Quy định pháp lý về chấp nhận chứng thư số nước ngoài (P1)

Chính sách và chiến lược - Ngày đăng : 20:56, 03/11/2015

Ngày 13/11/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 170/2013/NĐ-CP về nội dung công nhận tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số (CA) nước ngoài và chấp nhận chứng thư số, chữ ký số nước ngoài. Bài báo này giới thiệu các nội dung chính, ý nghĩa và tính khả dụng trong thực tế của các quy định tại Nghị định 170/2013/NĐ-CP.

Sau một thời gian Nghị định số 26/2007/NĐ-CP được triển khai vào cuộc sống, về cơ bản, dịch vụ chứng thực chữ ký số đã đáp ứng được nhu cẩu của các tổ chức, doanh nghiệp và người dân trong việc đảm bảo an toàn thông tin (ATTT) cho giao dịch điện tử phục vụ các hoạt động kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã nảy sinh các yếu tố mới liên quan đến việc chấp nhận chứng thư số (CTS) và chữ ký số (CKS) nước ngoài. Nghị định số 26/2007/NĐ-CP và sau đó là Nghị định số 106/2011/NĐ-CP mới tập trung vào các vấn đề cơ bản nhất của CKS là xác định một khuôn khổ pháp lý để các dịch vụ chứng thực CKS hình thành và hoạt động một cách an toàn. Sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo xu hướng toàn cẩu hóa đã nảy sinh sự cẩn thiết chấp nhận CTS nước ngoài tại Việt Nam theo một phương thức linh hoạt nhằm đáp ứng nhu cầu trong giai đoạn mới.

NHU CẦU CHẤP NHẬN, SỬ DỤNG CTS VÀ CKS NƯỚC NGOÀI

Trong thời gian gần đây, một số doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài đã gửi kiến nghị tới cơ quan nhà nước đề nghị tháo gỡ, hỗ trợ trong các vấn đề liên quan đến sử dụng CTS nước ngoài trong kinh doanh, nghiệp vụ tại Việt Nam.

Năm 2009, công ty Intel đã đưa nhà máy kiểm định và tổ hợp chip (ATM) tại Khu công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh đi vào hoạt động và chính thức xuất nhập khẩu các linh kiện, sản phẩm của nhà máy này thông qua thủ tục hải quan điện tử vào năm 2010. Intel và một số đại lý khai báo hải quan cho Intel sử dụng CTS của VeriSign, một CA nước ngoài chưa được công nhận tại Việt Nam, khi thực hiện giao dịch điện tử giữa Intel và các đối tác bên ngoài trên phạm vi toàn cẩu. Do đó, công ty Intel Việt Nam đã xin phép được sử dụng CTS của VeriSign trong giao dịch với các cơ quan nhà nước Việt Nam để thực hiện các thủ tục hải quan điện tử. Để tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này, Chính phủ đã cho phép công ty Intel Việt Nam được hưởng cơ chế đặc thù trong việc sử dụng CKS của VeriSign.

Ngoài trường hợp của Intel còn có các đối tác khác có nhu cầu sử dụng CTS nước ngoài để giao dịch. Chi nhánh Ngân hàng Deutsche Bank xin được sử dụng CTS cấp bởi VeriSign trên hóa đơn điện tử gửi cho khách hàng. Hiệp hội Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức, một tổ chức không hiện diện tại Việt Nam có nhu cầu sử dụng CTS của một CA tại Đức để ký C/O (giấy chứng nhận xuất xứ) cấp cho doanh nghiệp Đức vào hoạt động tại Việt Nam. Một ví dụ khác của việc chấp nhận chứng thư số nước ngoài là Cơ chế một cửa ASEAN, khi Hải quan và doanh nghiệp Việt Nam phải xử lý các hóa đơn, C/O và tờ khai xuất khẩu của doanh nghiệp nước ngoài trong khối ASEAN gửi đến. Việc chấp nhận tính hợp lệ của CKS trên các tài liệu này là cần thiết để có sở cứ tính thuế cũng như thực hiện các thủ tục thông quan.

Nhu cầu sử dụng, chấp nhận CTS nước ngoài ngày càng tăng trong các hoạt động đầu tư nước ngoài và hội nhập kinh tế quốc tế đã dẫn đến việc phải xem xét các quy định trong Nghị định số 26/2007/ NĐ-CP về nội dung CTS, CKS nước ngoài. Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài hoạt động thuận lợi tại Việt Nam, cũng như đáp ứng nhu cầu kinh doanh quốc tế của các doanh nghiệp Việt Nam, việc Việt Nam chấp nhận CTS và dịch vụ chứng thực CKS của các CA nước ngoài có uy tín trên thế giới là vấn đề cấp thiết.

CÁC QUY ĐỊNH TRƯỚC ĐÂY VỀ CTS VÀ CKS NƯỚC NGOÀI

Theo quy định tại Nghị định số 26/2007/NĐ-CP, CTS nước ngoài được sử dụng tại Việt Nam chỉ khi CTS đó được Chính phủ Việt Nam công nhận. CTS nước ngoài được công nhận có hiệu lực tương đương như CTS do CA công cộng cấp (Hình 1).

CA nước ngoài có CTS được công nhận tại Việt Nam phải đáp ứng 04 điều kiện như quy định tại Điều 52 của Nghị định số 26/2007/NĐ-CP.

Như vậy, để một CA nước ngoài có CTS được công nhận tại Việt Nam, điều kiện cần là tồn tại một điều ước quốc tế về công nhận CKS có sự tham gia của Việt Nam và quốc gia mà CA đó đăng ký hoạt động. Tuy nhiên, hiện tại Việt Nam chưa tham gia một liên minh, hiệp hội quốc tế nào về CKS. Việc xây dựng hoặc tham gia một hiệp ước được chấp nhận rộng rãi về công nhận CKS đòi hỏi nhiều thời gian để chuẩn bị các thỏa thuận có tính pháp lý về trách nhiệm của các nhà cung cấp dịch vụ trong hoàn cảnh có sự khác biệt về luật pháp giữa các nước khác nhau. Do đó, việc tiến hành chấp nhận CTS, CKS nước ngoài theo phương thức công nhận CTS dựa trên các quy định sẵn có của Nghị định số 26/2007/NĐ-CP ít có tính khả thi trong thời điểm hiện nay.

Mặt khác, nếu quy định các doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài bắt buộc sử dụng CTS do các CA công cộng của Việt Nam cấp sẽ đòi hỏi sự thay đổi hệ thống CKS của họ được xây dựng trước đây. Điều này dẫn đến khó khăn nhất định cho các doanh nghiệp, tổ chức này trong hoạt động, đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

QUAN ĐIỂM XÂY DỰNG NGHỊ ĐỊNH SỐ 170/2013/NĐ-CP

Việc xây dựng Nghị định số 170/2013/NĐ-CP được tiến hành theo các quan điểm sau đây:

1.Thực hiện đúng ý kiến chỉ đạo theo hướng cải thiện môi trường kinh doanh, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

2.Làm rõ những khái niệm còn chưa được xác định tường minh trong việc công nhận  CA nước ngoài và việc chấp nhận CKS và CTS nước ngoài do điều kiện khách quan trong khi xây dựng Nghị định số 26/2007/NĐ-CP.

3.Bảo đảm tính kế thừa các quy định đã đi vào ổn định và phù hợp với thực tiễn của các văn bản đã ban hành, đồng thời giải quyết những vướng mắc của việc công nhận CA và chấp nhận CTS nước ngoài.

4.Bảo đảm tuân thủ xu thế thực tiễn của hoạt động chứng thực CKS phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam.

5.Bảo đảm phù hợp với các quy định của Luật giao dịch điện tử.


TS. Đào Đình Khả

(còn nữa)

(TCTTTT Kỳ 2/6/2014)