Nhận thức về bản quyền phần mềm

Xu hướng - Dự báo - Ngày đăng : 21:38, 03/11/2015

Sáng ngày 18 tháng 10 năm 2012, tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông- cơ sở TP. Hồ Chí Minh, Trung tâm Hỗ trợ phát triển Thông tin và Truyền thông (ICDAC) phối hợp với các đơn vị

Cục Quản lý Cạnh tranh – Bộ Công thương, Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam, Học viện Công nghệ Bưu Chính Viễn thông cơ sở  TP. Hồ Chí Minh, Công ty TNHH Phần mềm Winsoft  đã tổ chức Hội thảo: Cập nhật nhận thức về bản quyền phần mềm năm 2012

Trong bối cảnh các công ty xuất khẩu sản phẩm CNTT nói chung và phần mềm nói riêng sang thị trường tại một số tiểu bang Hoa Kỳ sẽ phải sử dụng phần mềm hợp pháp – nếu không, các công ty này sẽ phải đối mặt với nguy cơ đánh mất thị trường và cơ hội kinh doanh. Tuy nhiên bộ luật cạnh tranh không lành mạnh (UCA) của Hoa Kỳ cũng chính là một cơ hội lớn để các nhà sản xuất Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh so với các đối thủ tại những quốc gia có mức độ tuân thủ luật sở hữu trí tuệ thấp. Đây chính là thông điệp đưa ra tại cuộc hội thảo về việc ban hành Bộ Luật Cạnh tranh không lành mạnh (UCA) của Hoa Kỳ, bộ luật sẽ gây nhiều tác động đến cơ hội kinh doanh đối với các nhà sản xuất và xuất khẩu Việt Nam.  Hội thảo mang tên “Cập nhật nhận thức về phần mềm bản quyền”cho các doanh nghiệp xuất khẩu

Năm 2011, Bang Washington và bang Louisiana đã thông qua bộ luật UCA yêu cầu các nhà sản xuất và xuất khẩu trên thế giới phải sử dụng Công nghệ thông tin (cả phần cứng và phần mềm) hợp pháp trong việc sản xuất cũng như trong mọi hoạt động thương mại từ văn phòng đến nhà máy.  

Sử dụng phần mềm không có bản quyền hợp pháp sẽ mang lại cho nhà sản xuất một lợi thế về giá nhưng không bình đẳng so với những đối thủ cạnh tranh đang sử dụng phần mềm hợp pháp. Nhằm tạo ra sân chơi lành mạnh, các tiểu bang này đã cung cấp cho các doanh nghiệp bị bất lợi một Phương thức hợp pháp để phục hồi tổn thất và ngăn chặn các doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh bán sản phẩm tại các tiểu bang cho đến khi các doanh nghiệp này hoàn toàn chịu tuân thủ theo bộ luật mới.

Phát biểu tại buổi hội thảo Ông Nguyễn Đình Tạo, Vụ trưởng – Trưởng Cơ quan Đại diện của Bộ Thông tin và Truyền thông đã phát biểu “Vi phạm bản quyền phần mềm là sao chép hoặc phát tán trái phép phần mềm có bản quyền. Vi phạm bản quyền là hành vi phạm pháp. Nếu không quản lý tốt sẽ sinh ra các hành vi bất chính khác nữa” và khẳng định “Bộ Thông tin và Truyền thông đã và đang nỗ lực để tạo ra một môi trường Thông tin, truyền thông bình đẳng cho các doanh nghiệp, trong đó cơ sở quan trọng là tôn trọng các Quyền sở hữu trí tuệ - là cầu nối đưa các Doanh nghiệp Thông tin Truyền thông đến với đông đảo các thành phần Kinh tế, đưa các Công nghệ Hiện đại và các thành quả Công nghệ Thông tin Truyền thông của Nhân loại đến với Cộng đồng”.

Ông Trần Thúc Hoàng, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Thông tin và Truyền thông (ICDAC) cũng phát biểu trong bài phát biểu của mình khẳng định một lần nữa quyết tâm của cơ quan quản lý nhà nước trong vấn đề bảo hộ sở hữu trí tuệ “Việc truyền thông rộng rãi trong cộng đồng về những tác hại của việc sử dụng Phần mềm không có bản quyền -  những ảnh hưởng trực tiếp và hệ lụy cho người sử dụng, các doanh nghiệp và  các tổ chức khi vi phạm Bản quyền Phần mềm vẫn còn chưa được quan tâm thực hiện đúng như tầm quan trọng và vai trò mình  - trong nỗ lực chung của Các bộ ngành, các Doanh nghiệp, Các tổ chức, Hiệp hội thực hiện chỉ đạo của Chính phủ ngăn chặn và từng bước đẩy lùi nạn sử dụng các phần mềm không có bản quyền. Là một đơn vị Sự nghiệp Công lập, Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Thông tin và Truyền Thông (ICDAC) ý thức được nhiệm vụ của mình – Đóng góp cùng Cộng đồng trong việc ngăn chặn và đẩy lùi vi phạm sở hữu trí tuệ nói chung và bản quyền phần mềm. “

Bà Phạm Châu Giang đã giới thiệu khái quát bộ luật UCA. Bà Giang nêu rõ: trong điều kiện ở hầu khắp các nước trên thế giới không tuân thủ nghiêm ngặt bản quyền phần mềm và sở hữu trí tuệ, dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh, làm thiệt hại cho nền kinh tế Hoa Kỳ nói chung và các doanh nghiệp IT của nước Mỹ nói riêng. Do Bang Washington và Louisiana đã cho ra đời luật UCA với mục tiêu bảo đảm sự công bằng cho các doanh nghiệp IT của Hoa Kỳ và các nước khác khi xuất khẩu sản phẩm IT vào Hoa Kỳ. Bất kỳ một doanh nghiệp nào khi xuất khẩu sản phẩm IT vào hai Bang trên không chứng minh được sản phẩm của mình có bản quyền hợp lệ, khi bị phát hiện gian dối, sẽ bị khởi kiện, bị phạt, bồi thường thiệt hại và bị tịch thu hàng hóa. Theo bà Giang, tuy chưa tổng hợp được số liệu thống kê kể từ khi luật UCA được thực hiện nhưng sự xuất hiện luật UCA ở hai Bang của Hoa Kỳ sẽ tạo tiền lệ cho các Bang khác áp dụng luật này trên phạm vi toàn nước Mỹ. Đặc biệt mới đây, Tổng thống Obama đã ra lời kêu gọi Quốc hội Mỹ sớm nghiên cứu để cho ra đời một bộ luật kiểu UCA áp dụng trong toàn Liên bang.

Tại hội thảo, các diễn giả đã cung cấp những thông tin đầy đủ xung quanh vấn đề Bản quyền phần mềm, luật cạnh tranh UCA – Và xa hơn, đã chia sẻ với các Doanh Nghiệp những Phương pháp tiếp cận và đầu tư hiệu quả cho Phần mềm có bản quyền, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và nâng cao chất lượng hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh và quản lý của mỗi doanh nghiệp bằng đầu tư hợp lý cho Công nghệ Thông tin.

Hệ thống luật sở hữu trí tuệ của Việt Nam đang ngày càng được chú trọng nhiều hơn trong thời gian gần đây, và sự tác động của bộ luật Cạnh tranh không lành mạnh (UCA) sẽ mang đến một động lực nữa khiến các doanh nghiệp chấp hành tốt hơn luật trong nước nếu họ không muốn phải đối mặt với nguy cơ đánh mất cơ hội trên thị trường Hoa Kỳ. Hơn thế, việc tuân thủ bộ luật mới này và các qui định về luật bản quyền trong nước chính là một hành động thể hiện sự tôn trọng luật sở hữu trí tuệ.    

Hội thảo mong muốn các doanh nghiệp có thể chứng tỏ rằng việc quản lý doanh nghiệp và hoàn thành trách nhiệm xã hội của mình tốt bằng việc tôn trọng luật sở hữu trí tuệ và bản quyền phần mềm. Chỉ có như vậy mới kích thích các doanh nghiệp phát triển phần mềm và công nghệ thông tin. Các kỹ sư phần mềm sẽ có động lực mạnh mẽ hơn để phát triển và cho ra đời các ý tưởng mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp và cho xã hội. Việc tôn trọng luật Sở hữu Trí tuệ cũng giúp Chính phủ Việt Nam đạt được tiến bộ cao hơn trong tầm nhìn CNTT-TT 2020 và đạt mục tiêu chiến lược trở thành nước mạnh về CNTT.

Hội thảo khép lại với niềm tin tưởng trong tương lai không xa, Việt Nam sẽ là một quốc gia không chỉ có tiềm lực mạnh về kinh tế mà còn xây dựng được một môi trường tuân thủ tốt Luật sở hữu trí tuệ và các Điều ước, Luật pháp và Thông lệ Quốc tế về sở hữu trí tuệ - đưa Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển mạnh về Công nghệ thông tin, nâng cao uy tín đối với nhà đầu tư nước ngoài, giúp Việt Nam đạt được mục tiêu thực hiện tốt các cam kết quốc tế khi hội nhập vào nền kinh tế thế giới.