Một số đề xuất về sát hạch, cấp chứng chỉ đạt chuẩn kỹ năng sử dụng CNTT ở Việt Nam (P2)

Diễn đàn - Ngày đăng : 20:54, 03/11/2015

Nếu chứng chỉ được cấp phản ánh chính xác trình độ sử dụng CNTT của người lao động sẽ góp phần giảm thời gian, công sức, kinh phí cho các đơn vị sử dụng lao động trong tuyển dụng, sử dụng và đánh giá cán bộ, nhân viên.


ĐỀ XUẤT XÂY DỰNG QUY TRÌNH SÁT HẠCH TẠI CÁC TRUNG TÂM (TT) SÁT HẠCH

Sau khi Bộ TTTT ấn định thời gian của đợt sát hạch, Sở TTTT thông báo các trung tâm sát hạch trên địa bàn thông tin rộng rãi về kỳ sát hạch. Theo thông báo của Sở TTTT và các trung tâm, thí sinh làm thủ tục đăng ký sát hạch và nộp lệ phí tại các trung tâm. Các trung tâm sau đó thẩm tra danh sách thí sinh đủ điều kiện, thành lập các Hội đồng sát hạch, Hội đồng giám khảo, Tổ giám sát trình Sở TTTT phê duyệt. Trong trường hợp không được duyệt, ví dụ, số lượng thí sinh đăng ký quá ít, Sở TTTT phải có phương án chuyển thí sinh về tập trung ở các trung tâm khác gần nhất để đảm bảo tiết kiệm kinh phí tổ chức thi. Khi Sở TTTT đồng ý cho tổ chức sát hạch, các trung tâm tiến hành triển khai các hoạt động như phổ biến nội quy, bố trí nhân lực, chuẩn bị tài liệu, trang thiết bị, bảo quản đề thi. Đề thi sẽ được Hội đồng ra đề quốc gia gửi đến các Sở TTTT và Sở sau đó chuyển về các trung tâm ngay trước thời điểm bắt đầu thi. Thí sinh nhận đề dưới dạng file mềm và làm bài sát hạch ngay trên máy tính.

Kết thúc ngày sát hạch, các trung tâm có trách nhiệm lưu và bảo mật bài thi. Sau đó, Hội đồng giám khảo sẽ tiến hành chấm thi trên cơ sở đáp án có sẵn, tổng hợp trình Sở TTTT phê duyệt kết quả và cấp chứng chỉ (thực tế có thể thay đổi nếu áp dụng hệ thống sát hạch trực tuyến). Trong trường hợp Sở TTTT phát hiện có sai sót trong khâu chấm thi, sẽ yêu cầu xử lý và không công nhận kết quả. Cuối cùng, các trung tâm lưu trữ toàn bộ hồ sơ thí sinh, bài thi, biên bản của các Hội đồng, danh sách điểm thi và các tài liệu liên quan khác.

ĐỀ XUẤT XÂY DỰNG CÁC QUY ĐỊNH VỀ CHỨNG CHỈ ĐẠT CHUẨN

Có nhiều chứng chỉ sẽ được cấp, linh động theo từng mô-đun của Chuẩn. Thí sinh đạt chuẩn mô- đun nào sẽ được cấp chứng chỉ đạt chuẩn mô-đun ấy. Chứng chỉ sẽ ghi rõ tên mô-đun mà thí sinh đã đạt. Do đó, tùy nhu cầu sử dụng của mỗi cá nhân, tổ chức sẽ tạo ra những tổ hợp mô-đun rất linh hoạt nhằm đáp ứng yêu cầu không giống nhau của mỗi cá nhân, tổ chức. Nếu thí sinh đáp ứng yêu cầu của cả 6 mô-đun thuộc Chuẩn cơ bản sẽ được cấp chứng chỉ cơ bản. Để đạt chứng chỉ nâng cao, thí sinh phải đạt chứng chỉ cơ bản, đồng thời phải đáp ứng yêu cầu của ít nhất 3 mô-đun bất kỳ trong số 9 mô-đun của Chuẩn nâng cao. Chứng chỉ cần có thời hạn 3 năm hoặc 5 năm. Chứng chỉ sẽ ghi rõ số điểm mà thí sinh đạt được so với tổng số điểm tối đa mà không phân loại trung bình, khá hay giỏi. Điều này giúp cho nhà tuyển dụng, tự đánh giá trình độ của mỗi thí sinh một cách chính xác nhất để sử dụng theo mục đích, yêu cầu riêng của mình. 

KẾT LUẬN

Trên đây, bài viết đã phân tích đặc điểm của Chuẩn để đề xuất mô hình sát hạch, cấp chứng chỉ phù hợp, đồng bộ nhằm đảm bảo công bằng, chặt chẽ, phản ánh trung thực nhất trình độ của người sử dụng CNTT nhưng vẫn đảm bảo tính linh hoạt trong việc đánh giá kỹ năng, cấp chứng chỉ. Nếu chứng chỉ được cấp phản ánh chính xác trình độ sử dụng CNTT của người lao động sẽ góp phần giảm thời gian, công sức, kinh phí cho các đơn vị sử dụng lao động trong tuyển dụng, sử dụng và đánh giá cán bộ, nhân viên. Đó cũng là động lực để các cơ sở đào tạo chân chính, người học chân chính khẳng định mình, góp phần đảm bảo công bằng trong xã hội. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, khi đã khẳng định được uy tín và các cơ quan quản lý thừa nhận giữa các quốc gia, nhất là trong khu vực ASEAN thì người sở hữu chứng chỉ này có thể tham gia vào thị trường lao động quốc tế, được thừa nhận.

Đối với cán bộ công chức trong các cơ quan nhà nước, Bộ Nội vụ hoàn toàn có thể sử dụng các chứng chỉ này này trong việc đánh giá kỹ năng sử dụng CNTT trong tuyển dụng, thi chuyển ngạch công chức, viên chức. Các cơ quan, doanh nghiệp sử dụng lao động sử dụng chứng chỉ, Chuẩn này để đánh giá trình độ tin học của các ứng viên, nhân viên. Đối với các cơ sở đào tạo, có thể sử dụng các chứng chỉ này thay cho một học phần, là điều kiện đầu ra khi tốt nghiệp đối với môn tin học ứng dụng. Ngoài ra, việc tổ chức sát hạch, đánh giá năng lực của người sử dụng theo Chuẩn cũng rất mở, linh hoạt tùy thuộc vào yêu cầu riêng của từng cơ quan, đơn vị sử dụng hoàn toàn có thể tự tổ chức sát hạch trên cơ sở nội dung của Chuẩn./.

Tài liệu tham khảo

[1].Thông tư 03/2014/TT-BTTTT ngày 11/3/2014; Quyết định 30/2008/QĐ-BGDĐT ngày 6/6/2008; Thông tư 03/2011/ TT-BGDĐT ngày 28/01/2011.
[2].“Sẽ ban hành Chuẩn kỹ năng sử dụng CNTT vào năm 2014", Tạp chí CNTT-TT Kỳ 2 tháng 01/2014.
[3].http://www.itpec.org.
[4].www.ecdl.org.
[5].http://www.ipa.go.jp/index-e.html.
[6].http://vitec.vn/Home/Notify/tabid/155/NewsID/37/ Default.aspx.
[7].http://www.prometric.com.
[8].http://pearsonvue.com.
[9].http://niit.vn/gioi-thieu.
[10].http://www.cncaptech.edu.vn.
[11].http://www.cepis.org

ThS. Tô Hồng Nam

(TCTTTT Kỳ 2/4/2014)