Thuê dịch vụ: Tháo gỡ khó khăn cho ứng dụng CNTT (P1)

Diễn đàn - Ngày đăng : 21:00, 03/11/2015

Hiện nay, về mặt pháp lý, cơ chế định giá dịch vụ vẫn không rõ ràng, chỉ có một số dịch vụ như thuê đường truyền, điện thoại, hosting, nhưng nhiều dịch vụ khác chưa có cơ chế thích hợp (thuê phần mềm, hệ thống CNTT...).

THÁO GỠ KHÓ KHĂN TRƯỚC MẮT

Trong vài năm gần đây, vấn đề thuê ngoài dịch vụ CNTT có thể giúp tháo gỡ khó khăn về vốn đầu tư, về nhân lực quản trị CNTT, đã được nhiều đại diện các doanh nghiệp CNTT và các tổ chức, cơ quan nhà nước đề cập. Tuy nhiên, nếu thực hiện theo Nghị định số 102/2009/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước thì gần như không triển khai được cơ chế thuê dịch vụ CNTT. Quy chế đặt hàng dịch vụ sự nghiệp công cũng rất khác với dịch vụ CNTT. Nhà nước có thể giao một số dịch vụ sự nghiệp công cho tổ chức bên ngoài làm như: công chứng, đo đạc đất đai..., còn dịch vụ CNTT thì đối tượng là cơ quan nhà nước chứ không phải người dân (dùng dịch vụ thì trả phí). Hiện nay, về mặt pháp lý, cơ chế định giá dịch vụ vẫn không rõ ràng, chỉ có một số dịch vụ như thuê đường truyền, điện thoại, hosting, nhưng nhiều dịch vụ khác chưa có cơ chế thích hợp (thuê phần mềm, hệ thống CNTT...).

Về cơ chế quản lý tài chính, đầu tư mua sắm. tại một số dự án có phần tài chính hỗ trợ từ ngân sách cho dự án khá nhỏ, ngân sách hỗ trợ cho phần mua sắm các tài sản, thiết bị sử dụng cho dự án quy định phải mua sắm thiết bị nguyên chiếc. Vì chưa có quy định cụ thể nào dạng này nên thường áp dụng Thông tư 68/TT-BTC năm 2012 của Bộ Tài chính - cho việc mua sắm tài sản phục vụ hoạt động thường xuyên của CQNN, không áp dụng mua sắm tài sản cho dự án - gây ra một số điểm bất cập như: phát sinh thủ tục liên quan mua sắm tài sản; giá trị yêu cầu phải đấu thầu trong dự án rất nhỏ (chỉ 100 triệu VNĐ); số lượng thủ tục tăng lên rất nhiều, kể cả thẩm định giá, dẫn đến độ trễ so với nhu cầu của doanh nghiệp. Việc xác định quyền sở hữu tài sản theo quy định cũ không rõ ràng (giữa doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và doanh nghiệp cổ phần có vốn của Nhà nước).

Việc hoàn thiện cơ chế, chính sách về cung cấp sử dụng dịch vụ CNTT trong cơ quan nhà nước, về quản lý, tổ chức, tài chính, cách thức chi, có định mức chi ngân sách Nhà nước cho việc sử dụng dịch vụ CNTT thuê ngoài... sẽ tháo gỡ hạn chế, khó khăn của các chương trình thúc đẩy phát triển ứng dụng CNTT.

Dự thảo Nghị định của Chính phủ về dịch vụ CNTT và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế thuê dịch vụ CNTT trong cơ quan nhà nước đang được Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TTTT) chỉnh sửa, hoàn thiện để trình Chính phủ ký ban hành trong thời gian tới, sẽ giải quyết cơ bản những khó khăn về đầu tư ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước hiện nay.

THÚC ĐẨY ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG CƠ QUAN NHÀ NƯỚC

Chiều 20/8/2014, tập thể lãnh đạo Bộ TTTT đã nghe báo cáo dự thảo Nghị định của Chính phủ về dịch vụ CNTT và dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế thuê dịch vụ CNTT trong cơ quan nhà nước.

Được khởi động xây dựng từ năm 2011, một trong những mục tiêu của dự thảo Nghị định về dịch vụ CNTT là quy định rõ cơ chế, chính sách cho việc thuê dịch vụ CNTT trong các cơ quan nhà nước. Dự thảo Nghị định mới nhất về dịch vụ CNTT đã dành hẳn chương 5 để quy định về việc cung cấp và sử dụng dịch vụ CNTT trong cơ quan nhà nước.

Ông Nguyễn Trọng Đường, Vụ trưởng Vụ CNTT (Bộ TTTT) cho biết, thuê dịch vụ CNTT là một xu hướng phổ biến, tuy nhiên, cơ chế thuê dịch vụ trong cơ quan nhà nước chưa cụ thể, gây khó khăn trong việc triển khai. Vì thế, ngay từ những phiên bản đầu tiên của dự thảo Nghị định, Ban soạn thảo đã đưa nội dung thuê dịch vụ CNTT trong cơ quan nhà nước thành một chương quan trọng của dự thảo, trong đó quy định về yêu cầu, điều kiện, các cơ chế liên quan đến tài chính, ngân sách.

"Vấn đề thuê dịch vụ CNTT trong cơ quan nhà nước gần đây đã được nhấn mạnh, cụ thể hóa qua các văn bản ở tầm rất cao như Nghị quyết số 36- NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 47/NQ-CP của Chính phủ. Do vậy, việc ban hành Nghị định về dịch vụ CNTT là rất cần thiết nhằm quy định các cơ chế, chính sách cụ thể thuộc thẩm quyền của Chính phủ để thực hiện chủ trương đã được khẳng định trong các Nghị quyết này“, ông Nguyễn Trọng Đường khẳng định.

Để làm rõ cơ chế thuê dịch vụ CNTT, tạo thuận lợi cho cơ quan nhà nước trong việc triển khai ứng dụng CNTT dưới hình thức thuê dịch vụ, đồng thời để thực hiện và cụ thể hóa các chủ trương của Nhà nước tại các Nghị quyết của Đảng và Chính phủ, từ cuối tháng 6/2014, Bộ TTTT đã phối hợp cùng Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định cơ chế thuê dịch vụ CNTT trong cơ quan nhà nước. Dự thảo Quyết định gồm 16 Điều được chia thành 4 Chương: Những quy định chung; Lập và phê duyệt kế hoạch, dự án thuê dịch vụ CNTT trong cơ quan nhà nước; Thực hiện kế hoạch, dự án thuê dịch vụ CNTT trong cơ quan nhà nước; Tổ chức thực hiện và điều khoản thi hành.

MỘT SỐ ĐIỂM QUAN TRỌNG TRONG DỰ THẢO QUY ĐỊNH CƠ CHẾ THUÊ DỊCH VỤ CNTT TRONG CƠ QUAN NHÀ NƯỚC

Trước đó, ngày 18/8/2014, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đã ký trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quyết định của Thủ tướng quy định cơ chế thuê dịch vụ CNTT trong cơ quan nhà nước và văn bản đang trong quá trình thẩm định. Dự thảo này có một số điểm quan trọng sau:

-Cơ quan nhà nước có thể lựa chọn hình thức lập kế hoạch hoặc lập dự án thuê dịch vụ CNTT với nguồn vốn đa dạng từ ngân sách trung ương và địa phương như: kinh phí chi sự nghiệp và chi đầu tư phát triển; kinh phí phân bổ cho các kế hoạch, chương trình, đề án, dự án có hạng mục ứng dụng và phát triển CNTT; kinh phí được giao trong dự toán chi ngân sách hàng năm của cơ quan đơn vị và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.

-Bộ TTTT có trách nhiệm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành và cập nhật danh mục hoạt động ứng dụng CNTT khuyến khích cơ quan nhà nước thực hiện dưới hình thức thuê dịch vụ cho phù hợp tình hình thực tế. Bộ TTTT cũng công bố danh sách các tổ chức, doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu, điều kiện cung cấp dịch vụ CNTT cho cơ quan nhà nước để các cơ quan thuê dịch vụ làm căn cứ đánh giá, lựa chọn nhà cung cấp phù hợp.

-Bên thuê và bên cho thuê phải tuân thủ 7 nguyên tắc chung về thuê dịch vụ CNTT tương tự như các dự án ứng dụng CNTT nói chung nhưng có ba nội dung đặc thù cho thuê dịch vụ CNTT:

Về đảm bảo an toàn thông tin: Nhà cung cấp dịch vụ phải làm chủ hệ thống phần mềm liên quan và có thể cung cấp bộ mã nguồn phần mềm khi được chủ trì thuê dịch vụ yêu cầu để đảm bảo công tác an toàn, bảo mật thông tin.

Về quyền sở hữu: Đảm bảo thông tin, dữ liệu hình thành trong quá trình thuê dịch vụ là tài sản của bên thuê. Nhà cung cấp dịch vụ có trách nhiệm chuyển giao đầy đủ các thông tin, dữ liệu và các công cụ cần thiết để đảm bảo khai thác sử dụng được thông tin, dữ liệu này sau khi kết thúc thời gian cung cấp dịch vụ.

Về vị trí tài nguyên thông tin: Máy chủ lưu trữ thông tin, dữ liệu của cơ quan nhà nước phải được đặt trên lãnh thổ Việt Nam.

-Để tạo thuận lợi về cơ chế tài chính, dự thảo đề xuất Bộ Tài chính bổ sung nội dung chi cho các hoạt động thuê dịch vụ CNTT vào Hệ thống Mục lục ngân sách nhà nước; nghiên cứu xây dựng cơ chế khoán chi cho việc thuê dịch vụ CNTT trong cơ quan nhà nước.

Mạnh Vỹ

(còn nữa)