Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong sự nghiệp Đổi mới
Chính phủ số - Ngày đăng : 20:59, 03/11/2015
Ảnh minh họa |
Ngày 1/7/2015, chúng ta long trọng kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của đồng chí Nguyễn Văn Linh (1/7/1915-1/7/2015), cố Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, nhà lãnh đạo kiên định, có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, người đảng viên cộng sản rất mực kiên cường, trung thành, tận tụy, suốt đời chiến đấu, hy sinh vì lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân.
Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Văn Linh thật oanh liệt và phong phú, trải rộng trên cả ba miền đất nước, gắn liền với lịch sử Đảng ta từ ngày đầu thành lập đến cuối những năm 90 của thế kỷ XX. Trải qua nhiều cương vị lãnh đạo ở Trung ương và địa phương, dù ở đâu, làm việc gì, đồng chí cũng đem hết bản lĩnh, trí tuệ, sức lực cống hiến cho Đảng và nhân dân. Đồng chí luôn đặt lợi ích của cách mạng lên trên lợi ích cá nhân, thường xuyên trau dồi tri thức và trân trọng ý kiến đồng bào, đồng chí; quan tâm tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, góp phần làm sáng tỏ và xây dựng các quan điểm, đường lối của Đảng không chỉ phù hợp, soi sáng những vấn đề trước mắt mà còn có giá trị lý luận lâu dài. Đồng chí đã nêu tấm gương sáng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân ta về phẩm chất của người cộng sản “Tận trung với nước, tận hiếu với dân”, sống trung thực, thẳng thắn, chan hòa, giản dị và cần kiệm, giữ vững nguyên tắc trong lập trường, quan điểm, đồng thời linh hoạt trong sách lược, luôn gắn bó với thực tiễn sinh động, phong phú của đất nước, đồng cam cộng khổ với đồng chí, đồng bào.
Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo đã đạt được những thành tựu bước đầu quan trọng, đây cũng là lúc những sai lầm nghiêm trọng về đường lối cải tổ, cải cách, thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập làm cho Liên Xô tan rã, chế độ xã hội chủ nghĩa ở các nước Đông Âu sụp đổ, chủ nghĩa xã hội lâm vào thoái trào. Chiến tranh Lạnh kết thúc, trật tự thế giới hai cực đối đầu chấm dứt, Mỹ trở thành siêu cường duy nhất trong trật tự thế giới mới, công khai can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của nhiều nước.
Trong hàng ngũ cách mạng ở một số nước lúc đó xuất hiện tình trạng hoang mang, dao động, phân hóa và phân liệt, khủng hoảng về tư tưởng, lý luận và tổ chức.
Tình hình trên đã tác động trực tiếp đến cách mạng nước ta, thậm chí trong một số cán bộ, đảng viên cũng có biểu hiện dao động. Trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng, với bản lĩnh chính trị vững vàng, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã cùng tập thể Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhạy bén, chủ động, sáng tạo, vững tay chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua tình thế hiểm nghèo trước những biến động dữ dội trên thế giới, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, đưa sự nghiệp đổi mới của đất nước ta vững bước tiến lên. Đồng chí kịch liệt phê phán những tư tưởng, quan điểm chính trị sai trái, không phù hợp với cách mạng nước ta, nhất là quan điểm “đa nguyên, đa đảng”, đòi Đảng ta từ bỏ nguyên tắc tập trung dân chủ; đồng chí kiên quyết khẳng định: “Trong điều kiện nước ta không có sự cần thiết khách quan để lập nên cơ chế chính trị đa nguyên, đa đảng đối lập. Thừa nhận đa đảng đối lập có nghĩa là tạo điều kiện cho sự ngóc đầu dậy ngay tức khắc và một cách hợp pháp các lực lượng phản động, phục thù trong nước và từ nước ngoài trở về hoạt động chống Tổ quốc, chống nhân dân, chống chế độ. Đó là điều mà nhân dân ta dứt khoát không chấp nhận”[1]. Lập trường, quan điểm rõ ràng, dứt khoát, không khoan nhượng của Trung ương Đảng ta, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh vừa quyết tâm đổi mới đến thắng lợi, vừa kiên định tuyệt đối nguyên tắc cách mạng trong cuộc đấu tranh với những biểu hiện dao động, cơ hội, hữu khuynh của một số người trong và ngoài Đảng đã kịp thời chỉnh đốn về tư tưởng và hành động của cán bộ, đảng viên, đẩy lùi âm mưu, hoạt động chống phá cách mạng nước ta của các thế lực thù địch, phản động và các phần tử cơ hội chống chủ nghĩa xã hội, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tạo tiền đề để sự nghiệp đổi mới đất nước tiếp tục phát triển.
Sự lãnh đạo của Đảng là điều kiện quyết định thắng lợi của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa của nhân dân ta. Phê phán những khuynh hướng phủ nhận hoặc hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng, đồng thời lắng nghe, tiếp thu những ý kiến trung thực phê bình thiếu sót, khuyết điểm trong sự lãnh đạo của Đảng và công tác xây dựng Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Linh chỉ rõ: “Sự lãnh đạo của Đảng đối với xã hội ta là một tất yếu khách quan... Khác với tình hình nhiều nước trên thế giới, một trong những đặc điểm nổi bật của cách mạng Việt Nam là ngay từ khi mới ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam là người duy nhất lãnh đạo cách mạng. Đó không phải và cũng không thể là sự áp đặt chủ quan ý chí của Đảng đối với lịch sử. Trái lại, đó là sự giao phó của lịch sử thông qua sự sàng lọc nghiêm khắc”[2]. Đồng chí nêu rõ: “Đảng ta thực sự là người lãnh đạo và tổ chức mọi thắng lợi của cách mạng nước ta. Trong quá trình đó, có những lúc Đảng ta phạm sai lầm và khuyết điểm lớn, nhưng Đảng ta đã dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật, công khai tự phê bình, nhận khuyết điểm trước nhân dân... Sự thừa nhận công khai khuyết điểm không làm Đảng yếu đi mà là dấu hiệu của một Đảng mạnh, có đầy đủ tính cách mạng và tiên phong biết tin ở mình và tin ở nhân dân”[3].
Từ nhận thức đúng đắn trên, trong sự nghiệp đổi mới, đồng chí luôn kiên định quan điểm đổi mới có nguyên tắc, đổi mới nhưng không đổi màu, đổi mới nhưng phải giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng; đổi mới để hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đồng chí nhấn mạnh: “Kiên trì con đường xã hội chủ nghĩa là sự lựa chọn duy nhất đúng đắn” và lý giải đầy tâm huyết, thuyết phục: “Chẳng lẽ bao nhiêu thành quả cách mạng giành được bằng xương máu của biết bao thế hệ người Việt Nam lại đem trao vào tay những lực lượng đưa đất nước đi vào con đường tư bản chủ nghĩa, con đường chắc chắn không thể bảo đảm độc lập thật sự cho dân tộc, tự do hạnh phúc thật sự cho tuyệt đại đa số nhân dân. Cũng không có lý do gì để chúng ta phải “lùi lại” giai đoạn dân chủ nhân dân, mà lịch sử đã vượt qua. Nếu có những việc của giai đoạn trước chưa làm xong hoặc chưa làm tốt thì chúng ta tiếp tục giải quyết nốt trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Chính vì vậy, nhân dân ta quyết không chấp nhận con đường nào khác ngoài con đường xã hội chủ nghĩa”[4]. Luận điểm trên đến nay vẫn mang tính thời sự và giữ nguyên giá trị cả về lý luận và thực tiễn, là định hướng đúng đắn cho toàn bộ công tác tư tưởng, lý luận của Đảng ta.
Không phải ngẫu nhiên mà trong các bài nói và bài viết của mình, đồng chí Nguyễn Văn Linh thường đề cập, nhấn mạnh nhiều lần những nguyên tắc của chủ nghĩa Mác-Lênin và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta; kiên trì chủ nghĩa Mác - Lênin, kiên định con đường xã hội chủ nghĩa là nguyên tắc “bất di bất dịch” của Đảng. Đồng chí khẳng định: “Kiên trì chủ nghĩa Mác - Lênin là vấn đề có tính nguyên tắc số một đối với Đảng ta. Trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin có nghĩa là nắm vững bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, vận dụng một cách đúng đắn, thích hợp với điều kiện nước ta, góp phần phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin một cách sáng tạo. Chúng ta phải đấu tranh chống những luận điệu và thủ đoạn đả kích, phủ nhận, xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin từ phía những thế lực thù địch, những kẻ cơ hội”[5].
Trong khi nhấn mạnh cần thực hiện đầy đủ dân chủ trong Đảng, bảo đảm thực hiện quyền của đảng viên, nhất là quyền được thảo luận thẳng thắn, tự do trong tổ chức các vấn đề về đường lối, chính sách của Đảng; quyền được phê bình, chất vấn trong phạm vi tổ chức về hoạt động của tổ chức Đảng và mọi đảng viên ở mọi cấp, đồng chí Nguyễn Văn Linh đồng thời nhấn mạnh phải bảo đảm kỷ luật, bảo đảm tính tập trung, thống nhất trong Đảng. Đồng chí khẳng định: “Dân chủ không thể có được nếu thiếu tập trung, thiếu kỷ cương, kỷ luật, thiếu trách nhiệm công dân. Dân chủ phải đi đôi với pháp chế. Dân chủ thực sự một mặt đối lập với độc đoán, chuyên quyền, mặt khác đối lập với chủ nghĩa tự do vô chính phủ. Cần phải cảnh giác với những thủ đoạn mị dân lợi dụng ngọn cờ dân chủ để gây rối”[6]. Đồng chí nêu rõ: “Hiểu dân chủ có lãnh đạo với nghĩa là phải phát huy mạnh mẽ dân chủ hơn nữa, nhưng dân chủ phải đi đúng hướng, dân chủ tập trung chứ không phải dân chủ có nghĩa là ai muốn làm gì thì làm, nói gì thì nói theo kiểu vô chính phủ. Dân chủ cực đoan, vô chính phủ là điều hết sức tai hại, làm cho xã hội không ổn định. Không ổn định về chính trị và xã hội thì không thể nào đổi mới được kinh tế. Một trong những nguyên nhân quan trọng làm cho nhiều nước xã hội chủ nghĩa rối ren là do mở rộng dân chủ không có giới hạn, không có lãnh đạo”[7].
Về nguyên tắc tập trung dân chủ, đồng chí chỉ rõ: “Đảng ta coi đây là nguyên tắc tổ chức cơ bản, phân biệt chính đảng kiểu mới của giai cấp công nhân, đảng cách mạng chân chính với các đảng phái khác. Phủ nhận nguyên tắc này là phủ nhận Đảng Cộng sản từ bản chất. Đảng chống tập trung quan liêu, độc đoán, chuyên quyền, song triệt để tuân thủ theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Chỉ có thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ mới có thể vừa chống được tập trung quan liêu vừa chống được tình trạng vô chính phủ và bè phái, bảo đảm sự thống nhất ý chí và hành động của Đảng, chỉ có như vậy Đảng mới có sức mạnh và sức chiến đấu”[8]. Trong khi nhấn mạnh nguyên tắc tập trung dân chủ, đồng chí Nguyễn Văn Linh đồng thời yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn nêu cao tính tiền phong, gương mẫu, nói đi đôi với làm. Phẩm chất nói đi đôi với làm và sự nêu gương của đồng chí đã tạo nên nguồn sinh khí và động lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong thời kỳ đầu của sự nghiệp đổi mới. Trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước diễn biến phức tạp, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đặc biệt chú trọng cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, yêu cầu “báo chí của ta tăng cường hơn nữa công tác tư tưởng, nâng cao hơn nữa tính chiến đấu trên mặt trận này. Cần xây dựng hệ thống các đề tài về từng chủ đề nhất định, tập hợp những anh chị em có khả năng nghiên cứu và viết để kịp thời giáng trả sắc bén những luận điệu xuyên tạc, bác bỏ những quan điểm sai lầm bất cứ từ đâu đến, bảo vệ có sức thuyết phục đường lối và quan điểm của Đảng ta, khẳng định niềm tin trong nhân dân vào công cuộc đổi mới và sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội”[9]. Để báo chí xứng đáng là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng, đồng chí khẳng định về sự cần thiết phải tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước đối với báo chí và chỉ rõ: “Báo chí hoạt động theo định hướng đường lối, quan điểm của Đảng; Đảng tạo điều kiện cho báo chí nắm vững các chủ trương, chính sách của Đảng trong từng thời kỳ; bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cốt cán và kiểm tra hoạt động của báo chí trên góc độ chính trị, tư tưởng nhằm biểu dương và thúc đẩy những mặt tốt, rút kinh nghiệm và uốn nắn những lệch lạc... Những vấn đề hệ trọng liên quan đến bí mật quốc gia và an ninh đất nước, báo chí nhất thiết phải tôn trọng sự chỉ đạo của cấp ủy và cơ quan chính quyền”[10].
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội do đồng chí Nguyễn Văn Linh làm Trưởng Tiểu Ban chuẩn bị, được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII nhất trí thông qua, trong đó đề cập những vấn đề mang tính nguyên tắc về chỉ đạo nhận thức và hành động xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta đã thể hiện rõ bản lĩnh và sự dũng cảm chính trị của Đảng ta và cá nhân đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Trong tình hình kinh tế - xã hội khủng hoảng trầm trọng, chủ nghĩa xã hội thế giới lâm vào thoái trào, một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân dao động... thì sự ra đời của Cương lĩnh là chỗ dựa tinh thần, thắp sáng niềm tin vào tiền đồ cách mạng cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.
Thực tiễn cách mạng Việt Nam thời gian qua đã minh chứng: Âm mưu, hoạt động “diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, phản động hòng xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta là không thay đổi với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, thâm độc hơn. Chúng gia tăng các hoạt động chống phá nhằm phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và vai trò lãnh đạo của Đảng; đòi Đảng ta từ bỏ nguyên tắc tập trung dân chủ, thực hiện “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập”; đòi xét lại con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện “tam quyền phân lập” theo kiểu phương Tây, “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang nhân dân... Trong bối cảnh đó, những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo nêu trên của Đảng ta và đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh vẫn sống động, còn nguyên giá trị và là bài học quý báu để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nói chung, lực lượng Công an nhân dân nói riêng tiếp tục giữ vững, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kiên định chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động để bảo vệ Đảng, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa; giữ vững ổn định chính trị - xã hội, bảo đảm vững chắc an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, phục vụ thắng lợi sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Tưởng nhớ đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, chúng ta thành kính tôn vinh, bày tỏ tấm lòng tri ân và nguyện noi theo tấm gương sáng ngời của người cộng sản chân chính, giàu tài năng, tâm huyết và trí tuệ, nhà chiến lược đổi mới xuất sắc, một nhân cách lớn tận trung với nước, tận hiếu với dân, cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân và lý tưởng xã hội chủ nghĩa./.
[1] Nguyễn Văn Linh, Đổi mới để tiến lên, tập IV, Nhà Xuất bản Sự Thật, Hà Nội, 1991, tr. 169.
[2] Nguyễn Văn Linh, Đổi mới để tiến lên, tập III, Nhà Xuất bản Sự Thật, Hà Nội, 1991, tr. 15.
[3] Sđd, tr. 14.
[4] Nguyễn Văn Linh, Đổi mới để tiến lên, tập IV, Nhà Xuất bản Sự Thật, Hà Nội, 1991, tr. 155.
[5] Sđd, tr. 170.
[6] Sđd, tr. 168.
[7] Nguyễn Văn Linh, Đổi mới để tiến lên, tập III, Nhà Xuất bản Sự Thật, Hà Nội, 1991, tr. 35.
[8] Sđd, tr. 172.
[9] Sđd, tr. 115.
[10] Sđd, tr. 118 -119.