Trưng bày báo chí Cách mạng 1925 – 1945

Đời sống xã hội - Ngày đăng : 20:26, 03/11/2015

Lần đầu tiên, công chúng Hà Nội được tận mắt ngắm nhìn những tờ báo Cách mạng từ thời kỳ đầu thế kỷ 20. Đây là bộ sưu tập báo chí vô cùng độc đáo và có ý nghĩa lớn, được Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam đưa ra giới thiệu với người xem từ ngày 28-8, nhân dịp kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9.


200 hiện vật gồm cả ấn bản gốc và bản scan nhiều tờ báo, cùng nhiều hiện vật quý liên quan đến việc biên soạn, in ấn và phát hành báo chí hồi đầu thế kỷ được Bảo tàng giới thiệu trong trưng bày chuyên đề mang tên “Sưu tập Báo chí Cách mạng Việt Nam 1925 – 1945).

Trưng bày gồm khoảng gần 90 đầu báo, tạp chí Cách mạng hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bảo tàng Thái Nguyên, Bảo tàng Sơn La…. Trưng bày chia thành năm phần bao gồm các giai đoạn 1925-1930, 1930-1936, 1936-1939, và 1939-1945.

Được đặt trang trọng ngay gian đầu của trưng bày là tờ báo Thanh Niên số ra ngày 3-10-1926, cơ quan ngôn luận của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, dưới vai trò của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Bên cạnh đó là hàng loạt đầu báo tiêu biểu như Bôn-sê-vích, Công Nông Binh, Thân Ái, Búa Liềm, tạp chí Công hội Đỏ, Lao Động, Hầm Mỏ, Dân Cày, tạp chí Đỏ, Tranh Đấu, Tiến Lên, Cờ vô sản, Giác ngộ, Tin Tranh đấu Bắc Kỳ, Hồn lao động, Phấn đấu, Tiến Hóa, Tin Tức, Dân chúng, Thế giới, Đông Phương, Dân Muốn, Hồn trẻ, Việt Nam Độc Lập, Cờ Giải Phóng, Cứu Quốc…

Đáng chú ý là trong số này có khá nhiều báo viết bằng tiếng Pháp, có thể xuất bản ở Pháp hoặc ở Việt Nam, nhấn mạnh vào nội dung tuyên truyền chủ nghĩa Mác – Lê nin, Quốc tế Cộng sản, Liên Xô, Đảng Cộng sản Pháp và Mặt trận Nhân dân Pháp, Mặt trận chống phát xít, cổ động quần chúng tham gia cuộc vận động Đông Dương Đại hội, bầu cử và đấu tranh nghị trường, phát động quần trúng đấu tranh đòi các quyền tự do dân chủ, tự do báo chí…

Báo chí giai đoạn 1925-1945 được xuất bản bằng nhiều cách: bút thép trên giấy sáp, đánh máy trên giấy sáp, mực tím trên giấy rồi in trên bàn thạch, hay đất sét, chép tay làm nhiều bản. Mỗi tờ báo khuôn khổ các số không đều nhau, loại giấy không thống nhất, lúc giấy tốt, lúc giấy xấu, khi bị nhòa nhiều, và số báo phát hành không định kỳ…

Có thể thấy con đường báo chí cách mạng thời kỳ 1925-1945 phát triển rõ nét, từ cách trình bày cho đến nội dung tuyên truyền, từ những trang báo đơn sơ với câu chữ giản dị, cho đến những bài viết sắc sảo, đanh thép… Mỗi tờ báo, mỗi hiện vật là một câu chuyện thú vị về cha ông ta làm báo cách chúng ta gần một thế kỷ.

Ngoài ra, hình ảnh về những tòa soạn báo đầu tiên ấy, như tòa soạn báo Tin Tức ở phố Phùng Hưng, tòa soạn báo Lao Động ở ngõ Thông Phong… cũng được giới thiệu tại triển lãm.

Một phần không nhỏ của trưng bày là sưu tập truyền đơn, giới thiệu những lá truyền đơn thời kỳ tiền khởi nghĩa, gắn với sự ra đời và hoạt động của Mặt trận Việt Minh và Trung đội cứu quốc quân tiến tới thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, cao trào kháng Nhật cứu nước, Cách mạng tháng Tám thành công… Bộ sưu tập gồm các truyền đơn của Đảng Cộng sản Đông Dương, Mặt trận Việt Minh, Việt Nam Công giáo kháng Nhật cứu quốc Hội… kêu gọi binh lính Pháp phản chiến, kêu gọi đồng bào Việt Nam ủng hộ cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn…

Một phần bộ sưu tập truyền đơn.

Góp mặt tại triển lãm còn có những nhân chứng từng tham gia các hoạt động báo chí tuyên truyền thời kỳ đó. Ông Trần Xuân Đặng, năm nay 88 tuổi, ở Hà Nội kể lại: “Ngày xưa, chúng tôi nhận truyền đơn ở trên phát về rồi buổi tối đem đi rải. Có những lúc còn vừa rải truyền đơn kết hợp với tuyên truyền, thuyết phục người dân.

Ra mắt vào đúng dịp kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9, bộ sưu tập báo chí Cách mạng Việt Nam thời kỳ 1925-1945 là hoạt động đầy ý nghĩa giúp người dân hiểu hơn về một thời kỳ làm báo đầy cam go, gian khổ của những người đi trước.