Khuyến nghị của các tổ chức quốc tế và khu vực đối với vấn đề cước chuyển vùng quốc tế (P2)
Xu hướng - Dự báo - Ngày đăng : 20:50, 03/11/2015
APEC TEL và APT
Bộ trưởng các nước APEC thảo luận lần đầu tiên về vấn đề IMR vào năm 2008, tiếp theo đó là các phân tích trong APEC TEL, nhấn mạnh vào hướng dẫn các nước đang phát triển bảo vệ người tiêu dùng, APEC TEL 2010 với "Hướng dẫn quản lý thông tin người dùng trong chuyển vùng di động quốc tế" đã đưa ra khuyến nghị thực tiễn tốt nhất về cung cấp thông tin IMR cho người sử dụng.
Hướng dẫn này đề xuất các loại thông tin phải được cung cấp cho người sử dụng, cách thức cung cấp thông tin này cũng như sự cần thiết phải cung cấp thông tin về các công nghệ thay thế cho người sử dụng.
ASEAN
Các bộ trưởng CNTT và viễn thông ASEAN có chính sách chuyển vùng cho người sử dụng di chuyển trong 10 nước thành viên chỉ phải trả cùng một mức cước như ở nước mình. Hội đồng các nhà quản lý viễn thông ASEAN đã chấp nhận bản ghi nhớ mục tiêu nhằm tăng cường hợp tác trong quản lý viễn thông, trước mắt tập trung vào việc giảm cước phí chuyển vùng trong các nước ASEAN. Năm 2011, các bộ trưởng ASEAN đã công bố Tuyên bố cấp Bộ trưởng tại Hội nghị bộ trưởng CNTT và viễn thông ASEAN lần thứ 11 ủng hộ sáng kiến này.
Việc giảm cước chuyển vùng trong khu vực cũng được nhấn mạnh trong Kế hoạch ICT ASEAN 2015 (AIM2015). Các tiến bộ đạt được chủ yếu thông qua các thỏa thuận song phương. Gần đây nhất, Bộ trưởng Indonesia tuyên bố ủng hộ "chuyển vùng tự do" trong khu vực ASEAN.
3.KẾT LUẬN
Sáng kiến khu vực sớm nhất về chuyển vùng quốc tế là báo cáo từ cơ quan quản lý cạnh tranh Bắc Âu năm 2004 cho rằng phát triển công nghệ tự nó có thể sớm làm cho cạnh tranh hiệu quả trên thị trường. Tuy nhiên, dù có nhiều tiến bộ kể từ năm 2004, công nghệ không đủ để tạo ra sự cạnh tranh hiệu quả trong thị trường IMR.
Các khuyến nghị của các tổ chức quốc tế như ITU, OECD và các tổ chức khu vực như APEC và ASEAN đã cung cấp những hướng dẫn cụ thể tùy theo mức độ phát triển của thị trường và điều kiện của mỗi nước, khu vực để giảm giá cước chuyển vùng di động một cách hiệu quả cho người sử dụng.
Việc áp dụng trần giá cước đã giúp tạo áp lực giảm giá cước nhưng vẫn không thể tạo điều kiện thuận lợi cho cạnh tranh. Quy định mới, coi truy nhập xuyên biên giới như một dịch vụ kết nối và bằng cách tạo ra các nhà khai thác di động ảo (MVNO) xuyên biên giới đã tạo điều kiện thuận lợi cho cạnh tranh tốt hơn. Việc giảm giá cước bản lẻ và giá cước bán sỉ trong một thị trường dịch vụ IMR cạnh tranh hơn là mục tiêu cần phải đạt được.
(Nguồn: Dimitri Ypsilanti, International Mobile Roaming Services: A Review of Best Practice Policies, ITU - GSR 2012) Nguyễn Quang Hưng