15 năm phát triển và quản lý tài nguyên Internet Việt Nam: Hội nhập, cơ hội và thách thức (P1)
Diễn đàn - Ngày đăng : 20:24, 03/11/2015
Quản lý nguồn tài nguyên Internet Việt Nam
Việt Nam chính thức kết nối Internet từ tháng 12/1997 với 4 ISP là VNPT, FPT, NETNAM, SaigonNet (SPT). Ngày 01/12/1997, tên miền quốc gia Việt Nam đầu tiên “VISTA.GOV.VN” được cấp phát. Tại thời điểm đó, do cơ sở hạ tầng kết nối quốc tế vẫn thông qua đường truyền duy nhất của VNPT nên Tổng cục Bưu điện tạm giao cho VNPT (đại diện là VDC) quản lý hệ thống máy chủ tên miền quốc gia “vn” (khai báo địa chỉ Website, thư điện tử,...). Với sự phát triển nhanh chóng của Internet, yêu cầu về sự tách biệt giữa công tác quản lý nhà nước (QLNN) và hoạt động dịch vụ, việc hoạch định, xây dựng chính sách và quản lý tài nguyên Internet ngày càng cao để hỗ trợ thúc đẩy Internet phát triển đúng hướng, nhiệm vụ cần thiết phải thành lập một đơn vị nhà nước để thực hiện trọng trách quản lý nguồn tài nguyên Internet quốc gia (chức năng của NIC theo thông lệ quốc tế). Do đó, Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) đã được thành lập ngày 28/4/2000, với tên gọi là Trung tâm Thông tin mạng Internet Việt Nam, trực thuộc Tổng Cục Bưu điện (nay thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông) để thực hiện nhiệm vụ này. Trong năm 2000, số lượng tên miền “.vn” cấp phát chỉ là 182 tên miền.
Tại Việt Nam, sự tham gia của Chính phủ và yếu tố tập trung quản lý là quan điểm được duy trì xuyên suốt từ thời kỳ đầu đón nhận Internet vào Việt Nam cho đến ngày nay, với mục tiêu bảo đảm nguồn tài nguyên tối ưu để cung cấp cho các hoạt động phát triển mạng lưới của Internet Việt Nam trong khi vẫn đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước. Quản lý hiệu quả nguồn tài nguyên Internet thông qua việc hoạch định và áp dụng các chính sách đúng đắn nhằm tạo hành lang pháp lý chặt chẽ nhưng cởi mở để quy hoạch, phân bổ tài nguyên phù hợp đáp ứng được dung lượng cho sự phát triển của hoạt động mạng và các chính sách, thông lệ quốc tế; quản lý chính xác thông tin chủ thể đăng ký sử dụng; giám sát chặt chẽ việc đăng ký sử dụng tài nguyên Internet sẽ góp phần đắc lực thúc đẩy Internet phát triển mạnh mẽ và bền vững. Theo Luật Viễn thông, tài nguyên Internet là tài nguyên quốc gia, là tập hợp tên và số thuộc quyền quản lý của Việt Nam được quy hoạch thống nhất để bảo đảm cho hoạt động Internet. Quản lý nguồn tài nguyên Internet một cách hiệu quả là góp phần đem lại sự bình ổn, an toàn thông tin mạng cũng như các hoạt động xã hội nói chung. Quản lý tài nguyên Internet là một trong những phương thức quản lý hoạt động Internet.
Trải qua 15 năm hoạt động quản lý và thúc đẩy phát triển, tài nguyên Internet Việt Nam đã tăng trưởng với các con số ấn tượng, đồng hành, phục vụ cho sự phát triển mạnh mẽ của Internet Việt Nam trong suốt giai đoạn vừa qua. Mô hình và chính sách quản lý tài nguyên Internet được từng bước xây dựng, phát triển hội nhập quốc tế song hành nhịp nhàng với những điều chỉnh theo đặc thù quản lý quốc gia, đảm bảo tinh thần “hội nhập mà không hòa tan, phát triển hiện đại song song với đáp ứng yêu cầu quản lý”.
Hiện tại, mô hình quản lý tài nguyên Internet Việt Nam là mô hình quản lý hiện đại, phù hợp thông lệ quốc tế và đảm bảo mục tiêu quản lý, phát triển. Đối với nguồn tài nguyên tên (tên miền quốc gia “.vn”), áp dụng mô hình Cơ quan quản lý - Nhà đăng ký. Đối với nguồn tài nguyên số (địa chỉ IP, số hiệu mạng ASN), áp dụng mô hình Cơ quan quản lý IP/ASN cấp quốc gia. Ngay khi đón nhận Internet vào Việt Nam, Tổng cục Bưu điện - cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực Internet vào thời điểm đó đã duy trì quan điểm “thống nhất quản lý đối với nguồn tài nguyên địa chỉ IP”. Tổng cục Bưu điện quản lý thống nhất địa chỉ IP của Việt Nam, thực hiện phân phối cho các tổ chức tham gia hoạt động Internet Việt Nam.
Thời gian đầu, VNPT là đơn vị được Tổng cục Bưu điện ủy quyền tham gia làm thành viên Trung tâm Thông tin mạng khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APNIC) để làm đầu mối xin cấp địa chỉ Internet, đáp ứng nhu cầu hoạt động Internet ở Việt Nam. Sau khi VNNIC thành lập và chính thức đi vào hoạt động, đầu mối xin cấp địa chỉ IP với APNIC được chuyển từ VNPT sang VNNIC. Điểm hạn chế của mô hình này là các vùng địa chỉ trên thực tế được xin cấp phục vụ hoạt động cho nhiều ISP và tổ chức trong nước nhưng về phía APNIC chỉ coi toàn bộ các vùng địa chỉ IP của Việt Nam như tài nguyên của 01 tài khoản thành viên duy nhất. Việc tiếp tục duy trì hình thức này sẽ cản trở việc xin cấp IPv4 đồng loạt của các ISP với khối lượng lớn trong những năm sau này. Sau một thời gian vận động trong khu vực, ngày 31/7/2003, APNIC chính thức công nhận VNNIC là tổ chức quản lý tài nguyên địa chỉ cấp quốc gia (NIR) tại Việt Nam.
Việc VNNIC được APNIC chính thức công nhận là NIR không chỉ khẳng định sự lớn mạnh của cộng đồng Internet Việt Nam mà còn tạo thuận lợi cho các tổ chức tham gia vào hoạt động Internet tại Việt Nam trong việc đăng ký và sử dụng tài nguyên địa chỉ IP trên nhiều phương diện: tiết kiệm chi phí và tài nguyên, đảm bảo khả năng định tuyến, đảm bảo khả năng thực thi chính sách Internet, hạn chế những khó khăn về ngôn ngữ giữa cộng đồng Internet trong nước với APNIC khi đăng ký và sử dụng tài nguyên. Do đó, trong những năm vừa qua, số lượng tài nguyên IPv4 của Việt Nam đã tăng trưởng vượt bậc. Lượng IPv4 ở Việt Nam đạt con số 1 triệu vào năm 2007 và 03 năm sau đó (2010) đạt con số 10 triệu. Tính đến hết Quý I/2015, số lượng địa chỉ IPv4 của Việt Nam là 15.641.600 địa chỉ. Việt Nam là quốc gia sở hữu địa chỉ IPv4 ở mức cao, số lượng IPv4 ở vị trí thứ 2 khu vực Đông Nam Á (sau Indonesia), thứ 8 trong khu vực châu Á và đứng thứ 26 trên thế giới, phục vụ đắc lực cho việc phát triển hoạt động mạng và dịch vụ Internet Việt Nam.
Phát triển mô hình quản lý tên miền quốc gia Việt Nam “.vn”
Trong các loại hình tài nguyên Internet, tên miền được đánh giá là tài nguyên phổ dụng nhất, số lượng đăng ký, sử dụng tên miền là một trong những thông số đánh giá mức độ sử dụng Internet của mỗi quốc gia. Tại Việt Nam, tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” là tên cấp cao nhất (ccTLD) được tổ chức quản lý tên và số cấp cao nhất toàn cầu (ICANN) chuyển giao cho Việt Nam quản lý. Ngay từ những ngày đầu nhận chuyển giao nhiệm vụ quản lý, cấp phát tài nguyên Internet từ Vụ Chính sách Bưu điện trước đây (tháng 10/2000), VNNIC đã từng bước thay đổi phương thức quản lý, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quy trình quản lý cấp phát nhằm giảm thiểu các thủ tục hành chính, đơn giản nhất đến mức có thể các thủ tục cho chủ thể đăng ký. Từ hình thức cấp phát trực tiếp (cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp nhận hồ sơ đăng ký và quản lý, duy trì hoạt động tên miền), thực hiện chủ trương xã hội hóa mô hình quản lý, VNNIC đã xây dựng và phát triển mô hình Cơ quan quản lý - Nhà đăng ký cho tên miền “.vn”, phù hợp với thông lệ chung quốc tế. Mô hình này tách bạch giữa công tác quản lý nhà nước và việc thực hiện các thủ tục đăng ký, duy trì tên miền (được thực hiện bởi các Nhà đăng ký).
Kể từ năm 2008, mô hình Cơ quan quản lý - Nhà đăng ký hoạt động ổn định, góp phần đắc lực đảm bảo đồng thời 2 mục tiêu: tăng trưởng phát triển và yêu cầu quản lý. Tại thời điểm tháng 7/2015, có tổng số 16 Nhà đăng ký tên miền “.vn”, trong đó 05 Nhà đăng ký nước ngoài. Với vai trò là cơ quan quản lý, VNNIC thực hiện trách nhiệm hỗ trợ, hướng dẫn và giám sát các Nhà đăng ký thực hiện đúng các quy định về quản lý và sử dụng tài nguyên Internet, đồng thời quản lý việc đăng ký, sử dụng tên miền “.vn”; giám sát việc sử dụng tên miền đã đăng ký; thực hiện giữ chỗ, bảo vệ tên miền phục vụ cho hoạt động của các cơ quan Đảng, Nhà nước; giữ chỗ khóa không cho đăng ký tên miền có khả năng gây ảnh hưởng đến lợi ích xã hội, phương hại đến an ninh quốc gia, an toàn và hoạt động của hệ thống tài nguyên Internet quốc gia.
Xác lập vị thế của tên miền “.vn” bằng kết quả tăng trưởng và phát triển
Sau ngày thành lập, VNNIC tiếp quản việc quản lý hơn 1.000 tên miền và bắt đầu tiếp nhận công văn và hồ sơ đăng ký tên miền. Từ những năm đầu triển khai thực hiện, bình quân mỗi năm chỉ phát triển được khoảng trên dưới 1.000 tên miền. Tới năm 2008, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Thông tư số 09/2008/TT-BTTTT hướng dẫn về quản lý và sử dụng tài nguyên Internet, thay thế Quyết định số 27/2005/ QĐ-BBCVT, theo đó chính thức xã hội hóa việc đăng ký, sử dụng tên miền “.vn” thông qua các quy định tiếp nhận yêu cầu đăng ký tên miền “.vn” thông qua hệ thống các Nhà đăng ký. Tính đến hết năm 2009,so với các nước trong khu vực ASEAN, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 2 về số lượng tài nguyên tên miền chỉ sau Singapore với khoảng 110.000 tên miền “.sg”. Trong giai đoạn này, ngày 13/01/2010 là một mốc thời gian quan trọng khi “tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” thứ 100.000 đã đạt được trên hệ thống máy chủ tên miền quốc gia”. Ngày 10/01/2011, Thông tư số 189/2010/TT-BTC của Bộ Tài chính có hiệu lực, lệ phí cấp đăng ký sử dụng mới và phí duy trì tên miền “.vn” giảm trung bình 30% (giảm từ 20% đến cao nhất là 98%). Tiếp đó, VNNIC đã chính thức triển khai cấp quyền đăng ký, sử dụng tên miền cấp 3“.vn” có 1 hoặc 2 ký tự dưới các đuôi tên miền cấp 2dùng chung ra cộng đồng. Những yếu tố này đã tạo cú hích mạnh cho thị trường tên miền quốc gia “.vn” đầy tiềm năng. Số lượng tên miền cấp phát mới trong năm 2011 là 80.246 tên miền, gần gấp đôi tên miền đăng ký mới trong năm trước đó. Ngày 09/5/2012, tên miền thứ 200.000 đã được xác lập trên hệ thống máy chủ DNS quốc gia, giúp Việt Nam chính thức vươn lên trở thành nước đứng đầu khu vực ASEAN về số lượng đăng ký, sử dụng tên miền mã quốc gia và duy trì vị trí này cho tới hiện nay. Trong các năm từ 2001 tới hết 2013, bình quân tăng trưởng tên miền “.vn” đạt 172%. Tính đến hết tháng 4/2015, có 311.272 tên miền “.vn” đang hoạt động trên hệ thống máy chủ DNS quốc gia (số liệu do VNNIC công bố tại địa chỉ www.thongkeinternet.vn). Sự tăng trưởng của tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” thể hiện tốc độ phát triển của Internet trong nước, đồng thời phản ánh kết quả tích cực của việc đưa ra các chính sách phù hợp với điều kiện thực tiễn, qua đó khuyến khích và thúc đẩy người sử dụng.
Khác với các tài nguyên tần số, kho số được độc quyền sử dụng trong lãnh thổ Việt Nam, việc quản lý phát triển tên miền quốc gia “.vn” nằm trong mối tương quan cạnh tranh với tên miền quốc tế. Tại Việt Nam, trong những năm đầu của hoạt động Internet, tên miền quốc tế có khoảng thời gian tăng trưởng nhanh, số lượng chủ thể Việt Nam đăng ký sử dụng tên miền quốc tế cao hơn so với lượng đăng ký sử dụng tên miền “.vn”. Kể từ năm 2009, tên miền “.vn” đuổi kịp tốc độ tăng trưởng của tên miền quốc tế và bắt đầu vượt lên từ 2010 với sự cách biệt ngày càng rõ. Sự ổn định tăng trưởng của “.vn” tốt hơn so với tên miền quốc tế. Có nhiều thời điêm, số lượng đăng ký tên miền quốc tế lớn hơn tên miền “.vn”. Tuy nhiên do lượng bỏ, thu hồi tên miền lớn dẫn đến tổng tăng trưởng thực của tên miền quốc tế thấp hơn, có nhiều thời điêm tăng trưởng âm.
Trong quản lý tên miền “.vn”, ngoài việc giám sát các Nhà đăng ký, VNNIC đã thường xuyên thực hiện công tác hậu kiêm việc sử dụng các tên miền nhạy cảm về chính trị xã hội, các tên miền liên quan đến chủ quyền quốc gia, bảo vệ hoạt động thông tin của tổ chức Đảng, cơ quan nhà nước. Hiện tại, VNNIC đã thực hiện giữ gần 500 tên miền biên đảo; tên miền là tên các địa danh giáp biên giới. Đối với công tác bảo vệ tên miền của các tổ chức Đảng, cơ quan Nhà nước, hiện VNNIC duy trì danh sách bảo vệ tổng số 4.604 tên miền của 39 Cơ quan thuộc khối các Bộ, Cơ quan ngang Bộ, Cơ quan trực thuộc Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, các Ban của Đảng, các đoàn thê do Trung ương quản lý; các tổ chức Đảng, cơ quan Nhà nước của 63 Tỉnh, Thành phố.
Bên cạnh việc phát triển tên miền không dấu, VNNIC đã nghiên cứu và triên khai tên miền tiếng Việt (TMTV), góp phần thúc đẩy thông tin thuần Việt trên mạng Internet. Bắt đầu với dự án nghiên cứu khoa học về khả năng đưa tiếng Việt vào ứng dụng trong hệ thống tên miền Internet từ những năm 2001, sau khi nghiên cứu thành công, VNNIC đã dần dần từng bước đưa TMTV vào ứng dụng trong thực tế trở thành một dạng tài nguyên Internet mới và quản lý, cấp phát, khai thác hiệu quả. Tháng 04/2004, TMTV được cung cấp thử nghiệm và được cung cấp chính thức từ tháng 3/200l. Tuy nhiên, TMTV vẫn chưa thu hút được người sử dụng. Số lượng đăng ký TMTV chỉ thực sự bùng nổ và đạt được kết quả ngoài mong đợi kê từ thời điêm triên khai cấp phát TMTV miễn phí theo Thông tư số 189/2010/TT-BTC ngày 24/11/2010 của Bộ Tài chính. Tính đến tháng 09/2014, đã có tổng số 1.015.l01 TMTV trên hệ thống. Báo cáo hiện trạng tên miền đa ngữ trên toàn cầu cho thấy, việc cán mốc 1triệu TMTV đăng ký đã giúp TMTV đánh dấu vị trí đứng đầu về số lượng đăng ký tên miền đa ngữ trên toàn cầu. Điều này cũng cho thấy sự quan tâm lớn của cộng đồng đến TMTV, góp phần thúc đẩy văn hóa thuần Việt trên Internet.
Nguyễn Thị Thu Thủy
(Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) )
(còn nữa)
(TCTTTT Kỳ 1/8/2015)