Thuê dịch vụ: Tháo gỡ khó khăn cho ứng dụng CNTT (P2)
Diễn đàn - Ngày đăng : 21:00, 03/11/2015
ĐÒN BẨY CHO LĨNH VỰC CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG NƯỚC
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son khẳng định, chủ trương cho phép thuê dịch vụ CNTT trong cơ quan nhà nước mà Bộ TTTT đề xuất rất trúng với quan điểm của Nhà nước, Chính phủ, đó là phải làm sao huy động được nguồn lực của xã hội vào việc cung cấp dịch vụ CNTT, đồng thời cũng là giảm nguồn lực của Nhà nước đầu tư cho hoạt động này.
"Dự thảo Nghị định về dịch vụ CNTT và dự thảo Quyết đỉnh của Thủ tướng Chính phủ quy đỉnh cơ chế thuê dịch vụ CNTT trong cơ quan nhà nước là hai nội dung có tính thực tiễn rất cao. Nếu chúng ta làm tốt hai nội dung này thì càng khẳng định vai trò của CNTT nói chung cũng như vai trò của Bộ TTTT nói riêng trong việc quản lý nhà nước về lĩnh vực này... Chúng ta huy động nguồn lực xã hội vào thuê dịch vụ CNTT, giảm chi ngân sách. Trừ những một số lĩnh liên quan đến an ninh quốc phòng, còn lại Nhà nước khuyến khích thuê ngoài, tạo sân chơi cho thuê ngoài để cung cấp các dịch vụ từ Trung ương đến địa phương. Các quốc gia khác cũng đang áp dụng phương thức này", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Hiện tại, với nhiều mô hình kinh doanh mới, trong đó có mô hình thuê ngoài dịch vụ CNTT, các thành tố tham gia mô hình kinh doanh đem lại hiệu quả cao hon so với đầu tư mới. Mô hình kinh doanh mới được Nhà nước, người dân công nhận thì sẽ kích cầu cho nền CNTT trong nước phát triển. Đây là nội dung rất quan trọng, sẽ huy động nguồn lực của toàn xã hội, đặc biệt là những doanh nghiệp lớn. Để tận dụng nguồn đầu tư trong xã hội, các cơ chế chính sách cũng phải đảm bảo có thể thu lại được các nguồn đầu tư từ việc sử dụng ứng dụng CNTT của người dùng cuối. Đây là yếu tố rất quan trọng. Nếu không có chính sách phù hợp thì doanh nghiệp mong muốn đầu tư CNTT khó tiếp cận đầu tư phát triển ứng dụng CNTT.
Với dự thảo Nghị định về dịch vụ CNTT và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định cơ chế thuê dịch vụ CNTT trong cơ quan nhà nước, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho rằng, mặc dù quan điểm chung là khuyến khích phát triển các dịch vụ CNTT, tuy nhiên trong Nghị định vẫn cần phải có những chế tài để khẳng định, ràng buộc trách nhiệm của cả cá nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ CNTT cũng như cơ quan, đơn vị thuê, sử dụng dịch vụ CNTT. Đồng thời, việc quy định rõ các chế tài cũng là nhằm khẳng định trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.
Đối tượng áp dụng của Quyết định này gồm các cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp liên quan đến hoạt động thuê dịch vụ CNTT của cơ quan nhà nước. Điều này cho thấy đối tượng cung cấp dịch vụ rất rộng, bao gồm cả các doanh nghiệp nước ngoài.
Doanh nghiệp tham gia phải có đủ năng lực kỹ thuật, công nghệ; có nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu về chất lượng, trình độ, kỹ năng phù hợp và đủ về số lượng; có năng lực quản lý và quy trình cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp (ưu tiên các tổ chức đạt chuẩn quốc tế); có kinh nghiệm cung cấp dịch vụ tương tự; có đủ năng lực tài chính; có kế hoạch và cam kết rõ ràng về thời gian cung cấp dịch vụ.
Như vậy, doanh nghiệp trong nước phải nâng cao sức cạnh tranh, chủ động đào tạo nhân lực, đạt chứng chỉ quốc tế. Về công nghệ phải có sản phẩm mạnh, về thương mại có hệ thống bộ máy bán hàng tốt. Đảm bảo được các yêu cầu cơ bản nêu trong Quyết định, các doanh nghiệp trong nước có cơ hội lớn để tham gia cung cấp dịch vụ CNTT cho các cơ quan nhà nước, giúp tăng sức mạnh tài chính và kinh nghiệm để tạo đà vươn ra thị trường nước ngoài.
Nếu coi Nghị quyết số 36/NQ-TW về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế được Bộ Chính trị ban hành ngày 1/7/2014 như một trụ cột phát triển lĩnh vực CNTT trong nước thì sắp tới, Nghị định của Chính phủ về dịch vụ CNTT và Quyết định của Thủ tướng về cơ chế thuê dịch vụ CNTT trong cơ quan nhà nước là hướng đi mở đường, thúc đẩy lĩnh vực này tiến nhanh hơn. Đây là văn bản rất quan trọng, tạo cơ hội để thị trường dịch vụ CNTT trong nước phát triển trong thời kỳ mới.
Mạnh Vỹ