Đoàn kết ASEAN là chìa khóa đảm bảo an ninh khu vực

An toàn thông tin - Ngày đăng : 20:39, 03/11/2015

Thúc đẩy tình đoàn kết, nhất trí trong ASEAN là chìa khóa đảm bảo an ninh khu vực trước những diễn biến phức tạp mới.

Đó là nhận định chung của cuộc hội thảo bàn tròn có chủ đề “Thay đổi quan hệ quyền lực tại Đông Á và tác động đến ASEAN” được tổ chức ngày 24/3 với sự có mặt của đại diện nhiều quốc gia thành viên ASEAN tại trụ sở Đại Sứ quán Việt nam tại Pháp. 

Hội thảo bàn tròn “Thay đổi quan hệ quyền lực tại Đông Á và tác động đến ASEAN” 

Cuộc thảo luận bàn tròn, với diễn giả chính là Tiến sỹ Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Viện nghiên cứu chiến lược ngoại giao thuộc Học viện Ngoại giao Việt Nam, thu hút sự quan tâm và tham gia của đại diện nhiều nước Đông Nam Á tại Pháp, trong đó đặc biệt có Đại sứ Philippines tại Pháp và Monaco. 

Với chủ đề “Thay đổi quan hệ quyền lực tại Đông Á và tác động đến ASEAN”, Tiến sỹ Hoàng Anh Tuấn đã đề cập đến nhiều vấn đề và ý tưởng khá mới mẻ nhằm đảm bảo an ninh trong khu vực. 

Đặc biệt, nhận định của ông về yêu cầu cần thiết thúc đẩy tình đoàn kết, nhất trí trong ASEAN là chìa khóa đảm bảo an ninh khu vực nhận được sự hưởng ứng và ủng hộ mạnh mẽ của đại diện các nước ASEAN có mặt tại cuộc bàn tròn. 

Trả lời phóng viên VOV sau cuộc họp bàn tròn, Đại sứ Philippines tại Pháp và Monaco Theresa Lazaro nhấn mạnh ASEAN phải đoàn kết để đấu tranh với những hành động của Trung Quốc tại Biển Đông, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế. 

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Bà Lazaro nói: “Hành động của Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982. Hơn nữa, hành động xây đảo nhân tạo của Trung Quốc mới đây còn đe dọa phá hủy nghiêm trọng môi trường, đe dọa đến nhiều loài quý hiếm. Hành động của Trung Quốc hoàn toàn không có chút căn cứ pháp lý nào cả”. 

“Tôi hoàn toàn đồng ý với nhận định rằng, ASEAN cần để ý đến thực tế mọi việc xảy ra trong khu vực đều có tác động trực tiếp đến các nước thành viên ASEAN và ASEAN phải đoàn kết, nhất trí để bảo vệ Bộ Quy tắc ứng xử và Tuyên bố ứng xử của các bên trên Biển Đông. Trung Quốc hoàn toàn vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và các văn kiện mà Trung Quốc đã ký”. 

Cuộc thảo luận bàn tròn nằm trong chuỗi một loạt hoạt động của Tiến sỹ Hoàng Anh Tuấn tại Pháp và châu Âu nhằm giới thiệu, phân tích với các học giả Pháp và khu vực về những thách thức an ninh đối với Việt nam cũng như bức tranh an ninh toàn khu vực Đông Á. 

Theo Tiến sỹ Hoàng Anh Tuấn, việc thúc đẩy hợp tác giữa giới học giả Việt nam với Pháp và châu Âu có ý nghĩa quan trọng, bởi đây chính là đội ngũ nghiên cứu chiến lược, giúp hoạch định chính sách cho các chính phủ.    

Tiến sỹ Hoàng Anh Tuấn cho biết: “Qua các cuộc làm việc và trao đổi với các học giả Pháp, tôi cảm nhận đầu tiên là học giả Pháp chưa hiểu nhiều về khu vực ASEAN. Thứ hai, các học giả Pháp thấy những diễn biến ở khu vực và sự quan tâm của Pháp thực sự rất gần nhau và họ muốn biết nhiều hơn về tình hình khu vực. 

Viện nghiên cứu chiến lược thuộc Học viện Quốc phòng Pháp đã ngay lập tức đề nghị thiết lập hợp tác nghiên cứu với Viện nghiên cứu chiến lược tại Học viện ngoại giao; giữa hai cơ quan nghiên cứu chiến lược hàng đầu của Pháp và Việt Nam. 

Điều đó chứng tỏ sự quan tâm của học giả Pháp, công chúng Pháp với những vấn đề an ninh của khu vực Đông Á, hiểu rằng có tác động ngay đến những vấn đề an ninh của châu Âu. 

Trong quá trình trình bày, tôi cũng trình bày cho các bạn Pháp biết những thách thức an ninh của Việt nam không chỉ là vấn đề của Việt nam hay khu vực mà liên quan đến cả thách thức an ninh của Pháp. 

Chúng ta đang sống trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau, họ thấy rằng đây không chỉ an ninh của nước Pháp mà của cả châu Âu gắn liền với những thách thức của Việt Nam”. 

Tại cuộc hội thảo quốc tế với chủ đề “Những thách thức an ninh đối với Việt Nam trong năm 2015” được tổ chức tại Viện Nghiên cứu Chiến lược thuộc Học viện Quân sự Pháp ngày 23/3, Tiến sỹ Hoàng Anh Tuấn nêu ra 3 thách thức lớn nhất đối với Việt Nam. 

Tiến sỹ Hoàng Anh Tuấn

Đầu tiên đó là việc xử lý các tranh chấp lãnh thổ trong khu vực, đảm bảo độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. 

Thứ hai là thách thức trong xử lý quan hệ với các nước lớn và trong đó, thách thức đối với Việt Nam là phải làm sao duy trì sự thống nhất, đoàn kết, vững mạnh trong ASEAN bởi đây là nguồn gốc của tất cả câu chuyện. Nếu ASEAN đoàn kết thì mới kéo được tất cả các nước vào xử lý vấn đề, ASEAN có mạnh thì mới giải quyết tốt quan hệ với các nước lớn. 

Thách thức thứ ba là phát triển kinh tế, duy trì sự thịnh vượng của Việt Nam. Nếu không mạnh về kinh tế, chúng ta sẽ không đủ khả năng, nguồn lực để duy trì sức mạnh quốc phòng, hội nhập yếu hơn, chúng ta bị khoảng cách phát triển xa hơn các nước láng giềng thì tất cả sẽ ảnh hưởng đến vị thế, ngoại giao của Việt Nam./.

Thùy Vân/VOV– Paris