Sinh viên với ước mơ làm giàu từ CNTT

Diễn đàn - Ngày đăng : 20:46, 03/11/2015

Ước mơ làm giàu từ CNTT là nội dung chính và thu hút sự quan tâm của đông đảo sinh viên tại buổi Tọa đàm “CNTT-nền tảng cho sáng tạo và thành công" được tổ chức trong khuôn khổ “Ngày hội máy tính cho cuộc sống" (PC for Life) lẩn đẩu tiên được Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND tỉnh Thái Nguyên và Hội Tin học Việt Nam phối hợp tổ chức.

LIÊN TỤC CẬP NHẬT KIẾN THỨC CNTT

"Tốt nghiệp CNTT nhưng phẩn lớn các bạn sinh viên vẫn loay hoay tìm việc, nhiều khi học xong không không làm đúng nghề, có thể đi lắp mạng Internet, đi bán máy tính, thậm chí đi cài "WIN" dạo. Làm cách nào để sống với nghề?" là băn khoăn của một sinh viên từ Hà Giang gửi ý kiến về Tọa đàm.

Ông Vũ Minh Trí, Tổng giám đốc Microsoft Việt Nam cho biết, đứng ở cương vị nhà tuyển dụng thì lực lượng lao động có kiến thức về CNTT đang thiếu trầm trọng. "Cái hay của CNTT là thay đổi liên tục nhưng đây cũng là một thử thách cho các bạn. Nếu như các bạn cứ chờ tới lúc sắp ra trường mới bắt đẩu xem những kiến thức chúng ta đang học có gắn với những gì đang diễn ra ngoài thực tế hay không thì lúc đó chúng ta sẽ chậm. Ví dụ, nếu chúng ta tiếp tục học các kiến thức liên quan tới đính nghĩa máy tính cách đây 5 năm thì không còn phù hợp với xu thế hiện nay. Xu thế bây giờ là điện toán đám mây, thiết bị di động, hạ tẩng CNTT để hỗ trợ điện toán đám mây. Do vậy, chúng ta thấy là việc học không chỉ gói gọn giáo trình ở trường mà chúng ta phải liên tục cập nhật kiến thức công nghệ diễn ra ở bên ngoài" ông Vũ Minh Trí nhấn mạnh.

Ông Trí cũng cho biết thêm Microsoft luôn ủng hộ việc cập nhật kiến thức. Sinh viên CNTT luôn được cung cấp phẩn mềm, công nghệ miễn phí của hãng. Cụ thể chương trình "Dream Spark" của Tập đoàn này đã giúp các sinh viên tham gia sẽ được cập nhật kiến thức CNTT mới nhất để thu hẹp khoảng cách giữa lý thuyết và thực tiễn.

MUỐN LÀM GIÀU CẦN CÓ Ý TƯỞNG

"Với 100 triệu đồng đi vay để mở cửa hàng kinh doanh máy tính và làm web? Liệu việc kinh doanh có thể thành công?", một sinh viên đã hỏi ông Hà Huy Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị VIC Invest, nhà đầu tư, doanh nhân thế hệ "8x" khởi nghiệp với một trung tâm bảo dưỡng máy tính, một điển hình cho doanh nhân trẻ qua cơn bão thời khủng hoảng cùng với CNTT. Ông Thanh cho rằng: "CNTT-TT là công cụ để chúng ta thực hiện ước mơ. Riêng mong muốn trở thành doanh nhân và kinh doanh CNTT là rất tốt".

Ông Hà Huy Thanh đã chia sẻ câu chuyện của chính bản thân trên con đường lập nghiệp và thành công từ CNTT. Ông Thanh cho biết, cách đây 10 năm, khi là sinh viên năm thứ 2 đã giành được giải thưởng 25.000 USD của một công ty về khởi nghiệp tài năng kinh doanh. Nhưng qua kinh nghiệm khởi nghiệp, không cần đến 25.000 USD mà chỉ cần 50 triệu đồng để bắt đầu từ sửa máy tính, thiết kế web,... CNTT thay đổi hàng ngày, hàng giờ và hãy ứng dụng CNTT thông minh hơn. “Các em đang sống ở thập niên khác hơn thì có cách tư duy tốt hơn. Vấn đề không phải là CNTT mà phải sáng tạo tri thức từ CNTT, tức là các em phải biến CNTT thành kiến thức và kiến thức thành sản phẩm và dịch vụ. Các em biết phát huy lợi thế của người đi sau và nên phát huy những thứ mà các em có thể làm như dựa trên phần mềm, điện toán đám mây, tức là các em phải biết "đúng trên vai người khổng lồ".

Ông Thanh đưa ra ví dụ về CEO Facebook - Mark Zuckerberg - vận dụng những gì đã có sẵn, cả phần cứng và phần mềm để đưa ra Facebook và kinh doanh làm giàu rất nhanh. Với tinh thần như vậy thì 100 triệu đồng hay 200 triệu đồng không quan trọng mà vấn đề là CNTT là nền tảng cho sáng tạo và kết nối.

"Nếu có một ý tưởng hãy thuyết phục nhà đầu tư về ý tưởng đó sẽ hay hơn nhiều. Chúng ta không sợ thiếu tiền mà sợ thiếu ý tưởng tốt. Không nhất thiết phải đi theo con đường của anh mà có thể đi theo con đường của riêng mình", ông Hà Huy Thanh nhấn mạnh.

Đồng quan điểm về ý tưởng và sáng tạo, ông Vũ Minh Trí cho biết: Microsoft đánh giá lập trình viên giỏi là dựa trên ý tưởng, ứng dụng đưa ra có đáp ứng được những nhu cầu thiết thực trên thị trường hay không. Gương thành công trên thế giới tới thời điểm này không bắt đầu từ người làm lập trình giỏi mà bắt đầu từ ý tưởng vì thế giới bây giờ không phải một người làm được tất cả. “Các bạn có ý tưởng để từ đó sáng tạo ra những ứng dụng CNTT giải quyết được những khó khăn trong cuộc sống thì các bạn sẽ được nhiều người ủng hộ", ông Vũ Minh Trí khẳng định.

Nhiều người hôm nay cũng dùng Facebook, công cụ tìm kiếm... nhưng những người làm ra công cụ đó trở nên vĩ đại không phải lập trình viên giỏi mà từ ý tưởng muốn kết nối mọi người với nhau, đầu tiên chỉ để chia sẻ hình ảnh trong trường, sau đó mở rộng thêm có tên tuổi, bạn bè. Ý tưởng cứ phát triển từ nhu cầu của những người bạn. Khi bạn cần tìm hiểu thông tin cần thiết nào đó, bạn muốn có một công cụ tìm kiếm trợ giúp mình. Công cụ tìm kiếm ra đời từ đó. "Vậy lời khuyên cho các bạn sinh viên là tập trung vào cái gì đó bình thường. CNTT không phải là cái gì xa vời, mà là sự cần thiết đáp ứng thực tế cuộc sống như các ứng dụng giao thông, tên đường...", ông Vũ Minh Trí chia sẻ.

Ông Mai Sean Cang, Tổng giám đốc Intel Việt Nam cho biết, khi một công ty nước ngoài tuyển một kỹ sư, nhân viên kinh doanh, nhà tuyển dụng muốn nghe ý kiến của người muốn được tuyến dụng chứ không phải bảo sao làm vậy. Người được phỏng vấn tuyển dụng phải có sáng tạo, đưa ra các giải pháp và còn phải tranh luận để bảo vệ những giải pháp mình đưa ra. Lãnh đạo công ty tuyển dụng muốn nghe ý tưởng của người muốn được tuyển dụng.

"'Khi tuyển một người nhân viên thì tôi không chỉ tuyển nhân viên cho biết sẽ làm được gì mà muốn nghe những gì trong trí óc của họ“, ông Cang cho hay. 

BIẾT TẬN DỤNG CƠ HỘI TỪ CNTT

Ông Mai Sean Cang cho biết, CNTT đưa đến cho chúng ta rất nhiều cơ hội mà cách đây 20 năm chúng ta chưa bao giờ có. Ví dụ, có một gia đình chuyên may áo dài ở miền Nam không có tiền để thuê mặt bằng lớn làm cửa hàng và gia đình này đã đưa các sản phẩm áo dài lên trang web nhờ chiếc máy tính nhỏ và bán cho Việt kiều ở Mỹ. Mỗi khi gia đình Việt kiều Mỹ có đám cưới, họ lên web của gia đình này đặt các bộ áo dài cho cô dâu, chú rể. Mỗi bộ quần áo dài cưới bán được 300 USD thay cho 3 triệu đồng bán ở Việt Nam và phải cạnh tranh với các tiệm may trong nước. Đây là một ví dụ về CNTT mang đến cơ hội mới mà trước đây chúng ta chưa bao giờ nghĩ tới.

Ông Hà Huy Thanh cũng cho biết, khi các bạn trẻ có một giải pháp thì cần tự tin giải pháp của mình có thể giải quyết được vấn đề của người khác, giải pháp của mình là giải pháp của người khác và thành công của mình là thành công của người khác. Đây là những câu chuyện thành công của những người thành công trên thế giới từ Bill Gates, Steve Jobs, họ đều đi giải quyết vấn đề của người khác và họ giải quyết thành công. Họ thành công bằng sự thành công của người khác.

Theo ông Mai Sean Cang, sinh viên Việt Nam có đủ khả năng để thành công. Ông Cang cho biết Intel có một chương trình đào tạo cung cấp 30 - 40 học bổng để đưa sinh viên Việt Nam đã học 2 năm ở trong nước sang Hoa Kỳ học 3 năm còn lại rồi trở về Việt Nam làm việc tại nhà máy Intel Việt Nam.

"Tôi rất tự hào vì giáo viên ở Hoa Kỳ đều đánh giá cao các em học sinh chăm chỉ và em nào nhận học bổng của Chương trình này đi đào tạo đều được nhận vào nhà máy Intel Việt Nam" ông Cang cho biết.

Ông Hà Huy Thanh cho rằng, người trẻ cần công cụ hỗ trợ là máy tính nhưng cần xác định có máy tính để làm gì? Thực hiện ước mơ gì? CNTT là công cụ vạn năng, tuy nhiên, mỗi người trẻ phải biết xác định mục tiêu mình sẽ đi đến đâu và CNTT hỗ trợ gì? CNTT là công cụ, CNTT không phải là đũa thần. Chúng ta dành nhiều thời gian để học cách sử dụng máy tính nhưng giữa hai tai của chúng ta là một siêu máy tính, đó là bộ não, hoạt động dựa trên sự kết nối và sáng tạo.

Bài: Lan Phương
Ảnh:Mạnh Vỹ