Tên miền với sở hữu trí tuệ

Diễn đàn - Ngày đăng : 20:52, 03/11/2015

Đăng ký sớm tên miền sẽ là một lợi thế, giải quyết tranh chấp tên miền thông qua tự thương lượng hòa giải hay Tòa án sẽ là lựa chọn đúng đắn và triệt để.

Các xung đột giữa tên miền và thương hiệu trong sở hữu trí tuệ luôn song hành kể từ khi Internet được triển khai. Với ý nghĩa định danh, tên miền là địa chỉ gợi nhớ cho khách hàng, người sử dụng Internet trên khắp thế giới tới hình ảnh của tổ chức, doanh nghiệp. Địa chỉ trang Web trên Internet của doanh nghiệp được xem như là một gian hàng giới thiệu về doanh nghiệp: trưng bày các sản phẩm, mẫu mã, quảng bá hình ảnh và hoạt động của doanh nghiệp ra toàn thế giới 24/24h, tiết kiệm tối đa chi phí quảng bá. Đây là phương tiện giúp thực hiện giao dịch trên Internet - tiền đề cho thương mại điện tử. Khác với việc đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, được phân biệt qua cả các nhận dạng về hình ảnh, mầu sắc và nhóm sản phẩm dịch vụ, các nhãn hiệu khác nhau khi thể hiện dưới dạng chữ (text) có thể trùng nhau (chẳng hạn như nhãn hiệu Sơn Hà, sẽ có nhiều công ty khác nhau cùng đăng ký bảo hộ với các yếu tố khác biệt). Với mỗi cụm từ, trên Internet chỉ có 01 tên miền duy nhất ở một cấp (dạng như sonha.com.vn hoặc sonha.vn). Công ty nào nhận thức được sự quan trọng này sẽ đăng ký trước và sẽ được quyền sử dụng trước. Các công ty cùng tên Sơn Hà nếu chậm hơn, thì phải đăng ký tên miền với một dạng biến thể khác, đương nhiên là khó nhận dạng hơn và điều này có thể sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của đơn vị đó.

TÊN MIỀN VÀ SỞ HỮU TRÍ TUỆ LUÔN ĐƯỢC COI LÀ HAI LĨNH VỰC ĐỘC LẬP

Ngoài thủ tục đăng ký tên miền đơn giản hơn nhiều so với việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, tên miền còn có một ưu điểm là xóa nhòa ranh giới bảo hộ - điều không thể thực hiện được khi đăng ký quyền sở hữu trí tuệ. Ví dụ: thương hiệu cà phê Trung Nguyên được đăng ký tại Việt Nam và tại Mỹ bởi hai doanh nghiệp khác nhau sẽ dẫn tới một thực trạng là doanh nghiệp của Việt Nam sẽ không thể tiếp thị bằng thương hiệu của mình tại Mỹ và ngược lại. Tuy nhiên, nếu một doanh nghiệp tại Việt Nam đăng ký một tên miền trungnguyen.com.vn trên Internet và đưa lên Website thì sự phân biệt về địa lý sẽ không còn nữa. Mọi khách hàng tại bất kỳ nơi nào trên thế giới đều có thể truy cập vào Website đó tìm hiểu và tiến hành giao dịch. Rõ ràng đây là  một sự đầu tư hiệu quả để bảo vệ thương hiệu trên Internet.

Theo quy định của WIPO (Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới) cũng như quy định chung về bảo vệ sở hữu trí tuệ theo phạm vi lãnh thổ quốc gia, theo khu vực thì nhãn hiệu được đăng ký sở hữu trí tuệ tại quốc gia này có thể không được bảo vệ ở quốc gia khác trừ trường hợp chủ nhãn hiệu có thể lựa chọn cách thức bảo vệ khu vực hoặc quốc tế thông qua Hiệp ước quốc tế. Bản chất của bảo hộ sở hữu trí tuệ là phạm vi lãnh thổ biên giới các quốc gia trên thực tế, khác với tên miền là đại diện thay thế địa chỉ IP để định danh máy tính trên Internet toàn cầu với phạm vi quốc tế. Với thông lệ quốc tế thì tên miền sẽ không được điều chỉnh theo quy định sở hữu trí tuệ mà tuân thủ theo quy định của ICANN (Tổ chức quản lý tên miền và số hiệu mạng thế giới), của cơ quan quản lý tên miền các nước hay các Nhà đăng ký tên miền, trên cơ sở các quy định khung, hợp đồng đăng ký tên miền và một số quy định liên quan khác.

TRANH CHẤP TÊN MIỀN

Tên miền có tính duy nhất trong khi các đối tượng sở hữu trí tuệ lại đa dạng và hay trùng lặp giữa các quốc gia, nền kinh tế hoặc vùng lãnh thổ nên đây là khởi nguồn của các vụ tranh chấp tên miền trên Internet. Tranh chấp tên miền xảy ra trong trường hợp một chủ thể tiến hành đăng ký tên miền và phát hiện thấy tên miền này đã được sử dụng bởi một chủ thể khác. Ví dụ một số vụ việc tranh chấp tên miền đã xảy ra như: ebay.com.vn, anz.com. vn, samsungmobile.vn,... Có thể thấy rằng, khi xảy ra tranh chấp tên miền liên quan đến tên thương mại, nhãn hiệu của mình, lỗi đầu tiên thuộc về chính các tổ chức, doanh nghiệp.

Tên miền không phải là đối tượng điều chỉnh của Luật sở hữu trí tuệ, do vậy, nhiều tổ chức quản lý tên miền cấp cao quốc tế dùng chung (gTLD), tổ chức quản lý tên miền cấp cao mã quốc gia (ccLTD) đã lựa chọn cách thức xử lý theo UDRP - chính sách xử lý tranh chấp tên miền của ICANN thông qua WIPO. Bản chất của chính sách này đồng nhất với các cách thức xử lý tranh chấp theo truyền thống là thương lượng hòa giải, trọng tài hoặc Tòa án.

XỬ LÝ XUNG ĐỘT GlỮA TÊN MIỀN - SỞ HỮU TRÍ TUỆ VÀ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP TÊN MIỀN ".VN"

Hiện tại có hai luồng quan điểm về cách thức giải quyết những xung đột giữa tên miền và sở hữu trí tuệ:

Theo lĩnh vực quản lý chuyên ngành thông tin, truyền thông, quan điểm về giải quyết tranh chấp tên miền đã được đề cập và hoàn thiện khung pháp lý đầy đủ từ mức Luật (Luật Công nghệ thông tin) cho đến cấp Nghị định (Nghị định số 72/2013/NĐ-CP) và các Thông tư hướng dẫn chuyên ngành của Bộ Thông tin và Truyền thông. Theo đó tên miền ".vn" không nằm trong đối tượng điều chỉnh của Luật Sở hữu trí tuệ. Quy định này được thể hiện xuyên suốt từ Luật Công nghệ thông tin cho đến Nghị định, Thông tư hướng dẫn. Việc giải quyết các tranh chấp về đăng ký, sử dụng tên miền được thông qua một trong 3 hình thức: 1/ Tự thương lượng hòa giải; 2/ Thông qua trọng tài; 3/ Khởi kiện tại Tòa án. Điều này hoàn toàn phù hợp với thông lệ chung của quốc tế: thương hiệu và tên miền là hai đối tượng độc lập. ICANN và WIPO đã phối hợp xây dựng "Chính sách giải quyết tranh chấp tên miền thống nhất“ (UDRP) theo các nguyên tắc: Điều chỉnh bằng biện pháp trọng tài, hòa giải dựa trên các quy định về trọng tài thương mại; cơ quan quản lý (Registry) không tham gia vào quá trình giải quyết tranh chấp mà chỉ cung cấp thông tin cho các bên liên quan; tên miền được cơ quan quản lý chuyển giao hoặc hủy bỏ theo quyết định của cơ quan giải quyết vụ việc tranh chấp.

Tuy nhiên, bên cạnh hướng đi này, hiện đang tồn tại luồng quan điểm thứ hai - giải quyết các xung đột về tên miền thông qua xử lý cạnh tranh không lành mạnh. Các chế tài hiện tại đang tồn tại hình thức xử lý thu hồi tên miền trùng hoặc giống tới mức gây nhầm lẫn với tên thương hiệu như là một biện pháp khắc phục hành vi vi phạm về cạnh tranh không lành mạnh, biện pháp hành chính được sử dụng để xử lý vụ việc tranh chấp tên miền. Sở dĩ tồn tại các quy định này là vì Điều 130 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 có quy định về các hành vi bị coi là cạnh tranh không lành mạnh: ’’Đăng ký, chiếm giữ quyền sử dụng hoặc sử dụng tên miền trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, tên thương mại được bảo hộ của người khác hoặc chỉ dẫn đỉa lý mà mình không có quyền sử dụng nhằm mục đích chiếm giữ tên miền, lợi dụng hoặc làm thiệt hại đến uy tín, danh tiếng của nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý tương ứng".

Trên cơ sở này, Nghị định số 99/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực công nghiệp, đang có các điều khoản quy định xử phạt và buộc thay đổi thông tin tên miền hoặc trả lại tên miền đối với các chủ thể đăng ký tên miền bị kết luận rơi vào trường hợp được coi là đăng ký chiếm giữ. Việc áp dụng thu hồi tên miền qua biện pháp hành chính, xử lý vi phạm hành vi đăng ký tên miền có yếu tố trùng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý bị quy kết là hành vi cạnh tranh không lành mạnh sẽ khiến cộng đồng người sử dụng tên miền trong nước hiểu nhầm là tên miền trùng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý sẽ được mặc nhiên bảo vệ. Chủ thể nào trót đăng ký tên miền ".vn" trùng với nhãn hiệu bất kỳ đều có thể bị thu hồi thông qua việc chủ nhãn hiệu có yêu cầu xử lý hành vi cạnh tranh, đăng ký chiếm giữ.

Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt ở đây là tên miền được bảo vệ cho đối tượng nào? Xin trở lại với ví dụ đầu tiên của bài, cùng nhãn hiệu Sơn Hà, sẽ có nhiều công ty khác nhau đăng ký bảo hộ với các yếu tố khác biệt về thiết kế, màu sắc và loại hình kinh doanh - dịch vụ khác nhau như Công ty kinh doanh Thiết bị nước Sơn Hà, Công ty thi công điện Sơn Hà, Công ty Tài chính Sơn Hà với các bảo hộ hình, logo, màu sắc khác nhau... Vậy thì ai sẽ được bảo hộ tên miền sonha.vn? Khi đó, nếu có một chủ thể đăng ký tên miền này (sonha.vn) thì sẽ bị quy kết là chiếm giữ của ai, cạnh tranh với ai? Vậy chủ thể đăng ký có bị coi là chiếm giữ tên miền không? Ai chiếm giữ tên miền của ai? Và như vậy đương nhiên không thể gắn việc đăng ký tên miền với hành vi cạnh tranh không lành mạnh, chưa kể đến một số tên miền được đăng ký trước khi nhãn hiệu được bảo hộ. Thực tế thì bản thân tên miền chỉ là yếu tố định danh, định hướng truy cập trên Internet, chưa có ý nghĩa gì.

Như vậy, để làm rõ hành vi "đăng ký, chiếm giữ quyền sử dụng hoặc sử dụng tên miền trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, tên thương mại được bảo hộ của người khác hoặc chỉ dẫn địa lý mà mình không có quyền sử dụng nhằm mục đích chiếm giữ tên miền, lợi dụng hoặc làm thiệt hại đến uy tín, danh tiếng của nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý tương ứng" hay không còn phải xem xét trên nhiều yếu tố, trong đó yếu tố đặc biệt quan trọng mang tính quyết định chính là nội dung trang Web đi kèm theo tên miền có đăng tải các nội dung, thông tin làm thất thiệt, gây nhầm lẫn hay ảnh hưởng đến uy tín của một chủ nhãn hiệu cụ thể nào đó hay không? Khi xem xét, chủ thể đăng ký sử dụng tên miền cũng cần phải có cơ hội tự bảo vệ mình, có cơ hội để chứng minh việc đăng ký sử dụng tên miền của mình là phù hợp, không phải là chiếm dụng nhãn hiệu, không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người khác,...

Trong đại đa số các trường hợp, để giải quyết các vụ việc tranh chấp được triệt để, "ra toà" sẽ là lựa chọn đúng đắn nhất. Kể cả khi cơ quan quản lý cạnh tranh kết luận việc sử dụng tên miền của bên bị đơn là cạnh tranh không lành mạnh thì đây sẽ là sở cứ để Tòa án phán quyết về hành vi sử dụng tên miền với ý đồ xấu của bên bị đơn.

Tóm lại, đăng ký sớm tên miền sẽ là một lợi thế, giải quyết tranh chấp tên miền thông qua tự thương lượng hòa giải hay Tòa án sẽ là lựa chọn đúng đắn và triệt để./.

Tài liệu tham khảo

[1].Nghị định số 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ: Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.
[2].Nghị định số 99/2013/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp. 

Trần Minh Tân, Minh Ngọc

(TCTTTT Kỳ 1/12/2014)