Viettel dưới góc nhìn đầu tư tài chính
Đô thị thông minh - Ngày đăng : 21:40, 03/11/2015
1. Mô hình tổ chức của Viettel
Theo Điều lệ tổ chức và hoạt động của Viettel, được phê duyệt tại Quyết định số 466/QĐ – TTg ngày 30/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ, thì cơ cấu tổ chức của Viettel như sau: Các công ty con của Viettel bao gồm: Các Tổng công ty hoạt động theo hình thức Công ty mẹ - Công ty con, trong đó, Công ty mẹ là Công ty TNHH 01 thành viên do Viettel sở hữu 100% vốn điều lệ (TCT Sản xuất thiết bị viễn thông Viettel, TCT Đầu tư và kinh doanh bất động sản Viettel)Công ty con do Viettel sở hữu trên 50% vốn điều lệ (Công ty TNHH 01 thành viên Thương mại và Xuất nhập khẩu Viettel, Công ty TNHH 01 thành viên Thông tin M1, Công ty TNHH 01 thành viên Thông tin M3, Công ty TNHH 01 thành viên Điện tử Viettel, Công ty TNHH 01 thành viên Phần mềm Viettel...); Các công ty liên kết, liên doanh do Viettel nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống (Công ty cổ phần công nghệ Viettel, Công ty Tài chính cổ phần Vinaconex – Viettel, Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu & xây dựng Việt Nam (Vinaconex)...) [1].
2. Chiến lược tứ trụ của Viettel
Chiến lược tứ trụ gồm viễn thông trong nước; viễn thông nước ngoài; sản xuất thiết bị điện tử, viễn thông; đầu tư bất động sản. Lĩnh vực chính bao gồm viễn thông trong nước và nước ngoài, sản xuất thiết bị chiếm không dưới 70% [2, 3].
Đối với viễn thông trong nước, mạng IP là nền tảng, Viettel đã đưa dịch vụ di động và đặc biệt là băng rộng tới mọi người và mọi nhà. Hiện nay, Viettel là doanh nghiệp viễn thông lớn nhất tại Việt Nam, cả về di động và băng rộng, với thị phần không dưới 40%. Tập đoàn này đã đưa dịch vụ viễn thông thâm nhập vào các mặt của đời sống xã hội: chính phủ điện tử, giáo dục đào tạo, y tế, giải trí,… và thiết bị thông minh. Viễn thông trong nước là nguồn lực chính để Viettel đi ra nước ngoài. Viettel trở thành một trong 30 công ty viễn thông lớn nhất thế giới.
Mặt khác, đầu tư ra nước ngoài quyết định sự tồn tại lâu dài của Viettel và là chiến lược trở thành một công ty đa quốc gia. Viettel định hướng trở thành 1 trong 10 công ty viễn thông đa quốc gia lớn nhất thế giới, với vùng phủ dân số ở nước ngoài tới 300 – 400 triệu dân. Doanh thu viễn thông nước ngoài khoảng 30 – 40% doanh thu viễn thông trong nước, giai đoạn 2020 sẽ lớn gấp 2 – 3 lần trong nước. Di động và băng rộng, mạng lưới rộng khắp và dịch vụ phổ cập là chiến lược thâm nhập thị trường. Thị trường ưu tiên là các nước đang phát triển. Cổ phần chi phối hoặc quyền điều hành giai đoạn đầu là điều kiện đầu tiên. Kết hợp lấy giấy phép từ đầu và mua lại công ty, kể cả tại các nước phát triển. Đầu tư lớn và nhanh để trở thành top 3 ở bất kỳ nước nào mà Viettel thâm nhập, trong vòng từ 2 – 4 năm. Để thâm nhập thị trường 300 – 400 triệu dân, Viettel cần một nhu cầu vốn khoảng 5 – 6 tỷ USD, được thực hiện như sau: vốn tự có hợp tác trả chậm thiết bị vay tín dụng lợi nhuận và khấu hao, như vậy hệ số đòn bẩy tài chính có thể là 1-6, vốn tự có của Viettel vào khoảng 1 – 1,5 tỷ USD.
Sản xuất thiết bị là chiến lược để Viettel trở thành một công ty công nghệ cao. Thiết kế sản phẩm đầu tiên xuất phát từ nhu cầu thị trường, từ chiến lược kinh doanh của Viettel để thâm nhập thị trường khác. Triết lý thiết kế sản phẩm là cá thể hóa cho các phân khúc thị trường cụ thể. Sản xuất thiết bị nhằm hiện thực hóa chiến lược đưa dịch vụ viễn thông đến được với mọi người, mọi nhà, đưa viễn thông và điều khiển thâm nhập vào các thiết bị điện tử thông minh. Đi từ thiết bị đầu cuối đến thiết bị hạ tầng. Định hướng của Viettel là xây dựng một trong những công ty thiết kế, chế tạo thiết bị điện tử và viễn thông lớn nhất khu vực, làm nòng cốt để xây dựng một ngành sản xuất thiết bị công nghệ cao của đất nước. Thiết kế, chế tạo, sản xuất thiết bị thông tin, điện tử quân sự là một bộ phận không thể tách rời của sản xuất thiết bị. Đến 2015, Viettel sản xuất được các thiết bị đầu cuối về viễn thông, một phần thiết bị hạ tầng và cơ bản đáp ứng nhu cầu thông tin vô tuyến quân sự.
Trụ cột thứ 4 là đầu tư bất động sản.Viettel định hướng dành khoảng 20 – 25% lợi nhuận sau thuế để đầu tư vào bất động sản, đi vay không quá 100% vốn tự có. Tỷ lệ đầu tư dài hạn từ 60 – 70%. Đầu tư bất động sản trước tiên là phục vụ các nhu cầu của chính Viettel về văn phòng, phòng máy, nhà ở cho nhân viên. Ðầu tư có trọng điểm vào các khu đô thị lớn, văn phòng, khách sạn và du lịch. Đầu tư bất động sản đi sau viễn thông để thâm nhập các thị trường nước ngoài.
3. Hoạt động đầu tư tài chính trong Chiến lược phát triển của Viettel
Chiến lược tứ trụ của Viettel chia hoạt động sản xuất kinh doanh thành 04 nhóm chính với 03 trụ thuộc lĩnh vực kinh doanh chính (gồm viễn thông trong nước, viễn thông nước ngoài, sản xuất thiết bị) còn 01 trụ là đầu tư ra ngoài lĩnh vực kinh doanh chính là bất động sản. Xét từ góc độ khái niệm, bản chất của hoạt động đầu tư tài chính thì việc đầu tư trong hay ngoài lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính nhưng dưới hình thức thành góp vốn, đầu tư thành lập công ty mới,… đều được coi là hoạt động đầu tư tài chính. Như vậy, xét từ góc độ đầu tư tài chính thì phạm vi hoạt động đầu tư tài chính của Viettel cũng rất rộng. Đầu tư tài chính là công cụ hiệu quả để Viettel vươn ra quốc tế.
Chiến lược tứ trụ của Viettel đã thể hiện quan điểm chiến lược và thứ tự ưu tiên mà một chiến lược đầu tư tài chính phải tuân thủ: Phát triển đa dạng xoay quanh lĩnh vực sản xuất kinh doanh cốt lõi là viễn thông. Xác định rõ ràng về vai trò của từng “trụ” trong chiến lược phát triển, trong đó: Viễn thông trong nước cần được đầu tư đủ để duy trì sự phát triển, đảm bảo vai trò là nguồn lực chính cho Viettel ra nước ngoài; Viễn thông nước ngoài cần được đầu tư mạnh để trở thành động lực cho sự phát triển trong tương lai (bao gồm đẩy mạnh đầu tư trong thời kỳ khủng hoảng, đầu tư mạnh để trở thành top 3 ở các thị trường đang phát triển,…); Sản xuất thiết bị viễn thông cần được đầu tư để Viettel có khả năng gia tăng lợi nhuận trong dài hạn và chủ động trong chiến lược phát triển; Bất động sản là trụ giúp Viettel đẩy nhanh quá trình tích tụ lợi nhuận, gia tăng lợi nhuận. Một sự táo bạo khác của Viettel là tìm cơ hội từ khủng hoảng. Đầu tư trong khủng hoảng là để đón đầu cơ hội phát triển trong khủng hoảng. Đây cũng là kinh nghiệm của một số Tập đoàn viễn thông quốc tế.
Trong quá trính đầu tư, Viettel dịch chuyển mô hình hoạt động theo hướng đầu tư tài chính.Hoạt động của Viettel được chia thành các khối kinh doanh (viễn thông trong nước, viễn thông nước ngoài, sản xuất thiết bị, bất động sản). Có thể thấy, mô hình tổ chức hoạt động của Viettel đang dịch chuyển sang mô hình đầu tư tài chính, trong đó, công ty mẹ nắm giữ cổ phần chi phối ở các công ty đầu mối. Với hoạt động đầu tư đa ngành, thì mô hình tổ chức hoạt động của Viettel dịch chuyển theo hướng tiệm cận với mô hình tổ chức hoạt động của Tập đoàn NTT [4]. Việc phân chia toàn bộ hoạt động kinh doanh theo các khối sẽ giúp đưa ra những phân tích, đánh giá chính xác, đầy đủ, rõ ràng về hiệu quả kinh doanh của từng khối, từ đó có biện pháp, quyết sách phù hợp. Chuyển đổi mô hình tổ chức quản lý nói trên là tiến bộ, giúp nâng cao hiệu quả công tác quản lý, đáp ứng sự phát triển của Viettel theo xu hướng Tập đoàn quốc tế.
Có thể thấy, hoạt động đầu tư tài chính đã ‘ẩn” trong từng bước đi chiến lược của Viettel. Chiến lược này được xây dựng trên cơ sở phân tích xu hướng vận động của thị trường viễn thông thế giới và Việt Nam, phù hợp đặc điểm của Viettel.Tập đoàn này đang vận dụng một cách có chọn lọc chiến lược, cách thức phát triển của một Tập đoàn viễn thông quốc tế thì đầu tư tài chính chắc chắn sẽ là công cụ quan trọng để thực hiện chiến lược phát triển của Viettel. Những tư tưởng, quan điểm chỉ đạo sắc nét trong chiến lược phát triển chung sẽ là kim chỉ nam để hoạt động đầu tư tài chính phát huy được vai trò tích cực. Đây có thể coi là một kinh nghiệm hữu ích đối với các Tập đoàn viễn thông – CNTT nói riêng và các Tập đoàn kinh tế của Việt Nam nói chung trong quá trình phát triển, hội nhập, vươn tầm thế giới.
Tài liệu tham khảo:
1. Quyết định số 466/QĐ – TTg ngày 30/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn viễn thông Quân đội
2. Tạp chí Người Viettel
3. Buổi nói chuyện của Lãnh đạo Viettel tại FPT http://www.ictvietnam.net/forum/showthread.php?t=14609 , bài viết về Viettel trên các phương tiện thông tin truyền thông & phân tích
4. ThS. Nguyễn Anh Thư, “Hoạt động đầu tư tài chính của một số Tập đoàn viễn thông trên thế giới”, Tạp chí Công nghệ thông tin và Truyền thông (Kỳ 1, tháng 3/2012)