Vai trò của CIO trong nền kinh tế mới (Phần 1)

Doanh nghiệp số - Ngày đăng : 21:41, 03/11/2015

Một thuật ngữ mới: nền kinh tế mới, nền kinh tế tri thức (Knowledge Economy), mà đôi khi người ta còn gọi là nền kinh tế dựa trên tri thức (Knowledge Based Economy) hay nền kinh tế số hoá (Digital Economy), nền kinh tế thông tin (Information Economy) hoặc là nền kinh tế học hỏi (Learning Economy) đã thay thế nền kinh tế công nghiệp truyền thống.

Sự ra đời  của một chức danh

Khi khái niệm thế giới phẳng (the world is flat), thế giới không trọng lượng (the weightless world) xuất hiện thì nền kinh tế toàn cầu đã có những thay đổi căn bản về kiến trúc. Một thuật ngữ mới: nền kinh tế mới,nền kinh tế tri thức (Knowledge Economy), mà đôi khi người ta còn gọi là nền kinh tế dựa trên tri thức (Knowledge Based Economy) hay nền kinh tế số hoá (Digital Economy), nền kinh tế thông tin (Information Economy) hoặc là nền kinh tế học hỏi (Learning Economy)đã thay thế nền kinh tế công nghiệp truyền thống. Tuy có nhiều tên gọi khác nhau nhưng khái niệm này đều nhằm diễn đạt một nội dung cơ bản: ngày nay sản xuất và truyền tải thông tin - tri thức trở nên quan trọng hơn nhiều so với sản xuất và phân phối hàng hoá công nghiệp.Có bốn tên gọi phổ biến cho nền kinh tế mới, đó là :

Nền kinh tế thông tin (Information Economy)

Thông tin được hiểu theo nghĩa thông thường là hiểu biết về một vật hay một sự kiện nào đó. Thông tin được phân thành thông tin sơ cấp là nguyên liệu đầu vào cho quá trình xử lý (sản xuất), sau khi xử lý xong ta sẽ nhận được thông tin thứ cấp (chính là sản phẩm).

 Hoạt động chủ yếu của công việc nghiên cứu là thực hiện quá trình thu thập và xử lý các thông tin đã được ghi nhận dưới dạng các dữ liệu, để phát hiện ra những thông tin tri thức mới về bản chất và quy luật tự nhiên, xã hội, con người. Khoa học và công nghệ tiến bộ càng nhanh, xã hội và kinh tế càng phát triển mạnh. Thông tin tri thức cũng như thông tin điều khiển càng trở nên quan trọng. Tài nguyên thông tin ngày nay đã dần dần lấn lướt các dạng tài nguyên truyền thống trong nền kinh tế hàng hoá công nghiệp. Phần giá trị gia tăng được tạo ra trực tiếp từ tài nguyên thông tin ngày càng chiếm tỷ lệ cao, đặc biệt khi công nghệ thông tin được áp dụng rộng rãi trong sản xuất. Sự phát triển nhanh chóng của siêu mạng máy tính toàn cầu Internet và thương mại điện tử là những biểu hiện đặc trưng của nền kinh tế mới.

Nền kinh tế tri thức (Knowledge Economy)

Giữa thông tin và tri thức nhiều khi không có ranh giới rõ ràng, thông tin sau khi được thu thập, phân tích, hệ thống hoá để nhận thức được sẽ trở thành tri thức. Nội dung của tri thức được truyền đạt là thông tin - sản phẩm của nền kinh tế thông tin. Nhìn từ góc độ này thì Tri thức mới là cốt lõi của Nền Kinh Tế Mới.    

 Nền kinh tế học hỏi (Learning Economy)

Trong những năm cuối của thế kỷ 20, chúng ta đã chứng kiến một xu thế tất yếu của quá trình toàn cầu hoá và quá trình đổi mới hết sức nhanh chóng và mạnh mẽ trong hệ thống kinh tế thế giới. Toàn cầu hoá đã ảnh hưởng trực tiếp đến từng doanh nghiệp thuộc tất cả các lĩnh vực kinh tế ở tất cả các quốc gia. Hoàn cảnh này đã buộc mọi cá nhân, mọi tổ chức, mọi quốc gia phải nâng cao khả năng Đổi mới - đổi mới không ngừng để thích nghi với những điều kiện thay đổi liên tục của công nghệ và thị trường. Với sự bùng nổ của Internet, mọi vùng dân cư trên thể giới đều có thể khai thác một cách thuận tiện, nhanh chóng cả một kho thông tin khổng lồ của hàng triệu trung tâm, cơ sở dữ liệu đủ các loại đang tồn tại trong hệ thống Internet. Dịch vụ giáo dục từ xa càng đang mở ra những tiềm năng vô tận cho cơ hội học hỏi, học hỏi liên tục, chủ yếu tự học để tự đổi mới chính mình. Chính vì lẽ đó mà Nền Kinh Tế Mới được gọi là nền kinh tế học hỏi.

Nền kinh tế số (DigitalEconomy)

Nền kinh tế được xây dựng trên nền tảng của tri thức. Tri thức được hình thành thông qua khảo sát trực tiếp hoặc lý giải gián tiếp về một sự vật hay một sự kiện. Trong đời sống bình thường thông tin được thể hiện qua các con số, văn bản, hình ảnh, âm thanh,... Thông tin được truyền tải đều được biểu diễn bằng các tín hiệu điện tương ứng với các trạng thái hoạt động tức thời của các linh kiện. Để bảo đảm tốc độ và độ tin cậy trong quá trình truyền tin người ta đã xử lý tín hiệu dưới dạng số, dựa trên hệ đếm cơ số 2 hay còn gọi là hệ nhị phân (kỹ thuật số). Kỹ thuật số được dùng trong công nghệ thông tin và công nghệ viễn thông, trong điều khiển công nghiệp, trong quản lý vận hành mọi hệ thống 

Trong nền kinh tế mới các tổ chức đã hình thành một ý tưởng mới: làm thế nào có thể sử dụng CNTT-TT để tạo ra sự khác biệt trong tổ chức của mình. Một chức danh mới ra đời đó là Giám đốc Thông tin (the Chief Information Officer - CIO). Thuật ngữ CIO xuất hiện lần đầu năm 1981 trong khu vực tư nhân để chỉ nhà quản lý cấp cao chịu trách nhiệm về các chính sách, các chuẩn và việc kiểm soát các nguồn lực công nghệ thông tin chung. Đầu những năm 1990, chính phủ của các nước phát triển bắt đầu hình thành chức danh CIO. Năm 1996, Mỹ quy định 23 cơ quan của Liên bang phải có các CIO. Sau năm 2000, nhiều bang của Mỹ thành lập chức danh CIO của bang. CIO là người chịu trách nhiệm cả phần kiến trúc công nghệ và phần kiến trúc thông tin. CIO là cán bộ lãnh đạo cấp cao chịu trách nhiệm trong việc đảm bảo hạ tầng IT hỗ trợ tốt nhất cho các nhu cầu hoạt động của tổ chức. CIO là kết nối cấp cao giữa hai lĩnh vực chức năng và kỹ thuật (CNTT) trong tổ chức. CIO là người truyền tải các mục tiêu và các chiến lược hoạt động thành yêu cầu hoạt động của hệ thống IT; giám sát danh mục dự án IT  nhằm đáp ứng các yêu cầu đặt ra.

CIO và vấn đề chiến lược

Chiến lược là định hướng và phạm vi hành động của một tổ chức trong thời gian dài, nhằm đạt được ưu thế trong phạm vi sử dụng tài nguyên của mình và trong môi trường hoạt động nhất định, nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu của thị trường và thỏa mãn kỳ vọng của các cổ đông. Trong Nền Kinh Tế Mới - nền kinh tế thông tin, các hoạt động của CIO trong chiến lược CNTT bao gồm:

 Hoạch định : Chuyển hóa các mục tiêu của tổ chức thành các ứng dụng và dịch vụ CNTT cụ thể.

 Thiết kế : Xây dựng hệ thống CNTT bao gồm hạ tầng, ứng dụng, dịch vụ nhằm phục vụ các mục tiêu hoạt động của tổ chức.

Vận hành : Vận hành hệ thống CNTT thống nhất nhằm đạt các mục tiêu hoạt động của tổ chức.

 Đánh giá : Đo lường mức độ đáp ứng của các mục tiêu đã dặt ra.

Các hoạt động trong chiến lược CNTT

- Hoạt động/Kinh doanh :Mục tiêu của Chiến lược CNTT được hình thành từ thực tiễn kinh doanh hiện tại và định hướng trong tương lai. Chiến lược CNTT không nhằm mục tiêu xác định hoặc giải quyết các công việc cụ thể trong kinh doanh.

- Quản trị : Lập kế hoạch CNTT, đầu tư, liên kết CNTT với hoạt động của tổ chức.

- Tổ chức : Năng lực tổ chức CNTT, quản lý dịch vụ CNTT, vòng đời phát triển của phần mềm.

- Công nghệ : Cải thiện không gian làm việc, cải thiện tích cực cơ sở hạ tầng CNTT và bảo mật.

- Ứng dụng : Quản lý quan hệ khách hàng, luồng công việc, quy trình quản lý, kinh doanh, Quản lý tình huống phát sinh, kinh doanh thông minh, Quản lý tri thức và giá trị do hoạt động tri thức tạo ra, Kinh doanh trên lĩnh thương mại điện tử, tham gia các dịch vực tổ chức cơ sở dữ liệu, chia sẻ dữ liệu, xử lý tài nguyên thông tin, quản lý nguồn nhân lực, hệ thống tài chính hệ thống thanh toán tài chính tự động..

(Còn nữa)