Kinh doanh CNTT&TT - Nhìn từ thị trường chứng khoán Việt Nam (P2)
Diễn đàn - Ngày đăng : 20:48, 03/11/2015
ELC
ELC là mã cổ phiếu của Công ty cổ phần đầu tư phát triển công nghệ điện tử viễn thông.
Báo cáo tài chính tại đại hội cổ đông của ELC cho biết kết quả hoạt động kinh doanh của công ty trong năm 2013 như sau: Lợi nhuận sau thuế năm 2013 là gần 36 tỷ đồng, doanh thu hơn 418 tỷ đồng; Kế hoạch 2014: Doanh thu 560 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 62 tỷ đồng, cổ tức 12%.
Đại hội cổ đông thường niên của ELC đã được tổ chức cuối tháng 4/2014 với việc miễn nhiệm 2 thành viên Hội đồng quản trị và bầu bổ sung 2 thành viên mới thuộc Công ty cổ phần chứng khoán Sài Gòn (SSI) gia nhập Hội đồng quản trị của ELC.
Theo báo cáo và phân tích đánh giá tại đại hội cổ đông của ELC: tổng doanh thu thuần của ELC đạt 418 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 35,8 tỷ đồng là không đạt kế hoạch đề ra. Bên cạnh những tác động khách quan của nền kinh tế, một phần nguyên nhân đến từ sự thích ứng chậm chạp của công ty, do đó, Hội đồng quản trị đã đề ra yêu cầu tái cấu trúc bộ máy lãnh đạo.
Mục tiêu của ELC năm 2014 với doanh thu thuần 560 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 62 tỷ đồng là khá cao so với năm 2013. ELC xác định doanh thu sẽ đến từ 3 mảng chính: Viễn thông (40%), An ninh quốc phòng (32%) và Giao thông vận tải (18%). Trong đó, công ty đặc biệt chú trọng vào 2 mảng an ninh quốc phòng và giao thông vận tải. Theo đánh giá của lãnh đạo ELC thì đây sẽ là 2 thị trường cực kỳ tiềm năng với quy mô 5 - 6.000 tỉ trong vòng 3 năm tới. Tuy nhiên, quy mô càng lớn thì thời gian chờ phê duyệt càng lâu. ELC đặt chỉ tiêu cố gắng giành được 1 - 2 dự án trong năm 2014.
SSI hiện là cổ đông lớn nhất của ELC, sở hữu trên 19% cổ phần. Sự tham gia của SSI nhằm tái cấu trúc lại ban điều hành công ty, hỗ trợ phân định quản lý các hạng mục đầu tư và các vấn đề về tài chính. Hai thành viên mới từ SSI sẽ giúp công ty đẩy mạnh vai trò của Hội đồng quản trị và ban điều hành, đồng thời nâng cao hỗ trợ ELC trong lĩnh vực tài chính.
ONE
ONE là mã chứng khoán của Công ty cổ phần truyền thông số 1.
Công ty Cổ phần Truyền Thông Số 1 (ONE Corp), tiền thân là Công ty Thương mại và Công nghệ Tin học Số 1 (ONE Limited), được thành lập năm 1994. Hiện nay, One Corp có số vốn điều lệ là 23 tỷ đồng và hoạt động chuyên nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh thiết bị viễn thông, điện tử, tin học, đồng thời là nhà tư vấn, thiết kế chuyên nghiệp các hệ thống mạng thông tin tin hoc, viễn thông, cung cấp các giải pháp cho dịch vụ giải đáp, chăm sóc khách hàng trong lĩnh vực viễn thông.
Kế hoạch kinh doanh 2014 của One là: doanh thu 280 tỷ, lợi nhuận 8 tỷ, cổ tức 8%.
Kết quả kinh doanh quý 1 năm 2014 của One là: tổng doanh thu đạt hơn 24 tỷ đồng, tổng lợi nhuận trước thuế là hơn 1,357 tỷ đồng, lợi nhuận ròng ước tính hơn 1 tỷ đồng.
SGT
SGT là mã cổ phiếu của Công ty cổ phần công nghệ viễn thông Sài Gòn.
Năm 2012 là một năm đầy sóng gió đối SGT khi tổng doanh thu ở mức hơn 80 tỷ đồng và lợi nhuận ròng là con số âm (tức lỗ) tới gần 260 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh năm 2013 của SGT có phần khởi sắc với tổng doanh thu hơn 313 tỷ đồng, tổng lợi nhuận trước thuế đạt hơn 16 tỷ đồng, lợi nhuận ròng hơn 4,7 tỷ đồng.
Tuy nhiên, so với kế hoạch do SGT đưa ra đầu năm 2013: doanh thu 580, 86 tỷ đồng và lợi nhuận 87,13 tỷ cho cả năm 2013 thì rõ ràng bản báo cáo tài chính cuối năm đã cho thấy khoảng cách khá xa giữa thực tế và kỳ vọng. Do vậy, không có gì khó hiểu khi cổ phiếu SGT rơi vào nhóm cổ phiếu "trà đá“, tức giá cổ phiếu xuống đến tới mức tương đương giá của một cốc trà đá, khoảng 5.000 đồng/ cổ phiếu. Ở nhiều phiên giao dịch trong tháng 5/2014, giá cổ phiếu của SGT dao động trong mức 3.000 đồng - 4.000 đồng/ cổ phiếu.
TST
TST là mã cổ phiếu Công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Viễn thông.
Năm 2013: TST có tổng doanh thu hơn 102 tỷ đồng, tổng lợi nhuận trước thuế hơn 3,8 tỷ đồng, lợi nhuận ròng là 3,434 tỷ đồng. Đây là những tín hiệu khởi sắc của TST so với kết quả kinh doanh năm 2012 có lợi nhuận âm - tức lỗ hơn 25 tỷ đồng. Tuy vậy, cổ phiếu TST cũng vẫn nằm trong nhóm "trà đá“ - với mức giá chưa đến 4.000 đồng/cổ phiếu ở nhiều phiên giao dịch trong tháng 5/2014.
Năm 2014, TST đặt kế hoạch kinh doanh là: doanh thu 115,01 tỷ đồng và lợi nhuận 1,68 tỷ đồng.
III.NHÀ ĐẦU TƯ NGHĨ GÌ
Vài năm trước đây, ngành CNTT&TT được đánh giá là một trong những ngành kinh doanh màu mỡ, mang lại lợi nhuận cao. Trong suốt thập niên cuối thế kỷ 20 và thập niên đầu thế kỷ 21, tốc độ tăng trưởng trung bình của ngành CNTT&TT là 20 - 25%, trong đó lĩnh vực phần mềm tăng trưởng 30 - 35%, lĩnh vực dịch vụ nội dung số tăng 60 - 70%. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng kinh tế vài năm trở lại đây cùng với một số dấu hiệu bão hòa của thị trường viễn thông đã khiến cho các nhà đầu tư đã và đang xem xét lại hướng đi cho đồng vốn của mình.
Khủng hoảng kinh tế tạo nên nhiều thách thức đối với tất cả doanh nghiệp. Khó khăn là lúc chứng minh tính chuyên nghiệp, khả năng ứng phó linh hoạt cùng sự kiên định vững vàng của nhà lãnh đạo, quản lý. Có thể thấy rằng đa số các trường hợp vượt qua thử thách và tăng trưởng vững vàng là do doanh nghiệp biết phát huy thế mạnh trong lĩnh vực chuyên nghiệp của mình. FPT là một ví dụ thành công với lợi nhuận chủ yếu đến trong lĩnh vực kinh doanh CNTT&TT; đồng thời việc chuyển hướng ra khỏi lĩnh vực ngân hàng, lĩnh vực mà FPT không thực sự chuyên sâu, là sự ứng phó linh hoạt trong đầu tư. Cổ phiếu "trà đá“ SGT là một ví dụ khác về những cố gắng nỗ lực nhưng không mang đến thành công như mong đợi, trong lĩnh vực mà các nhà quản lý không chuyên.
Tái cấu trúc đang diễn ra tại nhiều doanh nghiệp. Việc các thành viên của SSI tham gia Hội đồng quản trị của ELC là một ví dụ. Tuy không khiến giới truyền thông xôn xao như việc tái cấu trúc tại các tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước, nhưng các lãnh đạo doanh nghiệp vừa và nhỏ hiểu rất rõ sự cần thiết của việc tái cơ cấu. Tái cấu trúc để bảo toàn nguốn vốn và phát triển kinh doanh, đó là việc sống còn của doanh nghiệp.
Số lượng doanh nghiệp CNTT&TT đang được niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam còn rất ít ỏi. Các số liệu kinh doanh của họ cũng chỉ phản ánh được một phần nhỏ của bức tranh thị trường CNTT&TT. Hy vọng thời gian tới đây, việc đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước sẽ làm gia tăng nhanh số lượng doanh nghiệp CNTT&TT niêm yết trên thị trường chứng khoán. Các nhà đầu tư sẽ có được những phân tích đánh giá mang tính tổng thể hơn đối với việc kinh doanh CNTT&TT. Việc định hướng đúng dòng đầu tư sẽ mang lại lợi ích cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp và cả xã hội.
Tài liệu tham khảo
[1].http://www.hsx.vn; http://hnx.vn.
[2].http://cafef.vn; http://cafebiz.vn; http://www.ssi.com.vn; http://www. fpt.vn.
Quý Minh