Báo Bưu điện Việt Nam “sinh nhật” tuổi 25
Đời sống xã hội - Ngày đăng : 20:59, 03/11/2015
Chiều ngày 26/6/2015, Báo Bưu điện Việt Nam đã tổ chức lễ kỷ niệm 25 năm ngày ra số báo đầu tiên (30/6/1990 – 30/6/2015). Tới dự có Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son, các đơn vị thuộc Bộ, các đối tác của Báo cùng hơn 300 đại biểu.
Ngày 18/1/1990, Báo Bưu điện Việt Nam được thành lập theo quyết định số 37/BTT của Bộ trưởng Bộ Thông tin với tên gọi Báo Bưu chính Viễn thông, cơ quan của Tổng công ty Bưu chính Viễn thông. Ngày 30/6/1990, Báo Bưu chính Viễn thông đã chính thức xuất bản số đầu tiên, có 4 trang, được in tại Trung tâm thông tin xuất bản và in Bưu điện, giá bán 200 đồng.
Hiện nay, Báo Bưu điện Việt Nam đã trở thành một tòa soạn đa phương tiện với: Báo Bưu điện Việt Nam bản giấy xuất bản 3 số/tuần, báo điện tử infonet.vn với các chuyên trang ictnews.vn, infogame.vn, thế giới trẻ, tài chính plus, đời sống…
Nhìn lại chặng đường 25 năm của Báo Bưu điện Việt Nam, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son khẳng định, Báo Bưu điện Việt Nam đã luôn thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ là cơ quan ngôn luận, là tiếng nói của ngành Bưu điện, nay là ngành TT&TT. Báo đã góp phần đắc lực trong việc thông tin, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước trong lĩnh vực thông tin truyền thông. Báo cũng phản ánh kịp thời các hoạt động quản lý nhà nước, chỉ đạo, điều hành của Tổng cục Bưu điện, Bộ Bưu chính Viễn thông và nay là Bộ TT&TT, thực tiễn phát triển sôi động, đa dạng, phong phú của các lĩnh vực thuộc ngành TT&TT, hoạt động của các doanh nghiệp, đơn vị trong ngành. Bên cạnh đó, Báo còn là diễn đàn trao đổi thông tin, phản biện chính sách, làm cầu nối giữa cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị, doanh nghiệp trong ngành với xã hội, cộng đồng, giúp xã hội hiểu và ủng hộ các hoạt động quản lý nhà nước, những chính sách, cơ chế được ban hành.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son phát biểu chỉ đạo tại Lễ kỷ niệm 25 năm ngày ra số báo đầu tiên của Báo Bưu điện Việt Nam
Báo cáo tại lễ kỷ niệm, Tổng biên tập Báo Bưu điện Việt Nam Võ Đăng Thiên cho biết, đặc điểm nổi bật nhất trong sự hình thành, phát triển của Báo Bưu điện Việt Nam là sự gắn bó với sự phát triển của ngành Bưu điện Việt Nam, nay là ngành TT&TT. 25 năm nhìn lại, những người làm Báo Bưu điện Việt Nam có quyền tự hào là đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của mình, từng bước phát triển, vươn lên cùng với sự phát triển của ngành.
Đặc biệt, từ khi báo điện tử Infonet ra đời, Báo Bưu điện Việt Nam đã thực sự có một bước phát triển mới về chất với việc hình thành tòa soạn đa phương tiện hiện đại, vừa có báo in vừa có báo điện tử, vai trò, tầm ảnh hưởng của Báo nhờ thế cũng được tăng cường và mở rộng, vừa nâng cao hiệu quả việc thực hiện vai trò, chức năng cơ quan ngôn luận của Bộ TT&TT, vừa phát triển như một tòa soạn báo chính trị - xã hội, góp phần thông tin, tuyên truyền những vấn đề, sự kiện thời sự chung của đất nước và quốc tế.
Tổng biên tập Báo Bưu điện Việt Nam Võ Đăng Thiên
Tổng biên tập Võ Đăng Thiên cho biết, trọng trách của Báo Bưu điện Việt Nam trong thời gian tới làm phải làm tiếp tục làm tốt cơ quan ngôn luận của Bộ. Báo sẽ tiếp tục duy trì và phát triển thương hiệu Báo Bưu điện Việt Nam, phát triển Infonet theo mô hình tòa soạn đa phương tiện, theo kịp xu hướng phát triển báo chí hiện đại.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son tặng bức Trướng lưu niệm của Bộ TT&TT cho
Báo Bưu điện Việt Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son căn dặn, để thực hiện tốt các nhiệm vụ nêu trên, Báo Bưu điện Việt Nam cần tăng cường công tác xây dựng đội ngũ phóng viên, biên tập viên, không ngừng nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ song song với rèn luyện bản lĩnh chính trị, ý thức đạo đức nghề nghiệp nhằm xây dựng đội ngũ phóng viên, biên tập viên chuyên nghiệp, đầy đủ năng lực và bản lĩnh để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của tòa soạn.
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son trao tặng các bức ảnh do chính Bộ trưởng chụp cho các Tổng Biên tập Báo Bưu điện Việt Nam qua các thời kỳ.
Với sự phát triển của CNTT và Internet, người làm báo hiện nay có rất nhiều thuận lợi trong tác nghiệp. Tuy nhiên, người làm báo cũng đang đứng trước rất nhiều thách thức, cám dỗ và cả cạm bẫy mà nếu không có bản lĩnh vững vàng, ý thức đạo đức nghề nghiệp cao thì rất dễ bị sa ngã, dẫn đến những hành vi vi phạm pháp luật và đạo đức.
Bộ trưởng nhắc lại lời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trong buổi gặp mặt báo chí nhân kỷ niệm 90 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam được tổ chức tại Bộ TT&TT ngày 19/6 vừa qua: “Thủ tướng yêu cầu người làm báo cần phải đề cao trách nhiệm công dân, trách nhiệm xã hội, luôn đặt lợi ích của đất nước, của nhân dân lên trên hết. Điều này cần phải được thể hiện ra trên từng tác phẩm báo chí, từng tin, từng bài được đăng phát. Những người làm báo trong tòa soạn Báo Bưu điện Việt Nam cần quán triệt sâu sắc ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”.
Minh Thiện