70 năm Ngành Bưu điện Việt Nam: Tầm quan trọng của giao thông liên lạc đối với sự lãnh đạo và chỉ đạo của Đảng trước Cách mạng tháng Tám

Diễn đàn - Ngày đăng : 20:22, 03/11/2015

70 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng, ngành Bưu điện Việt Nam (nay là ngành Thông tin và Truyền thông) đã phát triển vượt bậc, xây dựng và phát triển một mạng lưới thông tin liên lạc hiện đại ngang tầm khu vực và quốc tế. Nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày Truyền thống Ngành, Tạp chí Công nghệ Thông tin và Truyền thông xin giới thiệu với bạn đọc chùm bài về lịch sử hào hùng của ngành Bưu điện Việt Nam: Kỳ 1- giao thông liên lạc phục vụ lãnh đạo và chỉ đạo của Đảng trước Cách mạng tháng Tám

Lịch sử Bưu điện Việt Nam là lịch sử của dân tộc Việt Nam (không gồm Bưu điện thực dân cướp nước và chính quyền Sài Gòn cũ) bắt nguồn từ công tác giao thông liên lạc bí mật của Đảng trước năm 1945.

Ngay từ năm 1925, Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội (VNTNCMĐCH - tổ chức tiền thân của Đảng do đồng chí Nguyễn Ái Quốc sáng lập cùng các đồng chí lãnh đạo đầu tiên của Đảng) đã đặc biệt quan tâm đến công tác giao thông liên lạc. Lúc bấy giờ Tổng bộ VNTNCMĐCH đóng ở Quảng Châu (Trung Quốc) phải thường xuyên liên hệ với phong trào cách mạng trong nước, qua đầu mối là Kỳ bộ VNTNCMĐCH Bắc Kỳ đóng ở Hà Nội, nên cần phải lập một đường dây liên lạc. Lúc đầu, do tổ chức cách mạng còn nhỏ hẹp, địch lại kiểm soát gay gắt, khủng bố ác liệt nên cán bộ, đảng viên vừa làm công tác phong trào, vừa làm nhiệm vụ giao thông liên lạc. Từ năm 1926, phong trào cách mạng mở rộng, đồng chí Nguyễn Lương Bằng là người đầu tiên tổ chức tuyến giao thông liên lạc Hải Phòng – Hương Cảng và đảm nhiệm công tác liên lạc giữa Hương Cảng – Quảng Châu. Đồng chí Nguyễn Công Thu và một số đồng chí khác lập tuyến liên lạc bằng đường bộ Hà Nội – Hải Phòng – Móng Cái – Đông Hưng - Quảng Châu để chuyển tài liệu, thư từ và đưa đón cán bộ ra Quảng Châu dự các lớp huấn luyện chính trị do đồng chí Nguyễn Ái Quốc mở. Ngoài ra còn có tuyến liên lạc đường thủy Hồng Kông – Sài Gòn. Từ năm 1927, phong trào cách mạng phát triển ở cả 3 Kỳ, yêu cầu giao thông liên lạc cũng đòi hỏi cao hơn giữa các Tỉnh bộ với các Kỳ bộ, giữa Kỳ bộ với Tổng bộ phải luôn luôn “mật thiết” để thống nhất tư tưởng và hành động, bảo đảm sự chỉ huy thống nhất từ trung ương đến các tỉnh ủy, xứ ủy. Tại Hội nghị Trung ương tháng 10/1930 đã quyết nghị: “… Phải tổ chức nhiều cách giao thông để cho các cấp Đảng bộ xa nhau thường thông tin tức cho nhau và cho chuyên…” [1].

Thực hiện nghị quyết, người giao thông viên chuyên nghiệp gồm số đông là đảng viên ưu tú, được thử thách đảm nhiệm như các đồng chí: Trần Bảo,  tuyến Hà Nội – Hải Phòng; Nguyễn Thị Nghĩa, tuyến Vinh – Hà Nội; Hoàng Thị Ái, tuyến Huế - Đà Nẵng, Dương Quang Đông phụ trách mạng liên lạc của xứ ủy Nam Kỳ, v.v.. Trong cả nước, mạng lưới liên lạc của Đảng hình thành 3 trung tâm coi như 3 “Tổng trạm”: Hà Nội (của xứ ủy Bắc Kỳ), Nghệ An (của xứ ủy Trung Kỳ), Sài Gòn (của xứ ủy Nam Kỳ). Từ “Tổng trạm” có đường liên lạc với các tỉnh ủy và xứ ủy bạn. Trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, bên cạnh người giao thông công khai, các chi bộ còn chuẩn bị giao thông viên dự bị bí mật để đối phó khi địch khủng bố ác liệt hơn.

Từ cuối năm 1931, phong trào cách mạng bước vào thời kỳ thoái trào. Mạng lưới giao thông liên lạc bị tan vỡ nhiều nơi. Nhiều chiến sỹ giao thông liên lạc đã trung kiên, bất khuất, anh dũng hy sinh để bảo đảm mạch máu giao thông liên lạc như Lý Tự Trọng, Nguyễn Thị Nghĩa, Nguyễn Thị Lưu, v.v..

Sau một thời gian tạm lắng, phong trào cách mạng lại từng bước được phục hồi và phát triển. Nhờ lòng trung thành và sự tận tụy của những đảng viên, cán bộ làm công tác giao thông liên lạc, nhờ sự che chở của quần chúng cách mạng, nhiều tuyến giao thông liên lạc được phục hồi và tiếp tục hoạt động.

Tháng 3/1935, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Đảng họp ở Ma Cao (Trung Quốc) để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, thống nhất phong trào cách mạng Ban Chấp hành Trung ương ra nghị quyết: “…Sự liên lạc giữa cơ quan hạ cấp với thượng cấp chưa thật bền vững mật thiết… Đảng bộ cần phải có hai, ba mối giao thông khác nhau với Đảng bộ khác… Một người không nên biết nhiều mối giao thông, các mối giao thông của Đảng không được lộn với các mối giao thông của Thanh niên Cộng sản, của Công Hội và các đoàn thể khác” [2].

Từ năm 1936, Mặt trận nhân dân ở Pháp được thành lập, Cách mạng Việt Nam có thêm thuận lợi mới. Nhiều sách báo của Đảng ra đời, hoạt động công khai. Các quán sách, hiệu sách phát hành sách báo tiến bộ được lập nên. Mỗi trụ sở tòa soạn báo và quán sách là một địa điểm liên lạc của Đảng. Phần lớn người bán báo lẻ anh chị em giao thông liên lạc hoạt động công khai bán hợp pháp. Như vậy, thời gian này lực lượng giao thông liên lạc có hai bộ phận: bí mật (hoạt động trên các tuyến đường dây), công khai bán hợp pháp (hoạt động ở các tòa soạn và cơ quan phát hành báo chí của Đảng). Ngoài ra đường bưu điện của chính quyền thực dân cũng được Đảng sử dụng để chuyển tài liệu sách báo cách mạng.

Tháng 9/1939, chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ. Đảng chuyển hướng hoạt động, rút vào bí mật. Để cho “các Đảng bộ từ chi bộ đến trung ương” đều liên lạc mật thiết, Hội nghị Trung ương lần thứ  8 (tháng 5/1940) ra nghị quyết:” Về mặt giao thông liên lạc, nhất là trong tình thế chính trị thường hay bị gián đoạn vì sự khủng bố của quân thù và đường giao thông khó khăn, Đảng ta phải tìm cách đề phòng tai nạn ấy…” [3].

Một sự kiện đáng lưu ý: Hội nghị trung ương lần thứ 7 (tháng 11/1940) có quyết định hoãn cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, nhưng vì giao thông liên lạc khó khăn, chỉ thị không đến kịp nên cuộc khởi nghĩa vẫn nổ ra. Bọn địch khủng bố rất dã man. Một số đồng chí lãnh đạo của Đảng như Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Hồng Phong, v.v.. bị địch bắt và đã hy sinh. Nhiều cơ sở Đảng bị phá vỡ. Điều đó càng khẳng định vị trí quan trọng của công tác giao thông liên lạc đối với công tác lãnh đạo và chỉ đạo của Đảng.

Chuẩn bị công văn tài liệu gói bọc kín để cho giao thông viên lên đường

Tình hình quốc tế và trong nước đang ở giai đoạn khẩn trương khi thực đân Pháp đã đầu hàng phát xít Đức và phát xít Nhật. Đồng chí Nguyễn Ái Quốc quyết định về hẳn trong nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng. Đón trước thời cơ và sự phát triển của cách mạng, đồng chí Nguyễn Ái Quốc chủ trương đưa một số thanh niên yêu nước ra nước ngoài đào tạo về thông tin liên lạc. Tháng 6/1942, mười người được lựa chọn đi học lớp thông tin ở Liễu Châu (Trung Quốc). Mạng lưới thông tin liên lạc của Đảng ngày càng được mở rộng và vững chắc. Đồng chí Nguyễn Ái Quốc cũng dành hẳn một chương nói về thông tin liên lạc khi Người biên soạn quyển sách “Chiến thuật du kích” để làm tài liệu huấn luyện cho các đội du kích. Để đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh chóng của phong trào cách mạng, việc đào tạo cán bộ sử dụng thông tin hiện đại trở nên cấp bách. Thi hành chỉ thị của đồng chí Hồ Chí Minh, đồng chí Võ Nguyên Giáp cho mở lớp báo vụ viên tại Tân Trào. Bác Hồ rất quan tâm đến lớp học này. Thường thường, buổi tối Bác đến lớp học, vừa kiểm tra kết quả học tập vừa nói chuyện thời sự trong nước và quốc tế cho anh em nghe.

Hòa nhịp với phong trào cách mạng sục sôi của nhân dân trong toàn quốc, mạng lưới giao thông liên lạc ngày càng mở rộng. Khối lượng và phạm vi tỏa đều từ Trung ương đến tận cơ sở. Tháng 8/1945, Hội nghị toàn quốc Đảng Cộng sản Đông Dương họp từ 13-15/8/1945 có nghị quyết trước tình hình mới, trong đó vấn đề giao thông liên lạc được đề cập:

“1. Phải đặc biệt chủ trương củng cố giao thông giữa các xứ và các cấp đảng bộ

2. Tích cực tổ chức giao thông trong các ngành vận tải

3. Lập ban giao thông chuyên môn và giúp đỡ đầy đủ cho họ làm trọn nhiệm vụ” [4].

Trên tinh thần đó, tổ chức giao thông liên lạc của Đảng được kiện toàn và củng cố hơn. Tận dụng mọi hình thức hợp pháp, nửa hợp pháp, công khai, ngoài việc liên lạc bằng đường bộ là chủ yếu, phương thức liên lạc bằng vô tuyến điện đã bắt đầu được sử dụng ở căn cứ địa cách mạng Việt Bắc và ở xứ ủy Bắc Kỳ. Trong quá trình hoạt động đã xuất hiện rất nhiều chiến sỹ vô danh, lớp này ngã xuống lớp khác xông lên quyết giữ cho mạch máu giao thông không bao giờ ngừng trệ. Lô Văn Gia, Kim Đồng là những tấm gương sáng mà tên tuổi các Anh đã đi vào sử sách.

Đêm 13/8/1945, Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc ra lệnh khởi nghĩa. Lực lượng giao thông liên lạc của Đảng nhớ lời dạy của Hồ Chủ Tịch: “Việc liên lạc là một việc quan trọng bậc nhất trong công tác cách mệnh, vì chính nó quyết định sự thống nhất của chỉ huy, sự phân phối lực lượng và do đó đảm bảo thắng lợi, hăng hái lên đường làm nhiệm vụ”.

(Còn nữa)