Khuyến nghị của các tổ chức quốc tế và khu vực đối với vấn đề cước chuyển vùng quốc tế (P1)

Xu hướng - Dự báo - Ngày đăng : 20:50, 03/11/2015

Tiếp theo các bài trên Tạp chí CNTT-TT kỳ 1 thảng 3 và tháng 7 năm 2014 về vấn đề giá cước chuyển vùng quốc tế trước những thách thức đối vói công tác quản lý giá cước và một số giải pháp kỹ thuật và kinh doanh đã được các nhà khai thác triển khai nhằm giảm mức cước, bài báo này giới thiệu các nội dung mà các tổ chức quốc tế và khu vục khuyến nghị triển khai.

1.KHUYẾN NGHỊ CỦA CÁC TỔ CHỨC QUỐC TẾ

ITU

Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) đã có khá nhiều hoạt động liên quan đến vấn đề giá cước chuyển vùng quốc tế (IMR). Gần đây nhất, vào tháng 9/2012, ITU-T đã thông qua Khuyến nghị ITU D.98 về tính cước dịch vụ chuyển vùng di động quốc tế. Ngoài ra, ITU-T đang xây dựng một phụ lục mới cho D.98 (do nhóm nghiên cứu số 3 thực hiện).

OECD

Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) bắt đầu quan tâm đến vấn đề chuyển vùng từ năm 2008 với việc xem xét giá cước bán lẻ chuyển vùng đối với thoại và SMS và có một đánh giá sơ bộ về chính sách. Kết quả cho thấy, giá cước chuyển vùng quá cao ở các nước OECD so với giá thành hoặc so với giá bán lẻ cuộc gọi di động nội địa cộng thêm cuộc gọi quốc tế từ mạng cố định. Hầu hết các nhà khai thác ở các nước thuộc OECD đều có kế hoạch tùy chọn dữ liệu (theo ngày, tuần hoặc tháng). Thông tin cho người sử dụng được các nhà khai thác đáp ứng bằng cách phân loại các nước theo khu vực và cung cấp một giá cước duy nhất cho mỗi khu vực.

Tháng 2/2012, OECD đã chấp nhận và khuyến nghị áp dụng một loạt công cụ giúp nhà quản lý có thể xây dựng chính sách bảo vệ và nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, đảm bảo giá cước thấp và khuyến khích cạnh tranh lành mạnh. Các nội dung chính của khuyến nghị này được tóm tắt trong Bảng 2.

Tháng 6/2012, GSMA (Hiệp hội các nhà khai thác GSM) đã thỏa thuận giữa 24 (trong số 800) thành viên để tăng cường sự minh bạch cho khách hàng khi chuyển vùng. Sáng kiến này giới hạn chuyển vùng dữ liệu bao gồm cả việc gửi SMS cho khách hàng và nhắc nhở họ về cước chuyển vùng dữ liệu khi họ ra nước ngoài, thực hiện hạn chế tốc độ dữ liệu và gửi cảnh báo khi đạt ngưỡng giới hạn và tạm thời ngừng dịch vụ dữ liệu.

2.CÁC SÁNG KIẾN KHU VỰC

Sáng kiến khu vực sớm nhất về chuyển vùng quốc tế là báo cáo từ cơ quan quản lý cạnh tranh Bắc Âu năm 2004. Báo cáo này khuyến nghị: "...những phân tích [về thị trường chuyển vùng quốc tế] chỉ ra rằng,, quản lý giá có thể làm méo mó sụ phát triển của thị trường và bản thân sụ phát triển công nghệ có thể nhanh chóng tạo ra sụ cạnh tranh hiệu quả trên thị trường'. Tuy nhiên, dù có nhiều tiến bộ kể từ năm 2004, công nghệ không đủ để tạo ra sự cạnh tranh hiệu quả trong thị trường IMR.

Châu Âu

Liên minh châu Âu đã quan tâm đến vấn đề giá cước IMR cao ngoài EU từ nhiều năm. Năm 2003, Liên minh quyết định rằng thị trường chuyển vùng quốc tế cần phải được xem xét và đến tháng 6/2007, EU đã ban hành quy định về chuyển vùng di động quốc tế "Eurotariff". Quy định này đặt ra các mức giá trần đối với cước chuyển vùng trong EU và áp dụng một số nghĩa vụ cung cấp thông tin đối với các nhà khai thác. Eurotatriff áp mức giá tối đa cho cuộc gọi đi và đến khi di chuyển trong nội bộ EU. Quy định sửa đổi được thông qua 2 năm sau đó, giảm cước chuyển vùng cho cuộc gọi thoại và cũng áp giá trần cho cước SMS. Yêu cầu bổ sung vào tháng 7/2010 để giảm "Hóa đơn sốc" bằng cách đưa ra cơ cấu "ngắt" khi hóa đơn chuyển vùng dữ liệu đạt 50 EUR và các nhà khai thác phải gửi một tin nhắn SMS khi thuê bao đạt tới mức 80% giới hạn đã thỏa thuận.

Ngày 30/5/2012, Ủy ban châu Âu đã thông qua quy định quản lý chuyển vùng III, có hiệu lực trong 10 năm. Các điều khoản (Bảng 3) được xây dựng dựa trên một phần các quy định trước. Một số điều khoản hiện có, chỉ áp dụng cho chuyển vùng trong EU sẽ được mở rộng ra ngoài EU. Có một số thay đổi đáng kể, đó là cấu trúc trung lập được đưa ra cho phép khách hàng chọn một nhà cung cấp riêng cho dịch vụ chuyển vùng sau năm 2014 và nhà khai thác đó phải cung cấp truy nhập cho các nhà khai thác khác để thực hiện dịch vụ chuyển vùng ở mức giá đã công bố.

Dù trần giá cước được áp dụng cho EU đã giúp tạo áp lực giảm giá cước nhưng vẫn không thể tạo điều kiện thuận lợi cho cạnh tranh. Quy định mới, bằng cách coi truy nhập xuyên biên giới như một dịch vụ kết nối và bằng cách tạo ra các MVNO xuyên biên giới ở châu Âu, đã tạo điều kiện thuận lợi cho cạnh tranh. Chú ý rằng, EU sử dụng một điểm chuẩn để quy định giá cước chuyển vùng kết cuối di động. Quy định cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giảm giá cước bản lẻ và giá cước bán sỉ trong một thị trường IMRS cạnh tranh hơn.

Nguyễn Quang Hưng

(còn nữa)