Đổi mới chất lượng công nghệ để bắt kịp cơ hội phát triển của IoE (P2)
Điểm tin - Ngày đăng : 20:51, 03/11/2015
ĐẾN LÚC PHẢI ĐỔI MỚI CÔNG NGHỆ
Ngành CNTT đã trải qua nhiều biến đổi, từ những ngày đầu với máy tính mainframe trên công nghệ nền tảng thứ nhất cho đến mô hình máy chủ máy khách và môi trường PC trên công nghệ nền tảng thứ 2. Hiện nay, ngành CNTT đang khai thác các công nghệ nền tảng thứ 3 như điện toán đám mây, di động, dữ liệu lớn và mạng xã hội để phát triển các mô hình kinh doanh, hoạt động và tiêu dùng mới để định hướng thị trường trong tương lai. Những công ty đó có thể khai thác các công nghệ nền tảng thứ 3 này để tạo ra sự khác biệt trong cạnh tranh và đổi mới doanh nghiệp cũng như sẽ phát triển mạnh mẽ trong tương lai, trong khi những công ty không biết cách khai thác những công nghệ này sẽ gặp nhiều khó khăn.
Thông qua số liệu nghiên cứu mới nhất, ông Charles Anderson, Phó Chủ tịch kiêm lãnh đạo bộ phận Viễn thông và di động IDC khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cho biết: 70% tổ chức trên toàn thế giới đã bắt đầu chuyển đổi, khai thác nền tảng thứ 3. Tại các quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương có tới 80% người được hỏi cho biết chưa đủ công nghệ để khai thác. Các công ty sẽ sử dụng nền tảng thứ 3 khai thác di động, đám mây để cung cấp sản phẩm, dịch vụ. 20 công ty hàng đầu thị trường sẽ bị công ty mới sử dụng nền tảng thứ 3 cạnh tranh mạnh vào năm 2020.
Mặt khác, hầu hết các nhân viên và các CIO đang quá tập trung vào công việc thường nhật mà quên khía cạnh sáng tạo đổi mới. 80% đến 90% thời gian, ngân sách của các tổ chức, doanh nghiệp dành để vận hành các hệ thống cung cấp dịch vụ hiện tại.
Chỉ có khoảng 10% đến 20% ngân sách thời gian để triển khai sáng tạo đổi mới. Trong khi đó, sức ép cạnh tranh đòi hỏi những tổ chức này cần nhanh chóng đẩy mạnh tính sáng tạo.
Di động đang làm thay đổi cách thức mọi người tương tác với nhau. Mỗi điện thoại thông minh đều đòi hỏi mạng lưới có năng lực mạnh hơn về băng thông, chất lượng thoại... Bên cạnh đó, bối cảnh rủi ro an ninh đang thay đổi nhiều. Người dùng di động đến văn phòng kết nối wifi, kết nối vào ứng dụng của cơ quan trên điện toán đám mây, trong môi trường chính phủ, dịch vụ công. sẽ nguy hiểm. Do đó, những biện pháp an ninh mạng mới cần được gấp rút triển khai để đảm bảo an toàn cho hệ thống trước xu hướng BYOD.
Hiện nay, trên toàn thế giới có từ 5 đến 7 tỷ thiết bị được kết nối qua mạng. Đến năm 2050 có trên 100 tỷ thiết bị được kết nối Internet. Nhiều thiết bị kết nối sẽ tạo ra dữ liệu lớn. Nhà quản lý phải đưa ra quyết định kinh doanh sáng suốt trên khối dữ liệu lớn đó. Các CIO hiểu được áp lực lớn hiện nay, đòi hỏi cung cấp dịch vụ, ứng dụng CNTT một cách nhanh chóng hơn.
Mặc dù Mạng IoE đang tạo ra cơ hội cho các tổ chức biết sáng tạo một cách nhanh chóng để nắm bắt giá trị và duy trì được lợi thế cạnh tranh, nó cũng đồng nghĩa với việc bộ phận CNTT phải xây dựng và áp dụng một mô hình mới: Mô hình CNTT có tốc độ nhanh. Một mô hình có đặc điểm đơn giản, thông minh và an toàn. Về cơ bản, mô hình này đồng nghĩa với việc khuynh hướng sử dụng kiến trúc sẽ trở nên quan trọng hơn, trong đó các thành phần Tính toán, Lưu trữ và Mạng phải hội tụ với các dịch vụ được đảm bảo và an ninh được tăng cường trong một môi trường điện toán đám mây di động.
Ngoài những thay đổi về mặt kỹ thuật, các tổ chức, doanh nghiệp còn phải thay đổi cách thức tổ chức bộ phận CNTT và những lĩnh vực cần tập trung. Các tổ chức phân tích thị trường và nhiều CIO cho biết, vai trò CNTT chắc chắn sẽ mang bản chất "đồng bộ hóa“ hay "môi giới" nhiều hơn để quản lý các dịch vụ và an ninh cũng như xác định rõ dữ liệu nào của doanh nghiệp cần được bảo vệ nghiêm ngặt nhất. Bộ phận CNTT cũng cần phải xác định những dịch vụ nào có thể sử dụng được về phương diện thương mại. Điều đó đồng nghĩa với việc sẽ có một cuộc cách mạng về kỹ năng và tổ chức trong bộ phận CNTT. Nó cũng hàm ý rằng, cơ hội và thách thức để hiểu rõ và đáp ứng nhu cầu thực tế của các doanh nghiệp vẫn còn đang nằm ở phía trước chúng ta.
Bên cạnh việc đưa ra những xu thế phát triển công nghệ mới, các diễn giả của Cisco Connect 2014 cũng đã giới thiệu với các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam hàng loạt giải pháp, công nghệ để có thể bắt kịp xu thế IoE. Chẳng hạn như nền tảng hợp nhất Cisco One Platform có khả năng gắn kết phần mềm với phần cứng, ứng dụng, cho phép người dùng triển khai các dịch vụ, chính sách dễ dàng từ lớp ứng dụng đến lớp cơ sở hạ tầng. Với kiến trúc cơ sở hạ tầng lấy ứng dụng làm trung tâm (ACI), Cisco One Platform tạo ra một hạ tầng CNTT đáp ứng nhanh, có khả năng thích ứng linh hoạt, cho phép hoạt động theo các xu hướng mới như điện toán đám mây, công nghệ di động và xã hội, mạng hoạt động dựa trên phần mềm, phân tích dữ liệu lớn trong mạng lưới và trung tâm dữ liệu cùng những xu hướng mới nhất về bảo mật. Hoặc tập hợp dịch vụ điện toán đám mây InterCloud hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp mở rộng dịch vụ điện toán đám mây riêng ra môi trường điện toán công cộng mà vẫn đảm bảo an toàn, an ninh như trong môi trường điện toán đám mây riêng. Hoặc danh mục giải pháp điểm truy cập không dây (Access Point) đa dạng nhất hiện nay, giao thức truy cập mới 802.11ac có tốc độ truy cập gấp 4 lần so với giao thức cũ (802.11n)...
IoT không còn là một khái niệm tương lai. Đã có nhiều công ty đang khai thác được giá trị đáng kể từ các giải pháp IoT ngay ở thời điểm hiện tại, với một thị trường IoT có quy mô tới hơn 600 tỷ USD vào năm 2014 trên toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản). Các tổ chức, doanh nghiệp biết chớp thời cơ phát triển của IoE có thể tạo sức bật vượt xa đối thủ cạnh tranh. Muốn vậy, các tổ chức này cần dựa vào công nghệ, cụ thể là một cơ sở hạ tầng CNTT uyển chuyển và thích ứng với môi trường kinh doanh mới. Mô hinh mới đòi hỏi hỗ trợ các xu thế như là điện toán đám mây, di động và mạng xã hội, dữ liệu lớn và công nghệ phân tích trong mạng và trung tâm dữ liệu cũng như những xu thế mới nhất về an ninh mạng. Đã đến lúc cần đổi mới công nghệ thì các doanh nghiệp mới có thể gặt hái những kết quả và theo kịp tốc độ của IoE về phương diện công nghệ và kỹ năng.
Minh Thiện