Mô hình năng lực quốc gia của nền kinh tế tri thức (phần 1)

Diễn đàn - Ngày đăng : 21:39, 03/11/2015

Có 3 cách tiếp cận về tri thức gồm (1) tri thức là tài sản, (2) tri thức là quan hệ, và (3) tri thức là năng lực để phân nhóm các lý thuyết, nghiên cứu về kinh tế tri thức. Mặc dù cả 3 cách hiểu này về tri thức đều có ý nghĩa, nhưng chưa toàn diện để giải thích kinh tế tri thức.

Mở đầu

Khái niệm “kinh tế tri thức” hay “kinh tế dựa vào tri thức” bắt đầu xuất hiện từ đầu thập kỷ 60 của thế kỷ 20. Trong vòng hơn bốn thập niên, rất nhiều nghiên cứu đã cố gắng giải thích logic và cơ chế ẩn dưới hiện tượng kinh tế trong đó tri thức trở thành nhân tố quan trọng nhất này. Cũng trong hơn bốn thập niên qua, rất nhiều quốc gia, cả các quốc gia phát triển và đang phát triển, đã đưa kinh tế tri thức vào chiến lược phát triển của mình. Các tổ chức kinh tế quốc tế như OECD, World Bank và APEC đưa ra những chỉ dẫn về cách thức xây dựng kinh tế tri thức ở các quốc gia. Mặc dù vậy, cho tới nay vẫn chưa có một khái niệm và lý thuyết kinh tế tri thức được đồng thuận. Với nhiều học giả, khái niệm “kinh tế tri thức” vẫn rất mơ hồ, và vì vậy họ nghi ngờ về sự tồn tại thực tế của một nền kinh tế tri thức. Mục tiêu của bài báo này là cố gắng làm rõ hơn khái niệm và cơ chế của kinh tế tri thức.

 Có 3 cách tiếp cận về tri thức gồm (1) tri thức là tài sản, (2) tri thức là quan hệ, và (3) tri thức là năng lực để phân nhóm các lý thuyết, nghiên cứu về kinh tế tri thức. Mặc dù cả 3 cách hiểu này về tri thức đều có ý nghĩa, nhưng chưa toàn diện để giải thích kinh tế tri thức. Tuy vậy, trong ba cách hiểu này, cách tiếp cận tri thức là năng lực tỏ ra hợp lý hơn cả. Thực hiện phân tích và tổng hợp, bài báo đưa ra mô hình “năng lực quốc gia” của kinh tế tri thức, sử dụng hai khái niệm mới là “năng lực cơ bản” và “năng lực phát triển quốc gia”. Mô hình này một mặt giúp hiểu rõ các quá trình tri thức vận động trong kinh tế tri thức, mặt khác gợi ý về việc xây dựng chiến lược phát triển quốc gia để hướng tới kinh tế tri thức.

Ba cách tiếp cận tới khái niệm “kinh tế tri thức”

Các lý thuyết về kinh tế tri thức trong suốt hơn bốn thập niên khá đa dạng về logic lý luận, kết luận cũng như những gợi ý rút ra để áp dụng trên thực tế. Lý do là cách tiếp cận về tri thức khác nhau trong các lý thuyết đó, các nghiên cứu về kinh tế tri thức có thể phân chia thành ba nhóm tiếp cận: (1) tri thức là tài sản, (2) tri thức là quan hệ và (3) tri thức là năng lực.

Nhóm tiếp cận tri thức là tài sản

Các lý thuyết truyền thống như lý thuyết Tăng Trưởng Mới (New Growth Theory- Romer, 1986; Lucas, 1988), lý thuyết Khoảng Cách Tri Thức (Knowledge Gap Theory- Abramovitz, 1986; World Bank, 1999) đều sử dụng tiếp cận tri thức là tài sản trong nền kinh tế. Các tài sản tri thức điển hình gồm nhân lực; các thiết kế, công nghệ ẩn trong máy móc, thiết bị; quy trình công nghệ trong tổ chức quản lý của doanh nghiệp. Theo cách hiểu này, tri thức có thể chuyển dễ dàng từ tổ chức, doanh nghiệp này sang tổ chức, doanh nghiệp khác. Tri thức là tài sản chiến lược quan trọng nhất trong tất cả các tài sản của doanh nghiệp, doanh nghiệp nào có kho tri thức lớn hơn sẽ có vị thế cạnh tranh tốt hơn trên thị trường. Nhiệm vụ của một nền kinh tế là làm sao có được nhiều tài sản tri thức và ngăn chặn sự xâm phạm tài sản tri thức từ các quốc gia khác. Một quốc gia có thể xây dựng kho tàng tri thức của mình thông qua việc đầu tư cho khoa học, nghiên cứu phát triển (Romer, 1986; Lucas, 1988). Quốc gia cũng có thể tăng cường kho tàng tri thức của mình bằng việc tiếp nhận tri thức từ các quốc gia khác (Romer 1994; Abramovitz, 1986; World Bank, 1999) . Việc bảo vệ tri thức dẫn tới luật bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trở nên quan trọng trong nền kinh tế tri thức.

Nhóm tiếp cận tri thức là quan hệ

Nhóm lý thuyết kinh tế tri thức tiếp cận tri thức là quan hệ cho rằng tri thức chính là các quan hệ kinh tế - xã hội đã được xây dựng và chia sẻ. Cách tiếp cận này quan tâm tới các kết nối, các mạng lưới quan hệ kinh tế - xã hội giữa các chủ thể trong hệ thống kinh tế quốc gia. Lundvall (1988) trong lý thuyết về Hệ Thống Sáng Chế Quốc Gia (National Innovation System Theory) lý luận rằng mối tương tác Người sử dụng - Người sản xuất là nền tảng 

của các phát minh, sáng tạo, đổi mới trong công nghệ. Trong phạm vi rộng hơn, tương tác Doanh nghiệp - Đại học - Các tổ chức thị trường (lý thuyết Bộ Ba Quan Hệ - Triple Helix Theory) tạo ra tri thức mới trong nền kinh tế (Lundvall, 1988; Leydesdorff, 2006).

Nhóm tiếp cận tri thức là năng lực

Năng lực trong các nghiên cứu về kinh tế tri thức được hiểu là năng lực của các doanh nghiệp và năng lực của quốc gia. Năng lực là “khả năng hành động” và là một quá trình động gắn liền với các hoạt động của chủ thể. Theo Nelson và Winter (1982), năng lực của doanh nghiệp thể hiện trong các quy trình hoạt động (routines), bao gồm quy trình sản xuất kinh doanh, quy trình đầu tư và tìm kiếm cơ hội của doanh nghiệp. Abramovitz and David (1996) sử dụng khái niệm “năng lực hấp thụ xã hội” (absortive social capability) để chỉ khả năng của các nước chậm phát triển hơn tiếp thu tri thức, công nghệ từ các nước phát triển để bắt kịp các nước phát triển hơn này. Năng lực gắn liền với chủ thể hoạt động thông qua quá trình hoạt động lâu dài, tuy nhiên, năng lực “tương tự” có thể thu nhận thông qua quá trình “bắt chước”. Vì vậy, thông qua các hướng dẫn thực hành, năng lực có thể “lan truyền” từ doanh nghiệp, tổ chức này sang doanh nghiệp, tổ chức khác, cũng như từ nền kinh tế này sang nền kinh tế khác.

Tính chính xác của việc sắp xếp các lý thuyết về kinh tế tri thức chỉ đạt được tương đối do có nhiều lý thuyết có thể thuộc hơn một nhóm tiếp cận. Tuy nhiên, Hình 1 cung cấp một cái nhìn có hệ thống về các lý thuyết, mô hình, nghiên cứu về kinh tế tri thức theo cách tiếp cận đến tri thức.

(còn nữa)