Nguồn lao động kế cận cho các doanh nghiệp bưu chính hiện nay

Diễn đàn - Ngày đăng : 20:48, 03/11/2015

Mặc dù đã tinh giảm biên chế, thu gọn bộ máy cho những cán bộ sắp đủ tuổi về hưu nhưng nhân lực trong Tổng công ty Bưu chính Việt Nam (Vietnam Post) hiện nay vẫn lên tới 51.200 người (Viettel Post có khoảng 2.000 người).

NHÂN LỰC BƯU CHÍNH HIỆN NAY

Mặc dù đã tinh giảm biên chế, thu gọn bộ máy cho những cán bộ sắp đủ tuổi về hưu nhưng nhân lực trong Tổng công ty Bưu chính Việt Nam (Vietnam Post) hiện nay vẫn lên tới 51.200 người (Viettel Post có khoảng 2.000 người). Điều đáng nói là tuy con số nhân lực lớn nhưng lực lượng trẻ và số người đáp ứng được công việc hiện nay còn rất thiếu. Thị trường Bưu chính đang mở ra nhiều cơ hội kinh doanh mới, đòi hỏi các doanh nghiệp cũng như mỗi nhân viên phải nỗ lực tìm tòi những cách làm sáng tạo, đưa ra những dịch vụ phục vụ nhu cầu thiết thực của xã hội. Vì thế, nếu nhân viên bưu chính chỉ được đào tạo theo giáo trình cơ bản về nghiệp vụ thì chưa đủ. Ngày nay, họ được yêu cầu không chỉ giỏi về nghiệp vụ mà phải có kiến thức tổng hợp, hiểu về nhiều lĩnh vực. Những dịch vụ Bưu chính cơ bản sẽ áp dụng công nghệ mới, dần chuyển sang những dịch vụ giá trị gia tăng, ví dụ: dịch vụ thư trực tiếp (Direct mail), DataPost, các dịch vụ tài chính bưu chính, thương mại điện tử... Công tác phát triển thị trường, chăm sóc khách hàng được chú trọng hơn; thị trường, khách hàng đã trở thành trọng tâm, thành động lực trong chiến lược phát triển của doanh nghiệp. Các dịch vụ công của Chính phủ cũng được Vietnam Post tiếp cận và tổ chức thực hiện với hy vọng sẽ là những dịch vụ tiềm năng, mang lại nguồn thu lớn trong tương lai (Chi trả BHXH; Chuyển phát Hộ chiếu, CMND...). Mở rộng hợp tác với những đối tác lớn, uy tín trong nước và quốc tế để phát triển hàng loạt dịch vụ như: Chuyển phát nhanh quốc tế, Bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ, Truyền hình kỹ thuật số... Hiện nay, khi đến giao dịch tại các bưu cục, khách hàng không chỉ được phục vụ các dịch vụ bưu chính như gửi thư từ, tài liệu, hàng hóa mà còn có thể thanh toán các loại hóa đơn điện thoại, điện lực, Internet hay thanh toán phí bảo hiểm, ngân hàng...

Để góp phần tháo gỡ khó khăn này, nhân viên bưu chính tại khắp các tỉnh, thành phố đều đã được tham gia các khoá đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng. Đặc biệt, nhằm đảm bảo công tác đào tạo, bồi dưỡng bám sát thực tế, Vietnam Post đã triển khai phân loại đội ngũ lao động bưu chính thành các nhóm đối tượng để có cách thức, phương pháp và nội dung đào tạo, bồi dưỡng phù hợp. Ví dụ, cán bộ quản lý chức năng được tham gia các khóa bồi dưỡng, tập huấn chuyên sâu về các kỹ năng, nghiệp vụ như: tài chính, kế hoạch, đầu tư, tổ chức công việc, bộ máy nhằm giúp lực lượng này tiếp cận, làm quen với công việc nhanh hơn. Đối với đội ngũ lao động trực tiếp, công tác đào tạo, bồi dưỡng chủ yếu tập trung vào việc trang bị kỹ năng, kiến thức về tiếp thị, bán hàng, chăm sóc khách hàng.

Có thể nói, trong chặng đường sau chia tách, cùng với nhiều giải pháp, công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đã và đang góp phần quan trọng trong việc hiện thực hóa mục tiêu phát triển và nâng cao chất lượng lao động của Vietnam Post. Đáng chú ý, chuyển biến rõ nét nhất của đội ngũ nhân lực Vietnam Post thời gian qua, chính là việc đại đa số người lao động bưu chính trên toàn mạng lưới đã chuyển từ tư duy, cách làm thụ động trước đây sang tư duy kinh doanh năng động, linh hoạt, hướng tới thị trường, khách hàng. Người lao động trong ngành bưu chính đã xác định rõ cần phải cố gắng và tìm mọi cách để kinh doanh nhằm góp phần tăng doanh thu. Bên cạnh chuyển biến về nhận thức, kỹ năng thực hiện công việc của người lao động bưu chính đã thành thạo, nhuần nhuyễn hơn.

NGUỒN LAO ĐỘNG KẾ CẬN CHO CÁC DOANH NGHIỆP

Hệ thống cơ sở đào tạo

Hiện nay, VNPT có được một hệ thống đào tạo tương đối hoàn chỉnh về bưu chính, gồm Học viện Bưu chính Viễn thông và các trường Trung học Bưu chính Viễn thông và Công nghệ thông tin I, II, III và trường miền núi. Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đào tạo lĩnh vực bưu chính về quản lý, kinh doanh. Khối lượng môn học về bưu chính chiếm tỷ trọng không nhiều và chỉ là chuyên ngành hẹp trong chuyên ngành quản trị kinh doanh.

Về kỹ năng, nghiệp vụ bưu chính, các quy trình khai thác, thu gom, đóng gói, định tuyến. thư, bưu phẩm, bưu kiện là một trong những nhiệm vụ của các trường trung học kể trên. Thực tế những năm qua, khối đào tạo nghề trực thuộc VNPT vẫn chủ yếu đào tạo nguồn lực phục vụ cho nhu cầu của các Bưu điện tỉnh, thành của Vietnam Post. Theo lộ trình chia tách bưu chính, viễn thông, các Bưu điện tỉnh, thành tạm ngừng tuyển dụng hoặc tuyển dụng rất hạn chế từ năm 2008 dẫn đến học sinh chuyên ngành bưu chính tại các trường trung học ra trường không xin được việc làm. Do đó, công tác tuyển sinh gặp rất nhiều khó khăn.

Chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm rất thấp: trường Trung học Bưu chính Viễn thông và Công nghệ thông tin I (THBC VT&CNTT) có 200 chỉ tiêu, trường THBC VT&CNTT II có 200 chỉ tiêu, trường THBC VT&CNTT III có 250 chỉ tiêu và trường miền núi có 150 chỉ tiêu. Các trường chỉ xét tuyển thí sinh có nguyện vọng, đã tốt nghiệp Trung học phổ thông là đạt yêu cầu học nhưng thực tế tuyển sinh chỉ đạt khoảng 20% chỉ tiêu. Vì thế, nguồn nhân lực dự trữ cho các doanh nghiệp bưu chính rất ít.

Tháng 4/2014, Vietnam Post đưa Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ bưu điện đi vào hoạt động. Trung tâm có nhiệm vụ tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ bưu điện, ngoại ngữ, CNTT, kỹ năng quản lý, kỹ năng kinh doanh và các kỹ năng cần thiết khác. Trung tâm được giao tổ chức nghiên cứu, tham gia nghiên cứu, ứng dụng về đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ bưu điện, cải tiến quy trình sản xuất, triển khai sản phẩm, dịch vụ mới của Vietnam Post; xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy trình, quy định nghiệp vụ, cơ chế quản lý nội bộ của Vietnam Post. Trung tâm bồi dưỡng đào tạo riêng sẽ đảm bảo công tác phát triển nguồn nhân lực bưu chính tốt hơn, tích cực và hiệu quả hơn, đảm bảo các nhân viên trên mạng lưới bưu chính được trang bị đầy đủ kiến thức kỹ năng để đảm nhiệm tốt vị trí của mình trong dây chuyền sản xuất.

Doanh nghiệp tự đào tạo

Hiện nay, mỗi doanh nghiệp bưu chính đang vận hành theo một quy trình tác nghiệp khác nhau nên công tác đào tạo ở mỗi doanh nghiệp cũng có quy trình, phương pháp khác nhau. Cách đào tạo phổ biến ở Viettel Post là "cầm tay chỉ việc": người đi trước đào tạo người đến sau. Những người giàu kinh nghiệm, thạo nghề đúc rút từ quy trình thực tế của đơn vị mình, từ chính sách của nhà nước để xây dựng thành tài liệu, giáo trình phục vụ việc đào tạo, hướng dẫn nghiệp vụ cho các lớp nhân viên kế cận. Ngoài ra, tại các bưu cục, chi nhánh của Viettel Post, các giám đốc chi nhánh, bưu cục phải thường xuyên tổ chức đào tạo cho nhân viên. Công ty tổ chức kiểm tra trình độ nghiệp vụ của đội ngũ nhân viên các bưu cục, chi nhánh theo tuần, tháng và quý. Các đơn vị phải tự đào tạo, tự tổ chức kiểm tra và gửi bài về công ty.

Tại công ty Netco, đa phần nhân viên mới tuyển sẽ được đào tạo trong khoảng 2 tháng rồi mới bố trí công việc. Công ty tự xây dựng giáo trình từ các tài liệu trong nước, nước ngoài liên quan đến nghiệp vụ, các quy định của pháp luật Việt Nam và quốc tế, các quy trình phục vụ khách hàng. Với quy trình đào tạo nhân viên trung bình 3 tháng/lần, Netco đảm bảo nhân viên thích nghi được với công việc.

Với tổng số nhân viên là trên 800, trong đó phần đông mới tốt nghiệp lớp 12 nên việc tự đào tạo là công việc thường xuyên của công ty cổ phần Chuyển phát nhanh Tín Thành. Việc đào tạo chủ yếu từ công việc thực tế và rút ra kinh nghiệm rồi đào tạo lại cho nhân viên.

Hầu hết lực lượng tuyển vào của các doanh nghiệp chưa biết gì về bưu chính, chưa có hiểu biết về đường thư, bưu kiện... Do đó, doanh nghiệp bưu chính phải tiến hành đào tạo từ những khái niệm ban đầu nên thời gian để thành thạo công việc sẽ lâu hơn. Ngoài ra, chi phí đào tạo lên đến hàng trăm triệu VNĐ/năm. Chất lượng nhân viên và chất lượng dịch vụ không đồng đều do các doanh nghiệp phải tự đào tạo theo cách riêng của mình. Nếu các doanh nghiệp trên tuyển được học sinh đào tạo chính quy nghiệp vụ bưu chính sẽ đỡ mất thời gian, chi phí đào tạo lại. Trường học sẽ đào tạo những nghiệp vụ cơ bản nhất của bưu chính như: tem thư, thư chuyển phát nhanh, chỉ tiêu thời gian, quy trình cung cấp dịch vụ... Sau khi tuyển dụng, tùy theo đặc thù của mỗi doanh nghiệp, nhân viên sẽ được đào tạo lại nhưng sẽ dễ dàng hơn nhiều so với những khó khăn của các doanh nghiệp hiện nay. Thực trạng này đòi hỏi doanh nghiệp bưu chính và các trường đào tạo cần có sự phối hợp chặt chẽ để mang lại hiệu quả cao nhất cho ngành bưu chính.

Cử nhân "học" làm công nhân 

Việc lựa chọn một trường đại học không phải là quá khó cho một học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông bởi thi vào đại học đã trở nên dễ dàng hơn trước. Trong quá trình ngồi trên ghế nhà trường, học sinh ít khi nói đến và được nghe tới việc dạy nghề hay học nghề. Việc định hướng nghề nghiệp trong giáo dục hầu như còn bỏ ngỏ. Hơn nữa, hình ảnh người lao động trong con mắt người dân cũng như học sinh chưa được rõ nét. Tâm lý chung cho rằng tấm bằng đại học được coi như một thước đo về trí tuệ. Truyền thông cũng nói rất nhiều về đào tạo đại học mà không mấy khi nói tới việc dạy nghề. Vì vậy, trong tâm trí nhiều người, việc dạy nghề hầu như không được quan tâm. Thực tế xã hội hiện nay nhiều cử nhân ra trường không tìm được việc làm chứ chưa nói đến một việc làm phù hợp, đúng ngành nghề đào tạo. Vị trí thủ quỹ tại một bưu điện huyện của Sơn La có tới 5 cử nhân chuyên ngành kế toán nộp hồ sơ thi tuyển. Vị trí giao dịch viên tại một huyện của Cao Bằng, Bắc Kạn trung bình có khoảng 3-5 cử nhân các ngành: Quản trị kinh doanh, Sư phạm, Tài chính ngân hàng, Kế toán, Quan hệ quốc tế... đăng ký tuyển dụng. Sau khi được tuyển, các cử nhân được cử đi học một lớp nghiệp vụ 3 tháng về chuyên ngành bưu chính và trở về doanh nghiệp làm công nhân. Mặc dù nguồn tuyển dụng dồi dào nhưng với công việc lao động vất vả, đồng lương ít ỏi, liệu các cử nhân này có tận tụy cống hiến cho ngành, yêu nghề? Bài toán nguồn nhân lực liệu đã có lời giải thích đáng?

KHUYẾN NGHỊ

Trong quá trình xây dựng nguồn nhân lực kế cận, các doanh nghiệp bưu chính nên chú trọng vào các nội dung chủ yếu sau:

1.Đào tạo và định hướng phát triển nguồn nhân lực

Các doanh nghiệp cần xác định đủ số lao động, theo yêu cầu về trình độ, đáp ứng tiêu chuẩn chức danh công việc; Tập trung làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ, kỹ năng chuyên môn, nhạy bén trong ứng dụng phần mềm tin học cho người lao động; Có cơ chế để người lao động nâng cao trình độ trong quá trình công tác các giai đoạn tiếp theo. Một trong những nhiệm vụ cần thiết của các doanh doanh nghiệp là: Xây dựng chương trình định hướng công việc và phát triển nhân viên mới. Trong đó đưa ra tiêu chí bắt buộc khi tuyển dụng lao động mới vào làm việc thì các đơn vị phải tổ chức đào tạo cơ bản để người được tuyển dụng hiểu được về truyền thống, quá trình phát triển của doanh nghiệp, ý thức được vị trí, vai trò và bộ phận mình trong công việc; Tạo môi trường bình đẳng để khuyến khích nhân viên làm việc và cống hiến hết mình cho doanh nghiệp. Các tiêu chuẩn, điều kiện đưa ra phải cụ thể đối với từng vị trí công tác và cần được công bố công khai; Tạo động lực cho những người được đề bạt vào vị trí cao hơn phải là người giỏi hơn. Vị trí làm việc là một động lực thúc đẩy nhân viên vận dụng được khả năng trí tuệ của họ vào công việc mà họ đang đảm nhiệm. Đánh giá trình độ chuyên môn, sở thích của người lao động để bố trí đảm bảo "đúng người đúng việc".

2.Hoàn thiện công tác tuyển dụng

Các doanh nghiệp bưu chính dựa trên chính sách về tuyển dụng lao động, qui định về tiêu chuẩn nhân viên của nhà nước, của ngành để xây dựng các qui định, chính sách và tiêu chuẩn tuyển dụng phù hợp như: Mỗi doanh nghiệp cần hoạch định cho mình kế hoạch tuyển dụng kèm theo tiêu chuẩn cụ thể về trình độ, kinh nghiệm, ngoại ngữ, tin học, sức khoẻ, độ tuổi và hình thức. Mọi thông tin tuyển dụng, chế độ ưu tiên. cần được thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng. Quá trình thi tuyển phải được giám sát chặt chẽ và bảo đảm tính công bằng.

3.Cải thiện điều kiện lao động và nâng cao chất lượng môi trường làm việc

Hoàn thiện công tác tổ chức phục vụ nơi làm việc theo yêu cầu của công việc, tạo ra môi trường thuận lợi về tâm sinh lý cho người lao động. Doanh nghiệp luôn tạo được bầu không khí dân chủ, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau giữa những người quản lý, lãnh đạo với người lao động, giữa những người lao động với nhau để người lao động cảm nhận được sự tôn trọng và phát huy hết mọi tiềm năng của mình. Bên cạnh đó, doanh nghiệp thường xuyên tổ chức khám sức khoẻ, có kế hoạch chăm sóc sức khoẻ cho nhân viên. Việc làm này sẽ giúp nhân viên có một sức khoẻ tốt để họ tận tình với công việc và cảm thấy doanh nghiệp quan tâm nhiều đến mình.

4.Hoàn thiện chế độ đãi ngộ, đánh giá và khen thưởng người lao động

Đây là một trong những yếu tố nhằm thu hút nhân lực có trình độ học vấn, tài năng về doanh nghiệp. Công tác tiền lương phải thể hiện được giá trị của lao động trong từng loại công việc, nắm bắt được thông tin về khung lương cho loại lao động đó, công việc đó trên thị trường lao động để quyết định mức lương, mức trả công lao động hợp lý.

Ngoài ra, doanh nghiệp nên có cơ chế khuyến khích, động viên bằng các hình thức thưởng và đãi ngộ đối với người lao động: Thưởng cho những nhân viên phát huy sáng kiến cải tiến, phát triển doanh thu, giới thiệu được khách hàng mới. Mức thưởng công khai theo nội dung từng công việc.

Tài liệu tham khảo

[1].www.vnpost.vn.
[2].www.ptit.edu.vn.
[3].www.truongbuudienmn.edu.vn.
[4].www.bcvt1.edu.vn.
[5].www.ptivs2.edu.vn.
[6].www.sptit3.edu.vn.
[7].www.vietelpost.com.vn


 Nguyễn Thị Bích Thảo