Chiến lược tiếp thị dịch vụ điện toán đám mây (ĐTĐM): người dùng cá nhân có nên biết đến thuật ngữ “đám mây”?

Diễn đàn - Ngày đăng : 21:42, 03/11/2015

Mặc dù ý tưởng về ĐTDM ra đời từ những năm 1960 và các thuật ngữ chính liên quan đã xuất hiện từ hơn một thập kỉ trước nhưng khái niệm “đám mây” dường như vẫn mơ hồ đối với rất nhiều khách hàng.

Eric Schmidt, cựu Tổng giám đốc của Google lần đầu giới thiệu thuật ngữ ĐTĐM cho giới truyền thông tại một hội nghị năm 2006. Cho đến nay, ĐTĐM gần như xuất hiện ở khắp mọi nơi và các thuật ngữ đã dần trở nên quen thuộc.

Theo nhà phân tích Mike Jude của Stratecast, một chi nhánh của Frost & Sullivan, thì “Người dùng không cần thiết phải hiểu về ĐTĐM”. Cuộc khảo sát gần đây của công ty cho thấy rằng hầu hết người dùng không biết rằng họ đang sử dụng các dịch vụ ĐTĐM hàng ngày như Gmail, Facebook, lưu trữ trực tuyến và các dịch vụ khác. Theo ông Jude, “khách hàng đã nghe đến ĐTĐM nhưng họ không thực sự hiểu họ đang dùng nó” vì thông thường khách hàng chú trọng vào dịch vụ nhiều hơn là vào công nghệ.

Mặc dù người dùng vẫn còn thiếu hiểu biết về ĐTĐM nhưng các công ty lớn vẫn có thể tiếp thị thành công các ứng dụng của họ như Google Drive và Dropbox. Các nhà cung cấp giờ đây cố gắng xây dựng nhận thức về ĐTĐM với hi vọng người dùng sẽ lựa chọn những ứng dụng trên nền tảng này. Theo khảo sát, những người dùng nhận biết được các ứng dụng ĐTĐM sẽ có xu hướng dùng các dịch vụ đó cho công việc ở nhà hoặc cơ quan bởi sự hiệu quả và tiện lợi. Ngay cả người không hiểu gì về ĐTĐM thì họ vẫn thấy được lợi ích của nó.

Hầu hết mọi người đều có suy nghĩ tích cực về ĐTĐM. Tuy nhiên, họ chỉ đơn giản coi nó là thuật ngữ để mô tả dịch vụ mà không thực sự hiểu nghĩa là gì.

Theo Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ quốc gia Hoa Kỳ (NIST), ĐTĐM bao gồm các đặc tính kĩ thuật và mô hình dịch vụ hữu ích cho các kĩ sư và các nhà tiếp thị. Tuy nhiên, định nghĩa đó quá mơ hồ với người dùng nên các nhà cung cấp vẫn tiếp tuc cố gắng tận dụng những quảng cáo phóng đại về ĐTĐM để lấy lòng tin của người tiêu dùng.

Tom Langridge, đồng sáng lập và phó chủ tịch sản phẩm tại MediaFire đã sử dụng rất nhiều thời gian để truyền bá sản phẩm này trong suốt sự nghiệp của mình. Ông cho rằng thuật ngữ ĐTĐM được dùng để tiếp thị nhằm gây ấn tượng cho khách hàng. Đây là “thuật ngữ tiếp thị” để giúp người dùng hiểu về việc lưu trữ tất cả các nội dung của bạn trên một đám mây và làm việc với dữ liệu đó thông qua Internet.

Các nhà cung cấp chia chiến lược tiếp thị điện toán đám mây thành lưu trữ và đồng bộ.

Sản phẩm cốt lõi của các nhà cung cấp bao gồm dịch vụ lưu trữ hoặc công cụ đồng bộ. Cần cẩn thận khi quảng bá một thương hiệu có sử dụng thuật ngữ đặc biệt như ĐTĐM. Hãy tránh các quảng cáo thổi phồng mà cần quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề phức tạp như  an toàn thông tin và sự riêng tư.

Tăng trưởng của ngành công nghiệp dịch vụ ĐTĐM trong các lĩnh vực tiêu dùng đã buộc các nhà cung cấp phải xem xét lại chiến lược hiện tại để tiếp cận được đồng thời hai dòng thị trường khác nhau. Đối tượng tiêu dùng cá nhân và doanh nghiệp sẽ tìm kiếm những mục tiêu và yêu cầu khác nhau, thậm chí ngay cả khi họ đang tìm đến các phương tiện ĐTĐM cùng cho ra một kết quả cuối cùng.

Cho đến nay, thuật ngữ ĐTĐM vẫn chưa gây được nhiều ấn tượng tốt với khách hàng.

Các nhà cung cấp tiếp cận thị trường ĐTĐM và phát triển thương hiệu từ nhiều góc độ. Những thương hiệu hàng đầu thị trường tiêu dùng như Apple,  Amazon gắn thuật ngữ “đám mây” trong các sản phẩm của mình nhưiCloud, Amazon Cloud Drive. Trong khi đó, những thương hiệu nhỏ hơn như CloudMe và MegaCloud cũng dùng chiến lược tương tự. Gắn thương hiệu của họ với thuật ngữ làm cho các nhà cung cấp thấy được tầm nhìn của họ trong 2 thị trường khác nhau: người  dùng cá nhân (consumer) và doanh nghiệp (enterprise).

Tuy nhiên, ông Jude của Stratecast cho rằng “Cho đến nay, thuật ngữ ĐTĐM vẫn chưa gây được nhiều ấn tượng tốt với khách hàng”. Vài năm trước, Microsoft đã dùng khẩu hiệu “Hãy lên mây” để tiếp thị cho Windows 7 và  dịch vụ lưu trữ đám mây SkyDrive. Trong khi đó, Google đã bỏ hầu hết thuật ngữ "đám mây" ra khỏi tên các sản phẩm trừ Google Cloud Print và dành các nhãn hiệu “đám mây” cho danh mục các dịch vụ khách hàng doanh nghiệp. Dropbox, một nhà cung cấp dịch vụ lưu trữ và đồng bộ ĐTĐM cá nhân hàng đầu cũng né tránh sử dụng “đám mây” vào thương hiệu.

Các nhà cung cấp dịch vụ ĐTĐM sao lưu và đồng bộ như SpiderOak cũng có chiến lược tương tự. Tổng giám đốc Ethan Oberman cho biết, công ty kết hợp hai từ “nhện” và “gỗ sồi” với nhau để cho ra một từ ghép có sự khác biệt lớn hơn: "Spider" giúp liên tưởng đến Web, trong khi "oak" bao hàm ý nghĩa an toàn và ổn định – hai tính năng mà SpiderOak muốn nhấn mạnh. Có rất nhiều công ty đã sử dụng thuật ngữ 'drive', 'backup' hay 'i' nhưng SpiderOak muốn có sự linh hoạt để tạo khác biệt.

Người dùng cá nhân có vai trò quyết định trong sự thành công của sản phẩm

Mặc dù chưa có sự rõ ràng trong việc xây đựng thương hiệu dịch vụ ĐTĐM cho người dùng cá nhân nhưng các nhà cung cấp vẫn nhìn thấy nhiều triển vọng. Mục tiêu của Oberman là người dùng nhận biết thương hiệu các dịch vụ hơn là giúp họ hiểu được rằng họ đang dùng ĐTĐM. Sự thừa nhận đó có ý nghĩa rất lớn không chỉ trên thị trường người dùng cá nhân mà cả trong thị trường doanh nghiệp.

Các nhà cung cấp khác cũng có chung nhận định này. Mike Trigg, giám đốc tiếp thị của YouSendIt cho biết, hàng trăm thâm chí hàng ngàn nhân viên trong các công ty khách hàng của mình đã sử dụng YouSendIt trước cả khi doanh nghiệp của họ chính thức mua giấy phép. Ông cho rằng “Sự nhận biết thương hiệu phụ thuộc rất lớn vào mức độ chấp nhận thương hiệu của người dùng cá nhân”