Chủ động chuẩn bị tham gia AEC

Hội nhập - Ngày đăng : 20:21, 03/11/2015

NDĐT - Ngày 28-7-1995, Việt Nam trở thành thành viên chính thức của ASEAN. 20 năm qua, Việt Nam không chỉ hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ thành viên trong khối mà còn thể hiện vai trò tích cực, đóng góp đầy năng động cho phát triển chung.

Dây chuyền may áo jắc-két xuất khẩu sang Đức, Mỹ tại Công ty
TNHH Đồng Tâm (Hải Dương). Ảnh: ĐỨC ANH

Ngày 31-12 tới đây, một cột mốc lịch sử trong tiến trình hội nhập khu vực này là Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ chính thức được thành lập. Phóng viên (PV) Báo Nhân Dânđã có cuộc trao đổi ý kiến với đồng chí NGUYỄN CẨM TÚ (trong ảnh), Thứ trưởng Công thương, Tổng Thư ký Ban Chỉ đạo liên ngành Hội nhập quốc tế về kinh tế chung quanh sự kiện này. 

PV: AEC được coi là cột mốc lịch sử trong tiến trình hội nhập khu vực ASEAN, đưa mức độ liên kết kinh tế của khu vực Đông - Nam Á lên tầm cao mới. Ngày 31-12-2015, AEC sẽ chính thức vận hành. Xin Thứ trưởng cho biết Việt Nam đã chuẩn bị những gì cho bước ngoặt quan trọng này?

Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú: Hướng tới mục tiêu hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN vào ngày 31-12-2015, Việt Nam đã có sự chuẩn bị cả về chủ trương, chính sách cũng như các điều kiện về hành lang pháp lý và kỹ thuật.

Ngay sau khi Hiến chương ASEAN chính thức có hiệu lực vào năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 142/QĐ-TTg ban hành Quy chế làm việc và phối hợp giữa các cơ quan tham gia hợp tác ASEAN của Việt Nam.

Theo đó, Bộ Công thương được giao là cơ quan chủ trì, đầu mối điều phối các hoạt động của Việt Nam trong trụ cột kinh tế ASEAN và Hội đồng AEC. Các bộ, ngành của Việt Nam đều tích cực thực hiện hợp tác ASEAN theo các kênh chuyên ngành phụ trách, đồng thời phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương để bảo đảm thực hiện các nội dung của AEC.

Qua các giai đoạn từ năm 2008 đến nay, Việt Nam luôn là thành viên nghiêm túc trong việc thực thi các cam kết AEC với tỷ lệ thực hiện từ 85% đến 95% tùy từng giai đoạn và thuộc nhóm các nước có tỷ lệ thực thi cao nhất (cùng với các nước Xin-ga-po, Ma-lai-xi-a). Một số biện pháp còn lại mà Việt Nam và các nước ASEAN cần phải hoàn thành chủ yếu thuộc các lĩnh vực về thuận lợi hóa thương mại, dịch vụ, đầu tư và giao thông vận tải là những lĩnh vực các bên đều gặp nhiều khó khăn hơn khi triển khai trong nước. Việt Nam và các nước ASEAN đang trong quá trình xây dựng Tầm nhìn của AEC sau năm 2015 và xác định rằng, chương trình nghị sự của ASEAN phải đưa ra chiến lược cụ thể để giải quyết những khó khăn nêu trên.

PV: AEC không chỉ mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ mà còn cả thị trường lao động. Dư luận xã hội đang hết sức quan tâm tới việc mở cửa thị trường này, các thỏa thuận về lao động theo các cam kết trong AEC sẽ tác động tới việc làm của người lao động nước ta. Thứ trưởng có thể chia sẻ một số quan điểm về thị trường lao động dưới tác động của AEC?

Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú: Tương tự như tự do hóa trong lĩnh vực thương mại, việc từng bước mở cửa thị trường lao động sẽ giúp các nước ASEAN khai thác hiệu quả hơn nguồn lực con người của khu vực. Lao động nước ta có thêm nhiều cơ hội tìm việc làm ở nước ngoài. Đồng thời, thị trường lao động nước ta cũng đã từng bước mở cửa cho lao động nước ngoài tới Việt Nam làm việc để bổ sung lực lượng trong những lĩnh vực lao động mà chúng ta còn hạn chế.

Trong khuôn khổ các thỏa thuận tự do thương mại với ASEAN, việc luân chuyển lao động giữa các nước thành viên được điều chỉnh bởi các cam kết mở cửa các ngành dịch vụ và các thỏa thuận công nhận lẫn nhau. Các thỏa thuận này sẽ tạo cơ hội thuận lợi hơn cho lao động có tay nghề lưu chuyển trong khu vực. Tôi nhấn mạnh là các cam kết trong AEC sẽ điều chỉnh dịch chuyển của lao động có kỹ năng, chứ không phải lao động phổ thông.

Trong điều kiện chúng ta đang thiếu lao động chuyên môn cao trong nhiều lĩnh vực, việc mở cửa hơn thị trường lao động với ASEAN sẽ giúp chúng ta đáp ứng phần nào nhu cầu trước mắt về lao động chất lượng cao bằng nguồn lực từ các nước láng giềng, hỗ trợ tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Bên cạnh đó, mở cửa thị trường lao động trong ASEAN cần được hiểu là lao động trong ASEAN sẽ được tạo thuận lợi hơn khi dịch chuyển giữa các nước thành viên. Nhưng không có nghĩa sự dịch chuyển này tự do, không có sự điều tiết. Mỗi quốc gia, thông qua các cơ quan quản lý chuyên ngành, hiệp hội ngành nghề... sẽ có những biện pháp phù hợp quản lý lực lượng lao động này, định hướng nó phù hợp với các mục tiêu phát triển của mình.

Về dài hạn, Chính phủ đã xem xét các giải pháp đồng bộ để cải thiện chất lượng nguồn lực lao động của nước ta. Lực lượng lao động cần phải được cải thiện về năng lực chuyên môn, ngoại ngữ, các kỹ năng sống, sức khỏe... Đây là những vấn đề Chính phủ đang tính đến trong quá trình cải cách giáo dục, tổ chức sắp xếp lại các cơ sở đào tạo nghề...

PV: AEC hình thành sẽ đem đến nhiều cơ hội và cả thách thức mới cho các doanh nghiệp (DN). Vậy Chính phủ đã có những giải pháp gì để hỗ trợ DN khi thời điểm thành lập AEC đang đến gần, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú: Các DN vừa là đối tượng, vừa là chủ thể của hội nhập kinh tế quốc tế nói chung cũng như AEC nói riêng. Thành công của AEC đối với Việt Nam phụ thuộc vào mức độ các DN tận dụng được các cơ hội từ tiến trình này.

Để hỗ trợ các ngành sản xuất trong nước có năng lực cạnh tranh còn thấp có thêm thời gian chuẩn bị, Bộ Công thương đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan kiên trì đàm phán, giải thích để các nước thành viên ASEAN thông cảm và linh hoạt đối với Việt Nam trong việc thực hiện cam kết mở cửa thị trường đối với một số mặt hàng nhạy cảm bao gồm cả việc cho phép kéo dài thời gian hoàn thành cam kết tới năm 2018, thay vì năm 2015 như các nước thành viên phát triển hơn.

Để các DN nắm bắt kịp thời tình hình đàm phán và cam kết mở cửa thị trường, song song với việc đàm phán và ký kết các hiệp định, các bộ, ngành liên quan đã thường xuyên tham vấn DN, tổ chức các hình thức thông tin tuyên truyền giới thiệu về nội dung cam kết.

Đặc biệt, thuận lợi hóa thương mại được coi là một giải pháp trọng tâm nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của DN, giúp các DN tận dụng tốt hơn các cơ hội của AEC. Trong bối cảnh các rào cản tiếp cận thị trường tại biên giới giữa các thành viên ASEAN (thuế, phi thuế...) đã được dỡ bỏ, việc thực hiện cải cách, hiện đại hóa thủ tục liên quan xuất, nhập khẩu có ý nghĩa hết sức quan trọng giúp các DN cắt giảm chi phí thời gian, tiền bạc... qua đó nâng cao sức cạnh tranh so với các DN trong khu vực. Trên tinh thần đó, Chính phủ đã chỉ đạo Tổng cục Hải quan chủ trì cùng các bộ, ngành liên quan triển khai "Cơ chế một cửa quốc gia" với mục tiêu điện tử hóa các thủ tục xuất, nhập khẩu của các bộ, ngành và kết nối với đầu mối Tổng cục Hải quan. Các nước ASEAN sẽ kết nối các "Cơ chế một cửa quốc gia" với nhau để hình thành "Cơ chế một cửa ASEAN". Việc thực hiện các cơ chế một cửa sẽ là bước đột phá trong tiến trình cải cách hành chính và có ý nghĩa không chỉ đối với hội nhập khu vực ASEAN mà còn cả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế nói chung của Việt Nam.

AEC là sự phát triển tiếp nối của Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) và tiến trình liên kết khu vực ASEAN sẽ tiếp tục phát triển lên những cấp độ cao hơn. Những cơ hội và thách thức từ tiến trình này về cơ bản chúng ta đã nhận thức được. Các DN Việt Nam cũng đã làm quen và thích nghi dần với môi trường cạnh tranh ASEAN qua gần 20 năm thực thi AFTA. Tôi tin tưởng với truyền thống sáng tạo, kiên cường vượt khó của dân tộc, các DN Việt Nam sẽ có sự chuẩn bị phù hợp và tiếp tục gặt hái thành công trong hợp tác khu vực.