Chính phủ điện tử di động - Xu hướng dịch vụ công thế hệ tiếp theo (phần 2)

Chính phủ số - Ngày đăng : 21:42, 03/11/2015

Tầm quan trọng chiến lược của thông tin di động đang ngày càng được khẳng định khi việc sử dụng công nghệ vô tuyến và di động ảnh hưởng ngày càng mạnh đến việc tổ chức và cung cấp các dịch vụ công ở cả các nước phát triển và đang phát triển. Sự sẵn sàng của thông tin di động tạo ra cơ hội cung cấp các dịch vụ hành chính công bằng các giải pháp và ứng dụng di động.

Một số khái niệm và động lực phát triển chính phủ điện tử di động

Sự phát triển của các hình thức quản lý hành chính công được phân loại tóm tắt như sau (xem Bảng 2) :

-Chính phủ: Cơ quan xây dựng và thực thi các chính sách quốc gia

-Chính phủ điện tử (CPĐT) : Sử dụng CNTT&TT (cụ thể là Internet) làm công cụ để có chính phủ tốt hơn

-Chính phủ điện tử di động : Sự mở rộng, phát triển của CPĐT bằng việc ứng dụng công nghệ thông tin di động để cung cấp các dịch vụ công.

Bảng 2 : Tổng quan về các khái niệm chính phủ thông thường, điện tử và di động

Mục

Chính phủ thông thường

Chính phủ điện tử

Chính phủ di động

Cơ sở

Cơ bản (điện thoại, fax)

Sử dụng IT (PC, Internet)

Tích hợp và kết nối xuyên suốt các thiết bị vô tuyến

Thời gian phục vụ

8 giờ/ngày, 5 ngày/tuần

24 giờ/ngày, 7 ngày/tuần

24 giờ/ngày, liên tục trong 365 ngày

Nơi phục vụ

Trụ sở làm việc, fax, điện thoại

Nhà và cơ quan của khách hàng qua Internet

Địa điểm vật lý của khách hàng

Hình thức dịch vụ

Có mặt ở trụ sở nhiều lần

Truy nhập vào cổng thông tin điện tử

Truy nhập thời gian thực vào dịch vụ cần thiết

Có một số khác biệt cơ bản trong việc cung cấp dịch vụ giữa CPĐT và chính phủ điện tử di động. CPĐT liên quan đến việc chuẩn bị và tạo lập thông tin điện tử phân theo khu vực địa lý cho mọi loại hình công nghệ CNTT (chẳng hạn như các máy tính cá nhân hoặc ki-ốt thông tin). Trong khi đó, chính phủ điện tử di động liên quan đến việc tương tác trong bối cảnh chưa biết trước, nơi các rào cản vật lý trong tương tác với các máy đầu cuối di động hạn chế số lượng và loại hình thông tin có thể tiếp cận được. Những khác biệt này tạo nên thách thức cho cả việc chấp nhận và triển khai chính phủ di động.

Một trong số các câu hỏi quan trọng nhất liên quan đến sự phát triển công nghệ đối với chính phủ di động là: Liệu CPĐT có thể bị thay thế bởi chính phủ điện tử di động, hay chính phủ di động sẽ chỉ là thêm một kênh tiếp cận quản lý hành chính? Trên quan điểm phát triển về tương tác giữa cơ quan quản lý nhà nước di động, công dân di động và công chức di động, việc chuyển đổi từ CPĐT sang chính phủ di động sẽ không chỉ thay đổi về công nghệ mà còn cả cơ chế. Việc thay đổi cơ chế có thể dẫn đến mối quan hệ khác giữa chính phủ điện tử di động và công dân di động, giữa chính phủ điện tử di động và công chức di động, cũng như sự phát triển mối quan hệ khác giữa công dân và công chức.

Các điều kiện cần để triển khai giải pháp chính phủ di động là: Sự chấp nhận rộng hơn về kỹ thuật-công nghệ của cơ quan quản lý hành chính ; Tỷ lệ thuê bao di động; Dễ dàng sử dụng cho người dân; Hoạt động liên kết dễ dàng hơn; Chính phủ gần người dân hơn; Các dịch vụ chính phủ di động rẻ hơn các dịch vụ trên nền máy tính.

Các động lực chính phát triển chính phủ điện tử di động được phân tích dưới đây :

Tiếp cận dịch vụ tốt hơn – Chính phủ điện tử di động cung cấp thêm một kênh thông tin cho người dân tiếp cận dịch vụ công, thu hút thêm người dùng tiếp cận các dịch vụ công nhờ sự tiện lợi, đặc biệt là với người dân ở các vùng sâu, vùng xa.

Tính sẵn sàng của dịch vụ tốt hơn – Giống như nhiều mô hình dịch vụ kinh doanh di động, các dịch vụ chính phủ điện tử di động nhất định có thể được tự động hóa để luôn sẵn sàng cung cấp 24  giờ/ 7 ngày.

Đáp ứng dịch vụ tốt hơn – Do một số dịch vụ chính phủ điện tử di động nhất định có thể được tự cung cấp một cách tự động, người dân có thể tiếp cận các dịch vụ này mà không phải chờ đợi so với giao dịch tương tự khi sử dụng dịch vụ công thông thường.

Chất lượng và hiệu quả dịch vụ tốt hơn – Thu hút sự quan tâm và cho phép cộng đồng tương tác và liên lạc qua công nghệ trực tuyến.

Khả năng mở rộng dịch vụ – Chính phủ điện tử di động có chi phí thấp hơn nhiều so với dịch vụ truyền thống (ví dụ như: vật tư in ấn, nhất là ở những khu vực đông dân). Độ linh hoạt và khả năng mở rộng có thể được đảm bảo khi các khối chức năng có thể sử dụng giao diện chung để kết nối với nhau.

Sự tham gia của các chủ thể linh hoạt hơn – Chính phủ điện tử di động cho phép người dân và doanh nghiệp tận dụng lợi thế của Internet để tiếp cận các dịch vụ hành chính công, do đó họ có nhận thức tốt hơn và sẽ tham gia nhiều hơn.

Tích hợp, liên lạc và tương tác– Việc ứng dụng CNTT cho phép phối hợp tốt hơn các phòng ban chức năng trong quá trình quản lý và gia tăng sự hài lòng của khách hàng trong việc cung cấp các dịch vụ công cả ở các kênh truyền thống và kênh điện tử. Kênh liên lạc điện tử  cho chính phủ cơ hội tương tác với nhóm người sử dụng cụ thể - những người có thể không tiếp cận được qua cách thức liên lạc thông thường. Tuy nhiên, do các dịch vụ chính phủ điện tử di động thường được thiết kế theo phương thức có số lượng tương tác người-máy lớn, việc thực hiện công tác bảo trì và quản lý sẽ khó khăn hơn.

Chí phí thấp (chi phí cố định và vận hành) – Một trong số các lợi ích của chính phủ điện tử di động cho phép lưu trữ và hiển thị thông tin linh hoạt. Điều này làm giảm chi phí bảo trì và vận hành so với việc phải in tất cả các thông tin cần thiết ra. Thêm nữa, việc chỉnh sửa và cập nhật nội dung có thể được thực hiện trực tuyến mà không mất chi phí in lại, xử lý tài liệu bị loại bỏ và chuyển phát tài liệu mới.

Nhận thức và hình ảnh tốt hơn– Việc sử dụng các kênh trực tuyến và di động để tương tác với người dân, khuyến khích họ tham gia vào việc xây dựng chính sách có ảnh hưởng tích cực đến lòng tin cũng như sự đồng cảm với công việc của chính quyền. Ngoài ra, kênh di động có thể tăng cường sự tham gia của công dân, làm cho việc thiết kết và thực thi chính sách dễ dàng, có kết quả tốt hơn. Do đó, các dịch vụ chính phủ điện tử di động có thể cải thiện hình ảnh hoạt động của cơ quan quản lý. Từ đó, các chủ trương chính trị cũng sẽ khuyến khích chấp nhận triển khai các dịch vụ chính phủ điện tử di động nhằm tạo hình ảnh tích cực hơn đối với quốc tế.

Xây dựng chính sách và những hoạt động ưu tiên

Việc xây dựng chính sách cần xem xét các yếu tố chính của dịch vụ công thế hệ tiếp theo như sau :

Lấy người dân làm trung tâm - Hầu hết các công việc của chính phủ vẫn chưa xây dựng chính sách từ quan điểm của người dân. Việc thay đổi quan điểm của chính phủ sẽ đòi hỏi thay đổi về tư duy cũng như cấu trúc của chính phủ.

Tái cấu trúc chính phủ- Chính phủ phải phát triển theo mô hình hợp tác dịch vụ, xây dựng và thực thi chính sách (tức là chấp nhận cách tiếp cận tổng thể về chính phủ, khuyến khích các chủ thể, người tham gia và các cơ quan hành chính phù hợp).

Dễ dàng tham gia, đo lường được và minh bạch - Người dân đang ngày càng quan tâm đến hoạt động của chính phủ. Ở một số nước phát triển họ còn bắt đầu tham gia vào quá trình xây dựng chính sách. Tính minh bạch và khả năng người dân kiểm soát được kết quả đầu ra và ảnh hưởng của các chương trình của chính phủ và tham gia quá trình phát triển sẽ là đặc thù chính của dịch vụ công thế hệ mới.

Thay cho lời kết

Tầm quan trọng chiến lược của thông tin di động đang ngày càng được khẳng định khi việc sử dụng công nghệ vô tuyến và di động ảnh hưởng ngày càng mạnh đến việc tổ chức và cung cấp các dịch vụ công ở cả các nước phát triển và đang phát triển. Sự sẵn sàng của thông tin di động tạo ra cơ hội cung cấp các dịch vụ hành chính công bằng các giải pháp và ứng dụng di động. Cũng như quyết định triển khai chính phủ điện tử - được coi là bước quan trọng được nhiều nước thực hiện trong những thập kỷ vừa qua - việc chấp nhận triển khai chính phủ điện tử di động nhằm hỗ trợ và nâng cao năng lực chính phủ trong một xã hội kết nối là tất yếu. Chính phủ điện tử di động đang trở thành làn sóng mới đối với việc ứng dụng CNTT&TT trong quản lý hành chính.

Sự phát triển vượt bậc cho thấy tiềm năng thông tin di động đối với công tác quản lý hành chính, cho phép tiếp cận dịch vụ công ở những khu vực chưa có dịch vụ Internet hoặc điện thoại hữu tuyến. Giá máy đầu cuối di động rẻ, dễ sử dụng hơn đang loại bỏ các rào cản và thúc đẩy người dân kết nối đến các dịch vụ công về y tế, giáo dục, việc làm, an ninh, tài chính, giao thông, pháp lý và các dịch vụ khác. Nhờ đó, chính phủ điện tử di động có thể góp phần cải thiện điều kiện kinh tế-xã hội toàn cầu và đóng vai trò quan trọng để đạt được các Mục tiêu thiên niên kỷ.

Trong giai đoạn suy thoái kinh tế, các chính phủ càng cần phải cung cấp các dịch vụ công tốt hơn với nguồn lực tiết kiệm hơn. Các hoạt động ưu tiên này đều nhắm tới mục tiêu: cung cấp cách thức mới tiếp cận với người dân tốt hơn. Sự sẵn sàng của các công nghệ di động mới – với nhiều đặc tính mở cho phép chia sẻ, tái sử dụng và liên kết nhiều hơn và xu hướng phát triển tất yếu – càng tăng cường vai trò của dịch vụ di động trong nỗ lực cung cấp dịch vụ công thế hệ tiếp theo của chính phủ.

Tài liệu tham khảo

[1]. ITU, OECD, M-Government mobile technologies for responsive governments and Connected societies, 2011.

[2]. ITU World telecommunication/ICT Indicators database, 2011.

[3]. Sharma , Mobile Services Evolution 2008-2018, Bellagio, Italy, 2008

[4]. Oui-Suk, Uhm, Introduction of m.Government & IT Convergence Technology, KAIST Institute for IT Convergence, 2010.