Giáo dục lòng yêu nước qua những bằng chứng lịch sử và pháp lý

Diễn đàn - Ngày đăng : 10:40, 21/10/2015

Từ ngày 8 đến 15/5/2015, Đoàn công tác của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã thực hiện chuyến hành trình thăm và làm việc trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.

Cán bộ chiến sỹ hải quân nhân dân Việt Nam tham quan triển lãm tại đảo Song Tử Tây

Đoàn đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, trong đó tổ chức triển lãm và trao tặng cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân tại xã đảo Song Tử Tây nhiều tư liệu, bản đồ quý “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” được thu thập từ Việt Nam và các nước trên thế giới. Nhân dịp này, phóng viên Trung tâm Thông tin đã phỏng vấn Chuẩn đô đốc Nguyễn Ngọc Tương, Phó Chính ủy Quân chủng Hải quân xung quanh hoạt động ý nghĩa này.

PV: Xin Chuẩn đô đốc cho biết những nét cơ bản về bộ tài liệu quý “Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” do Bộ TT&TT trao tặng nhân dịp Đoàn ra thăm, làm việc tại huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1?

Chuẩn Đô đốc Nguyễn Ngọc Tương: Các thành viên của Đoàn công tác cũng như quân và dân xã đảo Song Tử Tây thực sự có ấn tượng về bộ tư liệu, bản đồ “Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” được trưng bày và trao tặng cho đảo. Tôi nghĩ đây là món quà hết sức quý giá, có tác dụng thiết thực, như lời của đồng chí Trương Minh Tuấn – Thứ trưởng Bộ TT&TT đã phát biểu trong triển lãm, góp phần giúp quân và dân huyện đảo Trường Sa nói chung, xã đảo Song Tử Tây nói riêng hiểu hơn và có trách nhiệm hơn về chủ quyền đất nước.

Những tư liệu quý mà Bộ TT&TT trao tặng cho quân và dân tại xã đảo Song Tử Tây lần này gồm nhiều tư liệu, bản đồ được thu thập từ Việt Nam và các nước trên thế giới (có cả Trung Quốc). Trong đó, nhóm lịch sử hình thành, thực thi và quản lý trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa nói chung gồm: Thư tịch cổ; Châu bản Triều Nguyễn; Các văn bản quản lý trước năm 1975 thời pháp thuộc và Việt Nam Cộng hòa; Quản lý Trường Sa ngày nay. Nhóm tư liệu về Trường Sa xây dựng và phát triển gồm: Tiếp quản Trường Sa; Sản xuất và sẵn sàng chiến đấu của quân và dân trên đảo Trường Sa, cả nước với Trường Sa... Và nhóm tư liệu của ngành Thông tin và Truyền thông trong việc phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam.

Chuẩn đô đốc Nguyễn Ngọc Tương trả lời phỏng vấn báo chí

Những tư liệu này góp phần chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, vốn được tổ tiên người Việt bao đời và các nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ khai phá, xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền quốc gia từ trước thế kỷ 17 và duy trì một cách liên tục, hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Việc trao tặng bộ tư liệu trên càng có ý nghĩa vì đúng dịp Kỷ niệm 40 năm giải phóng Trường Sa. Nhóm tư liệu giúp cho quân và dân hiểu hơn từ sau khi giải phóng, Trường Sa đang ngày càng mạnh về phòng thủ, đẹp về cảnh quan, kinh tế - xã hội đã và đang phát triển từng ngày.

PV: Bộ tư liệu quý này có ý nghĩa như thế nào đối với cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam nói chung và cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên xã đảo Song Tử Tây nói riêng, thưa Chuẩn đô đốc?

Chuẩn đô đốc Nguyễn Ngọc Tương: Bộ tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” là tài sản tinh thần to lớn, không chỉ thể hiện về mặt khoa học, phục vụ cho công tác nghiên cứu mà còn là bộ tài liệu quý có giá trị pháp lý, chứng minh chủ quyền biển đảo của Việt Nam đã xác lập đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ rất sớm.

Bộ tư liệu quý giá này đã được Bộ TT&TT tặng cho Quân chủng, hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Hải quân; mới đây Bộ đã tặng cho Học viện Hải quân và các Bộ Tư lệnh vùng Hải quân. Đây là điều kiện để Quân chủng tiếp tục phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền về biển, đảo; đáp ứng tốt hơn nhu cầu tìm hiểu, tham quan học tập của cán bộ, chiến sĩ và các lực lượng đóng quân trên địa bàn. Đồng thời, giúp cho các tầng lớp nhân dân nhận thức đúng đắn về chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Từ đó, nâng cao nhận thức, khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm hơn trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Mặt khác, những bằng chứng lịch sử và pháp lý về chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa khẳng định lập trường chính nghĩa của Việt Nam, nói lên ý chí bảo vệ chủ quyền, nhưng cũng phản ánh mong muốn của nhân dân Việt Nam trong việc giải quyết các tranh chấp, duy trì hòa bình, ổn định khu vực.

PV: Theo Chuẩn đô đốc, ngoài việc giáo dục truyền thống cho cán bộ, chiến sĩ, bộ tư liệu này còn thể hiện điều gì?

Chuẩn đô đốc Nguyễn Ngọc Tương: Các tư liệu được Bộ TT&TT trao tặng nhân dịp này thể hiện tình cảm, trách nhiệm của lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức của Bộ đối với chủ quyền, lãnh thổ của đất nước nói chung, với biển, đảo nói riêng.

Và đây là một cách tri ân các thế hệ người Việt Nam đã có công khai phá, làm chủ, bảo vệ chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc. Đồng thời là lời tri ân tới đồng bào, đồng chí trong và ngoài nước đã dày công sưu tầm, lưu giữ và truyền lại thế hệ hôm nay và mai sau những tư liệu quý giá về chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Những bằng chứng quan trọng này sẽ nhắc nhở mỗi người dân Việt Nam phải luôn biết ơn các thế hệ đồng bào, chiến sĩ đã chịu đựng gian khổ, hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

PV: Thời gian gần đây, vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo có những diễn biến hết sức phức tạp, ẩn chứa nhiều nguy cơ khó lường. Vậy, theo Chuẩn Đô đốc chúng ta phải làm gì?

Chuẩn đô đốc Nguyễn Ngọc Tương: Thời gian gần đây, vấn đề tranh chấp ở Biển Đông có những diễn biến phức tạp, thu hút sự quan tâm của dư luận trong nước và quốc tế. Trong bối cảnh đó, cùng với việc đẩy mạnh các mặt đấu tranh nhằm bảo vệ chủ quyền quốc gia thì việc sưu tầm, công bố các tư liệu, những bằng chứng khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cần được quan tâm hơn, để cùng với tuyên truyền làm cho các tầng lớp nhân dân hiểu rõ hơn quá trình xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc trên biển của biết bao thế hệ người Việt Nam.

Cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam luôn thấu hiểu giá trị thiêng liêng về chủ quyền, biển, đảo của Tổ quốc; trân trọng và tôn vinh những cống hiến to lớn của các thế hệ đi trước đối với quá trình xác lập và bảo vệ chủ quyền quốc gia. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Hải quân nhân dân Việt Nam vẫn luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, khắc phục khó khăn, sẵn sàng chiến đấu hy sinh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên các vùng biển, đảo và mối quan hệ hữu nghị, tốt đẹp với các nước trong khu vực, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Ngô Xuân Lộc