv6 và sử dụng mạng IPv4 cảm nhận của thuê bao không khác biệt là mấy. Vì vậy, không ít thuê bao rất khó từ bỏ IPv4 để chuyển sang IPv6.
Để giải quyết những trở ngại lớn này, kinh nghiệm thực tiễn của Trung Quốc cho thấy cần hết sức chú trọng tiến hành những giải pháp sau đây:
1/ Nêu cao vai trò chỉ đạo và chủ động của Chính phủ; Không những Chính phủ phải sớm ban hành chương trình quá độ sang IPv6 mà chính phủ còn phải ra các văn bản chỉ đạo mục tiêu và kế hoạch phát triển cho từng giai đoạn, đồng thời phải ban hành một loạt chính sách để hỗ trợ quá độ sang IPv6. Trong ý kiến chỉ đạo về phát triển mạng Internet thế hệ mới của Trung Quốc giai đoạn 2012 - 2015, chính phủ Trung Quốc đã xác định sách lược: “Chính phủ dẫn dắt, thúc đẩy ứng dụng, tích cực quá độ, mở cửa sáng tạo, bảo đảm an toàn, phát triển nhảy vọt”. Ngoài ra Chính phủ còn sớm dành những khoản đầu tư cho nghiên cứu phát triển IPv6 và đầu tư để hỗ trợ các doanh nghiệp mạnh dạn chuyển đổi sang IPv6…
2/ Thúc đẩy sự liên kết và hợp lực của chuỗi các doanh nghiệp trong ngành để đưa nhanh IPv6 vào khai thác thương mại
Chuyển đổi sang IPv6 cần thời gian dài và đầu tư lớn, một doanh nghiệp riêng lẻ không thể triển khai được mà cần có sự liên kết, hợp lực của nhiều thành viên trong chuỗi doanh nghiệp trong ngành, trước hết là các nhà khai thác viễn thông. Chính vì vậy mà Chính phủ Trung Quốc đã đề ra nhiệm vụ cụ thể cho các đại gia viễn thông của Trung Quốc như China Mobile, China Telecom, China Unicom, China Netcom v.v.... khi quá độ sang IPv6. Hiện nay các doanh nghiệp viễn thông và công nghệ thông tin của Trung Quốc đã đạt được nhận thức chung khi quá độ sang IPv6 là: quá độ sang IPV6 không phải là việc một sớm một chiều, trong tương lai dự kiến IPv4 và IPv6 sẽ cùng tồn tại lâu dài, đồng thời lấy IPv6 làm chính, IPv4 làm phụ cho đến khi IPv6 hoàn toàn thay thế IPv4. Các cơ quan nghiên cứu của Trung Quốc cũng cho biết: Hiện nay trên mạng Intrenet của Trung Quốc tồn tại sự chuyển đổi giữa 2 cấp địa chỉ IP. Chuyển đổi từ IPv4 sang IPv6 có thể kết nối trực tiếp qua lớp ứng dụng. Cần thúc đẩy các nhà cung cấp ứng dụng và các nhà khai thác tiến hành thương thảo, tích cực giải quyết các trở ngại khi chuyển đổi.
3/ Tăng cường công tác thông tin truyền thông về quá độ sang IPv6 cho cộng đồng các doanh nghiệp và các thuê bao, đồng thời sớm xây dựng và ban hành các gói cước hấp dẫn để khuyến khích các thuê bao chuyển sang sử dụng IPv6.
Hy vọng những kinh nghiệm thực tiễn của quá trình xây dựng mạng Internet thế hệ mới của Trung Quốc với những kết quả khả quan sẽ giúp ích cho chúng ta trong bước đường quá độ sang IPv6 sắp tới.
Tài liệu tham khảo
1. Liêu Kiếm Phong, Ba trở ngại lớn khi quá độ sang IPv6, cần các doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất đồng tâm hiệp lực, Báo Thông tin và Truyền thông, WWW.cnii.com.cn ngày 17/4/2013.
2. www.apnic.net/ipv6content/chinesse.
3. www.en.Wikipedia.org/IPV6 deployment.
4. www.gov.cn 11/6/2012.
5. www.cnii.com.cn ngày 18/4/2013 Lưu Đông.