Mô hình năng lực quốc gia của nền kinh tế tri thức (phần 3)
Diễn đàn - Ngày đăng : 21:39, 03/11/2015
Năng lực phát triển quốc gia (national developmental capability)
Sự xuất hiện của kinh tế tri thức dựa nhiều vào năng lực tri thức của một quốc gia. Tuy nhiên, chính xác là sự tác động giữa năng lực tri thức với năng lực kinh tế và năng lực thể chế mới tạo được điều kiện đủ để kinh tế tri thức phát triển tại một quốc gia nào đó. Nói cách khác, hoạt động phối hợp, kích thích và tái cấu trúc ba năng lực tri thức căn bản của quốc gia theo một cách hiệu quả là tối quan trọng trong một nền kinh tế tri thức. Những hoạt động này sẽ quyết định chất lượng vận hành và vị trí cạnh tranh của một nền kinh tế tri thức cụ thể trong nền kinh tế toàn cầu. Tác giả định nghĩa các hoạt động đó là năng lực phát triển quốc gia của kinh tế tri thức.
Năng lực phát triển khác với các năng lực căn bản của quốc gia. Một mặt năng lực phát triển đứng phía trên các năng lực căn bản do năng lực này hoạt động dựa trên hoạt động của các năng lực căn bản. Mặt khác, năng lực phát triển là một thành tố không tách rời trong chỉnh thể tương tác hợp nhất của ba loại năng lực căn bản của quốc gia trong kinh tế tri thức. Cả năng lực phát triển và các năng lực căn bản đều lấy nền kinh tế làm nền tảng cho sự hình thành và phát triển của mình.
Năng lực phát triển quốc gia gồm hai thành tố chính: (1) phối hợp- kích thích và (2) tái cấu trúc các hoạt động trong kinh tế tri thức. Hoạt động phối hợp và kích thích sẽ cho phép thực hiện các giá trị của các năng lực căn bản. Trong thực tế, tác độngnày có thể thấy trong các trường hợp như (1) sự kết hợp của khoa học, giáo dục trong hoạt động của các doanh nghiệp để tạo ra các sáng chế, (2) việc điều chỉnh các quy định và chính sách liên quan tới hoạt động khoa học, công nghệ và kinh doanh, (3) giá trị văn hóa được khai thác làm tăng giá trị kinh tế của sản phẩm... Năng lực phát triển quốc gia càng cao trong điều kiện các loại năng lực cơ bản không đổi thì các hoạt động trong nền kinh tế càng trôi chảy hơn và hiệu quả hơn.
Hoạt động tái cấu trúc tạo sự linh hoạt của cấu trúc năng lực tổng thể. Trong nền kinh tế thế giới không ngừng vận động, hoạt động tái cấu trúc đặc biệt quan trọng. Chính hoạt động tái cấu trúc giúp nền kinh tế đạt được cấu trúc mới để nâng cao giá trị kinh tế tổng thể. Đối với các tác động từ bên ngoài, một mặt hoạt động tái cấu trúc giúp nền kinh tế phản ứng thích nghi với những biến động bên ngoài kịp thời. Mặt khác, hoạt động tái cấu trúc cho phép nền kinh tế nhận ra các cơ hội và thay đổi để tận dụng cơ hội nhằm tạo giá trị mới và tăng cường lợi thế cạnh tranh của mình. Khái niệm năng lực xã hội mà Abramovitz and David (1996) đưa ra thường được các phân tích sau đó nhấn mạnh như năng lực thể chế quốc gia cần thiết để khai thác các công nghệ mới từ các nước phát triển. Tuy nhiên, nếu xét rằng quá trình bắt kịp đón đầu công nghệ đòi hỏi việc sắp xếp lại các năng lực căn bản quốc gia và sự phối hợp mới giữa chúng cho phù hợp với công nghệ mới thì chính khái niệm năng lực hấp thụ này rất gần gũi với khái niệm năng lực phát triển đề ra trong bài báo này.
Mối quan hệ giữa năng lực phát triển quốc gia và ba dạng năng lực căn bản tạo nên một kim tự tháp, biểu diễn tại Hình 2. Năng lực phát triển ở trên cùng, ba năng lực căn bản tạo chân đế cho kim tự tháp.
Mô hình năng lực quốc gia của kinh tế tri thức trình bày ở trên nhấn mạnh hai điểm. Thứ nhất, mỗi năng lực thành phần của kim tự tháp không thể hoạt động tốt một mình mà cần hoạt động trong mối quan hệ và sự hỗ trợ của các năng lực quốc gia khác. Vì vậy, một sự phát triển cân bằng tương đối của các năng lực thành phần trong kim tự tháp là tối quan trọng cho hiệu quả hoạt động chung của năng lực tổng thể của quốc gia, điều này sẽ thể hiện ở vị thế phát triển và cạnh tranh của quốc gia ấy. Thứ hai, việc theo sát sự vận động của kim tự tháp năng lực quốc gia sẽ cho thấy sự phát triển năng động của kinh tế tri thức. Năng lực bao gồm quá trình học và học là gốc rễ của sự phát triển năng lực. Do đó việc thay đổi và phát triển năng lực thông thường phải thông qua quá trình phát triển từ từ, thông qua sự vận động của chính quốc gia (quá trình học thông qua thực hành). Tuy vậy việc thay đổi cũng có thể xuất phát từ nhận thức mới của các chủ thể trong xã hội. Điều này có ý nghĩa quan trọng khi đưa ra các lời khuyên về chiến lược để xây dựng và phát triển năng lực quốc gia nhằm xây dựng kinh tế tri thức.
Kết Luận
Bài báo đã chỉ ra việc tiếp cận tri thức là năng lực là cách tiếp cận hợp lý nhất để giải thích kinh tế tri thức. Cách tiếp cận này giải thích được tính năng động, cấu trúc hệ thống, sự đa dạng cũng như hội tụ theo nhóm của các quốc gia trong nền kinh tế toàn cầu. Dựa trên cách tiếp cận tri thức là năng lực, bài báo đã đưa ra mô hình năng lực quốc gia của kinh tế tri thức. Năng lực quốc gia là một hệ thống tương tác chặt chẽ của ba năng lực căn bản và một năng lực phát triển ở phía trên. Trong các năng lực thành phần, năng lực tri thức và năng lực phát triển có vị trí quan trọng tương đối trong việc quyết định sự phát triển kinh tế và vị trí cạnh tranh của một nền kinh tế tri thức.
Với mô hình năng lực, trước hết đưa ra một mô hình để hiểu và theo sát sự phát triển của kinh tế tri thức trong một quốc gia. Thứ hai, tạo điều kiện cho việc xây dựng chiến lược phát triển cho kinh tế tri thức. Cụ thể hơn, mô hình năng lực quốc gia đưa ra hai lời khuyên cho các nhà hoạch định chính sách để xây dựng kinh tế tri thức. Đầu tiên, chính phủ cần phát triển và đảm bảo sự phát triển tương đối giữa ba hệ thống cơ bản trong nền kinh tế: hệ thống nghiên cứu giáo dục, hệ thống kinh tế và hệ thống chính sách hỗ trợ hai hệ thống trên. Đồng thời, vẫn cần có sự quan tâm đặc biệt hơn tới hệ thống nghiên cứu giáo dục do hệ thống này sẽ là cơ sở quan trọng cho kinh tế tri thức phát triển. Sau đó, chính phủ thông qua chính sách của mình, tạo sự chủ động và tinh thần phối hợp cao giữa các chủ thể tham gia nền kinh tế. Các chương trình chính phủ sẽ cần thiết để hướng tới sự phối hợp các hoạt động nghiên cứu - kinh tế để tạo một cấu trúc năng lực mới của nền kinh tế để có thể thích ứng tốt với sự thay đổi của nền kinh tế toàn cầu.
Tài liệu tham khảo
[1]. ABRAMOVITZ, M. (1986), “Catching up, forging ahead, and falling behind”, Journal of Economic History, Vol. 46 No. 2, pp. 385-406.
[2]. ABRAMOVITZ, M. AND DAVID, P. A. (1996), “Convergence and deferred catch-up: productivity leadership and the waning of American exceptionalism,” in Landau, R., Taylor, T., and Wright, G. (Ed.), The Mosaic of Economic Growth, Stanford University Press, Stanford.
[3]. FAGERBERG, J. AND SRHOLEC, M. (2008), “National innovation system, capabilities and economic development”, Research Policy, Vol. 37, pp. 1417–1435.
[4]. Lall, S. (1992), “Technological capabilities and industrialization”, World Development, Vol. 20, pp. 165–186.
[5]. LEYDESDORFF, L. (2006), The Knowledge-based Economy: Modeled, Measured, Simulated, Boca Raton, Florida.
[6]. LUCAS, R.E. (1988), “On the mechanics of economic development”, Journal of Monetary Economics, Vol. 22, pp. 3-42.
[7]. LUNDVALL, B.A. (1988), “Innovation as an interactive process: from user-producer interaction to the national systems of innovation”, in Dosi, G. et al. (Ed.), 1988, Technical Change and Economic Theory, Pinter, London, pp. 349-369.
[8]. NELSON, R.R. AND WINTER, S.G. (1982), An Evolutionary Theory of Economic Change, Belknap Press of Harvard University Press, Cambridge and Massachusetts.
[9]. ROMER, P.M. (1986), “Increasing returns and long-run growth”, Journal of Political Economy, Vol. 94 No.5, pp. 1001- 1035.
[10]. ROMER, P.M. (1994), “The origins of endogenous growth”, Journal of Economic Perspectives, Vol. 8 No. 1, pp. 3-22.
[11]. WB (World Bank) (1999), Knowledge for Development, World Development Report 1998-1999.
[12]. ZOLLO, M. AND WINTER, S. (2002), “Deliberate learning and the evolution of dynamic capabilities”, Organization Science, Vol. 13, pp. 339-351.