Chính sách phát triển khu công nghệ thông tin tập trung ở Việt Nam đã sẵn sàng
Tin tức - Ngày đăng : 20:54, 03/11/2015
Tại Việt Nam, trong hơn 10 năm qua, các khu Công nghệ thông tin (CNTT) tập trung đã được hình thành và phát triển với mục tiêu chiến lược được xác định là tạo ra năng lực nội sinh về khoa học - công nghệ để phát triển kinh tế - xã hội. Đây là hướng đi đúng đắn để tiếp cận được với kỷ nguyên công nghệ hiện đại, là mô hình tổ chức của nền kinh tế tri thức phù hợp với các nước đang phát triển. Chính vì vậy, Đảng và Nhà nước xác định phát triển các khu CNTT tập trung là một định hướng chính để phát triển của ngành công nghiệp CNTT Việt Nam trong thời gian tới. Định hướng này được thể hiện trong các đường lối chủ trương, chính sách như: Nghị quyết số 13- NQ/TW ngày 16/01/2012 Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 01/11/2012 Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 22/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về Công nghệ thông tin và Truyền thông".
Trong những năm qua, với các chủ trương, ưu đãi của Nhà nước, các khu CNTT tập trung tại Việt Nam bước đầu đã đạt được những thành công nhất định với một số khu CNTT tập trung đang hoạt động tiêu biểu như: Công viên phần mềm Quang Trung, Trung tâm giao dịch CNTT Hà Nội, Trung tâm công nghệ phần mềm TP. HCM, Khu Công viên phần mềm Đà Nẵng, Khu công nghệ phần mềm ĐHQG TP.HCM, E-Town, Trung tâm công nghệ phần mềm Cần Thơ. Đến hết năm 2012, tổng số vốn đầu tư cơ sở hạ tầng cho các khu CNTT tập trung hơn 3.000 tỷ đồng, thu hút được hơn 700 doanh nghiệp CNTT hoạt động. Tổng số nhân lực đạt trên 36.000 người. Trong 7 khu hoạt động theo mô hình khu CNTT tập trung nêu trên, hiện có 3 khu đã được Bộ TTTT có Quyết định công nhận theo Nghị định số 71/2007/NĐ-CP ngày 03/5/2007 quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Công nghệ thông tin về công nghiệp công nghệ thông tin. Đó là: Công viên phần mềm Quang Trung, Công viên phần mềm Đà Nẵng, Khu CNTT tập trung Cầu Giấy (Hà Nội). Sau khi được công nhận, việc áp dụng các chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với các khu này được thực hiện rất tốt, góp phần thu hút đầu tư và phát triển.
Trong quá trình triển khai các quy định về khu CNTT tập trung theo Nghị định 71/2007/NĐ-CP, các văn bản hướng dẫn liên quan còn thiếu, chưa minh bạch, rõ ràng, dẫn đến nảy sinh nhiều bất cập trong thực tế. Ví dụ, chưa quy hoạch các khu CNTT tập trung trên phạm vi toàn quốc; đối với vấn đề quản lý nhà nước chưa có sự quản lý thống nhất của Nhà nước từ Trung ương đến địa phương, nhất là trong quy trình đầu tư thành lập, mở rộng, công nhận và mô hình quản lý đối với các khu CNTT tập trung.
Từ những yêu cầu do thực tiễn đề ra, Bộ TTTT đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 154/2013/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 154) ngày 08/11/2013 quy định về khu CNTT tập trung, bao gồm một số nội dung chính sau:
-Quy định về tiêu chí, quy hoạch phân khu chức năng khu CNTT tập trung: Các tiêu chí đánh giá khu CNTT tập trung quy định tại Nghị định 71/2007/NĐ-CP (tiêu chí về số lượng lao động làm việc trong khu, tiêu chí liên kết trên môi trường mạng,...) không còn phù hợp thực tế phát triển cũng như thiếu hướng dẫn quy hoạch tổ chức phân khu chức năng dẫn tới nhiều lúng túng trong quá trình triển khai. Do đó, Nghị định 154 quy định các tiêu chí mới cùng với quy hoạch tổ chức các phân khu chức năng phù hợp với tình hình thực tế nhằm đảm bảo phát triển chất lượng, hiệu quả các khu CNTT tập trung.
-Quy hoạch tổng thể phát triển khu CNTT tập trung : Việc xây dựng quy hoạch tổng thể là một yêu cầu bức thiết. Quy hoạch này được xây dựng trên cơ sở đánh giá lợi thế so sánh, tiềm năng phát triển của từng địa phương trong lĩnh vực CNTT, từ đó tập trung được nguồn lực của xã hội và Nhà nước đầu tư xây dựng khu CNTT tập trung một cách hiệu quả. Theo Nghị định 154, việc xây dựng Quy hoạch căn cứ theo một số nguyên tắc cần thiết cho việc phát triển CNTT hiện nay như nguồn nhân lực, hạ tầng,... Qua đó, góp phần hạn chế việc đầu tư phát triển khu CNTT tập trung theo phong trào, gây lãng phí nguồn lực của đất nước.
-Quy trình thành lập, mở rộng khu CNTT tập trung : Hệ thống pháp luật về đầu tư chưa có quy định về đầu tư xây dựng mới khu CNTT tập trung như đối với khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu kinh tế. Điều này gây khó khăn trong thực hiện các dự án đầu tư xây dựng mới, mở rộng khu CNTT tập trung. Các khu CNTT tập trung hiện nay phải thành lập theo quy trình của khu công nghiệp và không được hưởng chính sách ưu đãi đối với khu công nghệ cao như quy định trong Luật CNTT. Đây là những hạn chế không nhỏ đối với việc thu hút nguồn lực xã hội để đầu tư xây dựng và doanh nghiệp vào hoạt động trong khu CNTT tập trung. Nghị định 154 đã quy định cụ thể, rõ ràng quy trình đầu tư, thành lập khu CNTT tập trung từ thủ tục đến thẩm quyền quyết định.
-Quy trình công nhận khu CNTT tập trung : Khu CNTT tập trung là một loại hình khu công nghệ cao có tính đặc thù chuyên về CNTT đang mang lại hiệu quả kinh tế xã hội lớn. Như vậy, để khuyến khích các loại hình khu khác chuyển đổi theo mô hình kinh tế xanh, bền vững và hiệu quả cao của Khu CNTT tập trung, cần phải xây dựng các chính sách ưu đãi để thúc đẩy quá trình chuyển đổi này. Tuy nhiên, việc khuyến khích cần dựa trên những nguyên tắc, căn cứ nhất định để đảm bảo định hướng phát triển theo lĩnh vực CNTT. Trên cơ sở này, Nghị định 154 đã kịp thời ban hành một số nguyên tắc, điều kiện đối với việc công nhận khu CNTT tập trung.
-Tổ chức quản lý khu CNTT tập trung : Trong thời gian trước đây, việc thiếu quy định về mô hình tổ chức quản lý hoạt động khu CNTT cũng như chưa có các quy định khuyến khích việc khu vực kinh tế tư nhân đầu tư xây dựng và quản lý vận hành khu CNTT tập trung nên chưa huy động được nhiều các nguồn vốn xã hội trong việc đầu tư xây dựng phát triển khu CNTT tập trung.
Theo kinh nghiệm của một số quốc gia có các khu CNTT thành công trên thế giới, xã hội hóa đầu tư phát triển các khu CNTT tập trung có vai trò quan trọng trong việc mang lại thành công cho ngành CNTT quốc gia. Điển hình khi nói đến ngành CNTT Ấn Độ, người ta thường nghĩ tới Bangalore với 1/3 tổng doanh số xuất khẩu phần mềm. Tuy nhiên, với 2/3 tỉ trọng còn lại tập trung chủ yếu tại hệ thống 53 công viên phần mềm STPI (Software Technology Parks of India) trải rộng hầu hết các bang tại Ấn Độ. Các công viên này có quy mô vừa và nhỏ, hoạt động hết sức linh hoạt. Chính phủ Ấn Độ có chính sách thu hút nguồn lực xã hội từ khu vực tư nhân, các trường đại học,... để phát triển STPI hết sức cụ thể, cùng với đó các doanh nghiệp hoạt động trong đó được hỗ trợ ưu đãi đặc biệt để phát triển. Những điều này đã góp phần không nhỏ tạo nên sự thành công của ngành phần mềm Ấn Độ trong những năm vừa qua.
Ở nước ta hiện nay, các khu công nghệ cao thường có quy mô rất rộng (diện tích khoảng 1.000 ha), bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau, đòi hỏi nguồn lực đầu tư ban đầu của Nhà nước rất lớn nhưng công tác xã hội hóa hay mô hình hợp tác công - tư trong việc đầu tư xây dựng các khu công nghệ cao lại gần như chưa được chú trọng thực hiện do thiếu cơ chế chính sách đủ thuận lợi để áp dụng triển khai. Tuy nhiên, đối với các khu CNTT tập trung bao gồm hoạt động công nghiệp phần mềm, công nghiệp nội dung số và công nghiệp phần cứng công nghệ cao, các hoạt động đầu vào chủ yếu là nguồn nhân lực chất lượng cao mà không phải là hệ thống dây chuyền máy móc sản xuất và diện tích nhà xưởng rộng lớn. Quy mô cần thiết để đầu tư xây dựng một khu CNTT tập trung cũng không quá rộng. Do đó, việc đầu tư xây dựng ban đầu không cần nguồn vốn quá lớn như khu công nghệ cao. Hơn nữa, giá trị gia tăng trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của các hoạt động này là từ chất xám của nhân lực lao động mang lại. Các hoạt động này không tiêu tốn nhiều tài nguyên thiên nhiên và không quá phụ thuộc vào các ngành công nghiệp phụ trợ và quan trọng là phù hợp với đặc điểm của lao động Việt Nam. Như vậy, khu CNTT tập trung phù hợp với chủ trương xã hội hóa đầu tư xây dựng, tận dụng nguồn lực khu vực kinh tế tư nhân và giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Từ yêu cầu thực tiễn đề ra, cần phải sớm xây dựng và ban hành chính sách tạo điều kiện và thúc đẩy quá trình này với các mô hình tổ chức quản lý linh hoạt, phù hợp điều kiện thực tế của từng địa phương.
-Chính sách ưu đãi khu CNTT tập trung:Luật CNTT được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 29/6/2006 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2007, trong đó tại Điều 51 quy định: "Khu công nghệ thông tin tập trung là loại hình khu công nghệ cao, tập trung hoặc liên kết cơ sở nghiên cứu - phát triển, sản xuất, kinh doanh, đào tạo về công nghệ thông tin. Tổ chức, cá nhân đầu tư và hoạt động trong khu CNTT tập trung được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước áp dụng đối với khu công nghệ cao“. Tuy nhiên, do thiếu sự rõ ràng, đồng bộ trong hệ thống pháp luật nên mặc dù khu CNTT được áp dụng chính sách ưu đãi ở mức cao nhất nhưng trong thực tiễn triển khai lại không thực hiện được. Như vậy, việc ban hành một văn bản ở cấp Nghị định trong đó quy định rõ ràng các chính sách áp dụng đối với khu CNTT tập trung sẽ góp phần khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, phát triển và hoạt động trong khu CNTT tập trung.
KẾT LUẬN
Việc ban hành Nghị định 154/2013/NĐ-CP đã tạo hành lang pháp lý cụ thể, giải quyết các tồn tại trong thực tiễn quản lý và phát triển khu CNTT tập trung, góp phần huy động mọi nguồn lực xã hội để phát triển các khu CNTT tập trung, tạo động lực thúc đẩy ngành công nghiệp CNTT phát triển một cách mạnh mẽ theo định hướng đã được Đảng và Nhà nước xác định.
Tài liệu tham khảo
[1].Nghị định 71/2007/NĐ-CP.
[2].Nghị định 154/2013/NĐ-CP.
Nguyễn Anh Tuấn
(TCTTTT Kỳ 2/3/2014)