Vai trò của CIO trong nền kinh tế mới (Phần 2)
Diễn đàn - Ngày đăng : 21:41, 03/11/2015
CIO TRONG NỀN KINH TẾ MỚI TẠI VIỆT NAM
Chỉ thị 58 về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Bộ Chính trị đã chỉ đạo: “Mỗi cơ quan Đảng và Nhà nước cấp Trung ương và cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cử cán bộ lãnh đạo trực tiếp phụ trách về CNTT”. Chỉ thị này có thể xem là văn bản chính thức đầu tiên đề cập đến chức danh CIO trong khu vực công. Đây chính là cơ sở để xác định một cách chính xác và khoa học việc xây dựng chức năng và nhiệm vụ cho chức danh CIO Việt Nam.
Về chức năng, CIO cần nhận thức đầy đủ vai trò: Lãnh đạo các hoạt động CNTT và là đại diện cho lĩnh vực này của tổ chức; liên kết CNTT và công việc của tổ chức. Do đó, nhiệm của của CIO là chỉ đạo xây dựng và triển khai các chiến lược, kế hoạch ứng dụng CNTT, nâng cao năng lực cán bộ trong khai thác CNTT; Xây dựng các chính sách, thủ tục và tiêu chuẩn CNTT, kể cả phần cứng, phần mềm, vấn đề an toàn, an ninh thông tin và cải tổ các quy trình nghiệp vụ.; Giám sát và điều phối việc xây dựng, mua sắm, triển khai và quản lý các tài nguyên CNTT; Điều phối việc chia sẻ thông tin trong nội bộ và với bên ngoài để thúc đẩy việc sử dụng CNTT nhằm cải tiến việc cung cấp các dịch vụ của chính phủ; Phối hợp với các đơn vị, tổ chức bên trong và bên ngoài triển khai các chiến lược, kế hoạch CNTT của cơ quan; Điều hành hoạt động của Văn phòng CIO.
Để hoàn thành tốt các chức năng và nhiệm vụ trên, các tiêu chuẩn đảm bảo phẩm chất của CIO đó là: tầm nhìn, chính trực, tận tâm, khiêm nhường, cởi mở, sáng tạo, công bằng, quyết đoán, hài hước…
Cũng theo các báo cáo điều tra của tạp chí CIO, để hoàn thành chức năng và nhiệm vụ của mình trong nền kinh tế mới, giám đốc thông tin CIO cần có các năng lực cốt yếu sau:
- Lãnh đạo về CNTT, vạch ra chiến lược, cấu trúc, qui trình để đảm bảo bộ phận công nghệ thông tin mang lại giá trị cao, tương thích và hỗ trợ một cách có ưu tiên về trong hoạt động của tổ chức. Duy trì sự tin cậy trong việc thực hiện các cam kết về cung cấp dịch vụ hạ tầng cho các bộ phận IT
- Tư duy hệ thống kinh doanh, tích hợp tư duy về hoạt động, công nghệ và kỹ năng để mang lại hiệu quả hoạt động
- Xây dựng quan hệ và tạo ra sự hiểu biết chung, sự tin cậy và hợp tác giữa bộ phận kinh doanh và bộ phận IT.
- Lập kế hoạch về hạ tầng cơ sở cũng như thượng tầng kiến trúc để đáp ứng nhu cầu kinh doanh trong hiện tại và tương lai.
- Ứng dụng công nghệ mới trong hoạt động : Khắc phục các lỗi và tạo ra các giải pháp nâng cao hiệu năng phục vụ các nhu cầu xã hội.
- Mua được thông tin tốt : Phát triển các chiến lược tìm nguồn, đánh giá và đàm phán các hợp đồng một cách chuyên nghiệp với các nhà cung cấp.
- Hỗ trợ hợp đồng : Đảm bảo sự thành công của các hợp đồng hiện có bằng quan hệ người sử dụng, nhà cung cấp và điều phối đa nhà cung cấp
- Giám sát hợp đồng : Đảm bảo nhà cung cấp thực hiện trách nhiệm đối với các hợp đồng dịch vụ hiện có, xây dựng các tiêu chuẩn
- Phát triển nhà cung cấp : Nhận diện và tìm kiếm giá trị gia tăng từ các mối quan hệ với nhà cung cấp bằng tầm nhìn vượt qua các thỏa thuận hợp đồng hiện có để khai thác các lợi ích từ quan hệ đối tác lâu dài.
Để có được năng lực cốt yêu như trên, CIO cần không ngừng nâng cao nhận thức về vai trò của mình trong thế giới phẳng, một thế giới không trọng lượng, ở đó yêu cầu mọi hoạt động từ kinh doanh đến ứng dụng công nghệ phải công khai, minh bạch rõ ràng nhưng cũng cần nâng cao tính nghệ thuật để giữ cho mọi vật cân bằng trong mặt phẳng. Theo đó các nhà hoạch định chiến lược khi xây dựng chức danh CIO ở mọi cấp bậc từ trung ương, tỉnh, thành phố, cần chỉ rõ CIO phải có cách tư duy của nhà phân tích. Họ cần có có tính lôgic, có cấu trúc và nguyên tắc, coi trọng tính dự báo và tính hợp lý; tìm kiếm phương pháp, công thức, thủ tục tốt nhất để giải quyết vấn đề, phải có tính thực tiễn của người sử dụng,áp dụng phương pháp thực nghiệm, dựa trên thực tế quan sát để đánh giá các ý tưởng và tạo ra các kết quả cụ thể. Có như vậy mới tránh được những sai lầm khi thực thi nhiệm vụ của mình.
Những sai lầm CIO thường mắc phải là chỉ điều hành từ văn phòng của mình, chỉ chú ý chiến lược không chú ý đến chiến thuật hoặc chỉ chú ý chiến thuật mà không chú ý đến chiến lược, giải quyết các yêu cầu theo nguyên tắc “bạn trả tiền, chúng tôi thực hiện”, đồng ý với mọi thứ, luôn nói “không”. Ngoài ra, CIO phải tránh những sai lầm khi thực hiện các dự án với thời gian quá nhiều năm, coi kiến trúc, an ninh và an toàn là đầu ra chứ không phải là đầu vào, không thực sự đối mặt với khó khăn và thách thức, chỉ dựa vào quyết tâm của mình mà không chú ý đến việc củng cố vị trí của mình như tìm kiếm tạo ra sự đồng thuận của đồng nghiệp, thường hay phê phán công việc của các người tiền nhiệm, không chú ý tìm trợ thủ giúp mình hiểu văn hóa và tình hình của tổ chức. CIO phải không được nóng vội trong công việc, phải tạo lập, sàng lọc kinh nghiệm thực tiễn, quan tâm đúng mức tới nắm bắt về con người và tạo niềm tin đối cán bộ cấp dưới, thành lập ban chỉ đạo hỗn hợp để xác định các ưu tiên công nghệ và chỉ đạo chiến lược công nghệ.
Kết luận
Trong nền kinh tế mới, CIO không những chỉ là nguồn động lực mà còn là nguồn dẫn lái, với vị trí chiến lược quan trọng khi xây dựng chức danh CIO tại một tổ chức, doanh nghiệp cần: Xác định trình độ, kinh nghiệm, phẩm chất mà CIO cần có để thực hiện tuyển dụng nhân lực; Xác định vai trò, nhiệm vụ và quyền hạn của CIO các cấp; Xây dựng cơ chế hỗ trợ CIO để họ thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình; Thực hiện phân tích kinh tế, xã hội trong bối cảnh toàn cầu hóa để xác định chiến lược CIO; Thực hiện công tác đào tạo CIO trên cơ sở xác định kiến thức, kỹ năng, phẩm chất cần thiết và nhu cầu của xã hội để tiến hành đào tạo CIO một cách phù hợp và thực hiện thường xuyên.
Tài liệu tham khảo
1.Leslie P. Willcocks & Richard Sykes.The Role of the CIO and IT Function in ERP. COMMUNICATIONS OF THE ACM. April 2008
2. http://www.cio.com/
3. http://www.youtube.com