Phát triển các thành phố bền vững trong một xã hội kết nối (phần 2)
Diễn đàn - Ngày đăng : 21:39, 03/11/2015
Cung cấp dịch vụ xanh bằng các giải pháp icT carbon thấp
Hiện nay một số thành phố lớn trên thế giới đã bắt đầu thí điểm ứng dụng các giải pháp mang tính biến đổi theo những phương thức thông minh hơn để cung cấp các dịch vụ cho các thành phố trong tương lai. Dưới đây là một vài khả năng chuyển đổi trong đời sống hàng ngày đối với các thành phố, thông qua việc sử dụng thông minh ICT.
Khí hậu và năng lượng: Các tòa nhà thông minh sử dụng kết nối để giám sát năng lượng, an ninh và khí hậu. Đồng thời đây còn là nơi sản xuất các năng lượng tái tạo. Các bộ cảm biến hỗ trợ trong việc thích ứng khí hậu hay cảnh báo, như dự báo bão, báo động khi mức độ ô nhiễm nước tăng.
Ngoài ra, các giải pháp quản lý năng lượng thông minh cũng giúp nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, đặc biệt trong bối cảnh cạn kiệt tài nguyên hiện nay. Hệ thống quản lý thông tin thu thập, theo dõi, kiểm soát và cấu hình lại để tối ưu hóa và quản lý các tài nguyên như nước và năng lượng.
Giao thông vận tải: Các giải pháp truyền thông và giao thông tích hợp để thay thế và tối ưu việc đi lại của con người.
Các lĩnh vực công: Các ứng dụng ICT giúp kết nối các thành phố với vùng ngoại ô, các thành phố khác và các khu vực khác. Còn các dịch vụ của Chính phủ điện tử làm giảm nhu cầu sử dụng giấy và số lần di chuyến cần thiết.
Y tế: Các giải pháp y tế số và giám sát từ xa góp phần hỗ trợ lối sống lành mạnh và làm giảm nhu cầu đi lại cũng như sử dụng giấy tờ.
Giáo dục: Các giải pháp điện toán đám mây có thể thay đổi cách triển khai và áp dụng các ứng dụngICT trong giáo dục (các trường học, trường đại học) cũng như thông tin và quá trình học tập.
Lối sống bền vững: Sử dụng các dịch vụ thay vì một sản phẩm được sản xuất, ví dụ đọc e-book thay đọc một cuốn sách thực hay tham gia các cuộc họp ảo cũng góp phần cắt giảm khí thải carbon.
An toàn và bảo mật: Các giải pháp quản lý sử dụng cảnh báo cảm biến từ xa giúp giảm thiểu những rủi ro về thời tiết và thiên tai.
Kết quả thực tiễn
Các dịch vụ dựa trên ICT có vai trò quan trọng trong việc giảm phát xạ CO2 tiềm năng. Việc xem xét đánh giá dựa trên việc phân tích cơ sở hạ tầng của các hệ thống ICT và các hệ thống thông thường, trên cơ sở đó đưa ra tỷ lệ cắt giảm tiềm năng. Đây chính là lượng khí thải trực tiếp của hệ thống dựa trên ICT mới so các phương thức phân phối dịch vụ truyền thống.
Cung cấp các dịch vụ y tế từ xa tại Croatia
Kết nối 2.400 đội chăm sóc sức khoẻ tại 20 quận và thủ đô Zagreb, hệ thống thông tin mạng chăm sóc sức khỏe tại Croatia cung cấp các báo cáo và đặt phòng, cập nhật hồ sơ bệnh nhân, số hóa các đơn thuốc một cách trực tiếp, do đó giảm yêu cầu in hồ sơ bệnh án hay đơn thuốc khi gửi cho các hiệu thuốc, bệnh viện và phòng thí nghiệm. Các dịch vụ này giúp giảm lượng khí thải CO2 lên đến 15.000 tấn mỗi năm..
Smart Work tại TeliaSonera
Năm 2010, Ericsson, nhà khai thác viễn thông Thụy Điển TeliaSonera và Trung tâm Truyền thông bền vững tại Viện Công nghệ Hoàng gia Thụy Điển, đã làm việc và phối hợp với nhau để đánh giá các tác động đến môi trường của lĩnh vực ICT và các ngành khác.
Ericsson và TeliaSonera đánh giá tác động của việc sử dụng các giải pháp làm việc thông minh (Smart Work) dựa trên ICT của TeliaSonera như làm việc từ xa, tổ chức cuộc họp ảo hay hội nghị truyền hình TelePresence và văn phòng linh động. Mục tiêu của TeliaSonera là để cắt giảm việc đi lại bằng máy bay, ô tô và sự cần thiết về không gian văn phòng. Nghiên cứu được thực hiện trong khoảng thời gian từ năm 2001-2007, kết quả cho thấy:
- Các sáng kiến này đã giảm lượng khí thải CO2 (phát xạ CO2 cộng với tất cả các khí thải nhà kính khác và các hiệu ứng) khoảng 40% trên mỗi nhân viên hay hơn 2,8 tấn CO2 cho mỗi nhân viên/năm
- Điều chỉnh tỷ lệ kết quả cấp quốc gia, nghiên cứu phát hiện ra rằng các sáng kiến tương tự có thể làm giảm khoảng 20% CO2 của Thụy Điển vào năm 2020
Qua đó có thể thấy, nếu mở rộng quy mô đến cấp độ toàn cầu sẽ giúp cắt giảm lượng khí thải CO2 toàn cầu từ 2% đến 4% khi đạt được mức giảm 20% đến 40% cho mỗi nhân viên trong khoảng thời gian từ 10 đến 20 năm.
PHÁT TRIỂN THÀNH PHỐ BỀN VỮNG
Để phát triển các thành phố bền vững cần kết hợp các yếu tố ICT sau thành một chuỗi giá trị thống nhất:
- Cơ sở hạ tầng: Bao gồm cả băng rộng tốc độ cao (cố định và di động)
- Động lực cho phép: Các hệ thống hỗ trợ để cho phép cơ sở hạ tầng làm việc hiệu quả hơn (bao gồm cả các hệ thống đo lường thông minh, thanh toán, an ninh, quản lý ứng dụng/nội dung và các hệ thống quản lý mạng)
- Các thiết bị: Bao gồm thiết bị cố định, di động và vật dụng gia đình có thể được sử dụng để triển khai các ứng dụng trong thành phố thông minh
- Các ứng dụng: Cung cấp cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng các giải pháp để sống và làm việc hiệu quả trong khi giảm thiểu các tác động tới môi trường (ví dụ như bán vé điện tử, chính phủ điện tử,...).
Tuy nhiên, để triển khai thành công cần sự tham gia của các bên liên quan nhằm phát triển, xây dựng và vận hành chuỗi giá trị liên kết phức tạp này. Điều này đòi hỏi sự tham gia của các cơ quan chính phủ, các nhà cung cấp dịch vụ, các nhà cung cấp nội dung và các nhà cung cấp dịch vụ thứ ba. Ví dụ một trong những nền tảng để phát triển các thành phố bền vững là cơ sở hạ tầng băng rộng để phân phối các giải pháp, dịch vụ như chăm sóc sức khỏe qua điện thoại, giáo dục trực tuyến, và chính phủ điện tử. Qua đó, công dân có nhiều cơ hội tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục... hơn. Cuối cùng, các ứng dụng này có thể làm việc phối hợp với nhau nhằm mang lại giá trị lớn hơn cho xã hội. Ví dụ, kết hợp dữ liệu từ điện thoại di động trực tuyến để xác định các vấn đề về giao thông như trễ xe buýt hoặc ùn tắc giao thông... Quan trọng hơn cả là việc xây dựng chính sách phát triển ICT xanh nhằm giảm thiểu mức tiêu thụ năng lượng và phát xạ carbon. Chính sách đưa ra cần phải toàn diện, chặt chẽ, được quản lý và giám sát hợp lý, và phù hợp với các chính sách trong các lĩnh vực khác như giáo dục, y tế và vận chuyển.
Ngoài ra, để phát triển công nghệ và hỗ trợ 3 mục tiêu đặt ra, các thành phố có thể khuyến khích kết nối bằng cách khởi động các dự án khai thác những khả năng của xã hội kết nối. Ví dụ các thành phố dẫn đầu có thể giám sát việc sử dụng kết nối tại các thành phố khác và các dịch vụ truyền thống để theo dõi và đánh giá các tác động của chúng tới môi trường.
KẾT LUẬN
Để đạt được tính bền vững, các thành phố cần phải nhanh chóng đưa ra những hành động thiết thực để nâng cao tính cạnh tranh, hài hòa sinh thái và chất lượng sống tốt hơn cho người dân. ICT chính là công cụ trung tâm để phát triển các thành phố một cách bền vững về cả 3 phương diện kinh tế, xã hội và môi trường đồng thời đáp ứng được mục tiêu của mỗi quốc gia. Các nhà hoạch định chính sách và quan chức thành phố có một vai trò quan trọng trong việc xác định và thực hiện các chiến lược nhằm thúc đẩy ICT như là một phương tiện để tăng cường 3 mục tiêu đặt ra và cung cấp các giải pháp mang tính biến đổi giúp phân phối dịch vụ hiệu quả hơn và sạch hơn. Quy hoạch, phát triển và quản lý một thành phố bền vững trong một tương lai đòi hỏi phải có một chiến lược toàn diện, đồng thời đánh giá các tác động và thực hiện điều chỉnh khi cần thiết
Nhận thức được vai trò của các mô hình kinh doanh mới, các hệ sinh thái và quan hệ đối tác là điều cần thiết để giải quyết các thách thức đối với sự phát triểncác thành phố bền vững. ICT có thể đáp ứng một cách chủ động các nhu cầu của người dân trong khi hỗ trợ lối sống đô thị bền vững hơn. Sự phát triển của các công nghệ mới và sáng kiến đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển các phố bền vững hơn.
Tài liệu tham khảo
[1]. HASNA, A. M. (2007). “Dimensions of sustainability”. Journal of Engineering for Sustainable Development: Energy, Environment, and Health 2 (1): 47–57
[2]. ww.un.org
[3]. WWF, Booz report Reinventing the city, 2010 (http://www. slideshare.net/itsgowri/wwf-low-carboncities).
[4]. www.smart2020.org
[5]. ERICSSON, Networked society - the key to sustainable cities, WhitePaper