Quốc hội thảo luận Luật An toàn thông tin

Diễn đàn - Ngày đăng : 20:58, 03/11/2015

Sáng nay (24/6/2015), thảo luận về dự án Luật An toàn thông tin, nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình cao với việc điều chỉnh tên gọi của dự thảo Luật An toàn thông tin thành Luật An toàn thông tin mạng.

Về bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng, nhiều đại biểu cho rằng: Hiện nay, mạng xã hội như Facebook được sử dụng rộng rãi, bên cạnh những mặt tích cực cũng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thông tin cá nhân. Do đó, có ý kiến đề nghị Luật cần quy định trách nhiệm của cơ quan Nhà nước phải thường xuyên kiểm tra, thanh tra để bảo vệ thông tin cá nhân. Nhiều ý kiến đề nghị cần có quy định rõ về bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng, bảo đảm sử dụng thông tin cá nhân chính xác, đúng quy định của pháp luật.

Đại biểu Huỳnh Thành Đạt, đoàn Tp.HCM nêu ý kiến: “Về các hành vi bị cấm, tôi đề nghị bổ sung thêm 1 số hành vi cần nghiêm cấm, cụ thể là giả mạo tên cá nhân, tổ chức để thành lập các trang mạng, trang Blog, Facebook để đưa thông tin xuyên tạc, sai sự thật làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cơ quan, tổ chức, cá nhân bị giả mạo”.

Các đại biểu cũng cho rằng: Cùng với xu thế phát triển của internet và mạng viễn thông, hiện tượng mất an toàn thông tin diễn ra ngày càng phức tạp, tinh vi và khó ứng biến. Tình hình mất an toàn thông tin số cũng đã gây ra nhiều tổn thất cho cá nhân, tổ chức thậm chí gây ảnh hưởng lớn về kinh tế, chính trị, xã hội.

Dẫn chứng năm 2014, số lượng người dùng internet của Việt Nam là hơn 26 triệu người, đứng đầu trong các nước Đông Nam Á, đại biểu Hoàng Thị Hoa đoàn Bắc Giang cho rằng, đây là thách thức cho cá nhân, tổ chức vì phải đối mặt với nhiều loại hình tấn công trên mạng với mức độ ngày càng thường xuyên hơn.

Tính đến hết quý III năm 2014 có 6.500 trang web với tên miền “.vn” đã bị tấn công và chiếm quyền kiểm soát, trong đó chủ yếu là các tấn công xuất phát từ nguồn ngoài lãnh thổ. 90% người dùng thường xuyên bị các tin nhắn rác làm phiền.

Tuy nhiên, đại biểu Hoàng Thị Hoa cho rằng, trong chương 3 về bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng thì chưa có quy định nào giải quyết được những vấn đề này: “Trong phần giải trình về trách nhiệm của các bên liên quan về bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng, tôi chưa nhất trí với quy định cho rằng có 2 nhóm đối tượng là cá nhân, tổ chức có hành vi phát tán thông tin bất hợp pháp và doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ có lưu giữ thông tin của người sử dụng. Tôi cho rằng còn có bên thứ 3 là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, hay nói cách khác là nhà mạng, chịu trách nhiệm gì trước những tình trạng trên? Hay như thời gian qua, tôi thấy rằng cung cấp dịch vụ là chỉ thu tiền mà không tính tới những ảnh hưởng của người sử dụng dịch vụ đó”.

Phân tích số liệu từ Hiệp hội An toàn thông tin, đại biểu Phạm Trọng Nhân, đoàn Bình Dương cho rằng: có đến 81% đơn vị cho phép sử dụng điện thoại thông minh, máy tính bảng truy cập vào mạng nội bộ. Tuy nhiên, trong số đó có 74% chưa có giải pháp quản lý các thiết bị bảo mật, kiểm soát về hệ thống mà giải pháp phổ biến hiện nay chỉ đa phần là cài Password để hạn chế truy cập.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân đề nghị Ban soạn thảo bổ sung chế định nội dung bảo mật, bảo an đặc biệt cho hệ thống thông tin mạng và cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt chế định người dùng, chuyên gia bảo mật và các thiết bị cá nhân sử dụng.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân nêu ý kiến: “Dự thảo Luật hướng tới mục tiêu đảm bảo an toàn tối ưu cho hệ thống thông tin mạng nói chung nhằm phục vụ an ninh quốc phòng và bảo vệ chủ quyền quốc gia, phát triển kinh tế đất nước, là cơ sở đảm bảo cho lộ trình thực hiện Chính phủ điện tử, thương mại điện tử đang phổ biến. Bên cạnh đó, tạo điều kiện đảm bảo các dự án thực hiện dịch vụ công trực tuyến và đặc biệt bảo mật cho hàng triệu giao dịch mỗi ngày của người dân khi chíp điện tử trên thẻ căn cước công dân được đưa vào sử dụng.