Hoàn thiện và nâng cao quản trị doanh nghiệp: Trọng tâm trong đề án tái cơ cấu VNPT (P2)

Doanh nghiệp số - Ngày đăng : 20:49, 03/11/2015

Việc nhanh chóng ổn định bộ máy kinh doanh và sự sẵn sàng cao để triển khai đổi mới theo chỉ đạo được nhấn mạnh là "tối cần thiết“, bởi VNPT là một trong những trụ cột của ngành CNTT - VT -Truyền thông quốc gia, cũng là một trong những tập đoàn lớn nhất của nền kinh tế.

HOÀN THIỆN VÀ NÂNG CAO QUẢN TRỊ DOANH NGHIỆP

Theo Quyết định 888/QĐ-TTG, để hoàn thiện và nâng cao quản trị doanh nghiệp, VNPT cần phải tiến hành đồng loạt các giải pháp sau:

Sắp xếp lại cơ cấu tổ chức, bộ máy quản lý, điều hành theo hướng trực tiếp tinh gọn; giảm đầu mối trung gian; tăng cường phân cấp và tạo sự chủ động hợp lý cho các đơn vị thành viên.

Theo Quyết định 888/QĐ-TTg, VNPT tiến hành tổ chức lại các công ty, đơn vị, bộ phận đang quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ viễn thông hiện nay của VNPT thành Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Dịch vụ Viễn thông (VNPT - Vinaphone) để quản lý, điều hành kinh doanh dịch vụ viễn thông. Các công ty, đơn vị, bộ phận đang quản lý hoạt động kinh doanh sản phẩm phần mềm, dịch vụ giá trị gia tăng, truyền thông hiện nay của VNPT cũng được tổ chức lại thành Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Truyền thông (VNPT - Media) để kinh doanh, cung cấp các dịch vụ công nghệ thông tin, truyền thông đa phương tiện và các dịch vụ ứng dụng viễn thông. Các công ty, đơn vị, bộ phận đang quản lý hạ tầng mạng lưới viễn thông hiện nay của VNPT tổ chức lại thành Công ty Hạ tầng mạng (VNPT - Net), hạch toán phụ thuộc Công ty mẹ - VNPT để thực hiện chức năng đầu tư, xây dựng, quản lý, khai thác hạ tầng mạng lưới viễn thông thống nhất trong toàn Tập đoàn. VNPT cũng tiến hành tổ chức lại Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cáp quang FOCAL và Công ty cổ phần Công nghệ công nghiệp Bưu chính Viễn thông (VNPT-Technology) thành một công ty con của VNPT để thực hiện chức năng nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh sản phẩm, thiết bị bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin. Riêng 63 Viễn thông tỉnh, thành phố (VNPT tỉnh, thành phố) là Chi nhánh của VNPT. VNPT tỉnh, thành phố được tổ chức lại để hợp tác với các đơn vị khác thực hiện việc quản lý, khai thác mạng ngoại vi, hệ thống thiết bị đầu cuối, các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng; kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trên cơ sở hợp đồng giữa các bên và phân công của VNPT. Cùng với đó, VNPT thoái hết vốn đang nắm giữ tại Tổng công ty cổ phần Bảo Minh; 53 Công ty cổ phần; 4 Công ty trách nhiệm hữu hạn; 4 Quỹ và 1Ngân hàng thương mại cổ phần.

Sau khi sắp xếp, tổ chức lại, Công ty mẹ - VNPT là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; có chức năng, nhiệm vụ chính là: Tổ chức, chỉ đạo hoạt động sản xuất kinh doanh toàn Tập đoàn; nghiên cứu, xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển thị trường, mạng lưới, dịch vụ; nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ, sản phẩm, dịch vụ mới; thực hiện công tác tổ chức, cán bộ, đào tạo nguồn nhân lực và đổi mới quản trị doanh nghiệp; thực hiện công tác tài chính, kế toán, kế hoạch, đầu tư toàn Tập đoàn và pháp chế, hợp tác quốc tế, thanh tra, kiểm tra, thi đua, khen thưởng. VNPT có các đơn vị hạch toán phụ thuộc gồm: Công ty Hạ tầng mạng (VNPT-Net); 63 Viễn thông tỉnh, thành phố (VNPT- tỉnh, thành phố); Trung tâm Nghiên cứu Phát triển (VNPT-RD); Trường Trung học Bưu chính Viễn thông và Công nghệ thông tin 2. Các đơn vị này có con dấu, tài khoản, được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động. Các công ty con của VNPT gồm có Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Dịch vụ Viễn thông (VNPT - Vinaphone); Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Truyền thông (VNPT - Media); Công ty cổ phần Công nghệ công nghiệp Bưu chính Viễn thông (VNPT - Technology). Ngoài ra, VNPT còn nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ của 18 công ty.

Tổ chức lại sản xuất kinh doanh theo hướng chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa; không đầu tư dàn trải, chồng chéo, phân tán nguồn lực; tránh cạnh tranh nội bộ; tăng cường hợp tác, liên kết giữa các đơn vị thành viên trong Tập đoàn thông qua các thỏa thuận, hợp đồng kinh tế theo cơ chế thị trường.

Mô hình kinh doanh viễn thông cố định và di động hiện nay của Tập đoàn là không phù hợp với xu thế chung của viễn thông thế giới. Tại thị trường viễn thông các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước phát triển (Nhật, Mỹ, Úc, Anh, Pháp, Đức, Singapore...), các nhà mạng khi cung cấp dịch vụ viễn thông cũng đồng thời là nhà cung cấp thiết bị đầu cuối (máy điện thoại) cho khách hàng. Do vậy, khách hàng sử dụng thuê bao di động khi ký hợp đồng với doanh nghiệp viễn thông theo các loại hợp đồng (12 tháng/24 tháng) sẽ căn cứ vào nhu cầu sử dụng dịch vụ của mình để lựa chọn gói cước phù hợp với khả năng chi trả hàng tháng của mình. Với các gói cước mà khách hàng lựa chọn, doanh nghiệp viễn thông sẽ bảo đảm/duy trì một tỷ lệ ARPU đối với mỗi khách hàng của mình (ví dụ: từ 19-99USD/thuê bao/tháng) để tiếp tục đầu tư và duy trì thị phần của mình. Đổi lại, khách hàng khi đã bảo đảm chi trả khoản cước phí hàng tháng sẽ được hưởng lợi từ doanh nghiệp viễn thông căn cứ vào nhu cầu sử dụng dịch vụ của mình: số phút/tin nhắn/dịch vụ dữ liệu miễn phí, các dịch vụ GTGT miễn phí: mạng xã hội, video..., hay thậm chí là cả thiết bị đầu cuối hiện đại của các nhà sản xuất hàng đầu thế giới...

Khi xây dựng chính sách kinh doanh, Tập đoàn nên đi đầu trong việc xoá bỏ cước thuê bao hàng tháng hiện nay với thuê bao di động trả sau, thuê bao điện thoại cố định hoặc chuyển sang thành số phút gọi/tin nhắn nội/ngoại mạng miễn phí hoặc gói cước dữ liệu mạng miễn phí hàng tháng.

VNPT cũng cần tăng cường việc hợp tác với một số các nhà cung cấp thiết bị đầu cuối nhằm mang đến cho khách hàng các sản phẩm công nghệ có chất lượng tốt nhất. Nghiên cứu hình thành các cửa hàng VNPT tại địa phương (cấp quận, huyện) để tận dụng ưu thế mạng lưới, cơ sở vật chất, nhân lực hiện có của chi nhánh VNPT các tỉnh, thành theo hướng mô hình cửa hàng (VNPT Shop) vừa cung cấp dịch vụ viễn thông vừa cung cấp thiết bị đầu cuối. Tập đoàn cần hoạch định rõ tầm nhìn, chiến lược đầu tư, song song với việc ưu tiên nguồn lực tài chính, ký kết các hợp đồng mua bán/hợp tác kinh doanh với các nhà sản xuất thiết bị đầu cuối trên thế giới để đưa đến cho người tiêu dùng (nhất là các chủ thuê bao trả sau) các dòng máy điện thoại hiện đại, nhiều tính năng để phát huy hết năng lực đầu tư và hạ tầng mạng của các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông trước các đối thủ cạnh tranh.

Bên cạnh đó, Tập đoàn cần triển khai đồng bộ các giải pháp kinh doanh dịch vụ di động, băng rộng cố định, dịch vụ giá trị gia tăng, dịch vụ nội dung và CNTT; Ban hành các gói cước linh hoạt có tính cạnh tranh cao; Tập trung xúc tiến cung cấp dịch vụ đối với khách hàng là các cơ quan quản lý Nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp lớn và đẩy mạnh hợp tác kinh doanh quốc tế, xúc tiến, tìm kiếm cơ hội đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực CNTT; Chỉ thực hiện đầu tư theo nhu cầu của thị trường và sẽ giám sát chặt chẽ hiệu quả của các dự án, nhất là từ những đơn vị thành viên. Trong danh mục đầu tư sẽ ưu tiên cho các dịch vụ di động, băng rộng, CNTT, dịch vụ nội dung, giá trị gia tăng; tập trung phát triển các ứng dụng dành cho khách hàng doanh nghiệp và hộ gia đình. Việc tiết kiệm chi phí sản xuất kinh doanh cũng là ưu tiên hàng đầu, khi VNPT sẽ tăng cường quản lý dòng tiền, duy trì kỷ luật tài chính.

VNPT cũng khẩn trương hoàn thiện quy chế về công tác cán bộ; đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; bố trí cán bộ lãnh đạo quản lý và người đại diện phần vốn nhà nước đủ phẩm chất đạo đức và năng lực chuyên môn, năng lực quản lý để làm tốt vai trò đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp; nâng cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu các đơn vị; có kế hoạch và giải pháp xử lý phù hợp đối với nguồn lao động dôi dư sau khi tái cơ cấu.

Tập đoàn cần đẩy mạnh việc sắp xếp đội ngũ nhân lực theo hướng chuyên môn hoá, chuyên nghiệp hoá, đổi mới cơ chế tiền lương và chính sách đãi ngộ để thu hút, tuyển dụng được đội ngũ nhân lực quản lý có chất lượng cao vào làm việc và nắm giữ các vị trí chủ chốt. Thực hiện luân chuyển cán bộ quản lý (nếu làm việc không hiệu quả), đào tạo liên tục các kiến thức về Công nghệ, Kinh tế và Quản lý. Nâng cao chất lượng đội ngũ nhân viên trên mạng lưới và các doanh nghiệp thành viên thông qua đào tạo bằng các hình thức đào tạo khác nhau, tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ (nhất là công nghệ mới) và kiến thức quản lý kinh doanh. Tập đoàn cần phải tập trung xây dựng được đội ngũ cán bộ quản lý, chuyên gia tư vấn giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ hiện đang làm việc tại tất cả các đơn vị thành viên, làm nhiệm vụ kiêm nhiệm tại các bộ phận hoạch định chính sách, nghiên cứu và phát triển tại Tập đoàn để có thể tận dụng và huy động tối đa mọi nguồn lực, trí tuệ của đội ngũ cán bộ này.

Sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống cơ chế quản lý, kiểm soát, kiểm toán nội bộ; thực hiện công khai, minh bạch trong đầu tư, quản lý tài chính, mua sắm tài sản, phân phối thu nhập, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ.

Việc nhanh chóng ổn định bộ máy kinh doanh và sự sẵn sàng cao để triển khai đổi mới theo chỉ đạo được nhấn mạnh là "tối cần thiết“, bởi VNPT là một trong những trụ cột của ngành CNTT - VT -Truyền thông quốc gia, cũng là một trong những tập đoàn lớn nhất của nền kinh tế. Việc tái cơ cấu VNPT thành công góp phần tạo nên một thị trường viễn thông cạnh tranh lành mạnh, phát triển bền vững dựa trên ba trụ cột doanh nghiệp có tiềm lực và quy mô lớn là VNPT, Viettel và Mobifone, không những làm chủ thị trường trong nước mà còn vươn ra thế giới.

Tài liệu tham khảo

[1]. Các trang tin điện tử www.mic.gov.vn;www.vnpt.com..vn;www.vietteltelecom.vn;
www.mobifone.com.vn; www. vinaphone.com.vn.
[2].Quyết định 888/QĐ-TTg ngày 10/6/2014 phê duyệt ĐỀ ÁN TÁI CƠ CẤU TẬP ĐOÀN BUU CHÍNH VIỄN THÔNG VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2014 - 2015.
[3].TRỌNG CẨM, VNPT sẽ hoàn thành tái cơ cấu vào cuối 2015. VietnamNET ngày 18/6/2014.
[4].HUY PHONG, Viễn thông VN sau tái cơ cấu VNPT sẽ ra sao?, VietnamNET ngày 13/6/2014.
[5].Báo: Lao Động, Thời báo Kinh tế Việt Nam, Dân Trí, Đầu tư, VnMedia, ICT News,...

ThS. Lê Thị Ngọc Diệp