ICT - Động lực cho xã hội học tập suốt đời
Quốc tế - Ngày đăng : 20:43, 03/11/2015
Vai trò của ICT đối với XHHT
ICT thâm nhập và chi phối hầu hết các lĩnh vực nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ trong sản xuất, giáo dục, đào tạo và các hoạt động chính trị, xã hội khác, nhất là tính cá nhân hóa ngày càng cao. Với kỷ nguyên xã hội số hóa như hiện nay, ICT đã và đang đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của một xã hội học tập. Nhờ sự hỗ trợ tối đa của ICT mà người học tự tạo cảm hứng học tập,vượt ra khỏi những hạn chế của bản thân, đam mê học tập mà không thấy việc học là vất vả và gian truân. Học tập là một công việc suốt đời mà con người phải đảm nhiệm một cách vui vẻ và thành công, nhằm đạt đến sự hoàn thiện cả về trí tuệ, thể chất và tình cảm. Có thể nói rằng ICT đã có những tác động rất lớn tới sự phát triển của XHHT ngày nay theo các góc độ: từ chủ trương chính sách của cơ quan quản lý tới thúc đẩy nhu cầu học tập, nâng cao năng lực của cá nhân và nắm bắt những cơ hội để làm giàu thêm tri thức của nhân loại.
Thúc đẩy nhu cầu của người học
Trong nền kinh tế tri thức ngày nay, việc sở hữu tài sản là tri thức cần thiết hơn bao giờ hết. Nó xuất phát từ nhu cầu nội tại của mỗi con người, như cơm ăn, nước uống hàng ngày. Đó là niềm đam mê khám phá những chân trời khoa học, là sự khát khao hiểu biết kho trí thức của nhân loại, là ước muốn chinh phục những đỉnh cao của sự phát triển công nghệ, những phát minh, sáng chế...; nhưng đồng thời cũng là sự hiểu biết những kiến thức thường vận dụng hàng ngày nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống.
ICT được coi là hạ tầng của hạ tầng trong thời đại phát triển và hội nhập, đồng thời là giải pháp hỗ trợ vạn năng cho tất cả mọi người, trong đó có việc tạo nên một hạ tầng đáp ứng nhu cầu học tập và nghiên cứu. Trong xã hội số ngày nay, mỗi cá nhân đều có thể học tập và có nhu cầu xây dựng cơ sở dữ liệu và các nội dung số của riêng mình (đơn cử như các homepage của các nhà khoa học, giảng viên các trường đại học, hay những thông tin của chủ tài khoản trên mạng xã hội Facebook, twister ...). Mỗi đơn vị, tổ chức buộc phải xây dựng cơ sở dữ liệu và nội dung số của từng đơn vị phục vụ công tác điều hành công việc.
Trong vòng 2 thập niên trở lại đây, mạng Internet đã phát triển và ngày mở rộng cả về băng thông lẫn số người sử dụng. Báo cáo cuối năm 2014 của ITU về dữ liệu ICT toàn cầu và xếp hạng các nước theo Chỉ số phát triển ICT chỉ ra rằng, việc sử dụng Internet tiếp tục gia tăng bền vững ở mức 6,6% trên toàn cầu vào năm 2014, trong đó, các nước phát triển là 3,3% và 8,7% ở các nước đang phát triển. Số người sử dụng Internet ở các nước đang phát triển tăng gấp đôi trong vòng 5 năm qua (2009-2014), với 2/3 số người dùng trực tuyến là đến từ các nước đang phát triển [1].
Hình 1: Xu hướng phát triển ICT toàn cầu giai đoạn 2001-2014 [1].
Ngoài ra, sự phát triển nhanh chóng của các thiết bị như điện thoại thông minh, máy tính bảng… đã hỗ trợ người dùng có thể sử dụng các tính năng đã tích hợp trên thiết bị, đồng thời tải các ứng dụng trên các kho ứng dụng của nhà cung cấp, để học mọi lúc mọi nơi, mọi thời điểm.
Nâng cao năng lực người học
Nhu cầu học tập càng nâng cao thì càng đòi hỏi năng lực tiếp thu những kiến thức. Những video clip giới thiệu các tài liệu, sách hướng dẫn người học thực hành những nguyên lý quản lý trong thời kỳ mới là rất bổ ích cho những ai muốn tìm hiểu và học hỏi. Hiện nay, các cơ sở đào tạo, các đơn vị nghiên cứu sẵn sàng các modul để thiết kế khóa học phù hợp theo nhu cầu của người học nhằm nâng cao năng lực của bản thân, phục vụ cho nhiều đối tượng, ví dụ các khóa học tạo động lực, hướng dẫn học hiệu quả, dạy nghề, hướng dẫn trồng cây, thu hoạch...có thể dễ dàng tìm thấy khi người học kết nối mạng Internet.
Cơ hội học tập cho mọi người
Sự phát triển của ICT đã thúc đẩy làm dịch chuyển xã hội học tập bước sang thời kỳ học tập có tương tác, sử dụng tài nguyên số, các phương tiện truyền thông tích hợp đa phương tiện, mạng xã hội, môi trường ảo ... làm tăng nguồn tri thức và kinh nghiệm dựa trên sự chia sẻ cộng đồng, vì vậy việc tự học của mỗi cá nhân theo nhu cầu và năng lực ngày càng dễ dàng, thuận lợi. Tham gia các hội thảo với các chuyên gia, những người cùng có mối quan tâm về lĩnh vực chuyên môn thông qua các hội nghị, hội thảo trực tuyến, qua mạng (webinar, skype, video calls...) hoặc tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn theo chuyên đề, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, nâng cao năng lực là hết sức cần thiết trong xã hội ngày nay.
ICT hỗ trợ các hình thức tự học thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như:phát thanh, truyền hình, mạng Internet (E-learning) hay học từ xa... Đây là những hình thức học hiệu quá, khắc phục được khoảng cách giữa thầy và trò, giảm thời gian đi lại, giảm đầu tư xây dựng trường sở, ký túc xá ... và quan trọng là người học chủ động được thời gian học.
Việt Nam với việc xây dựng XHHT
Dưới sự lãnh đạo của Đảng thông qua nghị quyết các Đại hội, đặc biệt là nghị quyết Trung ương 2 khoá VIII, Đại hội Đảng lần thứ IX, lần thứ X và gần đây là Đại hôi XI đã khảng định chủ trương phát triển giáo dục-đào tạo nước ta theo hướng “cả nước trở thành một xã hội học tập”.
Tư duy về xã hội học tập đã được Bác Hồ khai sáng ngay từ những ngày đầu của chính quyền cách mạng” [3], với các chủ trương như: “diệt giặc dốt”, chính sách khuyến học. Nắm bắt và làm chủ công nghệ luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm đặc biệt. Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH được thông qua tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI chỉ rõ:“Đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT theo nhu cầu phát triển của xã hội; nâng cao chất lượng theo yêu cầu chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế, phục vụ đắc lực sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đẩy mạnh xây dựng XHHT, tạo cơ hội và điều kiện cho mọi công dân được học tập suốt đời”.
Cụ thể hóa chủ trương của Đảng, ngày 09/1/2013, Thủ tướng chính phủ đã phê duyệt Đề án “Xây dựng XHHT giai đoạn 2012-2020” với mục tiêu tổng quát: “Tạo mọi cơ hội và điều kiện thuận lợi để mọi người, ở mọi lứa tuổi, mọi trình độ được học tập thường xuyên, học tập suốt đời ở mọi nơi, mọi lúc phù hợp với nhu cầu điều kiện và hoàn cảnh của mỗi cá nhân”. Đề án đã khẳng định: XHHT và học tập suốt đời có quan hệ chặt chẽ với nhau tạo thành giải pháp hữu hiệu nhất để mỗi cá nhân hoàn thiện mình nhằm đáp ứng và thích nghi với quá trình phát triển kinh tế-xã hội. Đề án có sự tham gia của nhiều Bộ, ngành, từ cấp Trung ương đến địa phương, tạo ảnh hưởng sâu rộng trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
Nhận thức và cũng nhằm khẳng định vai trò ICT, trong Nghị quyết 36-NQ/TW về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế (Nghị quyết 36), Đảng và Nhà nước đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030, đưa năng lực nghiên cứu, ứng dụng, phát triển, sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ CNTT đạt trình độ tiên tiến thế giới; Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về CNTT và bằng CNTT.
Hiện tại, tỷ lệ kết nối mạng Internet tại Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng, nhất là trong khối quản lý nhà nước (Hình 2) [2].Theo số liệu trong Sách trắng CNTT-TT Việt Nam năm 2014, tính đến hết năm 2013, số thuê bao điện thoại di động/100 dân là 137,93%; số người sử dụng Internet là 33.191.166 người; số người sử dụng Internet/100 dân là 37%.
Hình 2: Tỷ lệ máy tính kết nối Internet trong các cơ quan nhà nước của Việt Nam [3].
Tỷ lệ hộ gia đình có ti vi, điện thoại, máy tính cũng tăng cao (Hình 3), cho thấy cơ hội tiếp cận thông tin mọi lúc, mọi nơi của người dân đang ngày càng mở rộng. Vì thế, việc học tập thông qua các chương trình ti vi hay thông qua các ứng dụng trên điện thoại di động, máy tính…. đang ngày càng được sử dụng rộng rãi.
Hình 3: Mức độ trang bị thiết bị ICT trong các hộ gia đình tại Việt Nam [3].
Một số vấn đề trao đổi
Những tác động tích cực mà ICT đem lại thúc đẩy nhu cầu, năng lực của mỗi người và tạo cơ hội học tập trong suốt cuộc đời làm nên sự phát triển của XHHT, song vẫn còn đó những vấn đề xung quanh việc đánh giá, định giá giá trị của sản phẩm trí tuệ, tri thức, vấn đề sở hữu trí tuệ đối với tài sản trí thức...
Mặt khác, tính đúng đắn và xác thực của những thông tin được đăng tải trên mạng, đòi hỏi người học phải chọn lọc và không bị mắc bẫy trong rừng các “liên kết” khi thông tin được tham chiếu từ vô vàn các nguồn khác nhau.
Một vấn đề nữa là an toàn thông tin khi người học truy cập vào các trang mạng, nếu không biết tự trang bị bức tường lửa hay các phần mềm phát hiện mã độc thì các thiết bị của họ rất dễ bị tấn công và hậu quả thì khó có thể dự báo trước.
Mặc dù vậy, không thể phủ nhận rằng ICT là động lực tích cực thúc đẩy sự phát triển XHHT mà ở đó, việc học tập suốt đời giúp ích cho việc hoàn thiện bản thân mỗi cá nhân riêng lẻ, nhưng mang lại lợi ích cho cộng đồng và toàn xã hội. ICT cung cấp hạ tầng, hỗ trợ các điều kiện cho việc tổ chức và tự tổ chức các hình thức học tập suốt đời nhằm giúp người học học mọi nội dung (cần thiết); học mọi lúc, mọi thời điểm của cuộc đời, học bằng mọi cách, học mọi nơi trong mọi hoàn cảnh; học mọi người nhằm kiến tạo nên những giá trị của bản thân cho hiện tại và tương lai.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]ITU releases annual global ICT dataand ICT Development Index country rankings, http://www.itu.int.
[2]Chủ tịch Hồ Chí Minh với chiến lược xây dựng xã hội họctập,http://doantn.hpu2.edu.vn
[3] Báo cáo chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT-TT Việt Nam năm 2014, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Tin học Việt Nam, 8/2014.