Chuyện về lớp dạy viết báo đầu tiên của Việt Nam
Diễn đàn - Ngày đăng : 20:57, 03/11/2015
Tờ báo Cứu quốc có tuổi đời 66 năm. Ảnh: VGP/Phương Liên |
Đây là trích đoạn trong bài viết của cố Nhà báo Xuân Thủy - Chủ tịch đầu tiên của Hội Nhà báo Việt Nam tại số báo Cứu quốc đặc biệt tổng kết lớp viết báo Huỳnh Thúc Kháng, in tại chiến khu Việt Bắc vào tháng 9/1949.
Đến thăm bà Lý Thị Trung, một trong 43 học viên của lớp báo chí đầu tiên, phóng viên Báo điện tử Chính phủ được tận mắt thấy số báo Cứu quốc được in cách đây 66 năm.
66 năm về trước, khi cuộc kháng chiến chống thức dân Pháp bước vào giai đoạn khó khăn ác liệt nhất, Tổng bộ Việt Minh đã khai mạc lớp báo chí kháng chiến mang tên Huỳnh Thúc Kháng tại ấp Bờ Rạ (xã Tân Thành, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên).
Cả lớp có 43 người, trong đó có 3 nữ. Học viên là những người của các cơ quan: báo chí, hành chính, bộ đội, thông tin, đoàn thể gửi tới, trình độ văn hóa không đều nhau. Một vài bằng tiểu học, một số tú tài, đa số trung học.
Khai giảng lớp viết báo, đồng chí Hoàng Quốc Việt, Bí thưTổng bộ Việt Minh nói rõ: “Lớp mang tên cụ Huỳnh Thúc Kháng là để nhớ ơn và noi gương cụ lão thành ái quốc và đồng thời cũng là một nhà viết báo lâu năm, có danh tiếng, nêu một tấm gương cho các học viên một đức tính học hỏi cần mẫn, một óc tổ chức tiến bộ, một chí khảng khái, bất khuất, là những đức tính căn bản cho một ký giả” - (Xã luận Báo Cứu Quốc số đặc biệt ra ngày 12/9/1949 tại Việt Bắc).
Còn trong bức thư gửi các học viên Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn:
“1. Nhiệm vụ của tờ báo là tuyên truyền, cổ động, huấn luyện, giáo dục, và tổ chức dân chúng để đưa dân chúng đến mục đích chung.
2. Mục đích là kháng chiến và kiến quốc. Để đi đến kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công, thì:
3. Tôn chỉ của tờ báo là đoàn kết toàn dân, thi đua ái quốc. Vì vậy:
4. Đối tượng của tờ báo là đại đa số dân chúng. Một tờ báo không được đại đa số dân chúng ham chuộng, thì không xứng đáng là một tờ báo. Muốn được dân chúng ham chuộng, coi tờ báo ấy là tờ báo của mình, thì:
5. Nội dung tức là các bài báo phải giản đơn, dễ hiểu, phổ thông, thiết thực, hoạt bát. Và:
6. Hình thức tức là cách sắp đặt các bài, cách in phải sạch sẽ, sáng sủa.
Hiện nay, các báo ta thường có những khuyết điểm sau đây:
Về mặt tuyên truyền thì không kịp thời và chính trị suông quá nhiều.
Không biết giữ bí mật.
Đôi khi đǎng tin vịt.
Hay dùng chữ Tàu quá, và nhiều khi dùng không đúng. Hoặc là in nhem nhuốc, luộm thuộm, hoặc là vì "mỹ thuật" mà cắt một bài ra hai ba đoạn, khó đọc.
Tin tức chậm.
Tin quan trọng thì bài ngắn và in chữ nhỏ, bài không quan trọng thì viết dài và in chữ to. Tờ báo không vui vẻ. Muốn viết bài báo khá thì cần:
1. Gần gụi dân chúng, cứ ngồi trong phòng giấy mà viết thì không thể viết thiết thực.
2. Ít nhất cũng phải biết một thứ tiếng nước ngoài, để xem báo nước ngoài, và học kinh nghiệm của người.
3. Khi viết xong một bài tự mình phải xem lại ba bốn lần, sửa chữa lại cho cẩn thận. Tốt hơn nữa, là đưa nhờ một vài người ít vǎn hoá xem và hỏi họ những câu nào, chữ nào không hiểu, thì sửa lại cho dễ hiểu.
4. Luôn luôn gắng học hỏi, luôn luôn cầu tiến bộ. Nghe nói có ba cô đến học viết báo, đó là một điều đáng mừng cho báo chí ta. Lớp này là lớp học viết báo đầu tiên, tôi mong các chú và các cô, thi đua nhau học và hành cho xứng đáng là những người tiên phong trên mặt trận báo chí. Báo chí cũng phải thực hiện khẩu hiệu: Tất cả để chiến thắng!
Học viên lớp viết báo Huỳnh Thúc Kháng tại ấp Bờ Rạ, xã Tân Thành, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Ảnh do bà Lý Thị Trung cung cấp |
Trong bài viết tổng kết lớp học, Nhà báo Xuân Thủy đã viết: “Sau ba tháng giảng dạy, ba tháng học tập, một hòm thư kín trưng cầu ý kiến các học viên đã được đặt ra, 42 lá thư không ký tên đã đến với hòm thư ấy. Nhiều cuộc họp giữa Ban Giám đốc và các học viên đã mở. Sau đây là những nhận xét chung của các học viên đã được đúc rút lại. Về chương trình học, lý thuyết, chuyên môn và thực hành là ba phần của chương trình. Về lý thuyết, báo chí là gì? Lịch sử báo chí thế giới và nước ta ra sao? Người viết báo phải có những điều kiện cần thiết thế nào về kiến thức phổ thông về lập trường chính trị.
Về chuyên môn, các loại văn phóng sự, điều tra, phỏng vấn, xã luận, hài hước, châm biếm, biên dịch, cách soạn tin, rồi đến thơ ca, nhạc, kịch, họa, tiểu thuyết, tùy bút… Cách trình bày một tờ báo cho đến cả cách tổ chức tòa soạn, nhà in, trị sự, những kinh nghiệm nhà nghề đều được nêu ra.
Về thực hành, thi viết các loại phóng sự, điều tra, phỏng vấn. Tại lớp học có máy in, có phòng phát tin tức hàng ngày. Nhiều tòa soạn được tổ chức, nhiều tờ báo ra đời, các học viên thi nhau, nội dung hay, hình thức đẹp, đưa bài đến nhà in sớm, sửa chữa, không sai lầm trước khi báo lên khuôn.
Chương trình có thể gọi là đầy đủ. Với chương trình ấy, thời gian học tập phải hàng năm, thế mà lại trong vòng ba tháng.
“Cán bộ quyết định hết thảy” – không bao giờ câu châm ngôn đó bật lên với đầy đủ sự thật bằng lúc này. Cũng như các ngành khác, báo chí, một vũ khí sắc bén để đập mạnh quân địch cũng như một lợi khí cần thiết xây dựng quốc gia, cũng đòi hỏi những cán bộ mới có năng lực, có tinh thần và có một kỹ thuật khá chu đáo.
Lớp làm báo Huỳnh Thúc Kháng được mở ra với mục đích ấy. Trong lúc ban đầu tuy phạm vi của nó còn bé nhỏ, song trên lịch sử báo chí của nước nhà, nó đã là một lớp đầu tiên để đào tạo cán bộ cầm bút”.
Tới giảng tại lớp viết báo Huỳnh Thúc Kháng có nhiều đồng chí lãnh đạo đất nước: Hoàng Quốc Việt, Bí thư Tổng bộ Việt minh, Tổng Biên tập báo Cứu Quốc; Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Tổng tư lệnh quân đội nhân dân Việt Nam, nguyên biên tập báo Tiếng Dân và Le Travail; Nguyễn Văn Tạo, Bộ trưởng Bộ Lao động, nguyên biên tập báo Humanilé của Đảng cộng sản Pháp và báo La lulle ở Sài Gòn năm 1934-1935; Vũ Đình Hòe, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, nguyên biên tập báo Thanh Nghị và biên tập báo Độc Lập, ngoài ra còn có ông Trần Huy Liệu, ông Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi, Nam Cao, Trường Chinh, Thế Lữ, Tú Mỡ, Từ Giấy, Xuân Diệu, Tố Hữu… Đứng lớp chính là Nhà báo Xuân Thủy, lúc đó là Ủy viên Ban Thường vụ Tổng bộ Việt Minh, chủ nhiệm báo Cứu Quốc.
Nhà báo lão thành Lý Thị Trung. Ảnh: VGP/Phương Liên |
Mong muốn của nhà báo lão thành Lý Thị Trung là mong tìm lại địa danh Bờ Rạ. “Lớp học chúng tôi trước ở Bờ Rạ nhưng nay chìm sâu xuống hồ núi Cốc. Nên mỗi lần nhắc tới Bờ Rạ, chúng tôi có một cái gì đấy nuối tiếc. Rất mong tỉnh Thái Nguyên có thể xây dựng một bảng tên ở khu vực đó đây là lớp học báo đầu tiên Huỳnh Thúc Kháng” – nhà báo Lý Thị Trung bồi hồi xúc động.
Là học viên nhỏ tuổi nhất tham dự lớp, bà Lý Thị Trung tự hào vì cả 43 người đều thành đạt và đặc biệt là không ai bỏ cuộc trong sự nghiệp báo chí. Trong số học viên của lớp có nhiều tên tuổi sau này như: Đạo diễn Bành Châu, đạo diễn Trần Vũ; các nhà văn, nhà thơ: Hữu Mai, Từ Bích Hoàng, Hải Như;các nhà báo Lý Thị Trung, Mai Cương, Thép Mới,Trần Kiên,Mai Thanh Hải... Lớp nhà báo đầu tiên đã đồng cam, cộng khổ, vững vàng đi cùng nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng tới thắng lợi cuối cùng. Những người làm báo chúng tôi thuộc thế hệ sau tự hào được tiếp bước những người làm báo cách mạng vững bước trên con đường mình đã chọn.