VNPT khẳng định cước 4G không đổi so với 3G
Diễn đàn - Ngày đăng : 23:37, 21/10/2015
Phó Tổng Giám đốc VNPT-Net Nguyễn Nam Long tham gia Tọa đàm Việt Nam tiến lên 4G như thế nào. Ảnh: Việt Hải
Trao đổi tại tọa đàm “Việt Nam tiến lên 4G như thế nào?” do Câu lạc bộ Nhà báo CNTT tổ chức chiều 21/10, câu hỏi: “giá cước dịch vụ 4G sẽ ở mức nào?” dành nhiều sự quan tâm của các đại biểu tham dự.
Là doanh nghiệp hiện đang chờ được Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cấp phép thử nghiệm, ông Nguyễn Nam Long, Phó Tổng Giám đốc VNPT-Net cho hay, công nghệ 4G so với 3G dự kiến chỉ khác nhau về tốc độ download. Khi VNPT triển khai 4G, người sử dụng sẽ không bị tăng giá cước so với đang dùng 3G với cùng một mức dung lượng sử dụng nhưng lại được được trải nghiệm tốc độ cao hơn. Như vậy, có thể nói, giá của dịch vụ dữ liệu data 4G chỉ tính theo dung lượng, chứ sẽ không tăng. Sẽ không có sự phân biệt về giá giữa dịch vụ công nghệ 4G và 3G.
“Quan điểm của VNPT là không thử nghiệm về công nghệ vì đã chín muồi, chỉ thử nghiệm về thương mại, thử trải nghiệm của người dùng và nhận đánh giá phản hồi. Nếu Bộ cấp phép, mạng lưới của VNPT đã sẵn sàng. Toàn bộ trạm cũ đấu nối vào trạm trung tâm đều đã đầu tư cáp quang, khi triển khai 4G chỉ cần nâng cấp hệ thống thiết bị ở trạm và trung tâm là có thể triển khai ngay”, ông Nguyễn Nam Long nói.
Cũng theo đại diện VNPT, Tập đoàn này khi triển khai sẽ đi thẳng lên LTE-Advance. Tốc độ tối đa dự kiến thử nghiệm là 450Mbps download. Ông Nguyễn Nam Long cho rằng, khi tốc độ tăng thì dung lượng sử dụng nhiều hơn, qua đó doanh thu sẽ nhiều hơn. Người dùng chấp nhận trả tiền dung lượng nhiều hơn, còn giá bình quân trên dung lượng thì giống nhau, không phân biệt 2G, 3G hay 4G.
Tuy nhiên, việc tính cước dịch vụ công nghệ 4G sẽ ra sao vẫn phải theo sự quy định của nhà nước. Theo ông Trần Tuấn Anh, Trưởng phòng Quy hoạch, Cục Viễn thông, Bộ TT&TT, giá cước dịch vụ 4G sẽ phải do doanh nghiệp tự xác định. Nhà nước không quy định giá sàn, giá trần của dịch vụ mà chỉ quy định với một số dịch vụ như viễn thông công ích hoặc dịch vụ kết nối.
Trước đó, khi đưa ra nhận định về vấn đề giá cước 4G, các chuyên gia thuộc các tập đoàn công nghệ cũng cho rằng, các nhà mạng sẽ không phân biệt cước 3G và 4G mà tính theo dung lượng. Ông Thiều Phương Nam - Tổng giám đốc Qualcomm Đông Dương cho biết, tại nhiều nước trên thế giới, các nhà mạng có thể đưa ra các gói cước 3G và 4G khác nhau dựa theo mô hình kinh doanh của họ, song phần lớn nhà mạng bán dịch vụ data theo dung lượng mà không phân biệt data đó là 3G hay 4G.
Theo ông Nam, 4G có tốc độ tải tin nhanh nên lượng tiêu thụ sẽ nhanh hơn, và nếu người dùng mua gói cước dung lượng nhỏ - sẽ hết nhanh - phải mua gói cước dung lượng lớn hơn và điều này sẽ đem lại doanh thu lớn hơn cho nhà mạng.
Thực tế cho thấy, nền tảng công nghệ 3G cho phép người sử dụng đọc tin tức, lướt web, xem phim, tải nhạc, chơi game, tải game và các phần mềm nhưng chất lượng dịch vụ nhiều khi vẫn chưa thỏa mãn nhu cầu của người dùng do tốc độ đường truyền hạn chế, nhất là đối với những dịch vụ xem phim trực tuyến, đào tạo trực tuyến, khám bệnh trực tuyến, dịch vụ sử dụng định vị giám sát giao thông…
Tuy nhiên, với 4G-LTE lại cho phép người sử dụng có thể truyền tải dữ liệu với tốc độ cao có thể gấp hơn 20 lần tốc độ băng thông cao nhất của dịch vụ 3G, có những tính năng vượt trội như thoại dựa trên nền IP, truyền số liệu và đa phương tiện với tốc độ cao hơn so với các mạng di động hiện nay. Ở tốc độ cao nhất, người dùng có thể tải một bộ phim chỉ trong 5-6 giây và gửi 100 bài hát chỉ mất 2,4 giây.
Với nhiều tính năng, tiện ích là vậy, thế nhưng, vấn đề đặt ra đó bài toán hiệu quả khi triển khai 4G. Theo nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng, nhà mạng phải thực sự lắng nghe nhu cầu từ phía người dùng, phải có nhu cầu thì việc kinh doanh dịch vụ công nghệ 4G mới có thực chất và hiệu quả. Chỉ có như vậy, dịch vụ công nghệ 4G khi được triển khai mới thực sự đem lại hiệu quả cho chính các doanh nghiệp, cũng như thực sự thu hút, hấp dẫn người dùng.
Hiền Mai/VNPT